Các ngành kỹ thuật không “hot” dễ kiếm thu nhập cao

Tin tức - Sự kiệnThứ Sáu, 18/02/2011 01:58:00 +07:00

(VTC News)- “Nhiều ngành kỹ thuật hiện nay tuy nghe không “kêu”, không “hot” nhưng đầu vào rất dễ và ra trường rất dễ xin việc với mức thu nhập cao”.

(VTC News)- “Nhiều ngành kỹ thuật hiện nay tuy nghe không “kêu”, không “hot” nhưng đầu vào rất dễ và ra trường rất dễ xin việc với mức thu nhập cao”, PGS.TS Hoàng Minh Sơn, trưởng phòng đào tạo ĐH Bách Khoa Hà Nội chia sẻ.

Trao đổi với VTC News, PGS.TS Hoàng Minh Sơn, trưởng phòng đào tạo ĐH Bách Khoa Hà Nội cho biết: “Nhiều học sinh cứ nghe đến tài chính, ngân hàng là nghĩ ngay đến việc có một việc làm có thu nhập cao trong khi hoàn toàn không phải như vậy. Tôi có nhiều người bạn làm trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, có những người có mức thu nhập vài chục triệu một tháng nhưng cũng có những người chỉ có một vài triệu 1 tháng”.

Ông Sơn cũng chia sẻ thêm, nhiều ngành kỹ thuật hiện nay tuy nghe không “kêu”, không “hot” nhưng đầu vào rất dễ và ra trường rất dễ xin việc với mức thu nhập cao.

Nhân lực có trình độ ngành dệt may hiện đang rất thiếu.

Thực tế cho thấy những ngành ít thí sinh đăng ký thi vào trường nhưng khi tốt nghiệp xin việc lại rất dễ dàng. Chẳng hạn, Kỹ thuật vật liệu, Kỹ thuật gang thép luyện kim, Kỹ thuật dệt may, Vật lý kỹ thuật…

Theo thống kê, năm 2010 doanh số xuất khẩu của ngành dệt may Việt Nam là hơn 9 tỷ USD. Đây là một trong những ngành có doanh số xuất khẩu liên tục tăng trong nhiều năm và thuộc nhóm hàng xuất khẩu có giá trị lớn nhất của Việt Nam.

Hiện nay xu thế người tiêu dùng ngày càng chi tiêu nhiều hơn cho quần áo, ăn mặc vì vậy thị trường việc làm của ngành này là rất lớn. Thực tế ngành dệt may đang rất các kỹ sư dệt. “Học dệt may không phải ra trường làm công nhân các nhà máy may với thu nhập thấp. Sinh viên tốt nghiệp ngành Kỹ thuật dệt may ra trường sẽ làm thiết kế dây chuyền và các quy trình dệt may, thiết kế vải sợi, thiết kế sản phẩm dệt may với mức lương rất cao”, Ông Sơn cho biết.

Với ngành Kỹ thuật vật liệu, có rất nhiều mảng để sinh viên xin việc, nhưng lớn nhất vẫn là luyện kim. Hiện ngành thép Việt Nam cũng đang rất thiếu nguồn nhân lực bởi vì đầu ra của trường Bách khoa Hà Nội và các trường khác rất ít.

Các kỹ sư vận hành các dây chuyền sản xuất hiện đại.

Ông Sơn lý giải việc nhiều thí sinh thường nghĩ làm các công việc trong ngành sản xuất thép là làm việc trong các lò nung với khói bụi, tiếng ồn, rất nặng nhọc. Nhưng thực tế hiện nay các quá trình đã tự động hóa, người kỹ sư chỉ cần điều khiển sự hoạt động của máy.

Các nhà máy thép sản xuất ra rất nhiều sản phẩm thép, kim loại màu, kim loại quý hiếm…

Ngành kỹ thuật vật liệu còn có vật liệu ceramic (gốm, sứ, thủy tinh), vật liệu polymer, vật liệu điện tử, nano. Hiện nay, hai ngành này và các ngành khác được nhiều doanh nghiệp của các tập đoàn xây dựng lớn đặc biệt quan tâm. Các tập đoàn này thường dành nhiều suất học bổng cho các sinh viên trong trường học các ngành này.

Hàng năm, trong các ngày hội hướng nghiệp của trường, các doanh nghiệp đều đến để tìm kiếm nguồn nhân lực là sinh viên đang học năm thứ 3, 4.

Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội tuyển sinh ĐH, CĐ năm học 2011 có tổng chỉ tiêu (CT) là 5.800, trong đó CT cho các ngành đào tạo ĐH là 5.000 (tăng 200 so với năm 2010), 800 CT cho các ngành đào tạo CĐ và 500 CT cho các chương trình hợp tác đào tạo quốc tế. Trường có 5 chương trình đào tạo đặc biệt-chất lượng cao với nhiều ngành khác nhau, trong đó có 1 ngành mới là Năng lượng tái tạo.

Phạm Thịnh – Nguyễn Hương

Bình luận
vtcnews.vn