Giorgio Bettinelli - "gã khùng" của "tôn giáo" Vespa

Tổng hợpThứ Tư, 02/10/2013 02:21:00 +07:00

Sự phổ biến của xe đạp, hiệu suất của xe máy, sự tiện nghi của ô tô đã tạo nên chiếc xe Vespa lịch sử - một trong biểu tượng của văn hóa Ý.

Ý tưởng tạo ra một phương tiện giao thông có đủ tất cả các yếu tố: sự phổ biến của xe đạp, hiệu suất của xe máy, sự tiện nghi của ô tô đã tạo nên chiếc xe Vespa lịch sử - một trong biểu tượng của văn hóa Ý. Đó là lý do mà nhà văn, nhà báo, nghệ sĩ người Ý Giorgio Bettinelli đã quyết định thực hiện cuộc hành trình từ quốc gia này sang quốc gia khác bằng chiếc xe Vespa cổ lỗ sĩ. Mới đây, cuốn sách kể về hành trình đó mang tên “Vespa du ký – Từ Roma đến Sài Gòn” đã được Đại sứ quán Italy tại Việt Nam và công ty sách Thái Hà giới thiệu.

Điều gì thúc đẩy một anh chàng ba mươi bảy tuổi nhảy lên yên xe Vespa rồi không thể dừng chân nữa, cứ thế hình dung và thực hiện những lộ trình nối muôn nẻo xa xôi trên thế giới, mà nếu xét tới cái phương tiện anh lựa chọn thì khoảng cách giữa các quốc gia xa như những dải thiên hà. Chắc chắn là trước khi nhảy lên chiếc Vespa, Giorgio Bettinelli đã hoàn tất những chọn lựa của mình, quyết định bỏ việc, tạm xa gia đình và cuộc sống êm đềm, trở thành một người du ký. Để có thể đưa xe qua những vùng hoang sơ và nguy hiểm, hoàn thành chuyến du hành xa xôi, anh phải có một niềm đam mê cháy bỏng. Không phải bất cứ phương tiện nào khác, chỉ có thể là chiếc Vespa. Đó là biểu tượng có khả năng gắn kết lý trí và trái tim của tác giả tới mức khiến anh cảm thấy là chính mình khi ngồi trên yên xe. Tác giả và xe Vespa rong ruổi không ngừng tới những nơi đã biết và chưa biết, tới những điểm hữu hạn và vô hạn. 

 

Cán đích
Ở đích hành trình, ngày 1/3/1993, đúng bảy tháng sau khi khởi hành từ Ý và trải qua 24.000 cây số, Bettinelli dựng chân chống chiếc Vespa ở quảng trường trung tâm của thành phố Hồ Chí Minh, trước một cửa hàng giải khát, nơi chiếc radio cầm tay đang lẹt xẹt âm thanh của một ca khúc Việt Nam. Ông tự thưởng cho mình một điếu thuốc đầu tiên sau tất cả quãng thời gian đó, tưới đẫm mình bằng từng ngụm bia lạnh để ngây ngất trong cảm giác thích thú. Sự kết hợp tuyệt vời của những hương vị đường phố, cùng cảm giác thở phào sau chặng hành trình quá dài khiến ông khe khẽ khép đôi mi và bất giác run rẩy khắp cơ thể. 
Việc giữ lời hứa “Không điếu thuốc nào cho tới tận Sài Gòn” đã phần nào thể hiện tính cách của Bettinelli, rất nghiêm khắc với bản thân mình và với những bản lề đã tự đặt ra mà ông gọi là sự “tự cưỡng ép”. Với bộ ria còn lấm lem bọt bia, ông rống lên một tiếng dài, thoạt đầu còn dè dặt, sau thật vô tư, trong sự hiếu kỳ thích thú của một vài người Việt Nam đã bắt đầu tụ tập xunh quanh và lắc đầu vẻ hoài nghi. Vào thời điểm đó, Việt Nam vẫn chưa phải một điểm đến du lịch thời thượng. 
Tạm bằng lòng với điểm kết của hành trình, sau khi xem qua một vài căn phòng tồi tàn, Bettinelli quyết định tự thưởng cho mình một chỗ ở tươm tất, ít ra ngày hôm đó cũng có cớ ăn mừng ngay cả có phải tiêu đến những tờ 20 đôla cuối cùng còn sót lại trong túi. Và quyết định đó không lầm, ông gặp một cô lễ tân người Việt Nam mà mới liếc nhìn đã khiến đầu óc ông điên đảo. Trong mắt ông, phụ nữ Việt Nam thường rất đẹp và cực kỳ thanh lịch trong những bộ đồ giản dị, bó sát làm tôn lên mọi đường nét, mang đến vẻ nữ tính hoàn hảo trong mỗi chuyển động của cơ thể. Ông cố gắng lục lọi trong ba lô, gạt qua chật ních những quần áo bẩn, những chiếc sơ mi cổ sờn, những chiếc quần bò tơi tả sau nhiều tháng trời rong ruổi trên khắp nẻo đường Châu Á, mà chủ yếu là đường xấu, cố gắng tạo lại trật tự cần thiết cho mái tóc dài lâu không cắt. Thật là một anh chàng du ký đáng yêu và như mới yêu lần đầu! 
Hẹn hò hụt với cô gái Việt Nam xinh xinh, tối đó, khi đang nằm dài trên giường, mồ hôi vã ra như tắm vì cái nóng ngột ngạt ngự trị khắp căn phòng, lướt qua tâm trí ông là những ký ức chồng chéo và rời rạc về hành trình vừa trải qua. Một du kích người Kurad (nhóm dân tộc chủ yếu sống ở Kurdistan, nằm ở phần giáp nhau của Iraq, Iran, Syria và Thổ Nhĩ Kỳ) khoác khẩu súng trường trên vai và ngôi chùa Wat Pho ở Bangkok, những đụn cát ở Balochistan và “ngựa người” ở Calcutta, những chén trà hình hoa tulip ở Thổ Nhĩ Kỳ và những viên đá Lapis Lazuli trong những bức tranh khảm của nhà thờ Hồi giáo ở Esfahan (loại đá màu xanh lục có năng lượng mạnh, thường được dùng để chế tác quả cầu phong thủy hay đồ trang sức), những đoàn người tiến về lễ hỏa táng trên triền sông ở Benares, đám đông xe kéo tắc nghẽn trước cột đèn giao thông ở Dhaka, cái môi sứt của một người phụ nữ ở Hà Nội, một trạm xăng ở Huế, những bức phù điêu ở Persepolis… 

