Các sự kiện nổi bật khi VTC đồng hành cùng giáo dục

Giáo dụcThứ Bảy, 28/05/2011 06:40:00 +07:00

(VTC News) - Sau hơn một năm, VTC đã thực hiện nhiều sự kiện nổi bật khi hợp tác với Bộ GD&ĐT. Dưới đây là những sự kiện tiêu biểu nhất.

(VTC News) – Hơn 1 năm đồng hành cùng giáo dục, Tổng Công ty Truyền thông Đa phương tiện VTC cùng Bộ GD&ĐT đã và đang hợp lực triển khai tổ chức 12 hoạt động bổ ích, gây được nhiều tiếng vang lớn.

Dưới đây là những hoạt động nổi bật nhất mà VTC đã hợp tác thành công với Bộ GD&ĐT trong vòng một năm qua:

1. Ngôi sao tuổi Teen cho học sinh, sinh viên


Đây là một trong những hoạt động gây tiếng vang nhất của VTC dưới sự định hướng trực tiếp của Bộ GD&ĐT. Từ 1/11 – 14/11/2010 Tuần lễ Chung kết toàn quốc "Ngôi sao tuổi Teen Việt Nam 2010" đã bắt đầu và tìm được 20 gương mặt xuất sắc nhất.

Diễm Trang đăng quang cuộc thi "Ngôi sao tuổi Teen Việt Nam 2010"

Ban tổ chức cuộc thi "Ngôi sao tuổi Teen Việt Nam 2010" đã lựa chọn ra 20 thí sinh xuất sắc nhất trong 2.000 hồ sơ đăng ký dự thi trên 60 tỉnh thành trên cả nước. Top 20 thí sinh tham gia vòng Chung kết lần này đều là những gương mặt được BTC đánh giá là có vẻ đẹp toàn diện về ngoại hình, khả năng thể hiện tài năng và có kết quả học tập khá tốt.

 Các thí sinh Miss Teen tham gia phần thi ứng xử

Kết quả là, ngày 14/11/2010 Diễm Trang - cô gái đến từ Vĩnh Long đã là chủ nhân của danh hiệu Miss Teen 2010.

2.Tổ chức giải Bóng đá sinh viên Việt Nam – Cup VTC

Từ ngày 28/10 – 7/11/2010, 16 đội bóng trẻ đã tham dự  VCK Giải bóng đá Sinh viên toàn quốc VTC Cup FIFA Online 2 - 2010 tại Đà Nẵng.

Đại học Sư phạm TDTT TP.HCM trở thành nhà vô địch VTC Cup FIFA Online 2010

Sau nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau với những trận tranh tài nghẹt thở, ĐH Sư phạm TDTT TP.HCM đã trở thành đội bóng chiến thắng chung cuộc trong trận chung kết trước ĐH Bách khoa Hà Nội với tỷ số 4-3, qua đó lên ngôi vô địch giải bóng đá sinh viên toàn quốc VTC Cup FIFA Online 2010.

Đây là một sự kiện thể thao mang ý nghĩa quan trọng mà VTC đã tổ chức thành công, hướng thanh niên sinh viên Việt Nam tới những hoạt động thể chất song song với hoạt động trí tuệ lành mạnh.

3. IOE – hành trang để trở thành công dân toàn cầu

Chính thức phát động vào ngày 2/11/2010, IOE là một hoạt động lớn trong 12 hoạt động phối hợp giữa Bộ GD-ĐT và Tổng công ty truyền thông Đa phương tiện VTC. Mục đích của cuộc thi nhằm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy và học tiếng Anh tại các trường phổ thông; tạo ra sân chơi trực tuyến môn tiếng Anh cho học sinh cấp tiểu học và cấp trung học; tạo điều kiện cho học sinh làm quen với Internet và sử dụng Internet là một phương thức học tập. Bên cạnh đó, tạo môi trường thân thiện, lành mạnh để học sinh tích cực giao lưu, học tập…

Lễ phát động cuộc thi Olympic tiếng Anh trên Internet

Mỗi năm học có 4 vòng thi chính thức cho lớp 5 và lớp 9; 3 vòng thi cho các lớp còn lại và các vòng cho học sinh tự luyện. Cuộc thi có 4 cấp gồm cấp trường, quận, huyện; tỉnh, thành phố và toàn quốc. Chi tiết cho từng vòng thi đều được cập nhật đầy đủ trên trang web: http://ioe.vn.

Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển kì vọng về một cuộc thi giúp trẻ em say mê học tập ngoại ngữ

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển, trưởng ban chỉ đạo IOE cấp toàn quốc đã kỳ vọng: "Thông qua cuộc thi, các em học sinh sẽ say mê học tập ngoại ngữ mà đặc biệt là bộ môn tiếng Anh để giúp ích cho các em có đủ khả năng tiếp cận với nhiều kênh tri thức trên thế giới, bổ sung vào hành trang của các em giúp các em trở thành những công dân toàn cầu trong tương lai".

Sử dụng các kỹ thuật phần mềm, từ đồ họa cho tới hình ảnh, âm thanh sinh động, IOE đã tạo ra một sức hấp dẫn đặc biệt đối cho các em học sinh học tập bộ môn tiếng Anh. Ngay trong giai đoạn đầu tiên, mỗi ngày http://ioe.goonline.vn đã có trên 230.000 lượt học sinh truy cập. Có thời điểm lên tới 18.000 học sinh đồng thời thi trên website này. Tốc độ tăng thành viên và số lượt truy cập của cuộc thi tiếng Anh trên Internet đã vượt qua cả cuộc thi Toán trên Internet. Tính đến ngày 30/1/2011, chưa đầy 3 tháng kể từ khi cuộc thi phát động, số thành viên của IOE đã vượt qua con số 1,5 triệu.

4. Nâng cao E-Learning góp phần đẩy mạnh CNTT-TT VN


Dạy và học điện tử (e-Learning) là một khái niệm không mới trên thế giới, nhưng còn khá lạ lẫm ở Việt Nam. Tuy nhiên, để Việt Nam trở thành nước mạnh về CNTT thì phải đưa CNTT vào trong giáo dục và đào tạo, đặc biệt là trong lĩnh vực e-Learning.

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân khi nói về vai trò của học trực tuyến đã chia sẻ kinh nghiệm: “Chúng ta cần thống nhất giáo trình chung và giảng qua mạng. Ví dụ khi thuê 1 giáo sư nước ngoài giảng thì không chỉ có sinh viên của 1 trường nghe mà sinh viên ở hàng chục trường khác cùng theo dõi”.

Go.vn là mạng xã hội Việt Nam mạnh nhất về giáo dục hiện nay

Để phát triển CNTT nước nhà, một trong những giải pháp mà ông Quách Tuấn Ngọc Cục trưởng cục CNTT, Bộ GD&ĐT đưa ra là ứng dụng CNTT vào trong giáo dục và đào tạo. Ông Quách Tuấn Ngọc cho rằng cần phát triển mạng giáo dục (EduNet) bằng việc triển khai kết nối Internet băng thông rộng và kênh thuê riêng qua cáp quang đến tất cả các đơn vị quản lý giáo dục và cơ sở giáo dục.

Việc áp dụng công nghệ giáo dục, dạy và học điện tử e-Learning là một trong những mấu chốt quan trọng để phát triển giáo dục và đẩy mạnh sự phát triển CNTT. “Chúng ta cần xây dựng nội dung, chương trình, bài giảng và tổ chức triển khai các khóa học theo mô hình e-Learning”, ông Ngọc nhấn mạnh.

Bút chấm đọc Touch Talk của VTC 

Nắm bắt xu hướng học trực tuyến, Tổng công ty Truyền thông Đa phương tiện (VTC) ngoài việc phối hợp với  Bộ GD&ĐT tổ chức thành công cuộc thi Olympic tiếng Anh trên Internet (IOE) dành cho học sinh từ lớp 3 đến lớp 12 trên toàn quốc, còn đưa ra những sản phẩm điện tử hiện đại phục vụ việc học tập hiện đại mà nổi bật là bút chấm đọc Touch-Talk, đem lại một cảm giác mới giúp cho việc học tập trở nên dễ dàng và thích thú hơn.

Ngoài ra, mạng xã hội GO.VN, cổng giáo dục GO.EDU hiện đã và đang xây dựng một kho kiến thức rộng lớn phục vụ cho học sinh, sinh viên và những người đam mê tri thức.

Hiện nay, các thí sinh chuẩn bị thi đại học năm 2011 có thể vào GO.EDU để thử sức mình với hệ thống đề thi.

5. VTC hợp tác chiến lược với đại học Văn Hiến


Ngày 6/12/2010, trường ĐH Văn Hiến đã ký kết biên bản thỏa thuận đầu tư chiến lược với Tổng Công ty Truyền thông Đa phương tiện VTC.

Theo văn bản thỏa thuận này, VTC sẽ đồng hành cùng ĐH Văn Hiến trong sự nghiệp giáo dục và hỗ trợ ĐH Văn Hiến trong việc đào tạo những nội dung học vốn là thế mạnh của VTC như công nghệ nội dung số, quản trị công nghệ và truyền thông, phát triển hệ thống mạng viễn thông.

