Chủ nhân Nobel Y học "khai sinh" cho hàng triệu đứa trẻ

Giáo dụcThứ Hai, 04/10/2010 07:30:00 +07:00

(VTC News) - Nỗ lực không mệt mỏi của ông những năm 1950, 1960, 1970 mang lại thành tựu to lớn cho Y học thế giới. Gần nửa thế kỷ sau, ông đoạt giải Nobel.

(VTC News) - Những nỗ lực không biết mệt mỏi của bác sĩ Robert Geoffrey Edwards trong những năm 1950, 1960, 1970 đã mang lại thành tựu to lớn cho Y học thế giới: phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm IVF (in vitro fertilization). Công sức mà Edwards và người đồng nghiệp Patrick Steptoe bỏ ra đã được tưởng thưởng với sự ra đời của Louise Brown, sản phẩm đầu tiên của phương pháp IVF vào năm 1978. Và cũng không ngoa khi nói rằng Edwards là người "khai sinh" cho hàng triệu đứa trẻ đã và sẽ ra đời bằng phương pháp của ông.

Vào lúc 11h47 đêm 25/7/1978, Y học thế giới đã có một bước đột phá với sự ra đời của cô bé Louise Brown tại bệnh viện Oldham. Giây phút đó đánh dấu sự thành công của phương pháp thụ tinh nhân tạo IVF và từ đó tới nay đã mang lại niềm hạnh phúc vô bờ bến cho hàng triệu cặp vợ chồng hiếm muộn trên toàn thế giới.

Bác sĩ Robert Edwards nhận giải Nobel Y học ở tuổi 85.

32 năm sau ngày chào đời của Louise Brown, bác sĩ Robert G. Edwards mới nhận được giải Nobel Y học. Trong khoảng thời gian hơn 3 thập kỷ ấy, thế giới Y học đã đổi thay rất nhiều và cô bé Louise Brown giờ đã làm mẹ của bé trai 4 tuổi Cameron. Khoảng thời gian ấy đã giúp con người nhận thức được công lao của vị bác sĩ Robert G. Edwards, người vừa mới đón sinh nhật thứ 85 vào tháng trước. Và giải Nobel cho ông là hệ quả tất yếu.

Xem thêm hình ảnh về bác sĩ Robert Geoffrey Edwards


Không có nhiều người bất ngờ khi Robert G. Edwards trở thành chủ nhân của giải Nobel đầu tiên trong năm 2010. Một ngày trước khi chủ nhân giải Nobel Sinh lý học - Y học được xướng tên ở Stockholm, tờ nhật báo Svenska Dagbladet của Thụy Điển đã đánh giá Robert Edwards là ứng cử viên nặng ký nhất cho giải thưởng danh giá nhất của Y học thế giới. Robert Edwards đã vượt qua vị bác sĩ trẻ người Nhật Bản Shinya Yamanaka tới từ Đại học Kyoto, một ứng viên nặng ký khác của giải Nobel Y học 2010.

Ủy ban bầu chọn giải Nobel Sinh lý học - Y học gồm 5 thành viên của Viện Karolinska công bố giải thưởng năm 2010 thuộc về Robert Edwards.

Ngay từ những năm 1950, Robert Edwards đã bắt đầu nghiên cứu cách thụ tinh trên cơ thể người. Tới năm 1963, Edwards được bổ nhiệm làm Giáo sư Đại học Cambridge và ông có thêm cơ hội nghiên cứu về các phương pháp thụ tinh mới. Ông cùng với người cộng sự Patrick Steptoe - một bác sĩ phụ khoa của bệnh viện Oldham, đã nghiên cứu và phát triển phương pháp thụ tinh nhân tạo, được đặt tên là kỹ thuật IVF. Cả hai đã sáng lập phòng nghiên cứu Bourn Hall để phát triển phương pháp của mình và đào tạo các nhà nghiên cứu trẻ.

