Giật mình chi xe công bằng 1/4 ngân sách còn lại của Chính phủ

Kinh tếThứ Bảy, 24/10/2015 04:19:00 +07:00

Mỗi năm chi phí cho xe công cả nước vào khoảng 12.800 tỷ đồng, nếu so với con số phân sổ ngân sách còn lại của Việt Nam hiện nay thì chiếm tới 1/4

(VTC News) - Mỗi năm chi phí cho xe công cả nước vào khoảng 12.800 tỷ đồng, nếu so với con số phân sổ ngân sách còn lại của Việt Nam hiện nay thì chiếm tới 1/4, con số này khiến nhiều người giật mình.

Tại cuộc họp báo chiều 23/10, Cục trưởng Cục Quản lý Công sản (Bộ Tài chính), ông Trần Đức Thắng đã đưa ra một con số giật mình là chi phí sử dụng một xe công trung bình khoảng 320 triệu đồng mỗi năm (bao gồm cả chi phí trả lương lái xe, chi phí hao mòn, sửa chữa, xăng dầu…).
Gần 13.000 tỷ đồng cho công là con số rất đáng lo ngại
Gần 13.000 tỷ đồng cho xe công là con số rất đáng lo ngại, các chuyên gia lo lắng
Như vậy, ước tính mỗi năm, chi phí để nuôi xe công có thể ngốn 12.800 tỷ đồng. Cục trưởng Trần ĐứcThắng cho rằng mức chi như vậy trong cảnh ngân sách còn khó khăn là chưa phù hợp.


Bên cạnh đó, Cục Quản lý Công sản cũng nêu ra nhiều vấn đề trong hoạt động mua sắm xe công hiện nay. Một trong số đó là quy định về thời gian, số km sử dụng chưa phù hợp với thực tế; việc sử dụng xe sai đối tượng, xe đưa đón từ nơi ở đến nơi làm việc với các chức danh không đủ tiêu chuẩn vẫn diễn ra...

Nhiều chuyên gia kinh tế bình luận về con số gần 13.000 tỷ đồng chi cho việc sử dụng xe công mỗi năm này đều cho rằng, đây là con số quá cao so với ngân sách và tình hình thu nhập của người dân.

Con số gần 13.000 tỷ đồng chi cho việc sử dụng xe công mỗi năm này đều cho rằng, đây là con số quá cao so với ngân sách và tình hình thu nhập của người dân.
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, ngân sách hàng năm của nước ta luôn bội chi, thiếu bền vững, nợ công lớn. Tốc độ chi tăng cao hơn tốc độ thu, dù đã vượt thu so với dự toán. Vì vậy vấn đề sử dụng xe công như thế nào cho thực sự hiệu quả cần phải được xem xét lại.


Xe công là phải để phục vụ việc công, không được sử dụng vào việc riêng, mục đích riêng, việc cá nhân.

Thứ hai là nhiều xe công sử dụng loại xe hạng sang trong khi người dân còn nghèo. Ngoài ra, còn đưa ra chính sách hạn chế sử dụng xe sang bằng cách đánh thuế cao. Đây là điều rất mâu thuẫn.

"Theo tôi, việc sử dụng xe công hiện nay chưa thực sự hiệu quả. Ví dụ như lãnh đạo một số nước khi đi công tác nước ngoài không dùng chuyên cơ mà dùng máy bay thương mại, để tiết kiệm tiền cho ngân sách nhà nước", ông Long nhấn mạnh.

Hàng năm, ngoài tiền mua xe chi phí vào xe công rất nhiều: Lái xe, xăng xe, sửa chữa, bảo dưỡng,...Những chi phí này rất lớn.

Ông Long cũng cho biết, nên khoán tiền sử dụng xe công vào lương của người sử dụng xe công. Hoặc quản lý bằng km cho các chức danh lãnh đạo có sử dụng xe công.

Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cũng cho rằng, gần 13.000 tỷ đồng cho xe công hàng năm là là một con số rất đáng lo ngại, bởi vì số lượng xe công là quá nhiều và việc lạm dụng xe công đã trở nên nghiêm trọng.

Ở các nước khác tuy kinh tế phát triển, nhưng việc đưa đón bằng xe công rất hạn chế. Ví dụ ở Thuỵ Điển, ông Thủ tướng không có xe công đưa đón, ông Thủ tướng tự đi bằng xe của mình hoặc đi tàu điện, xe bus, chứ không có xe công.

Quốc hội của Thuỵ Điển cũng xét duyệt từng khoản mục chi tiêu công rất chặt chẽ.

Trong khi đó, ở nước ta, việc cấp và lạm dụng xe công quá nhiều. "Tôi được biết là chủ tịch một liên hiệp hợp tác xã kiêm chủ tịch hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa của 1 tỉnh cũng được phát một xe biển xanh. Ông chủ tịch này dùng xe để đưa đón ông hàng ngày từ nhà đến cơ quan.

Việc lạm dụng diễn ra rất phổ biến. Ngoài ra dùng xe công cho việc không liên quan đến công việc diễn ra rất công khai như: Xe công đi lễ hội, xe công đi lễ chùa, xe công đi ăn cưới, xe công đi ăn giỗ,...Tất cả những việc này diễn ra trước mắt người dân, rất lộ liễu, nhưng người sử dụng xe công không hề thấy xấu hổ", ông Doanh nói.

