Chuyện về nữ sinh bại liệt thi đại học

Giáo dụcThứ Bảy, 10/07/2010 08:50:00 +07:00

(VTC News) – Mang trong mình căn bệnh bại não quái ác, Nguyễn Thùy Chi thiệt thòi hơn so với các bạn cùng trang lứa...

(VTC News) – Mang trong mình căn bệnh bại não quái ác, Nguyễn Thùy Chi thiệt thòi hơn so với các bạn cùng trang lứa. Nhưng với quyết tâm chứng minh giá trị sống của mình, cô bé đã vượt lên tất cả để đến với trường thi mùa tuyển sinh năm nay.


Phòng 3 giám thị, 1 thí sinh


Có mặt từ rất sớm trước khi giờ thi chính thức bắt đầu, PV VTC News đã vô cùng bất ngờ khi thấy sự xuất hiện của một cô gái khuyết tật xinh xắn, miệng luôn nở nụ cười tươi được người thân đẩy trên một chiếc xe lăn đã cũ vào trường thi. Cô bé giàu nghị lực đó là Nguyễn Thùy Chi, quê ở thành phố Lào Cai, em dự thi vào khoa Văn học trường ĐH KHXH&NV.

Hội đồng thi trường ĐH KHXH&NV  năm nay dành riêng một phòng thi và phải nhờ tới 3 cán bộ coi thi cho thí sinh đặc biệt này. Một người làm nhiệm vụ giám sát, một người thì giúp Chi ghi lại bài qua lời của em vào giấy thi và đặt máy ghi âm, người còn lại sử dụng máy quay để ghi lại toàn bộ buổi thi.

Phòng thi đặc biệt chỉ có 1 thí sinh. 

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Kim Sơn, Chủ tịch Hội đồng tuyển sinh ĐH KHXH &NV cho biết: “Thí sinh đặc biệt, gọi là đặc biệt vì em bị liệt hai chân, hai tay! Để em được thi trường đã tổ chức một phòng thi đặc biệt có một thí sinh và ba giám thị, một giám thị sẽ đọc đề, em sẽ làm bài bằng miệng, sau đó có người chép toàn bộ bài thi cho em, sau khi chép, kết thúc xong thì đọc lại bài cho em soát. Toàn bộ quá trình làm bài được ghi âm ghi hình lưu lại để đảm bảo tính công bằng, khách quan!”.

Phòng thi 192, nhà G, ĐH KHXH&NV trở nên đặc biệt vì chỉ có duy nhất một thí sinh dự thi với số báo danh QHXC.00413. Đó là số báo danh của Nguyễn Thùy Chi. Không khí trong phòng thi cũng nghiêm túc như bất kì phòng thi nào khác chỉ đơn giản phòng thi đặc biệt chỉ có mình Chi. Do không thể tự cầm bút viết, Chi phải nhờ tới sự giúp đỡ của các cán bộ coi thi mới có thể hoàn thành được bài thi của mình.

Tiếp xúc với chúng tôi bằng một nụ cười rạng rỡ, ánh mắt vui mừng, Chi  tâm sự: “Thi vào khoa Văn học trường ĐH KHXH&NV để em muốn thực hiện ước mơ làm một biên tập viên hoặc làm một nhà nghiên cứu Văn học để đỡ gánh nặng cho gia đình và chứng minh những người khuyết tật hoàn toàn có khả năng sống có ích!”.

Tuổi thơ không yên ả


Kể về tuổi thơ của Chi, cô Nguyễn Thị Dần, bác ruột của Chi không giấu được xúc động: Chi bị bại não bẩm sinh dẫn tới liệt cả hai tay, hai chân không thể làm được việc gì. Mẹ của Chi khi mang thai tới tháng thứ ba thì bị cảm cúm dẫn tới căn bệnh quái ác đổ lên con bé”, kể chuyện mà  giọng cô Dần cứ nghẹn.

Chi hạnh phúc bên người bác của mình.

