Du học sinh Việt kể lại thời khắc động đất tại Nhật

Giáo dụcChủ Nhật, 20/03/2011 01:29:00 +07:00

(VTC News)- Cảm giác lo lắng và hoảng sợ là cảm xúc chung của các du học sinh Việt Nam khi trận động đất kinh hoàng ở Nhật xảy ra.

(VTC News) - Hơn 1 tuần sau thảm họa động đất kinh hoàng tại Nhật Bản, trong ký ức của nhiều sinh viên Việt Nam đang học tại Nhật Bản đã kể lại những ấn tượng khó quên trong thảm họa lớn nhất của nước Nhật sau Thế chiến thứ hai.

- Cảm giác của bạn lúc xảy ra thảm họa động đất ở Nhật hôm 11/3 như thế nào?

Bùi Thị Thu Hà: Như mọi người đã theo dõi, thảm họa xảy ra vào lúc khoảng hơn 12h trưa (giờ Việt Nam). Khi đó, mình đang làm thêm trong 1 tiệm mì Kyoto. Lúc đó, mình đang ở trong bếp, bỗng thấy mặt đất rung chuyển. Mọi người nhìn nhau cười và bảo "lại động đất rồi".

 Bùi Thị Thu Hà - sinh viên năm 3, trường ĐH TMU - Tokyo Metropolitan University.

Trước đó, cứ cách vài ngày lại có những cơn động đất nhỏ, nên mình và mọi người đều nghĩ đó là chuyện bình thường. Nhưng chỉ đến khi nồi mỡ rán trong bếp bỗng sóng sánh, trào dầu ra ngoài, mình mới thực sự bắt đầu hoảng sợ. Ông chủ quán lúc đó cũng đang ở trong bếp, làm mì, vội vàng tắt ngay bếp ga để đề phòng hỏa hoạn  quay về phía mình nói "Ha-san, tắt bếp ga của dầu rán đi" người Nhật gọi người khác bằng tên cộng thêm chữ san, cho tất cả mọi người trên dưới lớn nhỏ).

Nhưng lúc đó mình rất lo sợ không biết làm thế nào và sau đó có 1 nhân viên khác đã chạy vào giúp mình. Cả tòa nhà vẫn rung lên bần bật, và bắt đầu có âm thanh đổ vỡ, mà sau này mình mới biết là đèn treo đã va vào tường vỡ tan. Mình đã chạy ra cửa sau, mở sẵn cửa để mọi người có thể thoát hiểm. Mình đứng đó khoảng 20 giây, mọi người vẫn không di chuyển, và cơn địa chấn cũng chấm dứt. Trong quán có rất nhiều người, cả trẻ em và người già nhưng mọi người rất bình tĩnh, không ai kêu lên 1 tiếng cũng không ai chạy ra ngoài. Tất cả đều chờ chỉ thị của chủ quán hoặc 1 ai đó.

Nhưng những người Nhật có mặt tại đó, nhiều người cũng nói rằng chưa từng trải qua cơn địa chấn nào như này.

Lê Phú Anh Duy: Lúc xảy ra động đất, lúc đầu mình chưa nghĩ gì nhưng khi chấn động càng lúc càng mạnh thì thật sự hoảng hốt và lo lắng.

Trương Khánh Bang: Khi xảy ra động đất mình cũng đang ở Gunma, Isesaki là một thành phố có rất nhiều người Việt Nam sinh sống, nhiều đến nỗi các tờ thông báo của chính quyền về các hộ dân sinh sống ở đây có cả tiếng Việt. Hiện giờ đa phần những người Việt Nam ở bên này đều rất hoang mang lo lắng, vì có nhiều luồng thông tin trên mạng internet cho rằng nhà máy sẽ bị nổ và khi đó sẽ xảy ra thảm họa, rất nhiều người đang tìm cách đặt vé máy bay về Việt Nam.

Tuy nhiên theo mình quan sát thì mình thấy người Nhật ở đây vẫn tỏ ra bình tĩnh, họ vẫn đi làm và sinh hoạt bình thường, mình có hỏi thử thì họ nói tình hình vẫn trong tầm kiểm soát chưa có gì nguy hiểm, nếu có chuyện chính phủ sẽ có thông báo sơ tán dân chúng.

