Giới trẻ Hà Thành tìm cảm giác mạnh trên “Chiến trường”

Tổng hợpThứ Hai, 26/03/2012 03:11:00 +07:00

Một môn thể thao hành động, một trò chơi cảm giác mạnh, một cuộc thử thách với chiến thuật và tinh thần đồng đội…

Một môn thể thao hành động, một trò chơi cảm giác mạnh, một cuộc thử thách với chiến thuật và tinh thần đồng đội… đó là những ấn tượng nối bật nhất của người chơi về súng sơn. Được xem là “chậm chân” so với thế giới và khu vực nhưng khi có mặt tại Việt Nam thì dù khá muộn màng, môn thể thao này vẫn nhận được sự ủng hộ nồng nhiệt của mọi người. Ngay khi thao trường súng sơn đầu tiên tại Hà Nội bắt đầu đi vào hoạt động, rất nhiều bạn trẻ đã cùng nhau tìm đến để tìm hiểu những trải nghiệm thú vị của trò chơi có “gắn mác” súng đạn này.

 

 

Trò chơi trận giả cảm giác mạnh

Súng sơn (tên tiếng Anh là Paintball) là môn thể thao trong đó người chơi hoàn thành việc loại bỏ đối thủ bằng cách bắn trúng đối thủ bởi một viên đạn có chứa sơn và keo gelatin. Viên đạn được phóng ra từ một thiết bị gọi là “paintball marker”, ngày nay thường gọi là súng bắn sơn. Nghe đến tên gọi súng sơn, không ít người lầm tưởng nguồn gốc của chúng có liên quan tới quân đội. Ít ai nghĩ rằng người sáng tạo ra súng sơn lại là những nông dân và chủ trang trại, dùng để đánh dấu cây trồng và vật nuôi trong nông trang của gia đình.

Xuất hiện ở trên thế giới từ khá lâu, từ những năm 1970, nhưng trò chơi bắn súng sơn mới chỉ có mặt ở Việt Nam vài năm trở lại đây. Du nhập vào nước ta từ năm 2009, trò đánh trận giả này đã nhận được phản hồi tích cực từ người chơi, có khá nhiều câu lạc bộ súng sơn nhanh chóng được thành lập ngay sau đó, thu hút một số lượng thành viên không nhỏ tại TP. Hồ Chí Minh, Nha Trang, Cần Thơ và Lâm Đồng. Tại Hà Nội, phải đến ngày 23/2/2012, bộ môn thể thao này mới chính thức xuất hiện.

Thao trường tại Hà Nội rộng 12.000m2, được chia thành 8 trận địa giả với hệ thống công sự được xây dựng bằng các bức tường tre, ụ đất, bao cát, lốp xe tạo cho mọi người có cảm giác như đang đứng trên một chiến trường thực sự... Mỗi người tham gia chơi sẽ được phát 1 khẩu súng gas, đạn sơn (đạn được làm bằng chất liệu bột mỳ pha phẩm màu, có khả năng tự tiêu hủy ngoài tự nhiên) cùng các loại áo chống đạn, giày, găng tay và mũ bảo hộ. Súng làm bằng hợp kim nhôm, bên ngoài phủ 1 lớp nhựa, cân nặng khoảng 2,5-3kg, có bình chứa CO2 ở sau tạo lực nén với lực bắn khoảng 150-200 fps với đạn PB, tầm bắn hiệu quả của súng trong tầm khoảng 15m. Đạn súng sơn được làm từ nguyên liệu chính là bột mỳ, phía ngoài được “áo” một lớp nhựa mỏng giống như viên thuốc con nhộng. Khi va chạm, đạn vỡ ra và làm dính sơn vào mục tiêu phía trước. Áo giáp và mũ bảo hộ được thiết kế khá chắc chắn nhằm đảm bảo an toàn thân thể cho người chơi. Điểm trừ lớn nhất của các thiết bị bảo vệ nằm ở mũ bảo hộ, hầu như mũ chỉ có thể che được phía trước mặt còn toàn bộ phần gáy và phía sau đầu bị “bỏ trống” và rất dễ dính đạn. Phần mắt kính nhỏ và hay bị xước gây khó khăn cho người nào mắc tật về mắt như cận hay loạn thị.

