Sinh viên giảm ăn, dừng đi xe máy vì bão giá

Giáo dụcThứ Tư, 13/04/2011 06:41:00 +07:00

(VTC News)- Giá cả ngày một tăng, nhiều sinh viên phải tìm mọi cách để chống chọi với “bão giá” bằng cách giảm khẩu phần ăn thậm chí dừng đi xe máy.

(VTC News)- (VTC News)- Giá cả ngày một tăng, nhiều sinh viên phải tìm mọi cách để chống chọi với “bão giá” bằng cách giảm khẩu phần ăn thậm chí dừng đi xe máy.

Sinh viên chắt bóp, quán cơm lao đao

Sinh viên Nguyễn Thị Diệu (Khoa Tiếng Anh, ĐH Sư phạm Hà Nội) tâm sự : “Ăn tại các quán cơm bình dân ở ngoài no hơn và được nhiều cơm hơn ở căng tin. Bão giá thế này, bọn mình ăn một suất cơm đâu có no. Thỉnh thoảng chỉ dám mua thêm chiếc bánh mỳ ăn bữa đêm cho đỡ đói”.


Ngay cả bữa sáng của các bạn sinh viên cũng có nhiều thay đổi. “Trước đây bữa sáng ăn suất xôi xéo 3 nghìn đồng đã được rất ít nhưng nay xôi cô bán hàng tại căng tin nâng giá từ 5 nghìn đồng trở lên”. Thu Hằng ( ĐH Luật Hà Nội) vừa nói vừa cầm gói xôi nhỏ xíu đút vào cặp xách để lên lớp ăn.

Bạn Nguyễn Thị Thủy (kí túc xá Mễ Trì) buồn rầu, trước đây mình ăn xôi suất 7 nghìn đến 11h trưa mới đi ăn cơm. Nhưng nay suất 7 nghìn của chỉ bằng suất 5 nghìn trước đây. Mà ăn suất 10 nghìn thì mình thà ăn cơm cho ngon  lại có rau xanh nữa. Mặc dù xôi của cô Hạnh gần ký túc nấu ngon nhưng giá cả đắt đỏ thế này, mình không dám chi quá nhiều tiền vào bữa sáng.

Nguyễn Thế Tấn Trường (Đại học Bách Khoa) cho hay “áp lực học tập rất lớn mà còn lo cả bữa ăn nữa thì khổ lắm. Em thường ăn ở quán cơm bình dân. Họ không tăng giá nhưng nhìn lượng cơm ít hơn trước đây và thức ăn cũng vậy là em biết họ cũng phải bớt để còn có lãi. Trước đây em ăn suất 15 nghìn là no nhưng giờ em ăn mỗi suất tới gần 20 nghìn mới no. Nhưng no không được lâu và bọn em thường mua thêm đồ ăn đêm để phòng tối bao tử kêu”.

Còn ban Nguyễn Thị Giang (ĐH KHXH&NV) cũng phàn nàn sau mỗi bữa cơm lại phải ăn thêm một gói mì tôm cho bớt đói. Tính một ngày Giang chi hết tiền ăn 40 nghìn đồng. Tiền cơm và tiền mua đồ ăn khác chứ không thể bữa nào cũng ăn cơm xong rồi lại ăn mỳ tiếp được.

Trong thời kỳ “bão giá” hiện nay, nhiều quán cơm bình dân đã tìm mọi cách để giữ chân khách hàng bằng mọi biện pháp. Chị Phương, chủ quán cơm bình dân Thu Phương, Phố Vũ Hữu chia sẻ: “Bây giờ cái gì cũng đắt chị mà tăng giá là mất khách ngay. Bình thường chị vẫn lấy hàng từ các mối quen nên giá thành rẻ hơn rất nhiều mà vẫn đảm bảo chất lượng”.

Nhiều quán cơm bình dân cũng lao đao vì "bão giá"

Tại cửa hàng của chị Phương, một suất cơm cho sinh và người lao động thường có giá từ 10 nghìn đồng. Biết giá cả mọi thứ đều lên nhưng chị vẫn không tăng giá. Chị Phương tiết lộ : “Trước đây, với mỗi suất cơm cửa hàng cũng được lãi từ gần 2 nghìn đồng nhưng bây giờ chỉ còn được một nửa”.