 

Chiếc Vespa siêu cổ lỗ sĩ 
Mười tháng trước đó, Giorgio Bettinelli mua lại chiếc Vespa cũ từ anh bạn Wayan làm bồi bàn ở Bali. Cậu bồi bàn mới 24 tuổi nhưng đã có 5 đứa con trai, và chỉ vài tuần sau, vợ anh sẽ sinh hạ đứa con thứ sáu. Với một đàn con như vậy, anh chàng luôn túng thiếu, liên tục hỏi vay tiền Bettinelli, và cuối cùng là tặng Giorgio chiếc xe Vespa như một cách trả ơn. Chiếc xe quá cũ kỹ, một đống sắt vụn méo mó và hoen gỉ tứ tung. Đến thời điểm đó, Bettinelli đã sống tám tháng ở ngôi làng nhỏ bên bờ Đông của hòn đảo vẫn chưa bị du lịch hóa ở thiên đường Bali. Bức tranh cuộc sống thanh bình mà ông tạo ra quanh mình thật hoàn hảo, và đã chuẩn bị tinh thần sẽ đóng khung nó lên cho thật đẹp. Cuộc sống đó đối lập với những ngày phiền muộn, những điều thường lệ, nhàm chán vốn đã bóp nghẹt dạ dày, lần nào cũng cùng kiệt, giống như vắt một cái giẻ ướt, rồi ném trả một cú bất ngờ vào bụng. 
Ông bỏ lại ở Ý một mối quan hệ tưởng rằng có thể kéo dài cả đời, nhưng qua nhiều năm nó đã trở nên nguội lạnh và nghĩ đến việc cố sống cùng nhau tới tuần tiếp theo cũng có vẻ khó nhọc. Nhờ việc cho thuê nhà ở Roma, ông có thể trông cậy vào khoảng 700.000 lia mỗi tháng được người thuê nhà gửi đều đặn vào ngân hàng. Ở bất kỳ quốc gia nào của Châu Âu, một khoản tiền như vậy chỉ phù hợp với một hoàn cảnh khổ sở thực sự. Nhưng ở Đông Nam Á, dù đôi khi có tiêu xài “hoang phí”, nhưng hết tháng này qua tháng khác, ông chưa bao giờ tiêu hết quá nửa số tiền. Đây cũng là một nguồn tài chính dù ít ỏi nhưng ổn định đưa ông qua hành trình dài trên lưng “ong”. Nghe có vẻ vô lý nhưng đúng là khi ông không làm việc và sống theo cách Bettinelli muốn, ông lại kiếm được nhiều tiền hơn khi làm việc và căm ghét cách sống của mình. 
Lại nói về chiếc xe, sau khi được anh chàng bồi bàn hân hoan tặng lại, ông mới phát hiện ra những khiếm khuyết còn trầm trọng hơn cả những vết méo mó và những mảng hoen gỉ khắp thân xe. Phanh xe có vẻ như đã vô tác dụng, lốp xe quá mòn, cái bánh xe dự trữ chẳng thấy đâu, còn đèn pha phía trước không biết ai đã thó mất, chỉ còn trơ lại một lỗ to tướng, như cái hốc mắt thiếu con người. Ông trèo phốc lên yên xe đầy miếng vá, đặt tay lên tay lái, mấp máy môi một cách vô thức brừm brừm như hồi bé lúc nắm chặt vô lăng xe ô tô của bố. Sau một vài nỗ lực, chiếc xe bắt đầu chạy như rùa trên con đường đất quanh bãi biển. Đám trẻ bụi đời ngực trần đồng thanh hét vang xung quanh: “Giorgio, đồ hề”. Vậy mà chỉ cần chưa tới 45 đôla cho một anh thợ người Indonesia, chiếc xe được tút tát như mới với lời khẳng định, loại xe này không bao giờ hỏng. Kể từ hôm đó, ông bắt đầu phóng xe như điên trên những con đường ở Bali, thường xuyên không trở về nhà vào ban đêm, ngủ lại bất cứ nơi nào có thể. 
Sau đó, ông quyết định về Ý để bắt đầu hành trình từ Roma tới Sài Gòn. Có lẽ chính ông cũng không tưởng tượng được rằng, những chuyến đi của ông cứ thế kéo dài hơn và lâu hơn, trong đó dài nhất là chuyến đi từ Chile đến Tasmania với chiều dài 144.000 km. Cuộc đời phiêu bạt của huyền thoại Vespa khép lại với chuyến đi vòng quanh Trung Quốc trong 18 tháng. Năm 2008, ông bất ngờ qua đời vì một cơn bạo bệnh ở Trung Quốc. Cho đến nay, người yêu Vespa trên toàn thế giới vẫn coi ông là một trong những huyền thoại Vespa vĩ đại.

