Nhiều giáo viên chuyển sang nghề da giày, may mặc

Tin tức - Sự kiệnChủ Nhật, 17/10/2010 05:04:00 +07:00

Rất nhiều giáo viên hợp đồng đứng lớp 40 tiết/1 tuần với mức lương không đủ tiền xăng xe đã phải từ bỏ “nghề cao quý” để tìm kiếm các công việc khác...

Hiện nay, ở Hải Phòng, không ít người được đào tạo trình độ đại học sư phạm chính quy nhưng đã phải chuyển sang làm các công việc khác như: da giày, may mặc, thậm chí làm bảo vệ… Rất nhiều giáo viên hợp đồng đứng lớp 40 tiết/1 tuần với mức lương không đủ tiền xăng xe đã phải từ bỏ “nghề cao quý” để tìm kiếm các công việc khác làm kế sinh nhai.



Ảnh minh họa. 

Chị Hoàng Thị Thường, giáo viên Trường tiểu học An Hòa (An Dương, Hải Phòng) trò chuyện với chúng tôi:

Ra trường năm 2001, chị nộp hồ sơ xét tuyển vào Phòng Giáo dục huyện và được phân công về trường dạy với mức lương 600 nghìn đồng/tháng. Qua nhiều lần điều chỉnh lương, đến nay, số tiền mà chị lĩnh được hàng tháng trừ đi khoản đóng bảo hiểm chỉ vỏn vẹn 1 triệu đồng/ tháng.

Bi đát hơn, phải kể đến những giáo viên giảng dạy theo hình thức hợp đồng trường. Tốt nghiệp cao đẳng sư phạm năm 2003 với chuyên ngành Văn – Địa, chị Nguyễn Thị Hiếu (huyện Kiến Thụy, Hải Phòng) lặn lội đến từng cơ sở giáo dục xin việc, song đều nhận được câu trả lời không có nhu cầu.

Cuối cùng, chị xin làm giáo viên hợp đồng tại Trường THCS Ngũ Đoan của huyện.

Đến nay, đã 7 năm, chị được nhận lương 400 nghìn đồng/ tháng, ngoài ra không có bất kỳ một khoản phụ cấp nào, kể cả BHXH và BHYT. Tính ra, lương cả tháng cũng không đủ xăng xe để chị đi làm từ nhà tới trường.

Bức xúc trước cơ chế bất hợp lý, chị Nguyễn Thị Lan, một giáo viên hợp đồng lâu năm ở huyện Thủy Nguyên (Hải Phòng), nói: “Hợp đồng lao động là sự thỏa thuận giữa nhà tuyển dụng và người lao động. Tôi ký hợp đồng có nghĩa là tôi chấp nhận công việc được phân công, điều kiện làm việc và mức lương quy định, thế nhưng tôi thấy thật bất công khi trả lương cho giáo viên hợp đồng thấp như vậy.”

Dù khó khăn, song họ vẫn bám trường, bám lớp với hi vọng có được một suất biên chế.

Tuy nhiên, điều này là quá mong manh và xem ra là “giấc mơ xa tầm tay”.

Ông Nguyễn Trung Ẩn, Trưởng Phòng giáo dục huyện Thủy Nguyên (Hải Phòng) cho biết:

“Với giáo viên THCS, gần 10 năm nay huyện “đóng cửa”, chỉ tuyển một số nhân viên phục vụ chứ không có biên chế giáo viên.

Đến nay, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng có khoảng 200 giáo viên hợp đồng tại các trường ở cấp THCS trở xuống, nhà trường phải cân đối tài chính và tự trả lương từ 500 – 600 nghìn đồng/ tháng. Nhiều khi, chỉ nghe có thông tin huyện tuyển giáo viên là chúng tôi nhận được cả chồng hồ sơ, nhưng cũng chỉ giải quyết dược 1, 2 trường hợp”.

