“Giây phút hòa vui, tôi ngỡ mình là người bản xứ”

Thời sựChủ Nhật, 03/10/2010 12:20:00 +07:00

“Tôi yêu Việt Nam! Giây phút hoà vui, tôi ngỡ mình là người bản xứ,” ông Alan Joseph, một du khách người Mỹ nói như reo lên với những phóng viên.

“Tôi yêu Việt Nam! Tôi yêu người dân Việt Nam! Giây phút hoà vui, tôi ngỡ mình là người bản xứ,” ông Alan Joseph, một du khách người Mỹ nói như reo lên với những phóng viên, giữa bầu không khí lễ hội náo nhiệt tại Hồ Gươm.

Du khách quốc tế trên đường phố Hà Nội dịp Đại lễ 
Alan nhiệt tình cho chúng tôi biết, hiện tại ông đang sống và làm việc ở Trung Quốc. Những thời gian rảnh rỗi ông thường dùng các khoản tài chính cá nhân, đi trao quà cho các trẻ em nghèo của nước này.

“Mấy hôm trước, tôi đi trao hơn 200 phần quà cho các em sống tại Hà Khẩu, Vân Nam, Trung Quốc thì biết Hà Nội của các bạn có Lễ hội chào mừng nghìn năm Thăng Long nên tôi đã quyết định xuống đây tham gia,” Alan kể.

Điểm du lịch đầu tiên mà ông Alan dừng chân là Hồ Hoàn Kiếm, đến đây Alan đã bị cuốn hút, hoà chung niềm vui cùng những người dân Việt Nam đang hân hoan, nhộn nhịp trên đường phố.

“Mọi người ở đây thân thiện quá! Mặc dù đông đúc, nóng bức nhưng tôi thấy gương mặt ai cũng rạng rỡ. Chưa xem được chương trình nghệ thuật nào, nhưng từ sáng tới giờ tôi cứ đi theo dòng người, đi được một vòng quanh hồ rồi,” Alan vui vẻ nói.

Chia tay chúng tôi, Alan khẳng định sẽ phải tiếp tục đến đây và quan tâm hơn tới các trẻ em nghèo Việt Nam.

Đối với Alex Raffle và Nicola Warwick, hai công dân Anh đang sống và làm việc tại Thành phố Hồ Chí Minh thì kế hoạch ra Hà Nội khai mạc Đại lễ đã có trước cả vài tuần nay. Chỉ có hai ngày tại Hà Nội nên hai người tranh thủ tham dự các chương trình nghệ thuật lớn.

Giữa dòng người nườm nượp, mồ hôi nhễ nhại, Alex cười thân thiện nói, “Tôi thích nghiên cứu về văn hoá và con người Việt Nam. Lễ hội nghìn năm Thăng Long là cơ hội giúp tôi tiếp cận gần hơn với lịch sử của các bạn. Và hôm nay, đối với tôi thật là thú vị và tuyệt vời.”

Cùng tâm trạng với bạn mình, Nicola say sưa nói về con đường gốm sứ ven Sông Hồng, “Những mảnh ghép rực rỡ kết nên một tác phẩm nghệ thuật sống động, nó đặc biệt không chỉ ở Việt Nam mà còn vang xa ra ngoài thế giới. Chiêm ngưỡng bức tường gốm sứ của các bạn, tôi cảm nhận được cuộc sống, tình cảm của con người Việt Nam”.

Nhóm các cô gái trẻ đến từ Quảng Tây, Trung Quốc thì có cảm xúc hết sức mới mẻ, với họ mùa thu Hà Nội thật đẹp, không khí thật mát mẻ và dễ chịu.

Đỗ Hải Thanh thay mặt cả nhóm cho biết, họ là những lưu học sinh mới đến Hà Nội được hai tháng. Vì nội thành cấm đường nên các bạn chỉ có thể đi xe buýt từ Đại học Quốc Gia tới Văn Miếu, sau đó phải đi bộ tới trung tâm Hồ Gươm.

“Chúng em mệt lắm nhưng mà rất vui, chỉ tiếc vì đi bộ nên tới đây hơi muộn, không được thấy cụ rùa nổi lên,” Hải Thanh tần ngần nói.

Cũng là những lưu học sinh, nhưng những người bạn Lào lại thể hiện tình cảm của mình bằng cách, suốt hai tuần liền luyện tập hai tiết mục văn nghệ góp vui vào các chương trình nghệ thuật chào mừng lễ hội.

Bạn Nhotkhammani Souphanouvong (Kim Nga), nghiên cứu sinh tại Học viện Quan hệ quốc tế cho biết, cả đoàn rất vinh dự khi được tham gia biểu diễn. Họ đã chuẩn bị hai tiết mục Tiếng kèn Lào và Điệu múa chúc mừng bằng các nhạc cụ truyền thống, đây là những tiết mục từ dân gian và được biểu diễn trong các lễ hội lớn của Lào.

“Tôi được biết thành phố của các bạn được ra đời từ năm 1010, một thành phố lâu đời và cổ kính. Trong dịp kỷ niệm 999 năm Thăng Long – Hà Nội, năm 1999, Hà Nội cũng đã được Unesco công nhận thành phố vì hoà bình. Nhân dịp Hà Nội kỷ niệm nghìn năm Thăng Long, tôi xin gửi lời chúc đến nhân dân Việt Nam sức khoẻ, hạnh phúc. Chúc cho tình đoàn kết Việt Lào luôn bền vững,” Souphanouvong vui vẻ nói.

Theo TTXVN

Bình luận
vtcnews.vn