GS Lê Văn Lan "bật mí" về Hoàng thành Thăng Long

Thời sựThứ Tư, 04/08/2010 06:56:00 +07:00

(VTC News) – "Chúng tôi cũng đã mong đợi, thậm chí là trông mong là nó sẽ được công nhận vào dịp Đại lễ 1000 năm Thăng Long".

(VTC News) – Trò chuyện với VTC News sau khi Hoàng thành Thăng Long được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới, GS sử học Lê Văn Lan, ủy viên Hội đồng tư vấn khoa học khu di tích Hoàng thành Thăng Long đã tiết lộ thêm nhiều chi tiết thú vị và đưa ra những nhận định về ý nghĩa của sự kiện trọng đại này của Hà Nội.

Thông tin khu di tích Hoàng thành Thăng Long được công nhận là di sản văn hóa Thế giới đã được dư luận đón nhận trong niềm vui sướng, đó là niềm vinh dự, tự hào của mọi người dân nước Việt Nam.

 

Để có được kết quả này, các giáo sư và cả bộ phận tư vấn nước ngoài đã làm việc rất nghiêm túc và trách nhiệm trong suốt 2 năm qua. Phóng viên VTC News đã có cuộc trò chuyện với GS Lê Văn Lan, ủy viên Hội đồng tư vấn khoa học khu di tích Hoàng thành Thăng Long.

 

- Xin giáo sư cho biết cảm xúc của mình khi biết tin khu di tích Hoàng thành Thăng Long được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới?

 

Trước tiên, phải nói rằng tôi rất phục đoàn đi đàm phán. Bà Ngô Thị Thanh Hằng đứng đầu đoàn đàm phán là người cực giỏi, bên cạnh đó còn có anh Châu (Phạm Sanh Châu, Tổng thư ký UBQG UNESCO VN - p/v) và cô Lý (bà Lê Thị Minh Lý, Cục phó Cục Di sản văn hóa - p/v)… Đấy là những chuyên gia đi bảo vệ thành công nhiều danh hiệu mà tôi hay dùng cái chữ “xin giấy giới thiệu”.

 

Những lần nào có bà Hằng đi (Ngô Thị Thanh Hằng, phó Chủ tịch UBND TP HN - p/v) đều có tin vui, vì bà là người làm việc có tài ngoại giao, đàm phán giỏi. Vì thế cái mừng đầu tiên là mừng cho đơn vị đi đàm phán đã rất thành công.

 

Cái mừng thứ hai là chúng tôi nhận được sự hỗ trợ của các giáo sư, các nhà nghiên cứu ngoại quốc. Họ đã từng đến đây cùng làm việc với tôi để thẩm định và bàn bạc. Họ đều là những người rất có thiện ý. Chúng tôi mừng vì đây là cơ hội để cảm ơn hai lực lượng đó, lực lượng đi đàm phán và lực lượng bỏ phiếu cho chúng ta mà là người nước ngoài.

 

Tại sao lại phải cảm ơn như thế? Vì ở khâu làm hồ sơ 500 trang đưa đi thì khó khăn nhiều vô kể. Giá trị của di tích Hoàng thành này là rất rõ nhưng cái khó là làm thế nào cho khớp cái giá trị ấy với 6 tiêu chí để được công nhận. 6 tiêu chí ấy là cái mà người ta dựa vào để phản đối, để lưu lại đó một năm. Chúng tôi đã phải cố gắng để hồ sơ về Hoàng thành không rơi vào cảnh bị họ bác bỏ mà bị lưu lại một năm còn hơn.

 

 GS sử học Lê Văn Lan, ủy viên Hội đồng tư vấn khoa học khu di tích Hoàng thành Thăng Long

Nhưng mà lưu lại một năm cũng coi như thất bại, vì dịp 10/10/2010, người ta biết có nhiều việc tiến hành không ưng ý, nhưng nếu mà được danh hiệu này nó sẽ cứu phần nào những cái không ăn ý kia. Cho nên chúng tôi ai cũng hy vọng nó được công nhận ngay trong dịp này, đúng vào tháng 7 để rồi vào tháng 10/2010 làm lễ công bố trao bằng đúng dịp Đại lễ là rất đẹp.

 

Nó là thời cơ có một không hai, nhưng thời cơ ấy không chắc lắm ở chỗ là phải tìm được lý do để thuyết phục cả thế giới với những “thế lực” rất khác nhau, hơn 20 nước. Thế cho nên làm thế nào để đạt được sự đồng thuận của tất cả thì việc đầu tiêu là chọn ra tiêu chí nào đấy gọi là thuyết phục nhất. Đấy chính là cái công phu và cũng là sự hồi hộp lo lắng trong hơn một năm chuẩn bị.

 

- Việc khu di tích Hoàng thành Thăng Long được chính thức công nhận là Di sản văn hóa thế giới có một ý nghĩa như thế nào với thủ đô HN và của VN, thưa giáo sư?

 

Trước đó, Việt Nam đã có 5 di sản thế giới được Unesco công nhận. 3 di sản văn hóa: Quần thể di tích cố đô Huế, năm 1993, Thánh địa Mỹ Sơn và Phố cổ Hội An (đều năm 1999) và 2 di sản thiên nhiên: Vịnh Hạ Long, năm 1994, được công nhận mở rộng vào năm 2000 và Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, năm 2003.

