'Giọng hát Việt nhí': Đừng làm tổn thương con trẻ

Thời sựThứ Hai, 09/09/2013 08:08:00 +07:00

(VTC News) - Khi người lớn bàn về cuộc chơi của những đứa trẻ thì sự thận trọng, tính nhân văn và ý thức trách nhiệm phải đặt lên hàng đầu.

(VTC News) - Khi người lớn bàn về cuộc chơi của những đứa trẻ thì sự thận trọng, tính nhân văn và ý thức trách nhiệm phải đặt lên hàng đầu.

Cậu bé Quang Anh từ xứ Thanh đã đoạt giải nhất rất xứng đáng ở cuộc thi giọng hát Việt nhí. Một tài năng tương lai đã phát lộ với ấn tượng đẹp, rất nhiều cảm xúc bùng nổ trong đêm truyền hình trực tiếp. Thế nhưng, với dư luận đa chiều thì mọi chuyện dường như mới chỉ bắt đầu.

Một số trang mạng bắt đầu “phát giác” hai công văn “vận động” bầu chọn cho quán quân âm nhạc, một là của Sở giáo dục đào tạo địa phương, hai là của UBND phường sở tại. Nội dung công văn đều là đề nghị các cơ quan dưới quyền tuyên truyền, vận động bầu chọn cho cậu bé nhà nghèo, có tài năng và ý chí vươn lên như một niềm tự hào của quê hương…

Lập tức, các diễn đàn bùng nổ tranh luận, xoay quanh chuyện liệu giải thưởng kia có xứng đáng khi cạnh tranh không lành mạnh? Liệu có chuyện phạm quy hay không khi nhờ những công văn hành chính kiểu này mà tỉ lệ bình chọn cho tài năng nhí vượt lên các bạn diễn khác vài phần trăm?


Quang Anh chiến thắng Phương Mỹ Chi, Ngọc Duy - Ảnh: Lý Võ Phú Hưng
Quang Anh, Phương Mỹ Chi và Ngọc Duy trong đêm chung kết - Ảnh: Lý Võ Phú Hưng 

Trước hết, phải khẳng định rằng trong một xã hội cởi mở, việc bàn luận các khía cạnh của một sự kiện là chuyện bình thường. Thậm chí, việc bàn luận sẽ làm sự kiện trở nên sống động hơn, sâu sắc hơn, làm bật ra các chiều tư duy mới mẻ. 
Nhưng khi người lớn bàn về cuộc chơi của những đứa trẻ thì sự thận trọng, nhân văn và ý thức trách nhiệm là chuyện phải quan tâm đầu tiên trước khi tính đến lý lẽ sắc sảo hay tranh biện đúng sai một cách thông thường.

Ông bà ta có câu: “Chuyện trẻ con mất lòng người lớn”. Ấy là các cụ muốn cảnh báo các bậc làm cha làm mẹ phải rất tinh tế, làm chủ cảm xúc, không để những mâu thuẫn lặt vặt của con trẻ ảnh hưởng đến những mối quan hệ lớn hơn, bền vững hơn.
Nhưng trong trường hợp này thì hình như một số người lớn đã vô tình hay cố ý làm môi trường rất trong trẻo hồn nhiên của con trẻ bị khuấy lên một cách vô lý và đáng tiếc.

Hai công văn của hai cơ quan địa phương rõ ràng là chưa thật hợp lý. Yêu nhau như thế bằng mười hại nhau, cuộc chơi nào cũng có lề luật, quy tắc của nó. Cứ để trẻ con thi thố, bộc lộ và sáng tạo, can cớ gì người lớn phải chen vào vô lối và xin lỗi, vô duyên như thế.

Dù động cơ rất tốt, nhưng việc kể lể hoàn cảnh nghèo khó của thí sinh để kêu gọi bầu chọn rõ ràng là câu chuyện lợi bất cập hại.