Khuất Thị Thu Trang: Động đất ở Tokyo thường xuyên diễn ra nhưng với lần này mọi người đều hoảng sợ, nhưng không có tình trạng hỗn loạn.
 Khuất Thị Thu Trang - học viên cao học, Học viện Ngôn ngữ Meros, Tokyo có mặt tại Tòa nhà VTC Online để giao lưu cùng các độc giả ( Ảnh: go.vn)

Tại thời động đất, mình và các bạn đang trong lớp học. Cả giáo viên người Nhật và  các học viên đều hoảng sợ. Chính giáo viên cũng nói đây là lần đầu tiên chứng kiến dư chấn động đất lớn đến như vậy. Còn học viên, nhiều bạn đã bật khóc vì quá hoảng sợ. Nhiều người đã cố gắng kết nối với gia đình qua điện thoại nhưng không thể gọi cho ai được vì mạng điện thoại cũng gặp sự cố, không gọi được kể cả giữa các số máy hoạt động tại Nhật Bản với nhau.

Ngay lúc đó, mình cũng không cảm thấy quá lo sợ, vì mình nghĩ Nhật Bản là nước thường xuyên có động đất, họ đã có kinh nghiệm trong việc thiết kế nhà cao tầng có khả năng chịu được động đất. Nhưng sau khi xem ti vi, đài báo nói về hậu quả của cuộc động đất, mình mới thực sự cảm thấy sợ, vì sức tàn phá ghê gớm của nó.

Tuy nhiên, thực ra mình quyết định về Việt Nam ngay sau khi động đất xảy ra vài ngày là bởi nghe thông tin có rò rỉ phóng xạ đến Tokyo.

- Chắc hẳn gia đình ở Việt Nam sẽ rất lo lắng cho các bạn khi thảm họa xảy ra?

Khuất Thị Thu Trang: Gia đình mình rất lo lắng. Tuy nhiên, để trấn an, bố mình gọi thường xuyên, đến hàng chục cú điện thoại mỗi ngày để động viên rằng sẽ không sao đâu, Nhật Bản là nước thường xuyên có động đất.

Nhưng ngay khi nghe tin rò rỉ phóng xạ, cả gia đình gọi cho mình, yêu cầu về nước càng sớm càng tốt. Mình nghĩ đó cũng là tâm lý chung của các gia đình có con em du học tại Nhật Bản. Thậm chí, có nhiều người nghe tin ấy còn hốt hoảng đến mức phát khóc để gọi con em trở về.

Tuy nhiên, việc trở về nước thời điểm này không hề đơn giản. Nhiều người muốn quay trở lại Nhật thì phải đi đến Cục Xuất Nhập Cảnh để xin 1 tấm tem dán trong hộ chiếu cho phép quay trở lại Nhật. Những người trở về nước mà không có tem này sẽ phải làm lại thủ tục hoàn toàn nếu sau này muốn quay trở lại Nhật.

Trương Khánh Bang - sinh viên, Học ở Chiba, Gunma, gần Tokyo, người mặc áo kẻ sọc 

Trương Khánh Bang: Khi động đất xong, mình liền lấy máy điện thoại ra điện cho các bạn của mình ở Nhật để hỏi thăm tình hình, nhưng không tài nào điện được, ngay sau khi kết thúc động đất mạng điện thoại ở Nhật bị tê liệt hoàn toàn, mình phải dùng phần mềm trên điện thoại iphone gọi bằng internet gọi về nhà thông báo tình hình cho người nhà an tâm, đến chiều tối thì mạng điện thoại của Nhật bắt đầu hoạt động trở lại nhưng việc liên lạc vẫn khó khăn, lúc được lúc không.

Bùi Thị Thu Hà: Mình vẫn giữ liên lạc như bình thường qua điện thoại,e mail, qua facebook hoặc skype

 Lê Phú Anh Duy - sinh viên Đại học Kinh tế năm thứ 3 ở tỉnh Saitama, phụ cận Tokyo.

