Sinh viên nhận hàng viện trợ từ gia đình

Giáo dụcThứ Tư, 30/03/2011 01:25:00 +07:00

(VTC News) – Thay vì ra chợ sắm sửa tất cả, nhiều bạn SV đã nhận hàng viện trợ từ bố mẹ, từ rau xanh cho đến thịt, cá, lạp xường…

(VTC News) – Thay vì ra chợ sắm sửa tất cả, nhiều bạn SV đã nhận hàng viện trợ từ bố mẹ, từ rau xanh cho đến thịt, cá, lạp xường…

Thời buổi bão giá, thứ gì cũng đắt đỏ đã khiến phần đông sinh viên nghĩ ra mọi biện pháp để tiết kiệm tiền sinh hoạt phí. Và với họ, nhờ bố mẹ gửi thịt cá, rau củ từ quê lên Hà Nội chính là một trong các biện pháp chống bão giá.

Thực đơn của SV giờ tăng thêm củ quả và muối vừng mà các bậc phụ huynh gửi cho. 

Cứ đều đặn đến cuối tuần là Thư (Cầu Giấy) lại ra bến xe nhận hàng cứu trợ của bố mẹ gửi lên. Hàng mà Thư nhận chủ yếu là thức ăn đã làm sẵn và rau xanh. Từ muối vừng cho đến thịt kho mặn, các loại rau củ để được lâu như khoai tây, su su hay vài mớ rau xanh mà mẹ Thư tự trồng như cải bắp, su hào, rau diếp, đỗ cove. Thư lên kế hoạch “tiêu thụ” hàng hóa bố mẹ gửi lên: “Các loại rau xanh thì phải ăn trước kẻo sẽ hỏng hết. Còn các loại củ thì để ăn sau vì giữ được lâu. Nhờ đó mà trung bình một tuần mình chỉ phải chi thêm khoảng 50k để đổi món cho đỡ nhàm chán”.

Cũng giống như Thư, trước tình trạng giá cả leo thang, Hoàng Bình (Mỹ Đình) cũng cầu cứu sự trợ giúp của phụ huynh. Nhà Bình ở quê có cả một vườn rau rộng, chợ phiên nào mẹ Bình cũng đem rau đi bán nên chẳng ngại gì việc gửi ra Hà Nội cho con gái lúc khó khăn. Thậm chí, mẹ Bình còn khéo nhờ bạn bè của Bình khi về quê mang giúp trứng gà ra cho Bình vì biết con gái thích ăn trứng gà. “Biết thế này sẽ làm mẹ mất công nhưng với tình hình này thì mình được ăn rau nhà trồng lại không mất ít tiền mua thức ăn. Hầu như mình chỉ mất tiền mua thịt, cá còn rau xanh thì có lúc mình còn chia cho cả xóm khi mẹ gửi nhiều”.

Không kém cạnh các bạn gái, Hoàng Đức (Dịch Vọng) cũng tiết kiệm được một khoản nhờ các bố mẹ. Phòng Đức ở 3 người cho tiết kiệm, và các bạn luôn phiên nhau ra bến xe nhận hàng bố mẹ từ quê gửi ra. Lúc nào bao tải hàng mà các bạn phòng Đức nhận được đều có nhiều rau, củ. Thậm chí, khi ở nhà có giỗ thì tối hôm đó, phòng trọ của Đức cũng xôm tụ thức ăn vì mẹ đều để dành gửi lên cho cậu con trai.

Trong khi đó, M. Hoàng (Ngã Tư Sở) nhà ở quê chuyên nuôi cá nên việc cậu ăn cá thường xuyên trong những dịp đội giá này không có gì là lạ. Ngoài việc được ăn cá tươi thì bố mẹ Hoàng còn đóng hộp và ướp cá rất bài bản để cậu ăn dần. Nhờ sự hỗ trợ này mà Hoàng tiết kiệm được một khoản tiền ăn kha khá. “Bình thường cũng nhận đồ ở quê ra nhưng lần này thì mình nhận nhiều hơn. Vừa đỡ tốn tiền mà lại bổ dưỡng. Khoản tiền dư này mình định để nộp học võ” – Hoàng tâm sự.

Với Thu Diệu quê ở Bắc Cạn, cô cũng đã cắt giảm được nhiều trong khoản tiền ăn khi bố mẹ thường xuyên gửi lạp xường, một món ăn truyền thống ở nhà, lên cho cô. Ngoài ra, đi kèm theo còn là lạc, khoai tây. Diệu vui vẻ khoe “Trước đây tiền ăn mình hết ngót nghét 1 triệu đồng thì nay lại dôi dư thêm một ít để mua sách vở”

Nhà ở xa thì bố mẹ gửi đồ lên, nhưng với Hà, nhà ở ngay Thường Tín thì tuần nào cô cũng cưỡi xe máy về quê “thu gom”. Mỗi lần về là cô nàng lại “vác” lên một bao rau củ quả. Nhà trọ có chiếc tủ lạnh đời cũ nhưng vẫn dùng tốt. Hà cho biết nhờ về quê điều độ nên tiền ăn của Hà tích cóp được rất khá. Số tiền này mình sẽ trích ra để riêng phòng khi có chuyện cần đến.

Trong khi mọi thứ tăng giá thì sinh viên vẫn tìm được nhiều biện pháp để sống chung với bão giá. Với cách làm này, không chỉ là tiết kiệm tiền sinh hoạt tốt nhất mà còn được bữa cơm an toàn, hợp vệ sinh.

Đinh Minh Phương

 

Bình luận
vtcnews.vn