Góc tối Mà Sa Phìn: Những chuyện kinh dị ở nơi nhìn đâu cũng thấy vàng (Kỳ 1)

Thời sựThứ Hai, 05/09/2016 07:45:00 +07:00

Bước chân đến đất Mà Sa Phìn, chỉ cần nhìn xuống dưới đất người ta sẽ thấy đâu đâu cũng có vàng.

LTS: Trên con đường gian nan đi vào bãi vàng Mà Sa Phìn, xã Nậm Xây (Văn Bàn, Lào Cai), chúng tôi được người dân và phu vàng kể về những góc tối kinh hoàng của rốn vàng lớn nhất Lào Cai. Ở nơi đó, người ta chỉ cần cúi xuống là nhặt được vàng, nơi mạng người bị coi rẻ, nơi nhiều cái chết bị chôn vùi trong im lặng vì đồng tiền đã bịt miệng người sống, nơi chỉ có làm việc hay là chết và luật pháp nằm trong tay các “tướng” mỏ vàng.  Và ở đó, người ta mê muội trong làn khói trắng - ma túy. 

Hành trình vào rốn vàng Mà Sa Phìn, chúng tôi phải ngủ lại ở bản Phù Lá Ngài (cách trung tâm xã khoảng 8-10km) vì đường từ đó vào đến bãi vàng bị sạt lở nghiêm trọng và trời cũng đã nhập nhoạng tối.

Sau chuyến thực địa của đoàn công tác do Chủ tịch tỉnh – Đặng Xuân Phong dẫn đầu, có đến hơn 50 điểm sụt sạt trên toàn bộ đoạn đường dài khoảng 27 km từ trung tâm xã và đến mỏ vàng.

Từ Phù Lá Ngài vào đến bản Mà Sa Phìn còn khoảng 5 – 6 km nữa. PV buộc phải dừng chân tại quán tạp hóa ven đường của vợ chồng anh Triệu Tòn Nhất. Tại đây, bà con tập trung rất đông vì cả chục km quanh đây chỉ có duy nhất 1 quán bán hàng.

Dân bản nhìn chúng tôi như muốn hỏi: “Sao nhiều nhà báo vào Mà Sa Phìn thế?”. Nhưng chẳng ai dám lên tiếng cho đến khi chúng tôi ngỏ lời. Biết chúng tôi muốn vào mỏ vàng, dân bản bảo: “Vào đó phải đi bộ mất vài tiếng mới đến nơi, đến được bãi vàng thì trời cũng tối rồi.”

resized_img_7012-0813

Đường vào bãi vàng Mà Sa Phìn có những nơi sạt lở hoặc bị  nước cuốn trôi hoàn toàn. 

Với người dân nơi đây, việc phu vàng bị chết do sập hầm, do sạt lở hay lũ cuốn trôi không quan trọng. Họ chỉ biết đó là chết, và dường như những cái chết ấy quá bình thường ở cái nơi thâm sơn cùng cốc này. Nó thường đến độ người ta thấy lạ khi nhà báo tận Hà Nội cất công lội bộ vào đến đó để tìm hiểu.

Đêm đó, chúng tôi ngủ lại nhà của Nhất, ông chủ cửa hàng tạp hóa "oách" nhất bản còn nấu cơm mời PV ăn cùng.

Sáng hôm sau, một mình tôi cuốc bộ vào bãi vàng Mà Sa Phìn. Nhất chở tôi bằng xe máy đi được thêm vài trăm mét nữa thì phải dừng lại, vì đoạn đường khoảng 6 km trước mắt đã bị đất vùi lấp hoàn toàn. Nói là đi vào nhưng có lẽ phải gọi là leo núi thì đúng hơn. Bởi Mà Sa Phìn là bản nằm cao nhất trên đỉnh Chứ Hù, nhìn lên đó ngoài mây mù thì chẳng thấy được gì khác.

Nơi nhìn đâu cũng thấy vàng

 
Vàng đấy, cái này ở Sa Phìn có đầy, anh nhặt ở chỗ lở đất này làm gì cho bẩn. Đi lên thêm tý nữa, chỗ mấy khe nước chảy ra đường còn nhiều lắm, tha hồ mà lấy.

Phu vàng

Hành trình vào Mà Sa Phìn, tôi mới hiểu được tại sao người ta lại gọi nơi đây là rốn vàng. Đó là bởi, ở xứ “khỉ ho cò gáy” này, chỉ cần cúi mặt xuống đất, nhìn đâu đâu cũng thấy có vàng.

Vàng lấp lánh trong những đống đất đá bị sạt lở vùi lấp con đường, vàng tạp chất nằm trong những viên đá lăn lóc dưới suối. Nhặt bất cứ viên đá nào ở nơi đây, đều thấy nó lấp lánh ánh vàng.

Tuy nhiên, đây chỉ là vàng sa khoáng, lẫn trong đất đá của vùng sơn cước trù phú. Ngoài quặng vàng, Mà Sa Phìn còn có trữ lượng vonfram, titan… rất lớn.

Theo số liệu từ năm 2010, mỏ vàng Mà Sa Phìn là mỏ vàng gốc có công suất khai thác 30.000 tấn quặng nguyên khai/ năm.

Video: Mà Sa Phìn, nơi cúi xuống là nhặt được vàng

Dù chỉ mới chớm nhìn thấy những nóc nhà của bản Mà Sa Phìn sau 2 giờ đồng hồ đi bộ, nhưng tôi đã cảm nhận được trữ lượng giàu có của các mỏ vàng. Tại đây, tôi được tận mắt thấy và cầm trên tay những viên đá có chứa vàng sa khoáng lấp lánh. Nó xuất hiện ở khắp nơi, từ chỗ ta luy dương bị sạt lở cho đến những viên đá dải đầy trên đường.