Ý nghĩa này rất dễ nhận ra. Trong tiêu chí thứ nhất mà chúng tôi trình ra, nó là dấu hiệu, là chứng cớ bằng vật chất của một trung tâm quyền lực quốc gia và dân tộc 1.300 năm. Đấy chính là giá trị đối với Thăng Long - Hà Nội. Thăng Long - Hà Nội là kinh đô, là thủ đô, và ai cũng biết là trung tâm quyền lực quốc gia. Ai cũng chỉ biết nó là 1.000 năm, nhưng ở đây nó là vật thể sờ được của 1.300 năm trong cái trung tâm quyền lực ấy. Đấy là giá trị nổi bật.

 

Thứ hai, Hoàng thành Thăng Long chính là nơi thu nhận, giao lưu và tán phát các ảnh hưởng văn hóa không chỉ đối với miền đất kinh kỳ này mà là đối với cả nước, đối với cả khu vực. Những gốm sứ của Nhật, của Trung Quốc, những đồng tiền của tất cả các nơi… là bằng cớ cho thấy nó chính là trung tâm giao lưu hội tụ và phát tán các giá trị văn hóa.

 

Thứ ba, nó là một nơi biểu hiện ra những ưu điểm của việc quy hoạch kiến trúc, trang trí, thẩm mỹ, mỹ thuật của kinh đô 1.000 năm này.

 

Rất mừng là cả ba tiêu chí này chúng ta đều chọn đúng nếu không chưa chắc chúng ta đã được chấp nhận.

 

- Thưa giáo sư, việc Hoàng thành Thăng Long được bình chọn là di sản văn hóa thế giới là sự kiện được dư luận quan tâm trong những ngày qua, đặc biệt là Thủ đô Hà Nội. Đây có phải là món quà có ý nghĩa đặc biệt với nhân dân Thủ đô dịp Đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội?

 

Chắn chắn là như thế. Trước đây gần hai năm khi bắt tay vào việc thực hiện làm hồ sơ, chúng tôi cũng đã mong đợi, thậm chí trông mong là nó sẽ được công nhận vào dịp Đại lễ 1.000 năm Thăng Long và suốt hai năm vừa qua, chúng tôi hồi hộp theo dõi từng bước, từng bước một. Tháng này người ta họp kiểu này, tháng sau khi họ cử người đến thì đã phải có cả một chiến lược và tất cả được phân bố để việc được công nhận rơi đúng vào dịp Đại lễ. Đây cũng chính là món quà của nhân dân Hà Nội.

 Khu di tích Hoàng thành Thăng Long chính thức được công nhận là di sản văn hóa Thế giới. Ảnh: Internet

 

- Thưa giáo sư, vậy là Việt Nam có thêm một di tích văn hóa thế giới nữa. Theo giáo sư chúng ta phải làm gì để bảo vệ và gìn giữ di tích đó xứng đáng là địa danh được UNESCO công nhận?

 

Đây chính là vấn đề mà chúng tôi lo nhất, thậm chí có thể dùng từ mừng và lo lẫn lộn nhưng lo nhiều hơn. Trong khâu làm hồ sơ, chúng tôi đã nhận ra những khó khăn của việc thuyết phục mọi người công nhận, nhưng cũng đã hình dung được những khó khăn khi đã được công nhận, không phải hô khẩu hiệu, không phải nhảy cẫng lên reo hò mà là làm những việc thực tế. Vậy bất cứ việc thực tế nào trong cái mà ta gọi là hậu công nhận là còn khó khăn hơn tất cả. Cái khó khăn ấy làm nên bởi những yếu tố thực trạng gì?

 

Thứ nhất, chúng ta mới chỉ khoanh vùng bảo vệ và xin danh hiệu được cho khoảng 20 ha trong số 140 ha của khu Hoàng thành. Như vậy trong tay chúng ta mới chỉ có cái hoa mỹ, cái vui vẻ của 1/7 diện tích đích thực của khu Hoàng thành.

 

Thứ hai, ngay trong cái 1/7 ấy thì cũng không phải là được trọn vẹn bởi rất nhiều phần trong 20 ha ấy quân đội vẫn đóng, vẫn chưa trả, cho dù nhà nước đã có chỉ thị.

 

- Khu di tích trung tâm Hoàng thành Thăng Long đã là Di sản Văn hóa thế giới, nhưng đằng sau nó là sự vào cuộc một cách tích cực của Đảng, Nhà nước, các Bộ, ban, ngành và Thành phố Hà Nội, đây có thể coi là một sự vào cuộc rất đồng thuận, thưa giáo sư?

 

Đúng vậy, tất cả đều đồng thuận. Tất cả các các ban, ngành, cá nhân và tập thể ai cũng đều đồng thuận một cách tích cực, nhiệt tâm và sáng tạo. Có thể nói đó cũng là tâm lý của cả dân tộc và người dân Thủ đô.

 

Kiên Cường

 

Bình luận
vtcnews.vn