Gò Ma Việc và 40 bộ xương 2.000 năm tuổi (kỳ 2)

Phóng sự - Khám pháThứ Năm, 06/05/2010 06:00:00 +07:00

(VTC News) - Họ dùng những chiếc dầm nhỏ, đào, gạt đất cát rất tỉ mỉ, rồi ngay trong đêm, chuyển hết 40 bộ hài cốt đi đâu không rõ.

(VTC News) - Họ thuê tổ săn chuột (tổ phụ trách diệt chuột của xã) quật hết những chiếc tiểu chứa hài cốt mới cải táng trước đó. Họ dùng những chiếc dầm nhỏ, đào, gạt đất cát rất tỉ mỉ, rồi ngay trong đêm, chuyển hết 40 bộ hài cốt đi đâu không rõ.

Những ngôi mộ thân cây khoét rỗng được bảo quản sơ sài ở Bảo tàng Hải Dương. 

Vào năm 1997, xã Lương Bằng phát động nhân dân trong xã nạo vét, đắp bờ sông Tính Linh, đoạn chảy qua cánh đồng thôn Động Xá. Công việc nạo vét liên tục gặp “sự cố”, vì ngày nào cũng đụng phải những chiếc quan tài kỳ lạ, làm bằng thân cây khoét rỗng, mà các nhà khoa học gọi là mộ thuyền. Điều kỳ lạ là bên trong những quan tài thân cây này vẫn còn nguyên xương cốt. Mỗi khi gặp mộ cổ, công việc nạo vét lại phải tạm dừng để tiến hành mai táng cho các cụ về nơi cao ráo.
Thật khó có thể tin, đã trải qua hơn 2.000 năm dưới lòng đất, chiếc quan tài bằng thân cây vẫn còn nguyên vẹn. 

Trong quá trình nạo vét sông, di chuyển mộ, tổ phụ nữ đã đào được một chiếc trống đồng rất đẹp. Ông Đào Văn Nhiêu, nguyên Chủ tịch xã Lương Bằng kể: “Khi đào được trống đồng, tổ phụ nữ báo cho xã, chỉ 2 tiếng sau, công an đã kéo về đông nghịt thôn Động Xá, rồi chiếc trống đồng được đưa lên tỉnh khẩn cấp. Sau này, tivi, đài báo đưa tin ầm ĩ, mới biết đó là chiếc trống đồng Đông Sơn loại một rất quý hiếm”.

Kể từ khi phát hiện chiếc trống đồng, các nhà khoa học về tận nơi tìm hiểu mới biết rằng, Động Xá là một “nghĩa địa mộ thuyền” khổng lồ.
Mỗi lần cải tạo, nạo vét sông Tính Linh đoạn chảy qua làng Động Xá lại đào được hàng chục mộ thuyền. 

Người phát hiện mộ thuyền đầu tiên ở Động Xá là ông Lê Xuân Thu. Khoảng năm 1991, ông Thu tiến hành đào mảnh ruộng trũng trước nhà làm ao thả cá. Đào xong ao, ông Thu cũng quật lên cả chục quan tài hình thân cây khoét rỗng.

Trong những chiếc quan tài làm bằng thân cây đó, có rất nhiều đồ tùy táng bằng đồng, gốm. Ông Thu và những người đào được mộ đều đem xác các cụ đi chôn, hương khói cẩn thận, thành kính.

Sau này, rất nhiều hộ dân trong làng Động Xá, khi nạo vét ao chuôm, đồng ruộng, đào được mộ cổ, cũng đều đem táng ra nghĩa địa hoặc gò đất giữa cánh đồng như ông Thu từng làm. Tất cả đồ tùy táng đều được người dân chôn theo xương cốt. Chẳng ai trong xóm tơ hào thứ gì của “người cõi âm”.
Gò Ma Việc, nơi người dân Động Xá thường cải táng các cụ khi đào phải mộ cổ. 

Đang lang thang ở gò đất có gốc đa nằm trơ trọi giữa cánh đồng làng Động Xá, nơi mà người dân Động Xá chôn nhiều hài cốt do vô tình đào phải mộ thuyền, thì tôi gặp anh Đào Xuân Phúc, khi anh đang nhổ cỏ trên mấy nấm mồ. Anh Phúc bảo, từ ngày đào được mấy cụ, cải táng các cụ ra đây, cứ ngày rằm, ngày Tết, anh đều hương khói chu đáo cho các cụ.

Theo lời kể của anh Phúc, vào năm 2008, anh xin xã cho thầu hai bờ sông Tính Linh để trồng bạch đàn và chăn thả vịt. Anh nuôi một đàn vịt đến gần ngàn con.