Khi tham gia, người chơi được phân chia thành 2 đội, mỗi đội thông thường sẽ có từ 5-7 người. Cách thức chơi cũng giống trong các trò chơi điện tử bắn súng mà nhiều người đã quen thuộc như cướp cờ, giải cứu con tin… Giống như một bộ môn quốc phòng thực sự, trò chơi đòi hỏi người chơi phải có kiến thức quân sự cơ bản như quan sát, lợi dụng địa hình, tiến công, phòng ngự, nghi binh... đặc biệt là hiệp đồng tác chiến trong đội bằng khẩu lệnh và sử dụng ám hiệu. Ngoài việc nâng cao sức khoẻ, trò chơi còn giúp rèn luyện khả năng phán đoán và xử trí tình huống linh hoạt, sáng tạo và tinh thần đồng đội.

 

 

Giới trẻ nô nức trên thao trường, U40 cũng vào cuộc

Không chỉ những bạn trẻ mới háo hức với những viên đạn sơn đủ màu sắc, nhiều người dù đã thuộc hàng U40 vẫn sẵn sàng gia nhập vào đội quân fan hâm mộ súng sơn. Tuy không còn độ dẻo dai và sức bền cũng kém hơn nhưng việc cầm súng chiến đấu trên thao trường vẫn mang lại cho những người ở độ tuổi “mãn teen” sự hứng thú kỳ lạ. Anh Hoàng, nhân viên của một công ty phần mềm tại quận Hai Bà Trưng cho biết từ khi Hà Nội khai trương câu lạc bộ súng sơn đầu tiên tại Đại lộ Thăng long, anh và các bạn bè liền rủ nhau tới chơi cho biết. Là một người nghiện game online do đặc thù công việc ngồi máy tính nhiều, nhưng lần đầu tiên làm quen với trò chơi này, anh Hoàng đã “mê tít”. Anh phấn khởi: “Mình vẫn có cảm giác như đang chơi game trên máy tính nhưng lại được vận động, ra mồ hôi nhiều nên thấy sảng khoái hơn hẳn. Chơi súng sơn cũng giúp mình giải toả stress bù lại quãng thời gian làm việc căng thẳng”. Cũng giống như anh Hoàng, anh Khôi Nguyên (Q. Thanh Xuân) cũng tự nguyện ghi tên mình vào danh sách những chiến sỹ bắn súng sơn mặc dù số tuổi đã gần bước qua đầu… bốn: “Bình thường, tôi vẫn tham gia tập golf, tennis đều đặn. Nhưng từ giờ, tôi quyết định sẽ thêm súng sơn vào danh sách các trò giải trí vào mỗi dịp cuối tuần. Chỉ hơi tiếc là các con tôi còn quá nhỏ nên chưa thể tham gia cùng bố mẹ”.

Mặc dù được gọi là trò chơi dành cho sinh viên nhưng theo đánh giá của nhiều người thì giá thành lại không sinh viên chút nào. Trung bình một người chơi sẽ mất khoảng 50 ngàn đồng phí thuê quần áo, đạn được tính với giá 2 ngàn đồng/ viên nhưng ít nhất phải nạp 50 viên cho một lần vào sân, tức là 100 ngàn đồng cho một lần chơi. Thực tế thì ít có ai vào sân chỉ với 50 viên đạn, thường thì mỗi người sẽ “thủ” sẵn 100-200 viên, thậm chí là gấp nhiều lần đối với dân chơi chuyên nghiệp. Như vậy, với một nhóm chơi khoảng 4 người, số tiền chi phí có thể đội lên con số vài triệu – số tiền không nhỏ đối với các bạn trẻ. Dương Triều, sinh viên ĐH Sân Khấu Điện Ảnh cho biết mỗi lần cùng nhóm bạn đi chơi súng sơn cũng phải móc ví chi ít nhất 300 ngàn đồng cho 1 giờ chơi, chưa kể những hôm cao hứng nạp thêm nhiều đạn. “Thành ra, mặc dù rất thích nhưng ít nhất là 2 tuần đến một tháng bọn mình mới dám tụ tập đến chơi một lần thôi”, Triều thành thật.

Hiện nay, trên nhiều diễn đàn của giới trẻ Hà Nội, các thành viên đã lập các nhóm chơi và quy định mỗi tháng đến thi đấu giao lưu với nhau ít nhất một lần. Tuy vậy, cho đến tận bây giờ vẫn còn khá nhiều ý kiến trái chiều về trò chơi này. Khi súng sơn du nhập về Việt Nam, không ít người cho rằng đây là trò chơi bạo lực, có thể kích thích người chơi hướng đến hành vi không tốt trong xã hội và kịch liệt phản đối việc quảng bá rộng rãi. Nhưng cũng nhiều người lại cho rằng, chính những trò chơi vận động như thế này lại có thể giúp giải tỏa áp lực tâm lý, đặc biệt thích hợp với giới công chức văn phòng tại các khu đô thị lớn.