Đối với chị Định cũng kinh doanh cơm trên phố Vũ Hữu lại chọn giảm bớt khẩu phần ăn của khách để chống chọi với “bão giá”.  Xăng tăng giá kéo theo hàng loạt thực phẩm đầu vào cũng “nhảy nhót” khiến những chủ quán cơm như chị Định cũng phải cân đối mọi chi tiêu để đảm bảo kinh doanh.

Là khu vực tập trung nhiều trường ĐH nên những quán cơm bình dân trên con phố Trần Bình luôn nườm nượp khách hàng sinh viên. Nhiều cửa hàng lớn chọn cách cắt giảm tối đa mọi chi phí để đảm bảo suất cơm như bình thường cho các sinh viên.

Cổng phụ kí túc xá Mễ Trì thường có hàng xôi chả - thịt của cô Hạnh bán rất đắt khách. Cô Hạnh cho biết, trước đây cô bán suất xôi từ 5 nghìn đến 10 nghìn đồng nhưng nay không bán suất 5 nghìn đồng nữa vì không có lãi. Từ ngày không bán suất 5 nghìn đồng, lượng người ăn tại hàng cô Hạnh có giảm đi đáng kể.

Chủ quán cơm Hiếu Loan chia sẻ : “Khách đến ăn ở khu vực này chủ yếu là sinh viên và lao động phổ thông nên tiền cũng không có nhiều. Nếu quán mình cứ tăng giá theo tự nhiên thì chắc cũng mất khách luôn”.

Anh Hiếu, chủ quán cơm Hiếu Loan cho biết, từ ngày giá cả “leo thang”, gia đình cắt cử người sáng sớm đi ra chợ rau quả đầu mối để mua hàng với giá bán buôn nhằm tiết kiệm chi phí. “Tuy phải vất vả dậy sớm, thức muộn hơn nhưng cũng giảm đi đáng kể tiền rau củ một tháng. Vì vậy hàng cơm của mình vẫn giữ được giá ổn định”.


Suất cơm hàng chục nghìn giờ cũng rất đơn giản



Xe máy "đắp chiếu", xe đạp lên ngôi


Quyết tâm không xin thêm kinh phí từ gia đình, nhiều sinh viên đã chọn cách dừng đi xe máy để giảm đi các khoản xăng xe, gửi xe hàng tháng.Một số chiếc xe đạp cũ kỹ trước kia không có ai dùng nay lại trở nên hữu dụng.

Mạnh Dũng, sinh viên ĐH Mở Hà Nội tâm sự: “ Sau đợt tập quân sự vừa qua trở về quê mình đã quyết định mang xe về gửi lại mẹ vì không đủ tiền để đổ xăng, phí trông xe cũng mỗi lượt tới 3 nghìn đồng”.

Theo giải thích của Dũng, mỗi tháng gia đình gửi lên cho cậu bạn 2 triệu đồng. Số tiền khá lớn đối với thu nhập bình thường của một gia đình ở quê nhưng vì thương con nên cha mẹ cũng cắn răng chịu đựng, lo cho con cái. Tuy nhiên với số tiền này chi phí các khoản như tiền nhà tiền điện, tiền đóng học thì số tiền dùng cho xe máy và sửa xe cũng chỉ còn được vài trăm nghìn.
Những chiếc xe đạp cũ giờ lại được các sinh viên dùng trong các khu trọ

Nhiều sinh viên cho rằng, để xe ở nhà vừa không chật chỗ lại vừa bớt được khoảng 500 nghìn đồng một tháng. “Để xe ở nhà có nghĩa là không phải mất tiền gửi xe, không mất tiền sửa xe và cả đổ xăng. Tính ra mỗi tháng cũng tiết kiệm được gần 500 nghìn đồng”. Hải Hà, sinh viên ĐH Xây Dựng chia sẻ.Hiện tại, Hải Hà và các bạn trong phòng hiện dùng chung một chiếc xe đạp mini đã cũ để tiện việc đi lại còn những ngày bình thường các sinh viên này thường đi bộ không xa để tới trường.

Sau khi giá xăng tăng, nhiều sinh viên đã tìm ra chợ Trời để mua các bộ đồ tiết kiệm xăng lắp vào cho những chiếc xe máy của mình nhưng xem ra hiệu quả không cao. Dũng cho biết “Cậu bạn mình có lẽ mai phải tháo bộ tiết kiệm xăng ra vì không có hiệu quả, xe lại cứ trục trặc suốt”.

Đinh Minh Phương – Hoàng An



Bình luận
vtcnews.vn