Hãy để HS tham gia biên soạn SGK: Bằng cách nào?

Giáo dụcThứ Năm, 21/04/2011 06:08:00 +07:00

(VTC News) –TS Nguyễn Thành Nam, giảng viên Học viện Kĩ thuật Quân sự chia sẻ tâm huyết làm thế nào để học sinh tham gia biên soạn sách giáo khoa?

(VTC News) –TS Nguyễn Thành Nam, giảng viên Học viện Kĩ thuật Quân sự chia sẻ tâm huyết làm thế nào để học sinh tham gia biên soạn sách giáo khoa? Để tham gia được, phải chăng các em cần môi trường đào tạo để trưởng thành tự nhiên về cơ thể và tinh thần.

Sau đây là nội dung bài viết của T S Nguyễn Thành Nam:

Trong bài viết Hãy để học sinh tham gia biên soạn sách giáo khoa trên trang mạng VTC News ngày 7/4/2011 có đưa ý kiến của GS. Đào Trọng Thi - Ủy viên T.Ư Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh niên - Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội về vấn đề lấy ý kiến học sinh trong quá trình biên soạn sách giáo khoa.

GS. Đào Trọng Thi cho ta biết một sự thật là “Trong toàn bộ quy trình biên soạn, quy trình làm việc của chúng ta chưa có khâu lấy ý kiến của các em học sinh. Như vậy, khi biên soạn SGK phải có sự tham gia của các em học sinh”. Nếu điều này được thực hiện thì sẽ tạo nên chuyển biến rất tích cực trong khâu làm chương trình học, một khâu quan trọng trong tiến trình cải cách giáo dục (CCGD) sắp tới đây.

Rõ ràng việc không cho trẻ em tham gia vào quá trình làm sách giáo khoa là một thiếu sót lớn, bởi vì học sinh không chỉ là đối tượng thụ hưởng thành quả của một chương trình giáo dục tốt mà cũng là người lãnh hậu quả trực tiếp của một chương trình giáo dục kém chất lượng. Thế nhưng để học sinh có thể phát biểu được ý kiến của mình một cách thực chất mà không sa vào hình thức, khoa trương là một việc khó.

 

Để lấy ý kiến người lớn, chúng ta có ít nhất hai cách là trực tiếp và gián tiếp. Trực tiếp thì chỉ cần cung cấp thông tin và yêu cầu người lớn phát biểu ý kiến hoặc là điều tra xem họ có đồng ý hay không, bao nhiều phần trăm đồng ý, không đồng ý ở điểm nào, và nên sửa đổi như thế nào… Còn với cách gián tiếp thông qua việc xử lý số liệu có thể thu được những thông tin như tỷ lệ phiếu bầu, số lượng hàng hóa bán ra,…, tuy không hỏi người lớn “nghĩ gì” song các nhà xã hội học đều nắm chắc những “ý nghĩ” đó.

Việc lấy ý kiến trẻ em hoàn toàn không đơn giản vì học sinh chủ yếu “phát biểu nguyện vọng” và “trả lời” người lớn theo cách gián tiếp. Ngay cả khi không ai hỏi thì các em cũng trả lời rồi: chán học, bỏ học, đánh nhau, phạm tội, học xong thi đỗ hẳn hoi nhưng không biết làm gì để tự nuôi sống bản thân, thậm chí học xong đại học rồi mà vẫn “ăn lương bố mẹ”,…

GS Hồ Ngọc Đại: Sao cho mỗi học sinh đều có được một sự trưởng thành tự nhiên về cơ thể và phát triển tự nhiên về tinh thần . (Ảnh: Phạm Thịnh)
Qua bài viết này, chúng tôi xin đề xuất lại một cách “lấy ý kiến” học sinh. Đó cũng là cách duy nhất thực sự hiệu quả mà chúng ta từng biết cho tới thời điểm hiện tại: phương thức giáo dục thực nghiệm mà GS. Hồ Ngọc Đại và các cộng sự đã triển khai trong hơn 30 năm cuối thế kỷ trước, và mới bị giải tán hồi đầu thế kỷ này. Đó là mô hình giáo dục với ba cung đoạn: Thực nghiệm – Sư phạm – Đại trà như sau:

