Khi nông dân, xe thồ... được mời làm người mẫu bán nude

Tổng hợpThứ Ba, 26/10/2010 10:28:00 +07:00

(VTC News) - Trong phòng thực hành sinh viên đang cần mẫn đưa những nét vẽ trên bức họa thỉnh thoảng dừng lại, chăm chú nhìn 2 người mẫu bán nude...

(VTC News) -  Khác với yêu cầu khắt khe trong nghề người mẫu ở sân khấu, sàn diễn, người mẫu bán nude cho sinh viên  ĐH Nghệ thuật Huế không "cầu kỳ góc cạnh" nên đội ngũ người mẫu của trường thu hút được rất nhiều nông dân  tham gia làm người mẫu.

Nông dân, xe thồ... được mời làm người mẫu


Đường vào trường ĐH Nghệ thuật Huế trải dài vắt ngang hồ Tịnh Tâm trong lành. Rẽ qua tấm bảng chỉ dẫn, chúng tôi được chỉ đến phòng thực hành - nơi các sinh viên đang cần mẫn đưa những nét vẽ trên bức họa thỉnh thoảng lại dừng lại chăm chú nhìn 2 người mẫu bán nude như 2 bức tượng sinh động.

Những "họa sỹ" sinh viên đang chăm chú nhìn người mẫu để vẽ.

Khi biết tôi có ý muốn được tiếp cận với những người mẫu nông dân đang là “vốn quý” của trường, các thầy cô đều tỏ vẻ dè dặt với đề xuất của tôi. Một thầy giáo cho biết: Hiện nay lực lượng người mẫu cho sinh viên rất e ngại khi  tiếp xúc người lạ nên yêu cầu nhà trường luôn giữ bí mật về đời tư và nghề nghiệp của họ.

Nhưng cuối cùng, sau khi thuyết phục, tôi cũng được thầy dẫn đến những phòng thực hành của sinh viên ngành họa. Để được tiếp cận với những người mẫu của trường ĐH Nghệ thuật Huế, tôi phải đợi người hướng dẫn làm thủ tục “xin phép” người mẫu mới được thâm nhập khu vực “cách ly”.

Mới bước vào, dù được giảng viên hướng dẫn đi kèm nhưng những người mẫu bán nude đang bất động trên bục cũng giật mình. Theo phản xạ tự nhiên họ co người lại và ngại ngùng. Bắt chuyện, thăm hỏi... những người mẫu mới tiếp tục yên vị để những “họa sĩ” sáng tạo từ những đường nét trên cơ thể của mình.

Hàng chục người mẫu tự nguyện đầu quân cho trường ĐH Nghệ thuật Huế, mỗi người là một câu chuyện khá thú vị khi tiết lộ cơ duyên đến với nghề này. Người thì trốn chồng, dối con đi làm, người bỏ cả công việc ổn định với lương thu nhập lên đến tiền triệu để đến với phận “bọt bèo” của “kiếp” mẫu vẽ.

Trong số những người mẫu bám trụ  lâu năm với trường ĐH Nghệ thuật Huế, bà Nguyễn Thị Gái (56 tuổi) đã có thâm niên hơn 20 năm làm “tượng” cho sinh viên mỹ thuật.

Bà Gái cho biết, bản thân bà đến với nghề người mẫu rất tình cờ. Là một người làm ruộng nhưng may mắn  bà có người anh là nhà thơ “Phương xích lô” nên bà có mối quan hệ rất rộng.  Một lần tình cờ gặp cô em gái nhà thơ, anh bạn thơ của anh bà công tác tại trường ĐH Nghệ thuật Huế có ý mời bà làm người mẫu cho sinh viên mỹ thuật. Lúc đầu cũng ái ngại nhưng “máu” nghệ thuật đã giúp bà dấn thân theo nghề người mẫu .

“Tôi làm nghề người mẫu cho sinh viên hội họa lúc đầu cũng bối rối. Nhưng về sau thấy các em hăng say sáng tạo, lấy cảm hứng từ cơ thể mình nên cũng vui vẻ bám trụ với công việc vốn được coi là “nhạy cảm” này. Đã 20 năm làm nghề với bao kỷ niệm nhưng hiện tại mỗi lần ra vào trường, tôi lại sợ người ta biết mình làm nghề “cởi áo quần” đứng làm mẫu vẽ lại kỳ thị.. Nghĩ lại lắm lúc tủi thân nhưng cái duyên cái nợ nó thì bám lấy thôi biết mần răng chừ”, bà Gái tâm sự.

Còn với bác Hồ Tất Sơn (51 tuổi) bước vào nghề người mẫu cũng ngót nghét gần 30 chục năm nhưng cứ đi làm là bác lại hóa trang chứ không để lộ danh tính vì sợ ánh mắt soi mói của người khác...

Người mẫu cho sinh viên thực hành tại trường ĐH Nghệ thuật Huế.

