“Ông già ôzôn” - Người thầy đa năng

Tổng hợpThứ Ba, 07/09/2010 10:54:00 +07:00

(VTC News)- "Ông già ôzôn" không chỉ nổi tiếng với sản phẩm trí tuệ: bảng xanh không lóa, nước ôzôn, các loại đèn khử khuẩn... mà còn là người thầy đa năng.

(VTC News) – Một số sản phẩm trí tuệ của “ông già ôzôn” được sử dụng rộng rãi như: bảng màu xanh không lóa, đèn học đường, nước ôzôn, các loại đèn khử khuẩn và hiệu suất chiếu sáng cao. Nhưng hơn hết, ông là người thầy của học sinh nghèo.



TS Khải đang hướng dẫn học sinh làm thí nghiệm.
Trong lịch sử Việt Nam, ít có gia đình nào như gia đình “ông già ôzôn”, 6 đời đều làm nhà giáo, trong đó có một tiến sĩ được ghi danh trên bia đá trong Văn Miếu – Quốc Tử Giám, nhiều người giành học bổng đi học, nghiên cứu tại Liên Xô, Ba Lan, Đức, Hungari, Mỹ. Cả một đời lao động trong lĩnh vực giáo dục, cựu Giám đốc Trung tâm Tư vấn Đèn Tiết kiệm Điện năng & Dung dịch Hoạt hóa Điện hóa Nguyễn Văn Khải luôn tìm mọi cách để dạy cho học sinh đặc biệt là trẻ em nghèo, vùng sâu, vùng xa, những người cần được hỗ trợ và giúp đỡ.

Xuất thân trong một gia đình cán bộ kháng chiến chống Pháp, 10 anh em nhà TS Nguyễn Văn Khải đều phải tự học, tự làm. Người đi đầu là giáo sư viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu. Thời niên thiếu của cậu bé Nguyễn Văn Hiệu gắn liền với kỉ niệm gian khổ về một lần đi chặt cây để nhuộm sợi, bị đứt ngón tay út. Còn cậu bé Khải ngồi rút bấc đèn, buồn ngủ quá đập đầu vào máy để lại vết sẹo hằn sâu nơi gò má. Ngay từ những ngày còn ngồi trên ghế nhà trường PTTH, cậu học sinh Khải đã bắt đầu dạy bổ túc văn hóa, giúp đỡ các trẻ em nghèo khác học tập.

Thầy Khải dạy học trên miền núi.
Sau khi tốt nghiệp đại học, trường cấp III Đông Thụy Anh và Tây Thụy Anh (Thái Bình) trở thành nơi đầu tiên, thầy giáo trẻ Khải luyện tài, rèn đức. Giữa những người lao động nghèo, không có phụ cấp, không bồi dưỡng, điều kiện giảng dạy khó khăn vậy mà nhờ thầy Khải tận tình dạy dỗ, chỉ bảo học sinh, để rồi sau này, chính từ mái trường này nhiều người đã thành đạt.

Một lần vào ngày 15/05/1975, ông được giao nhiệm vụ bồi dưỡng kiến thức cho 19 chiến sĩ mới ở chiến trường về Học viện Hậu Cần luyện thi vào đại học dân sự. Với kế hoạch giảng dạy hợp lý, tất cả  học sinh của ông đều đạt điểm môn Vật lý từ 8 trở lên. Năm 1998, ông Khải dẫn sinh viên lên xóa tái mù chữ ở Hà Giang. Chỉ trong 1 tháng, tất cả các thanh niên dân tộc thiểu số đều có lại khả năng đọc, viết, nói, hát tiếng phổ thông.

Một điều kỳ lạ, là có rất nhiều người trong và ngoài nước lần đầu tiên gọi điện thoại hoặc gửi thư điện tử tới ông đều gọi ông là: thầy. Thậm chí, trong những lần đi công tác ở nước ngoài, tới xưởng sản xuất ở Trung Quốc, thật ngạc nhiên khi những người phụ trách ở đây đều mến chào “thầy Khải”. Nhiều người còn biết thầy Khải vì ông là tác giả của đèn khử khói, khử mùi, khử khuẩn, đèn LED cho thủy sản, cho hoa, cho bệnh viện, cho học sinh… “Người nước ngoài làm đèn có thể giỏi hơn tôi hàng tỷ lần nhưng riêng về đèn học đường, đèn cho người nghèo, đèn bàn thì hiện nay, họ chưa bằng tôi”, “Ông già ôzôn” tâm đắc.