 

 

Súng sơn chưa hẳn đã an toàn

Anh Tùng, một huấn luyện viên làm việc tại Câu lạc bộ súng sơn Hà Nội cho biết: “Từ khi làm việc tại đây, tôi chưa hề thấy người chơi nào bị chấn thương nghiêm trọng trong quá trình chơi súng sơn cả. Phần nhiều cũng chỉ là là xây xước tay chân và vài vết thương nhẹ ngoài da”.

Mặc dù theo lời nhiều nhân viên làm việc tại các địa điểm tập súng sơn thì trò chơi này không nguy hiểm và có độ an toàn cao nhưng trên thực tế vẫn có không ít những trường hợp gặp phải những tai nạn không may khi cầm súng. Các vết trầy xước ngoài da do đạn sơn hoặc các chướng ngại vật gây nên tuy nhỏ và thường không nghiêm trọng nhưng nếu để lâu ngày mà không được vệ sinh sạch sẽ thì nguy cơ nhiễm trùng rất cao.

Dù người chơi đều đã được mặc trang phục bảo hộ kỹ càng từ đầu đến chân nhưng cũng không thể tránh 100% các trường hợp chấn thương nghiêm trọng. Mắt là bộ phận dễ bị tổn thương nhất trên cơ thể, và đương nhiên cũng là vị trí nguy đáng lo lắng nhất nếu gặp phải những “đường đạn vô tình” với tốc độ nhanh đến không ngờ lên tới 100m/s. Ngoài ra, các chất có trong đạn sơn như glycol, phẩm màu cũng có thể gây nhiễm trùng, bỏng và nhiều tật nguy hiểm khác nếu văng vào mắt. Trên thực tế đã có người chơi do không tuân thủ các quy định về an toàn trên thao trường dẫn đến bị thương ở vùng mắt do tác động lực của viên đạn bắn ra và phải nhập viện điều trị. Vì vậy, để đảm bảo an toàn cho chính mình và bạn bè, người chơi cần phải tuân theo các quy định và nắm vững luật thi đấu trước khi vào trận.

 

 

Một vài điểm cần lưu ý trước và trong quá trình thi đấu súng sơn:

- Điều quan trọng nhất là đừng bao giờ cởi mặt nạ bảo vệ trong sân hay ở ở bất kỳ nơi nào mà bạn cho rằng có thể có đạn bắn ra. Mặc dù đeo mặc nạ vào thì không được thoải mái cho lắm, nóng, ngột ngạt, kính mờ do hơi nước. Tuy nhiên, điều này là bắt buộc vì sự an toàn của bạn. Với tốc độ đạn từ 80-100m/s có thể làm vỡ mắt của bạn ngay lập tức.

- Bạn phải chắc rằng bạn hiểu hết tính năng hoạt động của súng và những hạn chế của nó. Đặc biệt là cách nạp đạn, khóa hộp đạn, khóa cò, làm thế nào biết đã hết khí CO2... Đừng ngần ngại, hãy hỏi hướng dẫn viên và trọng tài cho đến khi bạn hiểu rõ hết, tốt nhất là nên thực hành thử qua trước khi vào trận vài lần.

- Trước khi vào trận các bạn nên kiểm tra kỹ lưỡng áo giáp và bảo đảm nó không tuột ra

- Phải rất bình tĩnh khi tham gia trận đấu. Nhờ trọng tài phân xử nếu có vấn đề xảy ra.

- Luôn chọn ra cho đội 1 đội trưởng và tuân theo lệnh của đội trưởng.

- Luôn luôn quan sát và quan sát khắp sân, tránh tập trung quan sát vào 1 một chỗ.

- Đừng núp 1 chổ quá lâu, thời gian núp 1 chổ càng lâu thì càng có nhiều đối thủ biết chổ núp của bạn và khả năng di chuyển đi chổ khác của bạn càng giảm dần đi.

- Không bao giờ bỏ cuộc, dù đồng đội có bị loại hết hoặc hết đạn, hết CO2, kẹt đạn... bạn phải cố gắng hoàn thành nhiệm vụ, nhất quyết không đầu hàng.


Thu Hương


Bình luận
vtcnews.vn