Chuyện những sinh viên 'cày đêm' kiếm tiền

Tổng hợpThứ Bảy, 25/09/2010 04:03:00 +07:00

KTX im ắng. Nhưng đâu đó trong thành phố vẫn còn những sinh viên khoác lên mình chiếc áo xanh công nhân thức trắng đêm để kiếm thêm thu nhập...

Đà Nẵng 24h đêm. Giảng đường vắng lặng. KTX im ắng. Nhưng đâu đó trong thành phố vẫn còn những sinh viên khoác lên mình chiếc áo xanh công nhân thức trắng đêm để kiếm thêm thu nhập, trang trải cho cuộc sống…

Những giấc ngủ không tròn

Nằm trên quận Liên Chiểu, TP. Đà Nẵng, Khu công nghiệp Hòa Khánh là nơi đang thu hút nhiều sinh viên đến nộp hồ sơ xin việc, đặc biệt là 3 công ty: Mabuchi Motor, Điện tử Việt Hoa và Maxtris.

Do ban ngày phải có mặt ở giảng đường nên hầu hết sinh viên khi đi làm công nhân đều đăng ký ca đêm (Mabuchi Motor và Maxtris bắt đầu từ 22h đến 6h sáng hôm sau; Điện tử Việt Hoa từ 18h đến 6h sáng hôm sau). Vì làm việc ở khoảng thời gian như thế nên sinh viên thường chấp nhận "hy sinh" giấc ngủ, thời gian sinh hoạt theo đó cũng bị xáo trộn.

Khá nhiều sinh viên đến làm ca từ 18 giờ đến 6 giờ sáng hôm sau tại Công ty Điện tử Việt Hoa (Ảnh: SVVN). 
Hồ. T. Anh (lớp 09CTL, trường ĐH Sư phạm) tâm sự: "Đầu năm, bài vở ít nên mình tranh thủ đi làm kiếm thêm thu nhập, ban ngày đi học nên phải làm ca đêm, làm ca đêm lương cũng cao hơn (2,4 triệu đồng/tháng). Lúc đầu thì hay mất ngủ, giờ quen rồi, rảnh lúc nào thì mình phải cố mà ngủ, không ngủ thì chẳng có sức mà đi làm". "Ngủ ngày cày đêm" nên nếu lịch học ở trường cả ngày thì quả là ác mộng. Giải pháp tạm thời mà sinh viên làm đêm chọn là cúp tiết (nếu không điểm danh) để ở nhà ngủ bù…

Làm công nhân không dễ

Không cần ngoại hình đẹp, kỹ năng giao tiếp hay trình độ ngoại ngữ. Một giấy khám sức khỏe, tốt nghiệp lớp 9 trở lên, độ tuổi từ 19 đến 29 là đủ điều kiện làm tại khu công nghiệp. Nhưng không phải vì thế mà nghĩ rằng làm công nhân là một part-time "dễ xơi". Theo kinh nghiệm của nhiều sinh viên thì công việc thường yêu cầu những phẩm chất tỉ mỉ, chịu khó và kiên nhẫn.

L. T. Diệu, một sinh viên năm thứ 2, nhận dập bush (một khâu chuẩn bị linh kiện để lắp ráp) tại Mabuchi Motor chia sẻ: "Công việc không khó nhưng phải chú ý xem người ta hướng dẫn rồi làm cho đúng, khi làm phải cẩn thận, sai là bị tổ trưởng, chủ quản mắng liền. Mình mới vào làm nên được xếp bên cơ động, được yêu cầu gì thì làm nấy, chạy đi chạy lại mệt lắm!".