 VTC hợp tác chiến lược với Đại học Văn Hiến

Hiện, đội ngũ giảng viên của trường ĐH Văn Hiến gồm 400 giảng viên, trong đó trên 60% có học vị thạc sĩ, tiến sĩ có chức danh giáo sư, phó giáo sư. Từ năm học 2011-2012, đội ngũ giảng viên của trường được bổ sung thêm nhiều chuyên gia có trình độ chuyên môn và kinh nghiệm làm việc từ VTC cùng các đối tác chiến lược.

Sáng 28/3/2011, trường ĐH Văn Hiến có một bước tiến mới đó là gặp gỡ, thảo luận kế hoạch hợp tác, đào tạo với ĐH La Trobe (Úc) để giúp cho ĐH Văn Hiến phát triển lên một tầm cao mới thông qua việc trao đổi các chương trình giảng dạy.

Với sự đầu tư chiến lược của Tổng công ty VTC, trong thời gian tới, Văn Hiến sẽ trở thành một trong số những trường đại học ngoài công lập tốt nhất, đặc biệt là ngành CNTT và Điện tử viễn thông. Trên cơ sở đó, đại học Văn Hiến đề xuất một số mô hình hợp tác quốc tế đạt chất lượng cao như: trao đổi giảng viên, sinh viên, thực hiện các chương trình học liên kết theo hình thức 3+1 (2 năm tại Văn Hiến, 1 năm tại La Trobe), hoặc 2+2…

Nhằm thu hút và quan tâm tới nguồn nhân lực CNTT, VTC cũng đã cam kết sẽ bố trí nơi thực hành cho sinh viên các ngành CNTT, kỹ thuật điện tử truyền thông. Sinh viên tốt nghiệp hai ngành này từ loại khá trở lên sẽ được VTC tiếp nhận vào làm việc mức thu nhập trung bình từ 10 triệu đồng/tháng trở lên.

6. Truyền thông về cổng thông tin nhân đạo 1400 (do chính phủ giao nhiệm vụ cho VTC) trong cộng đồng giáo dục để tổ chức các chương trình từ thiện nhân đạo.


Cổng thông tin điện tử nhân đạo Quốc gia 1400 được thành lập năm 2008 theo quyết định của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông. Phạm vi và đối tượng tham gia nhắn tin: tất cả các thuê bao viễn thông sử dụng các mã dịch vụ nhắn tin từ số 1400 đến số 1409 (10 số) để nhắn tin SMS từ các thuê bao cố định, di động đến Cổng thông tin 1400. Từ đó đến nay, nhiều tỉ đồng do người dân ủng hộ đã đóng góp cho nhiều hoạt động mang tính chất cộng đồng.

Cụ thể, tính đến hết ngày 31/10, hệ thống cổng thông tin 1400 ghi nhận 945.813 tin nhắn gửi vào hai đầu số 1405 (10.000đ/tin) và 1409 (18.000đ/tin), tương đương số tiền 10,7 tỷ đồng để ủng hộ miền Trung trong vụ lũ lụt lịch sử năm 2010.

 Hai cậu bé đang ngồi trên chiếc mảng tự chế trên con đường nay đã thành... sông

Toàn bộ số tiền thu được từ cổng thông tin 1400 đã được VTC cùng các đối tác giao lại cho Hội Chữ thập đỏ Hà Nội và Mặt trận tổ quốc Việt Nam để chuyển đến cho những người dân đang gặp khó khăn ở miền Trung. Khi người dân nhắn tin tới các đầu số, sẽ có tin nhắn phản hồi lại số tiền mình đã ủng hộ, đồng thời trên các kênh truyền hình của VTC sẽ thường xuyên chạy các dòng chữ thông báo về các thuê bao đã nhắn tin ủng hộ từ thiện”.

Góp phần với thành công trên, khối báo chí của VTC bao gồm Đài TH Kĩ thuật số VTC và Báo Điện tử VTC News, Tạp chí Truyền hình số đã thực hiện nhiều loạt bài phóng sự phản ánh chân thực về cuộc sống của người dân miền Trung, giúp đồng bào trong cả nước có những cái nhìn chính xác nhất về khó khăn của người dân miền Trung trong cơn lũ dữ và phát huy tinh thần tương thân, tương ái của mình.

Vào lúc 20h ngày 30/5/2011 Tổng Công ty Truyền thông Đa phương tiện VTC tổ chức truyền hình trực tiếp chương trình “VTC đồng hành cùng giáo dục” trên VTC1 và VTC HD1. Mời các bạn đón xem. 


Thành Lương (tổng hợp)



Bình luận
vtcnews.vn