Báo động tình trạng thư viện vắng ngắt sinh viên

Giáo dụcThứ Năm, 17/03/2011 06:32:00 +07:00

(VTC News) - Phần lớn SV hiện nay vẫn chưa ý thức được việc sử dụng thư viện phục vụ cho học tập. Nhiều SV còn biến thư viện thành nơi “tá túc” nghỉ trưa.

(VTC News) - Không chỉ thờ ơ, phần lớn SV hiện nay vẫn chưa ý thức được việc sử dụng thư viện phục vụ cho công việc học tập. Điều đáng buồn hơn, nhiều SV còn biến thư viện thành nơi “tá túc” nghỉ trưa hoặc nơi sử dụng wifi, internet miễn phí.

Xây dựng khang trang vẫn chưa “hút” sinh viên

Hiện nay nhiều trường ĐH, CĐ đã đầu hàng chục tỉ đồng cho việc xây dựng hệ thống thư viện hiện đại, khang trang. Trong số đó phải kể đến là Trung tâm thư viện ĐH Bách Khoa, KTQD, ĐHQG Hà Nội… được xem là một trong những thư viện hàng đầu Việt Nam.

Tuy nhiên, đầu tư nhưng vẫn chưa “hút” SV khi mà ý thức sử dụng thư viện phục vụ cho công việc học tập của họ còn kém. Thời gian SV chăm chỉ tới thư viện nhất tập trung vào các mùa thi cuối kỳ tháng 12 và tháng 6, dẫn đến tình trạng nhiều thư viện trở nên “quá tải”. Trái lại, vào các ngày thường, các thư viện phần lớn rơi vào tình cảnh thưa thớt SV.

Thư viện được xây dựng khang trang nhưng vắng hoe sinh viên. Ảnh chụp tạp Phòng đọc báo, tạp chí của ĐH KHXH&NV

Tại Phòng phục vụ bạn đọc trường ĐH KHXH&NV – KHTN, vào ngày giữa tuần, các phòng đọc báo, tạp chí, phòng tự học chỉ rải rác một vài SV lui tới. Thư viện KTX Mễ Trì (182 Lương Thế Vinh) cũng không khá hơn là mấy, khi phần lớn số người đến tra cứu tài liệu không phải là SV, mà chủ yếu là các em học sinh THPT chuyên KHTN đến ôn thi ĐH.

Thư viện Tạ Quang Bửu ĐH Bách Khoa là công trình kỷ niệm 50 năm thành lập trường, với tòa nhà gồm 10 tầng, phục vụ cùng lúc hơn 2000 SV và mở cửa cả ngày thứ 7 và chủ nhật. Nhưng tình trạng ghế trống bỏ không vẫn luôn xẩy ra. Chỉ một số ít SV đến tìm kiếm tài liệu làm tiểu luận, đề án hoặc nghiên cứu khoa học.

Điểm thu hút nhất trong thư viện các trường ĐH vẫn là phòng Internet, nhưng thật đáng buồn khi SV đến đây không chỉ với mục đích học tập mà còn để được sử dụng Internet miễn phí như ở ĐH KTQD, ĐH Bách Khoa…

Tìm đến thư viện chỉ để... nghỉ trưa

Hiện nay hầu hết các trường ĐH, CĐ đều đã chuyển sang phương thức đào tạo theo tín chỉ, giảm giờ học lý thuyết và tăng giờ tự học của SV. Người học sẽ chủ động lựa chọn cho mình một thời khóa biểu hợp lý, có thể học dồn tiết hoặc học dàn trải. Bởi vậy có những SV chỉ học một buổi sáng hoặc chiều, thậm chí chỉ học 3/7ngày trong tuần.

Nếu có đến, thì cũng tìm một giấc ngủ trưa ấm áp. Ảnh chụp tại Thư viện trường ĐH KHXH&NV HN

Thời gian rảnh rỗi, nhưng không phải SV nào cũng ý thức tìm đến thư viện để tự học. KTX Mễ Trì hiện có hơn 2000 SV, thay vào việc lên thư viện phần đông sinh viên chủ yếu chỉ giam mình ở trong phòng. Theo Phạm Thị Ngân, phòng 301 nhà C1 cho biết: “Phải tới cuối kỳ khi chịu áp lực thi cử bọn em mới thường lên thư viện. Còn giờ lên đấy chỉ thêm buồn ngủ, thà mượn về phòng, lâu lâu mở ra xem tý”.

Đối với những SV ngành kỹ thuật như Hoàng Mạnh Lương, ĐH Bách Khoa vẫn tự hào vì trường mình có một thư viện khang trang, rộng rãi. Tuy nhiên “em học về kỹ thuật và thực nghiệm nên không cần thiết phải lên thư viện nhiều”. Và cũng theo Lương, chỉ gần tới kỳ thi kết thúc môn học, “SV mới chăm chỉ đến thư viện sớm để “tranh” chỗ tìm không gian yên tĩnh ôn luyện”.
 

Hoặc tranh thủ wifi miễn phí. Ảnh chụp tại Thư viện trường ĐH KHXH&NV HN

Ngoài ra, một số SV vẫn “thường xuyên” lên thư viện, nhưng không phải chỉ vì học mà vì… một giấc ngủ trưa qua buổi hay chỉ để sử dụng wifi miễn phí. Thậm chí có người còn vì “tiết kiệm chút tiền điện” cho việc sử dụng máy tính, quạt điện ở nhà.

Trong các cuộc nói chuyện gần đây với SV các trường ĐH, GS Ngô Bảo Châu đã chia sẻ mình từng ở trên thư viện 10 giờ mỗi ngày cho việc làm luận án Tiến sĩ. Và cũng từng chứng kiến nhiều SV ở Pháp, Trung Quốc có thể ngồi trên thư viện từ sáng đến tối, còn ở Việt Nam điều quả thật là hiếm.

Thư viện là nơi lưu giữ nhiều nguồn tài liệu phong phú và quý giá. Việc SV chưa hiểu được giá trị của thư viện và có thái độ “thờ ơ” với nó thực sự là tình trạng đáng báo động.

Phan Ngọc – Thu Trang

Các thí sinh quan tâm đến cơ hội học tập và nghề nghiệp hấp dẫn tại ĐH Văn Hiến có thể gửi câu hỏi tới địa chỉ [email protected].

Bình luận
vtcnews.vn