Cắt kinh phí đào tạo với trường không chịu di dời!

Giáo dụcThứ Sáu, 18/03/2011 10:33:00 +07:00

(VTC News) – Khi đã có danh sách di dời, nếu trường nào cố tình chây ì sẽ có biện pháp mạnh, ví dụ như cắt kinh phí đào tạo – Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cho hay.

(VTC News) – Khi đã có danh sách di dời, nếu trường nào cố tình chây ì thì sẽ có nhiều biện pháp mạnh xử lý, ví dụ như cắt kinh phí đào tạo – Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Bùi Văn Ga cho biết.

 

Đại diện ĐH Ngoại thương cho hay, họ không muốn chuyển toàn bộ trường ra ngoại thành Hà Nội. Ảnh:HT 

Các trường vẫn xây mới dù có trong danh sách di dời

Vừa qua, Bộ GD&ĐT đã đưa ra dự thảo về tiêu chí các trường phải di dời khỏi nội đô Hà Nội và TP HCM. Theo đó, dự kiến Hà Nội có 19 trường di dời toàn bộ và 16 trường di dời một phần trên tổng số 62 trường đại học, cao đẳng trong khu vực nội thành hiện nay.

Thành phố HCM dự kiến có 17 trường di dời toàn bộ và 13 trường di dời một phần trên tổng số 69 trường đại học, cao đẳng trong thành phố.

Theo Bộ GD&ĐT, các trường di dời toàn bộ thì không được thuê lại hoặc không được giữ lại cơ sở vật chất của trường; phần đất cũ phải bàn giao cho cơ quan quản lý theo quy định của pháp luật.

ĐH Luật Hà Nội vẫn xây dựng tòa nhà mới, dù nằm trong danh sách dự kiến di dời. Ảnh: HT 

Nhưng trên thực tế, một số giảng viên ngại di chuyển vì gia đình ở trong thành phố, không quen với việc sống xa đô thị - Hiệu trưởng trường ĐH Xây dựng Lê Văn Thành cho hay.

Đại diện Ban giám hiệu ĐH Ngoại thương cũng tiết lộ, nhiều giảng viên khi biết tin trường mình trong diện “dời đô” đã tỏ ra “tâm tư” vì quen sống ở nội thành. Để được ở lại, ĐH Ngoại thương lập luận rằng, họ có tới 3 cơ sở ở Hà Nội, Thành phố HCM, Hưng Yên… nên nếu cộng diện tích đất các nơi đó, chia cho tổng số sinh viên thì “thoải mái” thừa tiêu chuẩn của Bộ GD&ĐT quy định. Tuy nhiên, lập luận này đã bị Đại diện Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội bác bỏ, vì họ cho rằng, tiêu chí đưa ra là tính trên diện tích hiện có ở nội đô chứ không "cộng thêm" nơi khác.

Bất chấp nguy cơ phải di dời, hiện nay, ĐH Ngoại thương và Luật đang cho xây dựng thêm những khu nhà cao tầng, đồ sộ trong khuôn viên của trường mình, mặc dù họ nằm trong danh sách dự kiến di dời của Sở Quy hoạch và Kiến trúc Hà Nội.

Tuy nhiên, trong số những trường đó, chỉ có ĐH Mở Hà Nội là tỏ ra “hào hứng” với chủ trương này. Ông Lê Văn Thanh – Hiệu trưởng nhà trường – cho hay, nhiều giáo viên cũng tỏ ra lo ngại nhưng trường sẽ làm tốt công tác tư tưởng, vì nếu cứ ở mãi nội đô, trong khi diện tích học chật hẹp thì cả thầy và trò sẽ thiếu đủ thứ.

Cắt kinh phí đào tạo nếu không chịu di dời

Trao đổi với chúng tôi, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga cho biết, Bộ đang cụ thể hóa các tiêu chí để lên danh sách các trường phải di dời.

Trả lời cho câu hỏi vì sao ĐH Quốc gia Hà Nội đã được cấp đất và tiền nhưng 10 năm nay vẫn chưa thấy di chuyển. Liệu khi Bộ lên danh sách mà các trường vẫn chê ì, không chịu đi thì sao? - ông Ga cho hay, với những trường như vậy sẽ có những biện pháp xử lý mạnh, ví dụ như cắt kinh phí đào tạo.

Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho hay, nếu các trường cố tình không di dời, có thể cắt kinh phí đào tạo. Ảnh: Internet 

Trong khi đó, Phó Cục trưởng Cục Phát triển đô thị, Bộ Xây dựng, ông Đỗ Viết Chiến cho biết, đến năm 2030 sẽ đưa 2/3 số sinh viên trong nội đô Hà Nội ra ngoài, để giảm sức ép về mọi mặt lên khu vực này.

Hiện Bộ Xây dựng đang hoàn chỉnh Quy hoạch chung, để Hà Nội làm quy hoạch chi tiết, trong đó có việc đưa các trường ra ngoài nội đô. Tất cả các mốc thời gian đều được quy định trong Luật Quy hoạch đô thị, nên nếu trường nào cố tình không di dời thì coi như chống luật – Đại diện Cục Phát triển đô thị khẳng định.

Đại diện Bộ Xây dựng cũng cho biết, sau này, khu ngoại thành Hà Nội sẽ có đầy đủ các khu dịch vụ, vui chơi, giải trí, bệnh viện… và các tuyến giao thông thuận lợi nối với trung tâm Thủ đô.

Vẫn mang tâm lý cục bộ !

Nhận xét về việc các trường không mặn mà với việc di chuyển, TS Trịnh Hòa Bình, Viện Xã hội học Việt Nam nói: “Giả sử bây giờ các trường đang ở ngoại thành, nếu được về nội thành, chắc chắn họ sẽ “chạy” nhanh hơn”.

Giải thích về tâm lý chây ì này, chuyên gia xã hội học cho hay, vì các trường còn mang tâm lý cục bộ, thấy lợi ích trước mắt, làm ăn thiếu dài lâu, chuyên nghiệp… Nên để “thúc” các trường di dời, Nhà nước cần quy định nghiêm khắc, có tình bắt buộc… bên cạnh việc đẩy nhanh phát triển cơ sở hạ tầng, thông tin, giải trí, dịch vụ…các khu vực mà các trường sắp chuyển tới.

Hoàng Tuân 

 

Các thí sinh quan tâm đến cơ hội học tập và nghề nghiệp hấp dẫn tại ĐH Văn Hiến có thể gửi câu hỏi tới địa chỉ [email protected].

Bình luận
vtcnews.vn