TS.Nguyễn Mộng Hùng: ĐH Văn Hiến sẽ là trường tốt nhất

Tổng hợpChủ Nhật, 28/11/2010 06:10:00 +07:00

(VTC News) - Theo PGS.TS Nguyễn Mộng Hùng, Hiệu trưởng ĐH Văn Hiến TP.HCM, mục tiêu của trường sắp tới sẽ là 1 trong những trường ngoài công lập tốt nhất.

(VTC News) -  Theo PGS.TS Nguyễn Mộng Hùng, Hiệu trưởng trường ĐH Văn Hiến TP.HCM, mục tiêu của trường sắp tới sẽ là 1 trong những trường ngoài công lập tốt nhất với chất lượng sánh ngang với các trường công lập.



PGS. TS. Nguyễn Mộng Hùng.
 


Cảm tình đặc biệt với nghề giáo 

-
Thưa ông, ông có thể nói đôi chút về con đường đến với nghề giáo?

Ngay khi tốt nghiệp ĐH Bách khoa Hà Nội năm 1964 với kết quả xuất sắc, tôi được giữ lại trường và giảng dạy bộ môn kỹ thuật điện tử. Sau 3 năm làm nghiên cứu sinh ở Đức, trở thành tiến sỹ, tôi quay về nước tiếp tục giảng dạy. 

Từ năm 1979 - 2001, tức là gần 20 năm, tôi làm nghiên cứu ở nhiều viện nghiên cứu với cương vị lãnh đạo. Tuy nhiên, trong thời gian đó, tôi vẫn cố gắng dành nhiều thời gian để tiếp tục giảng dạy, hướng dẫn luận văn bên cạnh việc nghiên cứu khoa học. 

Tôi có tình cảm đặc biệt với nghiên cứu khoa học và giảng dạy. Đó cũng là niềm vui của một nhà giáo như tôi.   

- Từng là giảng viên, nhà quản lý chuyên về khoa học tự nhiên, tại sao ông lại chọn trường ĐH Văn Hiến, một trường chuyên về khoa học xã hội để làm hiệu trưởng? 


Ồ! Thực ra tôi cùng một số cán bộ khoa học, kinh tế từng có ý định lập ra một trường ĐH mang tên ĐH Công nghiệp (thời điểm đó chưa có ĐH Công nghiệp TP.HCM). Tuy nhiên, những khó khăn, vướng mắc về giấy tờ, đất đai, chúng tôi phải bỏ ý định này. 

Cuối năm 2006, được lãnh đạo trường ĐH Văn Hiến tha thiết mời về, cũng là cái duyên, tôi đã quyết định về đây. Ở đây, tôi được thầy cô đặt niềm tin và trợ giúp về chuyên môn. Ngoài ra, trong quá trình làm việc và học tập trước đó, tôi cũng dành nhiều thời gian để nghiên cứu lĩnh vực khoa học xã hội. 

Với những thuận lợi ấy, tôi mong muốn tiếp tục đưa ĐH Văn Hiến phát triển hơn nữa. Tuy nhiên, thời điểm tôi về trường, có khá nhiều khó khăn đến nay tôi vẫn chưa thể tháo gỡ để nâng cao hơn nữa chất lượng giáo dục của trường.

PGS. TS. Nguyễn Mộng Hùng trao bằng tốt nghiệp cho SV ngày 19/11 vừa qua.  

Tìm nhà đầu tư chiến lược 

- Đó là những khó khăn gì vậy? 


Thời điểm tôi về, trường ĐH Văn Hiến thành lập được 10 năm nhưng vẫn chưa có cơ sở riêng. Đến bây giờ, mảnh đất trường được cấp ở Bình Chánh nhưng lại chưa giải tỏa xong. Dù cơ sở này đã được bàn giao cách đây 4 năm. 4 cơ sở hiện có của trường đều là cơ sở thuê lại. Chúng tôi cũng đã rất cố gắng để cả 4 cơ sở này đều khang trang, đảm bảo cho việc dạy và học của giảng viên và sinh viên của trường.  Mong muốn mở thêm ngành lĩnh vực khoa học tự nhiên cũng phải dừng lại để giữ sự phát triển ổn định của trường vì tiền vốn đầu tư còn hạn chế. 