Dạy học sinh sử dụng thiết bị điện.
Ông Khải còn là người tiến sĩ Vật lý đầu tiên ở Việt Nam làm cái việc dẫn ông chủ tịch huyện ở đầu đất nước mang mận tới cuối đất nước – cách xa 1.800 km để bán với giá cao gấp 10 lần, dẫn những người nông dân chưa học hết phổ thông đem trái cây, đem thanh long ra nước ngoài hoặc đem cà phê ở “kinh đô” cà phê ở Việt Nam pha cho công nhân nước ngoài uống, để rồi họ trở thành những người thường xuyên uống cà phê Việt.

Bất kỳ nơi đâu, dân gặp khó chỉ cần gọi điện là ông có mặt, với tri thức, máy tạo dung dịch hoạt hóa, điện hóa “dã chiến”, các loại đèn là “vũ khí” xung trận dập dịch bệnh đuổi sâu bọ làm trong nước, sạch không khí. “Về các lớp học của trẻ em khiếm thính, câm điếc tại TP. Hồ Chí Minh, khi hệ thống chiếu sáng mới của tôi bật sáng thì tất cả lũ trẻ chỉ biết khoa tay, reo mừng vì chúng không thể nói được”, ông Khải nhớ lại.

Đầu năm 2004, ông cùng công ty Rạng Đông mở chiến dịch “chiếu sáng học đường”. Đến nay, 18.000 lớp học trên khắp toàn quốc được trang bị hệ thống này, tiết kiệm hơn 1/3 điện năng, ánh sáng lớp học đảm bảo tiêu chuẩn quốc tế.

Trong lịch sử giáo dục Việt Nam, ông là một trong vài người đầu tiên kiến nghị Bộ Giáo dục &Đào tạo phải đính chính hoặc viết lại sách giáo khoa. Đặc biệt, nhiều lần ông đã phê phán các đề thi hoặc đáp án sai.

Nhân sinh nhật ông tròn 60 tuổi, có 6 vị đại tá – học trò cũ tới thăm thầy. Đại tá Đỗ Công Đác cầm 2 tờ báo nói: “Tôi thổi mạnh vào giữa 2 tờ này, khoảng cách giữa chúng có thay đổi không? Tại sao?”. Đó là câu hỏi mà thầy Khải đã đặt ra với cả lớp của ông Đác cách đó 42 năm, khi dạy cho học sinh về định luật Bernoulli. Lúc đó, cả lớp đã xôn xao và rộ lên câu trả lời: Xòe ra, để rồi ngơ ngác nhìn kết quả 2 tờ giấy cụp vào khi thầy Khải tiến hành thổi hơi vào giữa.

“Để giải thích hiện tượng này, chúng ta hãy lập công thức định luật Bernoulli, sau đó sẽ giải thích vì sao thuyền buồm có thể đi ngược chiều gió”, thầy Khải luôn cuốn hút học sinh bằng cách tạo ra sự tò mò, hứng thú trong học tập như thế.

Gần đây nhất, ông thường xuyên đi hướng dẫn học sinh, giáo viên ở nhiều tỉnh thành trong cả nước làm thí nghiệm với các đồ phế thải. Ví dụ, chỉ với 2 bình nhựa đựng sữa đậu nành đã bỏ đi, một đoạn ống cao su trong và 1 bảng gỗ, ông có thể dùng làm thí nghiệm: Chất khí nóng lên thì nở ra, khí bị lạnh thì co lại; với một khối khí nhất định, thể tích tỷ lệ nghịch với áp suất; hệ số hấp thụ của vật phụ thuộc vào màu sắc của nó. Hoặc hướng dẫn làm pin nhiệt điện từ những sợi dây kim loại khác chất đã bỏ đi.

Gặp một số người đã sống, chiến đấu cùng ông hơn 30 năm trước còn được biết ông Khải từng là thầy dạy họ hát, múa, chơi đàn, bơi lội, đánh võ. Thậm chí, có những lần, ông còn đi giảng về thơ văn cho các sinh viên khoa văn.

Tiểu Phương

 


Bình luận
vtcnews.vn