Giờ học, làm lệch nhau 30 phút sẽ ít tác dụng

Thời sựThứ Ba, 25/10/2011 06:36:00 +07:00

(VTC News) - "Giờ làm của các cơ quan Trung ương và Hà Nội chỉ cách nhau nửa tiếng là không được, vẫn gây ùn tắc, trước đây Hà Nội đã làm thế và đều thất bại".

(VTC News) - "Giờ làm của các cơ quan Trung ương và Hà Nội chỉ cách nhau nửa tiếng là không được, vẫn gây ùn tắc, trước đây Hà Nội đã làm thế và đều thất bại”, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thủy đánh giá.

Theo TS. Nguyễn Xuân Thủy, nguyên Giám đốc, Tổng biên tập Nhà xuất bản GTVT (Bộ GTVT), đã có hơn 30 năm nghiên cứu về giao thông đô thị, việc thay đổi giờ làm, giờ học là cần thiết để các giờ lệch nhau giảm căng thẳng giao thông vào giờ cao điểm, nhưng các giờ phải cách nhau một tiếng.

“Đề xuất giờ làm, giờ học của Bộ GTVT gửi Hà Nội nghiên cứu chỉ cách nhau nửa tiếng là không được, 8h30 với 9h thì cái 30 phút đấy vẫn đan xen nhau và vẫn gây ùn tắc. Tôi đề nghị là 8h với 9h. Còn như đề xuất này thì không ổn, Hà Nội đã thực hiện nhưng vẫn thất bại do chênh nhau quá gần, không tạo ra ranh giới rõ ràng”, TS. Thủy nói.

Cũng theo TS. Thủy đánh giá, các khu giờ đi làm và tan tầm chỉ cách nhau khoảng 30 phút, trong khi thói quen của người Việt ta lâu nay đi làm muộn về sớm là rất phổ biến, dẫn đến việc thay đổi giờ như vậy không còn hiệu quả nữa.

“Nếu việc thay đổi giờ làm như đề xuất của Bộ sẽ giảm khoảng 5% lượng phương tiện đổ ra đường cùng một giờ, nhưng nếu tăng khoảng cách lên một tiếng thì có thể dòng xe sẽ giảm đi khoảng 10 - 15%”, TS. Thủy cho biết thêm.

Về vấn đề đưa đón con tới trường, đây là vấn đề mang tính xã hội, phải chấp nhận khó khăn ban đầu, trong gia đình và cơ quan dàn xếp với nhau, TS. Thủy kết luận “giải quyết vấn đề này sẽ chạm vấn đề khác, đấy là điều đương nhiên trong cuộc sống”.

Theo đánh giá của TS. Nguyễn Xuân Thủy, nếu các giờ chỉ cách nhau 30 phút sẽ khó đem chuyển biến rõ nét trong giải quyết ùn tắc. Ảnh chụp trên phố Tây Sơn. 
Trước đó, ngày 2/10, Bộ GTVT đã có đề xuất thay đổi giờ làm, giờ học gửi Hà Nội nghiên cứu.

Theo đó, cán bộ, công chức cơ quan Trung ương sẽ làm ca sáng từ 9h - 12h, chiều từ 13h - 18h; Cán bộ, công chức Hà Nội sẽ làm sáng từ 8h30 - 12h, chiều từ 13h - 17h30.

Bậc Mầm non, Tiểu học, Trung học Cơ sở sẽ học từ 8h - 17h30; Học sinh Trung học Phổ thông sẽ học sáng từ 7h - 11h, chiều từ 12h30 - 16h30.

Sinh viên các trường Đại học khu vực quận Cầu Giấy sẽ học ca sáng từ 7h - 12h, chiều từ 12h30 - 17h30; Sinh viên các trường Đại học khu vực quận Đống Đa học sáng từ 6h30 - 11h30, chiều từ 12h45 - 17h45; Sinh viên các trường Đại học khu vực quận Thanh Xuân học sáng từ 6h45 - 11h45, chiều từ 12h30 - 17h30; Sinh viên các trường Đại học khu vực quận Hai Bà Trưng học sáng từ 6h30 - 11h30; chiều 12h45 - 17h45.

Các trung tâm kinh doanh, thương mại sẽ mở cửa từ 9h30 - 23h30.

Nhận xét về đề xuất này, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho rằng: “Ùn tắc thì ai cũng thừa nhận và ai cũng muốn đi làm sớm để tránh ùn tắc. Tuy nhiên việc thay đổi giờ làm việc và giờ học cần phải nghiên cứu kỹ, xem nó giúp giảm ùn tắc được bao nhiêu phần trăm, hậu quả của nó để lại đến mức độ nào, đôi khi lợi bất cập hại”.

Theo ông Hùng, các cháu học mầm non, tiểu học, THCS đa phần đều phải đưa đón, giờ thay đổi như thế này thì việc gia đình sẽ sắp xếp đưa đón con như thế nào? Gia đình người Việt lâu nay gắn bó với bữa cơm gia đình, giờ làm của bố mẹ thay đổi, giờ học của con thay đổi thì sinh hoạt của gia đình sẽ thay đổi như thế nào...? Cái này cũng rất cần nghiên cứu cụ thể.

“Bộ trưởng có nói là làm rồi sai đâu sửa đấy, nhưng nếu làm sai sẽ gây nhiều xáo trộn, ảnh hưởng nhiều đến đời sống xã hội”, ông Hùng đánh giá.

Còn theo Tiến sĩ Khuất Việt Hùng, Trưởng Bộ môn Quy hoạch và Quản lý giao thông vận tải, trường ĐH Giao thông vận tải Hà Nội, Hà Nội cần nghiên cứu thêm, khi nào có kết quả nghiên cứu, chạy mô hình thì lúc đấy mới có thể nói đến vấn đề khả thi hay không khả thi.

Để có thể vừa mang lại hiệu quả giảm ùn tắc giao thông, vừa không làm ảnh hưởng đến sinh hoạt xã hội, ông Nguyễn Mạnh Hùng đề xuất, trước mắt nên thay đổi giờ học của các trường Đại học, Cao đẳng, Dạy nghề trước, đối tượng này rất đông, lại đa phần đến từ các tỉnh khác, nếu thay đổi được thì sẽ có tác dụng rất tốt cải thiện giao thông, ít ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân Hà Nội.

Lê Việt

Bình luận
vtcnews.vn