Khai giảng ở Văn miếu Xích Đằng

Tổng hợpThứ Hai, 06/09/2010 05:46:00 +07:00

(VTC News) - Gần 50 mươi cụ…học sinh đầu bạc, trẻ nhất cũng đã 60, tìm về Văn miếu Xích Đằng, bắt đầu một năm học mới...

(VTC News) - Gần 50 mươi cụ…học sinh đầu bạc, trẻ nhất cũng đã 60,  bốn mươi năm sau ngày khai giảng tại đất Hưng Yên, chúng  tôi lại tìm về  Văn miếu Xích Đằng, bắt đầu một năm học mới.

 1.Chúng tôi là học sinh lớp ngữ văn Đại học Sư phạm Hà Nội khóa 1967-1970. Vào năm học thứ  nhất, không rõ vì lí do gì, nam sinh viên học riêng một lớp gọi là lớp Ba sẵn sàng không chung đụng gì với lớp nữ Ba đảm đang. Chia rẽ ấy, bước đầu khiến sinh viên hai lớp ngùn ngụt tinh thần thi đua, chẳng bên nào chịu thua bên nào. Đêm văn nghệ kết thúc học kì I cả hai lớp cùng dựng kịch Lôi Vũ – văn học Trung Quốc. Các nữ sinh viên chọn người “trước sau như một” vào vai nam. Tóc dài vấn lên rồi đội mũ phớt ngụy trang. Lớp nam chẳng kém cạnh gì, áo nhỏ “quang treo” phơi sân vườn nhà dân nơi trường sơ tán thì thiếu gì, cứ vơ đại vài cái! Bột mì luộc tiêu chuẩn mỗi đứa hai nắm, đứa nào vào vai nữ thì cứ mì ấy mà độn căng  hai lõm áo nhỏ, rồi son phấn, cũng đẹp chẳng kém gì mấy anh chuyển đổi giới tính bến Thái bây giờ! Lên sân khấu đèn dầu, mờ mờ ảo ảo cũng thục nữ ra phết!

Không biết có phải vì thấy chúng tôi tranh đấu hơi lố như thế mà nhà trường dồn hai lớp làm một, sau chỉ một năm? Hay vì có lần, thầy Hồ Ngọc Đại, con rể Tổng bí thư Lê Duẩn từ Hà Nội lên dạy mấy tiết tâm lý giáo dục, dạy hay lắm, dạy xong còn đọc thơ tình không rõ của ai, nhưng sau 40 năm vẫn nhớ: Gặp em non buổi chiểu / Nhớ em tròn buổi tối / Đường về quên mất lối / Rẽ nhầm vào nhà em  và có phải, nhờ thơ này mà thầy Lê Trí Viễn, chủ nhiệm khoa sợ chúng tôi “quên mất lối”, đã trộn làm một “đảm đang” với “sẵn sàng”. Mãi đến bây giờ, chúng tôi cũng chưa được thưa chuyện với các thầy cho rõ nếp, tẻ chuyện chia rẽ và kết hợp kia. Chỉ biết, sau khi hai lớp se duyên thì tới năm học thứ hai “có bắn súng” mà tôi đã kể trong một bài lần trước. Chỉ là súng trường thôi, chính tự vệ sinh viên bóp cò chứ không phải đại bác. Vậy mà đưòng thơ bắn ra, còn sáng mãi tới mùa thu khai trường năm nay:

 Khai giảng năm nay có bắn súng

 Tiếng súng nôn nao cả tấm lòng

 Xin hứa: quyết làm  viên đạn nhỏ

 Khỏi nòng chỉ biết có xung phong.

 (Lê Trí Viễn – Khai giảng 1968 tại xã Cộng Hòa, Yên Mỹ nơi Khoa sơ tán – trích tập thơ Tinh Sương tr.38)

Chúng tôi là sinh viên của Đại học Sư phạm Hà Nội mà không học  1 ngày ở khu trường Cầu Giấy nổi tiếng kia, chỉ được từ khu sơ tán, trở về Cầu Giấy dỡ hội trường nhà lá mang đi dựng các lớp học tranh tre, có giao thông hào dẫn sinh viện tới các hầm chữ A, tránh Mỹ dội bom. Thứ hầm “phỏng sinh” con chữ bắt đầu bảng chữ cái tiếng Việt.

