Google bị phạt 500 triệu USD vì quảng cáo thuốc

Khoa học - Công nghệThứ Sáu, 26/08/2011 01:00:00 +07:00

( VTC News) - Google đã phải móc túi trả hơn 500 triệu đô tiền phạt cho cơ quan điều tra, vì những quảng cáo phi pháp cho hãng dược phẩm Canada

( VTC News) - Google đã phải móc túi trả hơn 500 triệu đô tiền phạt cho cơ quan điều tra, vì những quảng cáo phi pháp cho hãng dược phẩm Canada.

Theo tin từ Reuters, Bộ tư pháp Mỹ cho rằng, việc làm của Google đã tiếp tay cho hãng dược phẩm Canada quảng cáo các loại thuốc không đáp ứng tiêu chuẩn an toàn của cơ quan quản lý dược phẩm Mỹ và vi phạm luật nhập khẩu các loại thuốc theo toa vào thị trường nước này.

Google là công cụ tìm kiếm online hàng đầu thế giới có doanh thu lên tới 29 tỷ USD, chỉ tính riêng trong năm 2010. Và khoản tiền mà Google phải nộp tương đương với số tiền mà hãng này nhận được từ những mẩu quảng cáo cũng như doanh thu mà nhà sản xuất dược phẩm Canada kiếm được từ thị trường Mỹ.

Điều đáng quan tâm đối với bộ tư pháp là một số nhà thuốc của Canada không sử dụng đơn thuốc khi bán mà lại sử dụng biện pháp "tư vấn trực tuyến" để cấp phát dược phẩm.

Nhiều hiệu thuốc chấp nhận cách thức "tư vấn trực tuyến" hơn là trả phí bảo hiểm cho bác sĩ để có thể nhận được đơn thuốc, vì rất nhiều cá nhân sẵn sàng trả cao hơn giá các loại thuốc mà họ muốn có để không phải tới gặp bác sĩ.

Hình ảnh biểu tượng của trang quảng cáo Google Adwords (ảnh:Reuters)

Một câu hỏi được đặt ra cho những dược phẩm được quảng cáo tại Google AdWords là liệu chúng có an toàn hay không?

Theo bộ tư pháp Mỹ, vì Canada có những quy định riêng để quản lý đối với việc cấp phát thuốc theo đơn, nên thuốc mà hãng dược phẩm Canada bán cho cư dân Mỹ không thuộc đối tượng quản lý của cơ quan này. Những dược phẩm này hoàn toàn có thể được mua lại từ một quốc gia khác, không phải Canada, nơi không có những quy định cụ thể về chất lượng thuốc. Và dù được phép sản xuất và lưu hành nhưng khi nhập khẩu, các loại thuốc nêu trên phải được quản lý theo luật pháp của Mỹ, chứ không phải Canada.

Google đã cho phép những quảng cáo của hãng dược phẩm Canada trên trang mạng của mình trong thời gian từ năm 2003 cho tới năm 2009, và phải tới tận tháng hai năm 2010, hãng này mới công bố dừng hoạt động trên.

Quyết định của bộ tư pháp dường như đã làm hài lòng những nhà nghiên cứu và sản xuất thuốc tại quốc gia này. Đây cũng có thể coi là một hình thức cảnh tỉnh người tiêu dùng khi lựa chọn đặt mua hàng mà cụ thể là mặt hàng dược phẩm qua mạng internet.

Hải Vân



Bình luận
vtcnews.vn