Quang Anh và 2 HLV tạo thành một gia đình nhỏ chia xa, được đoàn tụ rất xúc động.
Quang Anh và 2 HLV tạo thành một gia đình nhỏ chia xa, được đoàn tụ rất xúc động.  

Tài năng vốn không cần chiếu cố và thương hại, tài năng âm nhạc lại càng không cần đến bất kỳ một sự bấu víu kiểu địa phương cục bộ nào như thế.

Địa phương nếu trân trọng nhân tài, chia sẻ khó khăn thì sẽ có những cách thức khác, bền bỉ, lâu dài và thực chất hơn nhiều.

Kể cả khi cậu bé vàng của quê hương không đoạt giải cao nhất thì nếu có lòng yêu quý, trân trọng và sẻ chia, cơ hội giúp đỡ của các cơ quan công quyền và cộng đồng vẫn còn nguyên đó chứ không phải là một văn bản hành chính là xong việc.
Nhưng cái đáng trách là từ một sai sót đó, dư chấn đã có chiều loang rộng ra theo kiểu chuyện bé xé ra to. Sự sắc sảo, tranh biện thể hiện đã khiến các diễn đàn nở rộ đủ loại ý kiến phản biện trái chiều. 

Phương Mỹ Chi, Quang Anh - hai trong số những giọng hát nhí rất được yêu thích của năm 2013. 

Một đứa trẻ hồn nhiên với thành công ban đầu khi bước vào con đường nghệ thuật vốn rất lâu dài và chông gai đã phải sớm đối mặt với những áp lực không đáng có.
Nào là giải thưởng đã trao có hợp lệ? Liệu có thể coi hai văn bản đậm cảm tính ở cấp địa phương xa vời kia là vũ khí đắc lực làm thay đổi cán cân lực lượng, làm sai lệch kết quả cả một cuộc thi được đông đào công chúng giám sát công khai?
Ở đây phải bàn một chút về vai trò của giới truyền thông. Không khó để nhận ra bản chất vấn đề và cũng không ai có thể làm mờ lăng kính của những người dạn dày với xử lý thông tin.

Nhưng vì mục đích gì mà những thông tin có phần lệch lạc, những quan niệm chưa thật chuẩn chỉ có thể ảnh hưởng lớn đến con trẻ như thế lại có thể xuất hiện một cách đơn giản và có phần thiếu cân nhắc trên không ít diễn đàn lẽ ra phải nghiêm túc và cẩn trọng?

Có lẽ đã đến lúc giới truyền thông phải nhìn lại mình với con mắt nghiêm khắc của những người trong nghề, không buông xuôi, cho qua, để hình ảnh truyền thông bị ảnh hưởng xấu chỉ vì một vài quan niệm xử lý thông tin dễ dãi nhất thời.


Giọng hát Việt nhí, con trẻ, tổn thương, dư luận, quán quân, Quang Anh, bầu chọn

Một giọng ca được thẩm định bởi cả triệu khán giả ngồi trước màn hình, không ai dễ lật ngược thế cờ để biến xấu thành đẹp, biến hay thành dở.
Trẻ con với tất cả sự hồn nhiên, thật thà của cảm xúc đã tạo thành một ấn tượng đẹp, trong trẻo cho cả cộng đồng, một điều không dễ dàng gì trong cuộc sống hôm nay vốn nhiều áp lực.

Ông bầu Hồ Hoài Anh đã chia sẻ rất chân thành: “Thực tâm mình ước gì không có giải nhất để tất cả các con được vui, được sống với đúng những gì hồn nhiên vốn có của chúng. Nghĩ mà thương chúng nó quá, mới bé tẹo đã phải chịu những áp lực lớn như vậy!”

Giải thưởng rất quan trọng nhưng chỉ có ý nghĩa khi nó được tôn vinh đúng mức và đúng cách. Hay nói một cách giản dị: người lớn xin chớ làm phiền con trẻ vì lối tư duy rắc rối, thiếu tích cực của mình.



TS. Đỗ Chí Nghĩa
Bình luận
vtcnews.vn