 

Kỷ niệm với một người Ý nồng nhiệt
Chưa bao giờ gặp Bettinelli nhưng ngài Lorenzo Angeloni – Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Italia tại Việt Nam, cũng là một nhà văn khá nổi tiếng, cảm thấy đã học được nhiều điều về nghề nghiệp qua trang viết của người đàn ông bụi bặm nhất nước Ý. Ngài đã chia sẻ: “Mỗi nhà văn đều đưa những cách nhìn thế giới riêng vào trang sách của mình. Giorgio viết về Việt Nam với sự tò mò khi đến một đất nước mới, với tình yêu dành cho những con người mới. Vì thế, cuốn sách hấp dẫn hơn với câu chuyện về trẻ em, về phụ nữ, về những người lao động bình dị được kể lại đầy trìu mến, dí dỏm dưới ngòi bút của ông. Cũng là một nhà văn, tôi học được cách quan sát chi tiết và cách hành văn, kể chuyện của Giorgio. 20 năm đã qua từ khi nhà báo Giorgio đặt chân đến Tp.HCM để kết thúc hành trình, đến nay, sự nhiệt tình, thân thiện, chào đón của người dân Việt Nam dành cho bạn bè Ý vẫn như vậy”. Còn tiến sỹ văn hóa đọc Nguyễn Mạnh Hùng, Tổng Giám đốc Công ty sách Thái Hà thì đã coi đây là một thành công của đường lối ngoại giao nhân dân. 
Với những người bạn Việt Nam, nhất là các nhân viên lâu năm của đại sứ quán Italia tại Việt Nam, họ nhớ mãi những kỷ niệm với một người bạn Ý thân thiện, nồng nhiệt. Ông Hoàng Minh Tâm, một nhân vật được nhắc đến trong những cuốn sách với tên là T, anh rất bất ngờ khi nghe thông tin người bạn Ý đã qua đời khi đang trong hành trình ở Trung Quốc. Với vị trí “làm tuốt”, ông Tâm trong thập kỷ 90 từng đồng thời làm thông dịch viên, người đưa tin, người lo liệu giấy tờ với chính quyền địa phương kiêm cả tài xế, người biên dịch các văn bản chính thức và người đánh máy. Hai người đã phải cùng chờ đợi, xếp hàng, nhịn ăn ở hải quan, tìm cách rút chiếc xe Vespa đang đóng hộp đưa vào Việt Nam để Giorgio có thể tiếp tục hành trình. Ông Tâm nói, có thể lo được việc đó với 500 hoặc 600 đôla, để chiếc xe không phải bị niêm phong đóng thùng chết dí ở sân bay Nội Bài. Theo ông Tâm, ở thời điểm đó, Giorgio Bettinelli chính là khách du lịch đầu tiên vào Việt Nam với một chiếc xe gắn máy. Khi nhận được giấy phép đưa xe vào Việt Nam, Giorgio nhìn chằm chằm tờ giấy trên tay, suýt phát khóc vì cảm động. Ông Tâm đã phải tìm cách sục một chút xăng từ bình xăng của anh để đổ sang bình xăng của Bettinelli, một anh chàng Ý thấp bé, đen và gầy guộc sau sự vất vả của đường xa vạn dặm. Giorgio không bao giờ quên được khoảnh khắc những âm thanh lách tách trên con đường trải sỏi từ nhà kho của sân bay dẫn ra đường quốc lộ về Hà Nội, những người phụ nữ đội nón lá và mặc quần sa tanh đen đi bộ thoăn thoắt dưới sức nặng của đôi quang gánh, những cây lúa lấp lánh trên những cánh đồng và những chiếc xe đạp cũ kỹ với tay lái cao và chân chống xếp hàng trên đường, mọi người giảm tốc độ đạp xe lại chào Giorgio. Đó là một vẻ đẹp thanh bình và hoàn hảo. 20 năm đã trôi qua, ông Tâm cũng nhớ mãi buổi trưa khi chờ đợi các thủ tục kéo dài, hai người bạn, một cao lớn người Việt, một bé nhỏ người Ý đã bá vai nhau làm dịu cơn đói bằng những nắm cơm, bánh chưng, quả chuối ở các mẹt hàng ven đường. 
Có lẽ nhờ những người như ông Tâm, mà trong cuốn sách “Vespa du ký – Từ Roma đến Sài Gòn”, Giorgio đã viết: “Người Việt Nam thân thiện và vui tươi, họ sẵn sàng cởi mở với số người ngoại quốc ít ỏi tình cờ gặp mặt, sau tất cả nỗi đau họ phải gánh chịu trong chiến tranh, cứ như thể họ không còn chút thù hận nào với người phương Tây, thậm chí còn luôn vui vẻ mỉm cười, chứ không phải cười nhạo ngay khi có cơ hội. Người Việt Nam khao khát cháy bỏng được vui chơi và quên lãng thay vì ngồi trong xó xỉnh để gặm nhấm những vết thương. Đây chính là những điều khiến tôi ngỡ ngàng nhất qua mỗi lần tiếp xúc với họ và nó càng làm tăng thêm ý nghĩa thần thoại sẵn có của dân tộc này”. 

 

Những hành trình nối nhau không dứt
Và khi đã đến Sài Gòn, sau khi tìm kiếm đỏ mắt ở rất nhiều cửa hàng một miếng đề can với lá cờ đỏ sao vàng năm cánh mà không sao tìm được, người ta khuyên Giorgio đặt làm cho mình một cái ở cửa hiệu treo những dải đề can đủ sắc màu. Và với sự khéo léo và nhanh nhẹn đáng kinh ngạc, người thợ cắt đã hoàn thành dòng chữ “Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” thật tinh xảo. Giorgio nhớ lại chàng họa sĩ Giotto nhỏ bé ở Ý, cũng với khả năng tương tự đã viết dòng chữ “From Italy to Vietnam” trên thân xe. Ông hoàn thành bộ sưu tập đề can quốc kỳ các quốc gia nơi mình đi qua trên thân chiếc xe cũ kỹ. 
Và khi đến thăm nhà của cô tiếp tân khách sạn tên Kiều mà ông đem lòng yêu mến, giúp cậu bé Tim em cô gái học trên cuốn Atlas, ông đột nhiên bị mất tập trung bởi một ý nghĩ, với ngón tay mình, ông lần theo đường bao bờ biển Thái Bình Dương, từ Alaska, xuống nữa tới Chile và tới tận vết bé xíu nửa xanh lá cây nửa hồng chắc hẳn tượng trưng cho vùng Đất Lửa. Ông tưởng tượng mình trên chiếc Vespa giữa những dải băng và người Eskimo, giữa những rừng cây ở Canada và những cánh đồng cỏ nước Mĩ, giữa những kim tự tháp ở Mehico… Kênh đào Panama, Colombia… Đó là lý do ông tiếp tục lên đường, mải miết tới tận giây phút cuối cùng của cuộc đời ý nghĩa. Giờ đây, có lẽ ông đang chạy xe Vespa trên thiên đường… 

Diệu Ngân
Bình luận
vtcnews.vn