Lê Phú Anh Duy: Thời điểm khi động đất vừa xảy ra mình không thể gọi điện về nhà, mạng điện thoại bị gián đoạn nên đã lên mạng nhắn với bạn ở Việt Nam gọi về cho gia đình để gia đình yên tâm, mấy hôm nay đã có thể liên lạc trực tiếp trở lại.

- Lương thực thực phẩm ở Nhật Bản trong những ngày này có thực sự khan hiếm cho các du học sinh không?

Bùi Thị Thu Hà: Lương thực dự trữ của chúng mình vẫn ổn. Mình làm ở quán ăn nên thường hay dùng bữa ở quán luôn. Các siêu thị, quán ăn vẫn mở cửa đều đặn nên chắc chắn Tokyo chưa phải đối mặt với vấn đề lương thực.

Lê Phú Anh Duy: Lương thực dự trữ chỉ còn ít mỳ tôm mua được về để dành, còn bình thường thì mọi người đều đi ăn ở ngoài vì siêu thị đã hết sạch đồ. Nhiệt độ mấy ngày hôm nay xuống đột ngột và rất lạnh.

- Mong ước lớn nhất của bạn thời điểm này là gì?

Bùi Thị Thu Hà: Hiện giờ,mình mong muốn nhà máy phát điện Fukushima sẽ mau chóng đi vào tầm kiểm soát. Mong mau vào năm học (tháng 4) và nhìn thấy tất cả bạn bè khoẻ mạnh.

Trương Khánh Bang: Cho đến thời điểm này nỗi lo lớn nhất của đa phần mọi người không phải là động đất nữa, mà là hiểm họa hạt nhân đang đe dọa. Mong ước lớn nhất của mình và cũng là của rất nhiều người vào thời điểm này là chính phủ Nhật sớm khắc phục được sự cố nhà máy điện hạt nhân, không để thảm họa hạt nhân xảy ra, để mọi người có thể yên tâm trở lại nhịp sống bình thường.

Lê Phú Anh Duy: Thực sự mình không muốn về Việt Nam trong thời điểm này vì còn dang dở công việc làm thêm và sắp sửa nhập học. Đi về cũng rất tốn kém nhưng không còn cách nào khác. Mình hy vọng mọi chuyện sẽ sớm ổn định trở lại và mình lại tiếp tục việc học.
 Khuất Thị Thu Trang - học viên cao học, Học viện Ngôn ngữ Meros, Tokyo chia sẻ cảm xúc khi ở Nhật Bản thời điểm động đất với các độc giả của mạng Go.vn ( Ảnh: Go.vn)

- Bạn muốn nhắn nhủ với người thân và cộng đồng điều gì trong thời điểm này?

Bùi Thị Thu Hà: Mình mong tất cả mọi người hãy thật bình tĩnh. Mong các cơ quan truyền thông thông tin 1 cách chính xác để những gia đình có người thân ở Nhật không quá căng thẳng.

Lê Phú Anh Duy: Mình muốn gửi lời cảm ơn các bạn. Sau khi bài đăng trên new.go.vn thì rất nhiều bạn đã gửi mail chia sẻ và động viên. Điều đó anh em bên này cảm thấy rất ấm lòng và cảm thấy không lẻ loi.

Trương Khánh Bang: Mong cộng đồng mạng hãy chung tay góp sức, dù là vật chất hay tinh thần để giúp cho nước Nhật vượt qua thảm họa lịch sử này.

Khuất Thị Thu Trang - học viên cao học, Học viện Ngôn ngữ Meros, Tokyo.

Trương Khánh Bang - sinh viên, Học ở Chiba,  Gunma, gần Tokyo.

Bùi Thị Thu Hà - sinh viên năm 3, trường ĐH TMU - Tokyo Metropolitan University.

Lê Phú Anh Duy - sinh viên Đại học Kinh tế năm thứ 3 ở tỉnh Saitama, phụ cận Tokyo.

Phạm Thịnh (lược ghi)

Các thí sinh quan tâm đến cơ hội học tập và nghề nghiệp hấp dẫn tại ĐH Văn Hiến có thể gửi câu hỏi tới địa chỉ [email protected].

Bình luận
vtcnews.vn