Thấy tôi cúi xuống nhặt nhặt, ngắm ngắm những viên đá lấp lánh, một nhóm phu vàng mặc hốc hác, trắng bệch vã mồ hôi, đi bộ từ trên núi xuống nhìn tôi nói: “Vàng đấy, cái này ở Sa Phìn có đầy, anh nhặt ở chỗ lở đất này làm gì cho bẩn. Đi lên thêm tý nữa, chỗ mấy khe nước chảy ra đường còn nhiều lắm, tha hồ mà lấy.”

Đúng như lời đám phu vàng nói, từ chân bản Mà Sa Phìn những khe nước róc rách chảy ra từ trong núi, nước chảy qua đường, có nhiều đoạn nước ngập đến đầu gối. Dưới khe nước, những viên đá óng ánh vàng nhiều không kể siết. Từ viên bé bằng 2 ngón tay cho đến nắm đấm, thậm chí là cả tảng to như cái chậu vàng óng nằm đầy trên đường, dưới suối.

vang-ma-sa-phin-0817

 Những quặng đá có chứa vàng như thế này nằm đầy trên đường đi, dưới lòng suối dẫn đến Mà Sa Phìn.

Em Dương Văn Thắng (SN 1997, quê ở Bảo Lâm, Cao Bằng) công nhân tháo chạy từ trong bãi vàng ra sau trận sạt lở bảo rằng, viên đá trên tay tôi cầm chỉ là vàng non lẫn trong đất đá.

“Ở trên mỏ, bọn em còn phải vào sâu trong hầm đào lấy quặng ra để nghiền vàng. Vàng ở đây nhiều lắm” – Thắng nói.

Sau khi quặng vàng được nghiền, người ta sẽ dùng hóa chất để tách vàng cũng như những kim loại quý khác. Nhưng phải công nhận, vàng ở đây nhiều thật, trên mỏ chẳng khó để nhặt được những viên quặng có chứa vàng lấp lánh, vàng óng.

vang-ma-sa-phin-2-0820

 Những mẩu quặng vàng óng ở Mà Sa Phìn, thứ mà đám trẻ con vẫn nhặt về ném trâu bò khi chăn thả.

Đêm trước ngủ lại nhà của Nhất, cậu ta cũng kể với tôi về sự giàu có tài nguyên mà ông trời ban cho Mà Sa Phìn. Nhất kể, nhiều năm trước, khi chưa được nhà nước quản lý, người dân còn tự do khai thác, có người trong bản còn đào được cả cân vàng. Từ nghèo đói, bỗng dưng trở nên giàu có.

Tiền không được trả, mạng sống mất như chơi

Nhưng cũng vì vàng, mà nơi đây chứng kiến không biết bao nhiêu câu chuyện đau thương.

Những người trực tiếp cảm nhận nỗi đau từ vàng là đám công nhân hay còn được người dân gọi là phu vàng. Sau vụ sạt lở, nhiều lán trại bị vùi lấp, các tốp phu vàng thi nhau tháo chạy sau khi thoát chết. Họ bảo, có lán hơn 20 người bị đất đá trên núi sạt xuống vùi lấp cả.

Nhóm của Thắng có 3 người, cả 3 mặt non choẹt, cùng quê Cao Bằng. Chúng kể, hôm xảy ra mưa lũ, đất đá sạt xuống cuốn trôi lán, nhiều người bị đất cuốn đi lăn lông lốc, may mà bám được vào cây rồi nhanh chân chui vào hang đá nên thoát chết.

cam00033-0821

Nhóm của Thắng (ngoài cùng bên phải) tháo chạy khỏi bãi vàng mà không được chủ giả cho đồng tiền công nào.  

Sáng hôm sau, nhiều người sợ hãi tháo chạy khỏi mỏ vàng để về quê. Nhóm của Thắng lên gặp tướng (cách gọi chủ của dân phu vàng) để xin về, đồng thời yêu cầu được trả lương. Không trả tiền công, tướng còn chửi mắng thậm tệ nhóm của Thắng. Sợ bị đánh, cả 3 đành cuốc bộ đi ra ngoài huyện bắt xe về quê mà trong người không có một đồng xu dính túi.

Không chỉ nhóm của Thắng, mà rất nhiều nhóm phu vàng khác tôi gặp trên đường đều xác nhận việc không được chủ trả tiền. Hầu hết đều ra về với 2 bàn tay trắng sau giấc mộng đổi đời nơi bãi vàng ở thâm sơn cùng cốc.

“Chủ không cho tiền chúng tôi, nhưng chúng tôi cũng phải về thôi, ở đó sợ quá. Không được trả tiền nhưng còn mạng để về còn may, nhiều người còn chết ở đó mà chẳng tìm thấy xác” – Giàng A Sú (Lai Châu) cho biết.

Nhiều phu vàng kể rằng, trên mỏ có những cái chết trong im lặng, nhiều vụ tai nạn bị “ém” đi. Ở đó, chỉ có luật ngầm do các tướng đặt ra và công nhân bị bóc lột sức lao động thậm tệ.

Đón đọc kỳ 2: Những cái chết oan nghiệt nơi rừng sâu

Video: Con đường độc đạo lên bãi vàng Mà Sa Phìn 

Đức Thuận - Kim Thược
Bình luận
vtcnews.vn