Sau khi bố mẹ chia tay, Chi về sống với bố và ông bà nội. Lúc đó Chi mới ba tuổi. Từ nhỏ Chi lớn lên nhờ sự đùm bọc, yêu thương của các bác và ông bà. Bố của Chi mắc căn bệnh thận từ lâu mới đây  lại bị bệnh về xương đã khiến ông phải nghỉ hưu sớm. Hiện tại  ông làm công việc lao động tự do  nhưng lúc có lúc không. Những thiếu thốn về vật chất đè nặng lên đôi vai của hai cha con nhưng điều đó chưa bao giờ khiến Chi buồn lòng. Dù thiếu thốn hơn các bạn cùng trang lứa nhưng trong con người cô bé khuyết tật này, khát vọng học luôn bùng cháy.

Nói về khả năng học tập của Chi, cô Dần noi: “Tận đến năm lớp mười, gia đình chúng tôi cũng đâu có nghĩ rằng sau đó cháu nó sẽ đi thi đại học. Vì cháu bị như thế nghĩ đến việc đi thi cũng khó. Nhưng rồi sau đó cháu nó quyết định thì gia đình hoàn toàn ủng hộ”.

Trong những năm học phổ thông, bàn tay run run không thể cầm được bút khiến Chi phải nhờ các bạn cùng lớp chép bài vào vở rồi về em đọc lại. Ít ai có thể ngờ, Chi rất thông minh, học đến đâu vào đến đấy khiến thầy cô và bạn bè rất khâm phục. Càng học, Chi càng cảm thấy yêu những giây phút được đến trường và cô bé chợt hiểu ra chỉ có học tập mới có thể giúp mình vươn lên khẳng định giá trị của bản thân. Quyết định thi vào đại học cũng đã khiến Chi thức trắng nhiều đêm. Chi đã quyết định tâm sự cùng cô giáo. " Cô  đã  động viên, em rất nhiều và em đã có thêm niềm tin để bước tới trường thi hôm nay”, Chi tâm sự.


Nguyễn Thùy Chi.

Ngoài thành tích học tập thuộc loại khá, trong lớp Chi còn được biết đến là cây văn nghệ của lớp với rất nhiều các bài thơ sáng tác về thầy cô, bạn bè, có bài thơ đã được phổ nhạc. Chi còn nhớ rất rõ trong một giờ dạy về tác phẩm truyện Kiều, biết được năng kiếu của Chi, cô giáo đã đề nghị Chi sáng tác ngay một bài thơ vịnh về chuyện Thúy Kiều trao duyên cho Thúy Vân. Không mất quá nhiều thời gian, Chi đã ứng đáp bằng một bài thơ xuất sắc khiến bạn bè, thầy cô cũng phải nể phục.

Câu chuyện giữa chúng tôi cứ miên man theo những câu chuyện về quãng thời gian học tập của Chi. Nói về bạn bè, thầy cô và việc học tập, cô bé nhỏ nhắn này kể không biết mệt. Chi cười rất nhiều, nụ cười của em nhẹ nhàng xua tan đi những bỡ ngỡ, ngần ngại trong lần đầu tiếp xúc. Khi được hỏi về những ước mơ của mình, Thùy Chi tâm sự: “Điều em mong muốn nhất là ông bà có thật nhiều sức khoẻ. Đồng thời, em mong  tất cả mọi người giúp đỡ các bạn bị thiệt thòi để có thể thực hiện giấc mơ đại học của mình. Em cũng mong những bạn đang ở hoàn cảnh giống như em hãy cố gắng sống tốt, vươn lên hoà nhập cùng cộng đồng” .

Một số hình ảnh của Thùy Chi trong buổi chiều ngày 9/7

Quá trình làm bài của Chi được camera ghi lại toàn bộ.
Thùy Chi trong phòng thi 912.
Vui vẻ cùng gia đình trở về sau khi đã có bài thi khá ưng ý.

Phạm Thịnh
Bình luận
vtcnews.vn