Bác Sơn cho biết, lúc đầu chẳng biết làm nghề người mẫu là gì nhưng một hôm nông nhàn đang đi làm nghề xe thồ thì một người đến hỏi muốn làm người mẫu không. “Biết chi mô chú, nghe người ta bảo đi làm người mẫu cho họ. Tui tá hỏa tưởng mình nghe nhầm, ai ngờ lại thật. Cũng may được các thầy hướng dẫn cách đứng... làm dáng nên bây giờ tui cũng thuộc tốp kỳ cựu trong trường”, bác Sơn kể.

Với người mẫu mới vào nghề như chị Lê Thị Thắm thì công việc này vừa thích... vừa sợ. Chị Thắm là nông dân ở Quảng Bình, lấy chồng ở Huế rồi thành người mẫu của trường ĐH Nghệ thuật Huế. Chị kể về đường vào nghề của mình thỏ thẻ như sợ người khác nghe được thì “xấu hổ lắm”. Nghe đâu chị thích tranh ảnh hội họa nên cậu sinh viên thuê trọ xóm bên liền có ý mời chị đi làm người mẫu. Chị vui vẻ nhận lời nhưng lúc đầu với điều kiện phải tuyệt đối bí mật.

Chị bảo: “Nếu người ngoài, chồng con, họ hàng mà biết mình cởi áo quần để cho người ta “ngắm” thì không biết chuyện gì sẽ xảy ra. Tôi đi làm nghề này cũng vì thấy thích nên lúc đầu giấu chồng bảo đi làm tạp vụ ở trường mới yên chuyện, giờ thì mọi người cũng đã quan niệm khác...”.

"Cả nhà" làm người mẫu


Từ khi rời ruộng đồng lên thành phố, gia đình bà Gái bươn chải đủ nghề để bám trụ với cuộc sống đắt đỏ chốn thị thành nhưng bộn bề khó khăn vẫn vây lấy căn nhà chỉ 10 m2 với 4 miệng ăn. Ban đầu chuyện đi làm người mẫu với bà Gái cũng nhằm để cải thiện thu nhập hơn là thỏa chí yêu nghệ thuật.

Nhưng khi vào môi trường “tinh khiết” của nghệ thuật, bà mới hiểu ra cái quý của nghề mình đang theo đuổi. Bước đầu bà giấu gia đình nhưng dần dần trong tâm trí người “nghệ sỹ” này hiểu được giá trị của công việc nên thuyết phục những thành viên trong gia đình theo nghề “đứng” mẫu.

Gia đình bà Gái có 4 người đều là người mẫu của trường ĐH Nghệ thuật Huế. Không những thế bà còn "tuyển" thêm em ruột của mình là Nguyễn Văn Thông cũng đầu quân làm người mẫu.

Chị Thắm cũng cho biết chị cũng sẽ "thương thuyết" với chồng để anh theo nghề người mẫu. Chị Thắm bảo chồng chị làm nghề lái xe, công việc thất thường nên để kiếm thêm thu nhập chị đang lên dây cót “rủ rê” chồng đi làm cùng. Biết là khó nhưng chị bảo tiếp xúc với sinh viên, tri thức thì ai cũng muốn làm việc nên chồng chị chắc cũng đồng ý.

Thông thường nguồn người mẫu ở trường ĐH Nghệ thuật Huế do các mối quan hệ mà có. Hầu như trường chưa có tiền lệ tuyển người mẫu từ trước đến nay. Đó cũng là điều dễ hiểu khi thường những người mẫu đến làm việc tại ĐH Nghệ thuật Huế là chỗ quen biết, thân tình với nhau. Có nhà 2, 3 người làm người mẫu là chuyện thường ở trường này.

Bác Sơn cho hay, mấy ông bạn lái xe ôm, xích lô cũng được các thầy cô trong trường đón nhận với nhiều “vai diễn” khác nhau: có người làm lâu dài, có người cộng tác, có người chỉ trong một khoảng thời gian nào đó... Nhưng tất thảy ai cũng cảm thấy nghề làm người mẫu cho sinh viên thực hành rất thú vị, hay hay...

Khác với yêu cầu khắt khe trong nghề người mẫu ở sân khấu, sàn diễn, người mẫu bán nude cho sinh viên nghệ thuật không "cầu kỳ góc cạnh" và chỉ cần chịu khó là được. Phải chăng nét hồn nhiên của các người mẫu này khiến cho nhiều thế hệ sinh viên ĐH Nghệ thuật Huế cảm thấy nghệ thuật hội họa rất gần gũi với đời sống?

Còn tiếp...

Trần Viết Long


Mọi lúc, mọi nơi mỗi người trong chúng ta đều có thể lập tức giúp đỡ được cho đồng bào miền Trung.

Nhắn tin theo cú pháp đơn giản UHgửi 1405 (10.000đ/tin) hoặc UH gửi 1409 (18.000đ/tin) của Cổng thông tin nhân đạo quốc gia là bạn đã hành động thiết thực để cứu trợ đồng bào miền Trung ruột thịt.

Bình luận
vtcnews.vn