Đối lập với cảnh vật vả kiếm từng đồng tiến đóng học, lo cuộc sống thì cũng có  nhiều bạn trẻ đắm chìm trong vũ điệu cuồng nhiệt, những cuộc chơi thâu đêm suốt sáng ở các vũ trường (Ảnh: baodatviet.vn). 
Do làm trong một bộ phận của một dây chuyền liên tục nên "nhanh" là yêu cầu bắt buộc và cũng là áp lực thực sự: "Nếu một đêm người ta giao cho mình 10.000 đơn vị hàng thì phải chạy cho hết, không đủ hàng sẽ bị viết giấy cảnh cáo, ngày hôm sau phải chạy thêm số lượng vào cho đủ hàng, nếu không cuối tháng sẽ bị  trừ lương" - Thanh Chi (công nhân đứng máy, dán hàng nhà máy nhựa Maxtris) cho biết.

Khu công nghiệp Hòa Khánh là môi trường chỉ dành cho những người có sức khỏe thuộc vào loại "khủng". Thức khuya liên tục, đứng một chỗ nguyên đêm (bên công đoạn), môi trường bao quanh là điện, máy lạnh, tiếng ồn máy móc, bụi vải, hóa chất… gộp lại đủ để thấy sức khỏe sẽ bị tàn phá không thương tiếc như thế nào.

Trải nghiệm và thấu hiểu

Không phải công việc phục vụ cho chuyên ngành học tập, càng không phải công việc của niềm đam mê, thậm chí là rất vất vả nhưng làm công nhân cũng mang lại cho sinh viên nhiều trải nghiệm khác biệt. "Công việc này chưa hẳn gọi là thử thách bản thân, đơn giản là trải nghiệm mà thôi. Mệt thật, nhưng nhờ nó mình hiểu hơn được rất nhiều điều về cuộc sống. Mình nhận ra, nghề nào cũng đáng quý cả, bởi trước đây mình không coi trọng người lao động chân tay, nhưng khi đi làm mình học được ở các cô, các chị rất nhiều điều như sự kiên nhẫn, khả năng chịu đựng…" - Thanh Chi (ĐH Đà Nẵng) kể về những người bạn công nhân lớn tuổi của mình.

Cùng trải nghiệm như Chi, Hoài Xuân (năm thứ 3, trường CĐ Kinh tế - Kế hoạch) lý giải: "Tùy hoàn cảnh mà biết cách thích nghi, ngày trước thì cứ  cho rằng mình là sinh viên, là người "có chữ" nên chạm tí là tự ái liền, nhưng ở đây, mình phải rèn tính chịu đựng".

Còn với Đông (năm thứ 2, khoa Ngữ văn, trường ĐH Sư phạm), sau hai tháng thử sức, bạn đã học được kỹ năng làm việc nghiêm túc, nhanh nhẹn: "Làm ra làm, chơi ra chơi, lúc nào cũng phải học hỏi bởi công việc của mình đòi hỏi phải biết nhiều công đoạn. Đi làm mới biết thương ba mẹ. Thích nhất khi cầm những đồng tiền lương trên tay do thành  quả lao động đem lại, cảm giác mình là một người trưởng thành".

Khi được hỏi có dự định làm lâu dài ở Maxtris không, Hoài Xuân (có thu nhập 2,5 triệu đồng/tháng) khuyên: "Lương cao, nhưng mình nghĩ sinh viên không nên ham kiếm tiền mà bám trụ công việc này lâu. Thức khuya làm việc nhiều sẽ rất ảnh hưởng đến việc học. Có vài lần mệt quá, chịu không nổi, mình phải cúp tiết ở nhà ngủ bù. Mình chỉ làm khoảng nửa tháng nữa thôi, tích đủ tiền học phí sẽ xin nghỉ".

Có lẽ, khi đang còn là sinh viên, "nghề" công nhân chỉ nên là một part -time thời vụ, bởi bạn sẽ chẳng thể hoàn thành tốt việc học nếu luôn ở trong tình trạng "sáng ngủ giảng đường - tối làm thêm".

 Theo Sinh viên Việt Nam

 

 

Bình luận
vtcnews.vn