Từ năm 1968, Edwards và Steptoe đã làm một công việc tưởng như không tưởng: cho trứng thụ tinh với tinh trùng ở bên ngoài cơ thể và cấy phôi thu được vào tử cung người mẹ. Edwards và Steptoe đã bị dư luận phản đối dữ dội vì cho rằng phương pháp thụ tinh nhân tạo không phù hợp với các quy chuẩn đạo đức. Sau hơn 20 năm, phương pháp này đã được kiểm chứng với sự ra đời của bé Louise Joy Brown.

Giáo sư Robert Edwards (trái) chụp ảnh cùng Louise Brown (áo xanh) sản phẩm đầu tiên của phương pháp IVF, và con trai của cô.

Tính từ năm 1978 tới nay, đã có hơn 4 triệu đứa trẻ trên thế giới ra đời nhờ phương pháp IVF. Theo phát ngôn của Ủy ban bầu chọn giải Nobel Sinh lý học - Y học thì phương pháp của Edwards và Steptoe có tác dụng trong việc chống vô sinh, căn bệnh có thể ảnh hưởng tới 10% số cặp vợ chồng trên phạm vi toàn cầu. Patrick Steptoe đã qua đời vào năm 1988 nên Robert Edwards là người duy nhất được trao giải Nobel Sinh lý học - Y học năm 2010.

Xem thêm hình ảnh về bác sĩ Robert Geoffrey Edwards


"Thành tựu của Edwards có tác dụng trong việc điều trị vô sinh, chứng bệnh có ảnh hưởng lớn tới nhân loại, với khoảng 10% số cặp vợ chồng trên toàn thế giới có nguy cơ mắc phải. Khoảng 4 triệu đứa trẻ đã ra đời nhờ phương pháp IVF. Ngày hôm nay, phương pháp của Robert Edwards đã được kiểm chứng và mang lại niềm vui cho những người vô sinh trên toàn thế giới”, Ủy ban bầu chọn giải Nobel Sinh lý học - Y học đánh giá.

Giáo sư Robert Edwards bên 2 đứa trẻ là sản phẩm của phương pháp thụ tinh IVF do ông sáng tạo.

Theo Goran Hansson, thư ký Ủy ban bầu chọn giải thì do đã cao tuổi và sức khỏe không đảm bảo nên Giáo sư Edwards không thể tham dự buổi họp báo công bố kết quả trao giải. “Tôi đã nói chuyện với vợ Giáo sư Edwards. Bà ấy rất vui và khẳng định ông ấy cũng sẽ rất hạnh phúc”, Hansson phát biểu trước báo giới tại Stockholm.

Robert Edwards sẽ chính thức nhận giải Nobel vào ngày 10/12 tới, cùng với chủ nhân các giải Nobel trong những lĩnh vực khác. Bác sĩ Edwards sẽ nhận được Huy chương Nobel, bằng chứng nhận và khoản tiền thưởng 10 triệu kronor Thụy Điển (tương đương 1,53 triệu USD).

Đôi nét về Robert Edwards
Robert Geoffrey Edwards sinh ngày 27/9/1925 tại Manchester, Anh. Sau khi tốt nghiệp trường Trung học Trung tâm Manchester, ông theo học ngành Nông nghiệp ở Đại học Wales, Bangor và Đại học Edinburgh. Edwards nhận bằng Tiến sĩ vào năm 1955. Tới năm 1963, ông được bổ nhiệm làm Giáo sư Đại học danh giá Cambridge.

Ngoài công việc nghiên cứu khoa học, Edwards còn biên tập các ấn bản về Y học. Năm 2001, ông được trao giải Albert Lasker Clinical Medical Research Award, tài trợ bởi Quỹ Lasker, cho phương pháp IVF. Năm 2007, Edwards xếp thứ 26 trong danh sách 100 nhân vật vĩ đại nhất thế giới đang sống do tờ Telegraph bầu chọn. Tới 4/10/2010, Edwards trở thành chủ nhân giải Nobel Sinh lý học - Y học năm 2010.

Nguyễn Đỉnh

Bình luận
vtcnews.vn