Sinh viên thời “bão giá”

Giáo dụcThứ Ba, 01/03/2011 07:53:00 +07:00

(VTC News)- Nhiều sinh viên các tỉnh trọ học tại Hà Nội đang phải “gồng mình” để chống lại sự tăng giá chóng mặt của thị trườn

(VTC News)- Nhiều sinh viên các tỉnh trọ học tại Hà Nội đang phải “gồng mình” để chống lại sự tăng giá chóng mặt của thị trường.

Xăng tăng… trăm thứ cũng tăng


Khu vực Cầu Giấy, nơi tập trung đông sinh viên các trường Học viện Báo chí tuyên truyền, ĐH Sư phạm, ĐH Ngoại Ngữ, ĐH Kinh tế mới chứng kiến sự tác động mạnh mẽ của thời kỳ bão giá.

Lê Hương Lan (Sinh viên khoa tiếng Anh, ĐH Ngoại Ngữ) vừa từ chợ Mỹ Đình về cũng phải nhăn mặt than :“Không hiểu sao giá xăng mới tăng từ trưa nay mà chiều rau thịt cũng có giá ở “trên trời”. Hỏi ai người ta cũng bảo xăng tăng thêm tới 3.000 cơ mà”.

Sinh viên phải tiết kiệm chi tiêu ngay cả với những mớ rau xanh hàng ngày.

Lan cho biết chỉ trong vài ngày sau Tết, những mớ rau muống ngày thường chỉ mua 3.000 đồng nay đã phải mua tới 5.000 đồng. Thậm chí đậu phụ vốn được coi là món ăn quen thuộc của sinh viên thì giờ cũng bị “bóp” lại nhỏ bằng một nửa trước.

Lan ngán ngẩm than với cô bạn cùng phòng: “Mẹ mình đã kho sẵn thịt, rau đã buộc sẵn vào túi nhưng mình nhất định không chịu mang đi vì cho rằng lời lãi cũng chẳng đáng bao nhiêu. Giờ thì trắng mắt rồi!”.

Không chỉ có giá thực phẩm, tại nhiều khu trọ giá phòng cho thuê cũng được đẩy thêm lên 200.000 đồng đến 500.000 đồng  đối với những căn phòng rộng từ 18m2 đến 25m2. Nhiều căn hộ do đã trả trước 3 – 6 tháng thì chủ nhà lại có cách tăng thông qua các khoản phí như phí vệ sinh, phí trông giữ xe, tiền điện, nước.

Dù chưa đến thời gian tăng giá điện nhưng cách đây nửa tháng, nhiều khu trọ sinh viên đã đồng loạt tăng giá điện thêm 1.000 đồng/ số để chống trượt giá.

Nguyễn Thị Hương, sinh viên năm cuối ĐH Sư phạm Hà Nội quê ở Ninh Bình tâm sự: “Nhà mình có 3 chị em đều học ĐH ở Hà Nội, trong đó có 2 người học ĐH Sư phạm nhưng gia đình mình cũng không đủ tiền để gửi lên với tình hình sinh hoạt đắt đỏ tại Hà Nội”.

Bữa cơm đạm bạc của sinh viên trong những ngày "bão giá".

Hương cho biết trước đây gia đình gửi lên 2,5 triệu đồng nhưng hiện tại không thể đủ chi tiêu trong gia đình trong 1 tháng. Với số tiền 1,5 triệu tiền thuê phòng cho 18m2 thì số tiền còn lại sẽ được 3 chị em tiết kiệm tối đa cho chi tiêu.

Đây cũng là tình trạng chung của sinh viên đang sống tại những “làng” sinh viên như Phùng Khoang, Mễ Trì (thuộc huyện Từ Liêm), làng Cót, Quan Hoa (thuộc quận Cầu Giấy), Phương Liệt, Trương Định (quận Hai Bà Trưng)

Tình phí, giao lưu bạn bè… cắt giảm

Lê Mạnh Dũng, sinh viên ĐH Công nghệ (ĐHQGHN) chia sẻ biện pháp cắt giảm chi tiêu của bản thân: “Trước nhóm của mình cũng hay đi uống cà phê nhưng giờ chuyển sang ngồi trà đá. Bọn cũng ít tụ tập hơn trước. Đến bạn bè cũng phải… cắt giảm ” .

Với những dịp sinh nhật của các thành viên trong nhóm,  trước đây chủ nhân của buổi tiệc sẽ là người “móc ví” thì giờ đây nhóm của Dũng thống nhất hình thức chia đều theo số người có mặt tại buổi tiệc để san sẻ gánh nặng với “khổ chủ”.

Những quán trà đá vỉa hè là sự lựa chọn số 1 cho những dịp hàn huyên cùng bạn bè.

Đối với những sinh viên đã có bạn gái thì câu chuyện “bão giá” lại càng càng khiến nhiều sinh viên đau đầu. Mạnh Hùng (ĐH Bách Khoa) kể “bạn gái của mình không hề đòi hỏi phải được đi chơi những nơi sang trọng, đắt tiền nhưng những quán bình dân cũng chẳng thể ngồi mãi được”.

Thanh Tùng, sinh viên năm cuối khoa Toán (ĐH Sư phạm) đùa vui: “Trước đây bọn mình hay đi vòng quanh khu vực Cầu Giấy, Mỹ Đình nhưng giờ giá xăng tăng đến chóng mặt có lẽ mình chọn cách ngồi im một chỗ…”

Tùng cho biết, không thể lần nào gặp nhau cũng ngồi trà đá vỉa hè hay bát bảo Cát Linh được. Mỗi lần dẫn bạn gái đi xem phim là một lần Tùng phải bò đầu bứt tai suy nghĩ để cầm cự đến cuối tháng.

Đối với Mạnh Dũng (ĐH Công Nghệ) nhiều bạn bè cho rằng cậu ta may mắn vì đào được “mỏ vàng” chính là một tiểu thư nhà giàu nhưng sự thực thì hoàn toàn không như vậy. Dũng kể nhiều lần cô bạn gái nằng nặc đòi trả tiền nhưng cậu bạn kiên quyết từ chối với lý do: “Mình cũng phải có một chút tự trọng chứ. Không thể lấy tiền của người yêu mãi được”. Sau những lần như thế, Dũng thường phải nhận thêm việc về nhà làm để lấy tiền trả nợ cậu bạn cùng phòng.

Đối với những sinh viên có những mối dạy thêm đều đặn thường họ phải nhận thêm 3-4 ca một tuần để tăng thêm thu nhập. Điều đó cũng đồng nghĩa với thời gian dành cho học tập và các hoạt động đoàn thể ngày càng ít.

Thanh Tùng chia sẻ: “Hiện tại, các lớp dạy thêm của mình đã có lịch kín cả tuần. Dạy thêm nhiều cũng không phải là cách làm tốt nhưng mình cũng không thể xin tiền gia đình mãi được”.

Nhiều sinh viên lại chọn cho mình những công việc như chạy bàn, hướng dẫn viên du lịch, viết báo là những cơ hội thử thách nghề nghiệp và cũng mang lại những khoản thu nhập đáng kể cho sinh viên chống lại sự leo thang của giá cả.

Khởi Nguyên- Anh Tú

Bình luận
vtcnews.vn