Theo ông Doanh, việc chi cho xe công quá nhiều như thế này là điều rất đáng lo ngại vì ngân sách hiện tại của chúng ta đã bị quá tải rất nhiều rồi. Trong khi đó, chi phí dành cho y tế cũng đang tăng lên. Trong chi phí y tế tính cả tiền lương bác sỹ, điện nước của bệnh viện. Như vậy, các bệnh viện công sẽ gánh được gì cho người nghèo?

Ông Doanh cho biết, việc sử dụng tiết kiệm xe công, trước đó dưới thời Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng cũng đã có quy định 2 Thứ trưởng cùng đi 1 xe, tức là lúc đi và về sẽ đi chung. Nhưng sau đó, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng mất thì lệnh đó cũng không ai nhắc và thực hiện nữa.

Trước tình hình ngân sách như hiện nay, theo ông Doanh, không chỉ xe công mà nhiều vấn đề khác cũng cần phải được đặt ra như: Thời chiến thì Thủ trưởng đi đâu cũng cần bảo vệ, cần tạp vụ đi theo. Nhưng giờ thì khác rồi nên cần phải xem lại xem đi đâu cũng có cần có bảo vệ đi cùng nữa không?

"Ngoài xe ô tô, các đại biểu cũng đã đề nghị giảm chi phí đi nước ngoài. Những việc này cần phải xem xét lại. Sử dụng lãng phí như thế này, không ngân sách và người đóng thuế nào có thể chịu được. Các khoản khác như đầu tư công, đường cao tốc giá cao cũng cần phải tính thêm", ông Doanh cho hay.

Trước đó, tại phiên thảo luận tại tổ Đại biểu Quốc hội TP HCM ngày 22/10, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh đã trình bày một cách thẳng thắn về tình hình ngân sách mà ông đánh giá là "hết sức căng thẳng" của Việt Nam hiện nay, khi mà con số thực để phân bổ trong ngân sách hiện vỏn vẹn chỉ còn 45.000 tỷ đồng, trong khi năm 2016 áp lực chi vẫn là rất lớn.
Cả nước ngân sách Trung ương chỉ còn 45.000 tỷ đồng
Theo thông tin được người đứng đầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra mới đây, cả nước ngân sách Trung ương chỉ còn 45.000 tỷ đồng 

Theo báo cáo của Chính phủ, dự toán ngân sách trong năm 2016 sẽ tăng cao hơn gần 61.000 tỷ đồng so với năm 2015, chi ngân sách năm 2014 là 17% nhưng năm 2015 là 20,1%.

Tuy nhiên, theo ông Bùi Quang Vinh, những con số này nghe rất đáng lấy làm vui, nhưng bản chất số tuyệt đối năm nay hụt so với năm ngoái. Việc tăng này cũng chỉ là "mang tính nghiệp vụ”.

 

Số lượng xe công là quá nhiều và việc lạm dụng xe công đã trở nên nghiêm trọng.

Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh
 
Theo người đứng đầu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, mọi năm ODA giải ngân chỉ rơi vào khoảng 20.000 tỷ đồng, nhưng do yêu cầu minh bạch đầu tư công nên đưa lên thành 50.000 tỷ đồng/năm. Tiền đất từ mức 37.000 – 38.000 tỷ đồng đã đưa lên thành 50.000 tỷ đồng; các khoản thu từ xổ số kiến thiết cộng thêm là 26.000 tỷ, trong khi trước đây không được đưa vào.

“Cộng cả ba khoản này vào là 69.300 tỷ đồng, là thứ mà trước đây năm nào vẫn có thế, chẳng qua để ngoài và giờ cộng vào và bảo tăng thêm”, Bộ trưởng chỉ rõ.

Trước Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng và các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh phân tích, số tuyệt đối của ngân sách nhà nước năm 2014 là 255.750 tỷ đồng thì riêng ngân sách địa phương trong cân đối là 131.200 tỷ đồng, chiếm hơn 52% do các địa phương tự quản lý. Ngân sách Trung ương tính ra còn 154.000 tỷ đồng, trừ đi vốn nước ngoài và các khoản khác thì hiện còn 45.000 tỷ đồng.

Khoản này nghe ra lớn nhưng thực ra còn phải trả nợ. Rồi hàng loạt nhu cầu đầu tư từ các bộ ngành, địa phương xin lên: Từ phát triển giao thông tới kiên cố hóa kênh mương, thủy lợi; từ tăng chi an sinh xã hội cho hộ nghèo, khó khăn tới nhu cầu rất lớn cho chương trình nông thôn mới.

“Cả nước ngân sách Trung ương chỉ còn 45.000 tỷ đồng. Với mức này không biết để làm cái gì, chưa nói để trả nợ với các thứ. Cho nên gần như không có tiền để làm gì cả”, Bộ trưởng Vinh bày tỏ lo lắng.

Bộ trưởng nói thêm: “Con số thật rất nhỏ, rất là nhỏ. Chính phủ cầm trong tay để có thể điều tiết được chỉ có 45.000 tỷ và thấp hơn con số là âm so với năm 2015. Biết là không thể đòi hỏi Chính phủ và Bộ Tài chính hơn nhưng con số thật rất nhỏ để có thể điều tiết!”.

Châu Anh
Bình luận
vtcnews.vn