Ngành Nông – Lâm dễ xin việc nhưng không hút thí sinh

Giáo dụcThứ Tư, 23/02/2011 12:37:00 +07:00

(VTC News)- Trong nhiều năm nay, các trường khối Nông – Lâm thường không tuyển đủ chỉ tiêu dù rằng SV những ngành này sau khi ra trường đều rất dễ xin việc.

(VTC News) - Trong nhiều năm nay, những trường khối Nông – Lâm thường không tuyển đủ chỉ tiêu dù rằng sinh viên những ngành này sau khi ra trường đều rất dễ xin việc tại các cơ quan nhà nước.

Từ một vài năm nay, các trường ĐH thuộc khối Nông – Lâm – Ngư nghiệp đều công bố mức điểm chuẩn vào trường đều bằng điểm sàn ĐH theo khối thi. Năm 2010, trường ĐH Lâm nghiệp có các ngành kinh tế nông nghiệp, quản lý đất đai, chế biến thủy hải sản có điểm chuẩn khối A đều là 13 điểm. Trong khi đó ngành lâm nghiệp, trồng trọt, khuyến nông, nuôi trồng thủy hải sản đều có mức điểm chuẩn khối B là 14 điểm.

Tình trạng này cũng xảy ra tương tự đối với trường ĐH Lâm nghiệp TPHCM, ĐH Tây Nguyên, ĐH Hùng Vương, ĐH Tây Bắc, ĐH Vinh…

Ảnh minh họa.

Theo PGS.TS Huỳnh Thanh Hùng, phó hiệu trưởng ĐH Nông Lâm TPHCM, nhiều bậc phụ huynh và học sinh đều có tâm lý cho rằng học Nông – Lâm ra trường sẽ xuống ruộng, lội bùn, làm các công việc chân lấm tay bùn hoặc chỉ giữ rừng là cùng. Ông Hùng cũng cho biết, nhiều cơ quan doanh nghiệp đặt hàng nhu cầu đào tạo nhưng nhà trường vẫn không thể đáp ứng được.

Sau khi ra trường sinh viên ngành Nông – Lâm – Ngư có thể làm quản lý dự án, chương trình phát triển nông thôn, các cơ sở nghiên cứu ngành nông – lâm- ngư nghiệp cấp huyện, cấp xã. Ngoài ra hầu hết các sinh viên sau khi ra trường đều có thể về làm cho các Sở NN&PTNT của các địa phương.

Tại hội nghị tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2011, TS Nguyễn Tấn Vui, phó hiệu trưởng ĐH Tây nguyên đưa ra thực tế những ngành rất quan trọng với đất nước, với vùng như Nông - Lâm - Ngư rất khó tuyển sinh và hầu như năm nào cũng thiếu chỉ tiêu trầm trọng.

Cũng cùng quan điểm này, lãnh đạo trường ĐH Đồng Tháp và đại diện ĐH Hùng Vương cũng nêu những khó khăn tương tự.

Tuy nhiên, theo lý giải của nhiều chuyên gia, nguyên nhân sâu xa là do hệ thống các cơ sở đào tạo còn yếu; chương trình đào tạo, bồi dưỡng không cân đối giữa lý thuyết và thực hành; đánh giá nhu cầu đào tạo, kết quả sau đào tạo yếu; phương pháp giảng dạy, học tập chậm đổi mới... Bên cạnh đó, công tác sử dụng cán bộ thiếu động lực cạnh tranh khiến hạn chế tính sáng tạo của cán bộ, không giữ chân được người giỏi.

Bộ NN&PTNT cho biết, hiện cả nước mới có 13 trường đại học, cao đẳng có ngành đào tạo về nông, lâm nghiệp; 60% trường trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng nghề, trung cấp nghề, trung tâm nghề có dạy nghề nông, lâm nghiệp. Số cử nhân, kỹ sư, thạc sỹ khối ngành nông, lâm nghiệp ra trường hằng năm không cung ứng đủ nhu cầu xã hội vốn đang tăng lên rất nhanh.

Sẽ hạ điểm sàn, giảm học phí?

Ông Nguyễn Tấn Vui, phó hiệu trưởng ĐH Tây Nguyên cũng cho rằng, khối ngành Nông – Lâm – Ngư nghiệp có vai trò hết sức quan trọng trong sự phát triển kinh tế đất nước. Bên cạnh đó nhu cầu xã hội đối với nguồn nhân lực ngành này là rất cao vì vậy Bộ GD&ĐT nên có chính sách quyết liệt hơn nữa để thu hút thí sinh. Ông Vui cũng đề nghị phương án giảm học phí đối với những ngành này để thu hút thí sinh.

Ông Nguyễn Xuân Bảng, phó hiệu trưởng ĐH Đồng Tháp kiến nghị: “Bộ cần phải có chính sách để phát triển nguồn nhân lực đặc thù phục vụ chính cho các địa phương”.

Nhân lực trong ngành Nông - Lâm- Ngư có sự thiếu hụt trầm trọng

Trước những khó khăn của các trường trong công tác tuyển sinh, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga cho rằng, trong trường hợp cần thiết sẽ hạ điểm sàn đối với những ngành khó tuyển trùng với những ngành mà đất nước đang ưu tiên để vừa giải quyết khó khăn cho các trường, vừa tạo thêm điều kiện cho thí sinh.

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cũng cho rằng, giữa với các ngành khó tuyển của với những ngành mà đất nước cần có khi là đồng nhất nhưng cũng có khi lại có những quyền lợi không đồng nhất. Vì vậy, có những ngành nói trên có thể khó tuyển với các trường và cũng nằm trong vấn đề khó tuyển của ngành.

Việc khuyến khích các ngành khó tuyển, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cũng đồng tình với các kiến nghị được đưa ra nhưng Bộ trưởng cũng khẳng định, việc ưu tiên phải có chọn lọc, đó phải  là những ngành phù hợp với chiến lược phát triển nguồn nhân lực quốc gia.
Trong 21,264 triệu lao động nông nghiệp có đến 20,765 triệu người (chiếm 97,65%) chưa qua đào tạo và không có chứng chỉ chuyên môn; người có bằng sơ cấp, công nhân kỹ thuật chiếm 1,26%; bằng trung cấp chiếm 0,87%; bằng cao đẳng, đại học chiếm 0,22%.

Khởi Nguyên

Bình luận
vtcnews.vn