Bên các thầy giáo Phan Trong Luận, Nguyên Văn Long, Bùi Văn Ba… trò nhỏ Vi Văn Khắc (áo xám) lại có mái tóc bạc hơn. 

 2. Học đại học với chữ  A to hơn khổ giấy “A không” bây giờ, to tới sức dài vai rộng sinh viên cũng chui lọt, chúng tôi bước qua chiến tranh mà trưởng thành!  Ngày 28/8/2010 chuẩn bị cho “khai giảng” sẽ tổ chức ở Văn miếu Xích Đằng lớp hội quân ở số 1 Trấn Vũ, ngay ven hồ Tây, nơi có làng giấy dó Yên Thái lớp học năm cuối trong đình Thọ, và báo công bằng điểm danh:

Thứ nhất, tiến sĩ Trần Ngọc Tăng, nguyên Phó Bí thư thường trực, nguyên Chủ tịch HĐND tỉnh Phú Thọ, nguyên Phó Trưởng ban Khoa giáo TW Đảng, đương kim Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ VN là lớp trưởng của chúng tôi.

Còn những sinh viên khác, trước khi theo lớp học mới, sắp khai giảng ở Văn miếu Xích Đằng đã làm công việc "điểm danh": 

Cử nhân Phạm Diễm Phúc  Phó Chủ tịch Mặt trận Tổ Quốc TP. Hà Nội; cử nhân Ngô Thúy Nguyên Giám đốc  Sở GD&ĐT tỉnh Hải Dương; cử nhân Nguyễn Thanh Cầm Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Thái Bình;  cử nhân Nguyễn Bá Côn Phó Ban Tuyên giáo tỉnh ủy Thái Bình; TS Nguyễn Gia Cầu Tổng Biên tập Tạp chí Giáo dục; cử nhân Đặng Văn Bảng Phó Chủ Tịch UBND huyện Tam Nông - Phó chánh VP tỉnh ủy Phú Thọ;  cử nhân Trần Văn Hùng, Chủ tịch UBND huyện An Lão TP. Hải Phòng; PGS - TS Nguyễn Viết Chữ giảng viên ĐHSP HN; Cử nhân Hoàng Dân - trưởng khoa Thể dục-Nhạc-Họa trường Cao đẳng Sư phạm HN; cử nhân Chu Thanh Bằng - Phó trưởng khoa CĐSP Nha Trang.

Cử nhân Đặng Đình Quán, Phó trưởng khoa CĐSP Thái Bình; cử nhân Phạm Thành Nhung, Trưởng phòng GD huyện Tiên Lãng Hải Phòng; cử nhân Lê Văn Phong trưởng phòng GD huyện Bắc Hà Lào Cai;  cử nhân Trần Hồng, Trưởng phòng GD huyện Bình Xuyên Vĩnh Phúc; cử nhân Nguyễn Duy Bộ - Nhà giáo Ưu Tú, Hiệu trưởng trường Dân tộc nội trú N'Trang Lơng Đắc Lắc; cử nhân  Đậu Đình Diễn, Hiệu trưởng THPT Dân Chính, Nghĩa Đàn Nghệ An; cử nhân Đặng Đình Đại Hiệu trưởng THPT Nguyễn Gia Thiều Hà-Nội; cử nhân Nguyễn Hữu Hội, Hiệu trưởng THPT Thanh Oai A Hà Tây (cũ) cử nhân Nguyễn Minh Huân, Hiệu trưởng THPT Cầu Kè Trà Vinh; cử nhân Vũ Văn Hứa, Hiệu trưởng THPT Bình Lục A, Hà Nam.

Cử nhân Ngô Văn Kiểu Hiệu trưởng THPT Nguyễn Trãi, Trực Ninh Nam Định; cử nhân  Nguyễn Trung Kiên, hiệu trưởng THPT Nam Sách Hải Dương; cử nhân Đỗ Cao Lượng Hiệu trưởng THPT Nam, Tiền Hải - Thái Bình; cử nhân Vũ Đức Nhâm, Giám đốc  trung tâm giáo dục thường xuyên tỉnh Kiên Giang; cử nhân  Lê Trung Oánh, Hiệu trưởng THPT Quảng Ninh; cử nhân Nguyễn Thanh Quy, Hiệu trưởng THCS Nghĩa Thái, Nam Định; cử nhân Nguyễn Minh Tuệ trường THPT chuyên Bắc Ninh được phong Nhà Giáo Ưu Tú.