Cuối năm 2008, đàn vịt của anh trèo lên bờ, làm lở vài đoạn bờ sông. Địa phương yêu cầu anh phải đắp trả. Anh Phúc đã cùng với anh Tiên đào một đoạn bờ sông dài gần 50m để đắp bờ. Vừa đào xuống lòng sông độ 30cm, thì trúng ngôi mộ thuyền, loại mộ mà người dân Động Xá vẫn đào được thường xuyên.
Anh Phúc chỉ 3 nấm mộ mà anh mới cải táng. 

Không muốn “dây dưa”, anh Phúc liền múc bùn đắp lại, rồi tiến hành đào chỗ khác. Không ngờ, vừa cắm xẻng xuống chỗ khác, lại đụng phải mộ. Sợ quá, anh Phúc không dám đào xuống lòng sông nữa, cũng bỏ luôn việc đào sông đắp bờ.

Kể chuyện đào phải mộ với vợ, vợ anh Phúc hoảng quá, liền đi gặp một bà đồng để hỏi ý kiến. Bà đồng kia đã khuyên vợ chồng anh Phúc cải táng cho các cụ, rồi thờ cúng chu đáo thì các cụ sẽ phù hộ cho. Nghe vậy, vợ chồng anh Phúc liền thuê ông Hộ, người chuyên làm nghề cải táng trong làng chuyển mộ các cụ lên gò đất giữa đồng, gọi là gò Ma Việc.

Khi ông Hộ tiến hành đào hai ngôi mộ thuyền dưới lòng sông, thì lại phát hiện ra ngôi mộ nữa. Điều đặc biệt là cả ba ngôi mộ này đều còn nguyên vẹn xương cốt và riêng ngôi thứ 3 có tới 2 hộp sọ, một to, một nhỏ, một sọ người lớn, một sọ trẻ em. Bên trong những ngôi mộ thuyền đều có đồ tùy táng bằng đồng, gốm, chủ yếu là những chiếc rìu đồng nhỏ bằng 3 ngón tay.

Anh Phúc đã mua 3 chiếc tiểu, đặt xương cốt các cụ, rồi chôn ngay doi đất bờ ruộng, cạnh gò Ma Việc. Những đồ tùy táng đào được anh đều gói vào túi nilon rồi chôn cạnh những ngôi mộ này.
Anh Phúc bảo rằng, chỉ cần bới chỗ vết nứt trên nấm mộ là thấy đồ tùy táng anh chôn theo. 

Anh Phúc kể: “Hôm chôn các cụ xong, tôi đã báo cáo trưởng thôn Đào Công Luyến, đề nghị anh Luyến chứng nhận cho tôi không xâm phạm mồ mả, không chiếm đoạt tài sản từ mộ cổ, mộ cổ cũng không có vàng bạc gì. Tuy nhiên, anh trưởng thôn bảo không cần, vì cả làng, ai cũng đào được mộ, rồi bắt anh ấy chứng nhận thì rách việc lắm”.

Cũng theo lời anh Phúc, mới đây, khi xã Lương Bằng tiếp tục phát động nạo vét sông Tính Linh lần nữa, đã đào được tổng cộng 40 ngôi mộ bằng thân cây khoét rỗng.

Những người tham gia nạo vét sông đã góp tiền thuê ông Dục cải táng cho các cụ lên gò Ma Việc với giá 50 ngàn đồng/ngôi mộ. Hôm cải táng, có đủ 40 chiếc tiểu sành, xếp thẳng hàng ngang dọc, khói hương nghi ngút. Các cụ được chôn xin xít với nhau ở gò Ma Việc. Quan tài của các cụ là những thân cây khoét rỗng, được tận dụng làm cọc chắn bùn, bậc kê lên xuống ở bờ sông để vác đất.
Khu vực mà đoàn cán bộ về đào bới, mang đi 40 bộ xương cốt vẫn còn lộ rõ dấu vết. 

Anh Phúc kể tiếp: Chỉ hai tháng sau, bỗng đâu xuất hiện một đoàn cán bộ, với ôtô xếp hàng đầy bờ sông. Họ thuê tổ săn chuột (tổ phụ trách diệt chuột của xã) quật hết những chiếc tiểu chứa hài cốt mới cải táng trước đó. Họ dùng những chiếc dầm nhỏ, đào, gạt đất cát rất tỉ mỉ, rồi ngay trong đêm, chuyển hết 40 bộ hài cốt đi đâu không rõ…

Còn tiếp...

Phạm Ngọc Dương

Bình luận
vtcnews.vn