Cũng “loay hoay” như trên, ông Phạm Uyên, Trưởng phòng Giáo dục huyện Tiên Lãng (Hải Phòng) cho hay, địa phương có khoảng 100 giáo viên hợp đồng tại trường.

“Huyện và nhiều trường không dám ký hợp đồng, vì lấy đâu kinh phí mà trả cho họ hàng tháng. Nhiều giáo viên mới ra trường đành chấp nhận được giảng dạy cho đỡ quên kiến thức, kỹ năng sư phạm. Thậm chí, tôi được biết có người cuối cùng chỉ nhận được 100 nghìn đồng” – ông Uyên chia sẻ.

Mạnh tay trong việc ký hợp đồng với giáo viên phải kể đến quận Hồng Bàng, đơn vị có thành tích giáo dục dẫn đầu của thành phố Hải Phòng. Tính đến năm học 2009 – 2010, quận đã ký 217 lao động hợp đồng.

 Huyện và nhiều trường không dám ký hợp đồng, vì lấy đâu kinh phí mà trả cho họ hàng tháng. Nhiều giáo viên mới ra trường đành chấp nhận được giảng dạy cho đỡ quên kiến thức, kỹ năng sư phạm. Thậm chí, tôi được biết có người cuối cùng chỉ nhận được 100 nghìn đồng" -Trưởng phòng Giáo dục huyện Tiên Lãng nói.

Tuy nhiên, quận mới hỗ trợ ký hỗ trợ lương từ nguồn ngân sách tính bậc 1 theo trình độ chuyên môn đào tạo với 93 người, trong đó có 47 giáo viên mầm non.

Như vậy, tổng số lương và bảo hiểm hàng năm quận phải chi trả là trên 2,6 tỷ đồng.

Còn lại 124 trường hợp lao động hợp đồng các trường phải tự cân đối tiền lương từ nguồn thu học phí với mức lương bình quân từ 800 nghìn đồng đến hơn 1 triệu/tháng (bao gồm cả BHXH và BHYT).

Song, đến tháng 9/2010, quận Hồng Bàng đã có 20 giáo viên xin nghỉ việc, chuyển đi nơi khác, hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng.

Điển hình là Trường Mầm non 1 được coi là trường điểm của thành phố Hải Phòng.

Thế nhưng, chỉ trong 3 tháng nghỉ hè năm 2010, có tới 7 giáo viên mầm non nghỉ việc, trong đó có những giáo viên hợp đồng 10 năm và từng đạt nhiều giải dạy giỏi cấp thành phố.

Lý giải về nguyên nhân bỏ dạy, các giáo viên này đều chung lý do “chính đáng” là không thể “sống” được bằng mức lương hiện tại.

Không giấu được sự lo lắng, bà Nguyễn Thị Hồng Thúy, Phó chủ tịch UBND quận Hồng Bàng chia sẻ:

“Đây là một hiện tượng đáng báo động. Hiện tại, chúng tôi gặp không ít khó khăn khi không đủ giáo viên mầm non đứng lớp”.

Liên quan tới công tác tuyển dụng giáo viên, quận Lê Chân áp dụng theo các hình thức xét tuyển.

Theo đó, ngoài các thang điểm chung theo quy định, mỗi năm giảng dạy, giáo viên hợp đồng sẽ được cộng thêm 5 điểm, và đây là “tiêu chí” để làm cơ sở xét tuyển. Do vậy, số lượng giáo viên hợp đồng ngày càng tăng. Vì nếu không hợp đồng thì cơ hội để vào một suất biên chế với những giáo viên này là đều “không tưởng”.

Rõ ràng, những bất cập trong việc tuyển dụng giáo viên hợp đồng đang như một căn bệnh “trầm kha” của ngành giáo duc bấy lâu nay.

Nó cảnh báo một điều, nếu không có “liều thuốc’ sớm đặc trị sẽ dẫn đến những hiệu ứng xấu trong lĩnh vực được coi “nghề cao quý”.

Theo Bảo vệ pháp luật

Bình luận
vtcnews.vn