Những cử nhân lớp chúng tôi mà nhập ngũ thì Phạm Đăng Hiệu là Đại tá Bộ Tổng tham mưu; Nguyễn Văn Thống là  Đại tá Chủ nhiệm bộ môn, Học viện Kỹ thuật Quân Sự; Lê Văn Trào là Đại tá Chủ nhiệm khoa, Trường Sĩ quan Lục quân I…

Vì không bận công việc quản lý, chúng tôi chuyên tâm lên lớp và tính trung bình, mỗi khóa (3 năm học) mỗi người dạy 3 lớp, mỗi lớp khoảng 45 học sinh như vậy trong 40 năm, bạn nam ba sẵn sàng đã dạy 13 khóa x 3 lớp x 45 HS = 1.755 hs , bạn nữ ba đảm đang dạy 35 năm như vậy là 11 khóa x 3 lớp x 45 HS = 1.485hs …thầy cô dạy được bằng ấy học sinh có khác gì tướng lĩnh cầm quân!

 Ông Trần Ngọc Tăng, Chủ tịch Hội Chữ Thập Đỏ Việt Nam hôm nay, lại làm anh lớp trưởng như ngày nào, điều khiển sinh hoạt lớp.  
3. Là những người đã về hưu sau 40 mùa khai giảng, sáng 29/8/2010 nhằm chủ nhật mát trời, đến hẹn lại lên, chúng tôi rủ nhau về xã Cộng Hòa, Hưng Yên cảm ơn bà con nông dân đã cho ăn đậu ngủ nhờ mà thành thầy cô giáo. Việc nghĩa làm xong, chuyển sang việc học, viếng thăm Văn miếu Xích Đằng để học thêm chữ trên hoành phi, câu đối, trên chuông đồng khánh đá nơi đây. Thấy có học sinh tóc bạc về văn miếu quê mình ông Phó Bí thư thường trực tỉnh ủy, tỉnh Hưng Yên, Doãn Thế Cường ra tận nơi khiêm nhường nhận cô chủ nhiệm của mình - cũng là sinh viên lớp chúng tôi. Nhận rồi, ông Phó bí thư cùng chúng tôi cung kính đọc bằng tay tên đẹp của 161 vị đại khoa khắc trên bia đá. Trong đó 140 vị là người Hưng Yên, nơi có Phố Hiến lừng danh “Thứ nhất kinh kì, thứ nhì Phố Hiến”. Chúng tôi ghi vào sổ tay, Trạng Nguyên thời Trần, ngài  Tống Trân người thôn An Câu, Phủ Cừ. Trạng Nguyên triều Mạc ngài Nguyễn Kỳ người thôn Bình Dân, Khoái Châu…lại ghi chuyện, Văn miếu Xích Đằng đã có lần là trường thi của một khoa thi Hương. Nhà bác học Lê Quý Đôn đã dự kì thi hương tại đây, ngày ấy…

Ông Doãn Thế Cường (bìa phải), Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, tỉnh Hưng Yên giới thiệu với các cựu giáo chức Văn miếu Xích Đằng quê mình.  
Thấy kiểu vừa học vừa chơi thế này nhàn nhã hợp với người đã về vườn, chúng tôi hẹn nhau, thu sang năm, cũng vào chủ nhật cuối tháng Tám, gần ngày tết Độc Lập, vào khai giảng năm học mới với nhau ở Văn miếu Trấn Biên trong tỉnh Đồng Nai, ngay thành phố Biên Hòa. Lại rủ cả ông Phó bí thư cùng đi cho vui!

Người viết bài này còn ghi riêng cho mình một bài học rất lạ! Một anh bạn dạy học ở Hải Hưng thời ấy kể cho hay, ngày ông bà thân sinh anh Cường nay là Phó bí thư cưới vợ cho anh, giường cưới được gửi vào gầm giường của vợ chồng bạn tôi, một cặp “giáo chức toàn tòng” “văn chương toàn tòng” để lấy “khước” (hay phước?) từ một mái ấm gia đình, đã sinh liền hai con trai, lại là những người tử tế!

Trần Quốc Toàn

 

 


Bình luận
vtcnews.vn