- Nhà trường có "kế sách" gì để có thể vượt qua những khó khăn này? 


Trước mắt, trường đang có hướng chuyển sang cơ chế tư thục và tìm nhà đầu tư chiến lược để trường có tiềm lực kinh tế hơn nữa nhằm đầu tư cho cơ sở vật chất, chất lượng giảng viên, sinh viên... 

Tôi cũng rất mong nhà nước tạo điều kiện hơn nữa cho trường nói riêng, trường ĐH ngoài công lập nói chung về việc giải quyết đất đai, mặt bằng... Và nếu có cấp đất, tôi cũng mong là trường được cấp đất trắng vì việc giải tỏa thực sự khó thực hiện và trường ĐH không quen giải quyết điều này.

Đa ngành, đa hệ 

- Trong tương lai, trường ĐH Văn Hiến sẽ phát triển theo mô hình đào tạo như thế nào, thưa ông?


Sau khi có nhà đầu tư chiến lược, trường dự định sẽ mở đa ngành, đa hệ. Trong đó, các ngành kỹ thuật công nghệ sẽ được chú ý bên cạnh việc mở rộng các ngành khối khoa học xã hội và nhân văn. Mục tiêu của trường là đưa ĐH Văn Hiến trở thành 1 trong những trường ngoài công lập tốt nhất với chất lượng sánh ngang với các trường công lập. 


- Về định hướng đào tạo, năm 2011 trường có dự định giữ nguyên các ngành đào tạo hiện có không?   


Hiện nay, có một thực trạng là một số ngành khoa học xã hội đang rất cần thiết nhưng thí sinh lại không mặn mà. Một số trường lại mở các ngành thí sinh ồ ạt thi vào mà không quan tâm đến nhu cầu xã hội. 

Vì thế, năm 2011, nhà trường sẽ xem xét lại các ngành đào tạo để có thể giải bài toán mở những ngành xã hội cần mà vẫn đảm bảo sự phát triển ổn định của trường. 

Xin cám ơn ông về buổi trò chuyện!
PGS. TS. Nguyễn Mộng Hùng, sinh năm 1940, tốt nghiệp ĐH Bách khoa Hà Nội năm 1964 với kết quả xuất sắc.

Năm 1968, ông được chọn đi du học ở Cộng hòa dân chủ Đức.

Năm 1969 - 1973: Ông tham gia học tiến sĩ tại Đức và lấy bằng Tiến sĩ kỹ thuật.

Năm 1973 - 1976: Giảng viên khoa Điều khiển kỹ thuật tại ĐH Bách khoa Hà Nội.

Năm 1976 - 1979: Chủ nhiệm bộ môn Điều khiển tự động ở ĐH Bách khoa TP.HCM.

Năm 1979 - 1990: Phó giám đốc Trung tâm Kỹ thuật hạt nhân TP.HCM; Phó phòng Điện tử hạt nhân (Viện hạt nhân Đà Lạt); Tiếp tục tham gia giảng dạy ở ĐH Bách khoa TP.HCM và ĐH Đà lạt.

Năm 1990 - 2001: Phân viện trưởng Phân viện Nghiên cứu điện tử tin học tự động hóa (Bộ Công nghiệp, nay là Bộ Công thương). Tiếp tục tham gia giảng dạy ở ĐH Bách khoa TP.HCM, ĐH Tự nhiên TP.HCM.

Năm 1991: Được phong Phó giáo sư.

Năm 1995: Là người sáng lập kiêm Chủ tịch Hội Khoa học tự động hóa TP.HCM.

Từ 2001 - 2006: Giảng dạy ở ĐH Bách khoa TP.HCM, ĐH Tự nhiên TP.HCM, ĐH GTVT TP.HCM, ĐH Tôn Đức Thắng, CĐ CNTT.

Từ 2007 - nay: Hiệu trưởng ĐH Văn Hiến.

 
Uyên Minh (Thực hiện)

Bình luận
vtcnews.vn