Cung đoạn thứ nhất là Thực nghiệm. Tuy nói “thực nghiệm” nhưng đó đâu phải là việc làm vu vơ vô nguyên tắc như những đầu óc tầm thường vẫn nghĩ! Ngay từ giai đoạn thực nghiệm, nhà sư phạm có nghề và có tấm lòng đi tìm cách làm cho ai cũng học được của chương trình giáo dục phổ thông, sao cho mỗi học sinh đều có được một sự trưởng thành tự nhiên về cơ thể và phát triển tự nhiên về tinh thần (Hồ Ngọc Đại). Trong cung đoạn này, sau khi xây dựng xong chương trình giáo dục sẽ được đưa vào dạy tại trường thực nghiệm để “lấy ý kiến học sinh” dưới sự theo giõi chặt chẽ của các chuyên gia. Kết quả thực nghiệm thu được là những dữ liệu khoa học quan trọng giúp cho việc hoàn thiện chương trình trước khi chuyển sang cung đoạn tiếp theo. Chính vì vậy có thể coi “trường thực nghiệm như một chiếc van an toàn lắp vào giải pháp giáo dục” (Hồ Ngọc Đại). Về đại thể, những ý kiến thu được có thể phân ra như sau:

 Loại ý kiến thứ nhất giúp hoàn thiện nội dung chương trình và phương pháp thực hiện: trẻ em “trả lời” cho nhà giáo dục đâu là thứ các em thực sự cần (có hoàn toàn giống như những gì nhà giáo dục dự kiến hay không ?) và nên triển khai chương trình giáo dục trong thực tế như thế nào để đạt hiệu quả cao nhất.

Loại ý kiến thứ hai giúp điều chỉnh và cập nhật các chương trình hiện hành: trẻ em cho nhà giáo dục biết rằng cái các em cần ngày hôm nay khác cái các em cần ngày hôm qua như thế nào. Và việc điều chỉnh nội dung chương trình học nên được thực hiện ra làm sao để đáp ứng tốt nhất mọi đòi hỏi của cuộc sống hôm nay.

Sau cung đoạn Thực nghiệm, về cơ bản chúng ta đã có được một chương trình học hoàn thiện về nội dung, tối ưu về phương pháp thì sẽ triển khai tiếp cung đoạn thứ hai là Sư phạm hóa, tức là đào tạo thầy cô giáo, những người sẽ trực tiếp thực hiện công tác giảng dạy ở qui mô đại trà. Lâu nay vẫn thấy nói sư phạm đi trước một bước, nhưng đã bao giờ có ai thực hiện được chân lý hiển nhiên đó? Thiếu một cung đoạn nghiên cứu Thực nghiệm thì làm sao có nội dung cho một ngành sư phạm khỏi bị xơ cứng và lỗi thời?

Cung đoạn sau cùng trong một chu kì phát triển của mô hình giáo dục là triển khai chương trình học ở qui mô Đại trà nhằm đảm bảo yếu tố ai cũng được học. Lúc này là lúc công việc được chuyển sang cho các nhà quản lý giáo dục và các cấp chính quyền từ trung ương đến địa phương. Khâu Đại trà sẽ tiếp tục cung cấp trở về nguồn Thực nghiệm những câu trả lời vô cùng quan trọng để có những điều chỉnh thích hợp. Và bất cứ một sự điều chỉnh nào cũng phải được bắt đầu từ cung đoạn thực nghiệm, tức là bắt đầu một chu kì mới trong vòng quay vô tận của sự phát triển bền vững của hệ thống giáo dục.

Bấy lâu nay chúng ta vẫn làm giáo dục (phổ thông cho trẻ em) theo kiểu “phong trào cách mạng”, nghĩa là luôn luôn có chuyện đập bỏ và xây lại ở qui mô lớn. Cách làm này vừa gây lãng phí ghê ghớm, lại không giải quyết được triệt để vấn đề chương trình vừa làm ra đã cũ, luôn theo đuôi và ngày càng lùi lại phía sau những đòi hỏi của cuộc sống thực. Không còn phân gì nữa, nguyên nhân chính là do hệ thống giáo dục bị thiếu đi cung đoạn thực nghiệm, và do đó nó mất đi mối quan hệ máu thịt với cuộc sống.

Do không chẩn đúng căn bệnh trầm kha của nền giáo dục hiện hành nên chúng ta dễ bị cuốn theo những phong trào mang tính hình thức, hô hào khẩu hiệu suông (kiểu “ba xây hai chống”, “nói không với …”, …). Đó không phải là cách làm giáo dục lành mạnh, bởi vì một mô hình phát triển giáo dục khoa học phải tiến hành từ khâu thực nghiệm mở rộng dần dần để tuần tự đi vào cuộc sống với điều kiện luôn để ngỏ khả năng điều chỉnh một khi cuộc sống đòi hỏi phải điều chỉnh.

Qua bài viết này chúng tôi hy vọng là đã gợi ra được một cách làm khả thi giúp cho ước nguyện xin ý kiến trẻ em vào công cuộc giáo dục có thể trở thành hiện thực, để các em vừa là người thụ hưởng phúc lợi giáo dục do xã hội mang lại, và để chính các em cũng được đồng hành với sự thay đổi thịt da của tổ quốc mình.

TS. Nguyễn Thành Nam

Giảng viên Học viện Kĩ thuật Quân sự


Bình luận
vtcnews.vn