Giáo viên không có thưởng, Giám đốc Sở chạnh lòng

Giáo dụcThứ Ba, 05/02/2013 03:05:00 +07:00

(VTC News)- “Tôi thấy rất cần có sự quan tâm thưởng Tết cho giáo viên các cấp mỗi khi Tết đến xuân về”

(VTC News)- “Tôi thấy rất cần có sự quan tâm thưởng Tết cho giáo viên các cấp mỗi khi Tết đến xuân về”. Ông Đặng Phương Bắc, Giám đốc Sở GD-ĐT Thái Bình chia sẻ.




Hàng năm cứ mỗi dịp Tết đến xuân về, khi thông tin về thưởng Tết của các doanh nghiệp, các ngành tràn ngập trên báo chí thì cũng là lúc những giáo viên trong ngành giáo dục cảm thấy chạnh lòng.

Giáo viên rất cần được thưởng Tết

Trao đổi với VTC News, ông Đặng Phương Bắc, Giám đốc Sở GD-ĐT Thái Bình cho biết không chỉ có giáo viên ở các tỉnh miền núi không có tiền thưởng Tết mà ngay cả giáo viên tại Thái Bình cũng không hề có một khoản tiền thường.
Giáo viên tại những trường thuộc vùng đồng bằng cũng ít khi được thưởng Tết 

Ông Bắc lý giải do ngân sách đã được duyệt từ trước, được phân bổ theo dự toán ngân sách hàng năm nên không có nguồn để thưởng cho giáo viên.

 

Với tư cách là người đứng đầu của một ngành lại chưa quan tâm được gì cho đời sống của giáo viên trong khi các ngành khác, các công ty, đơn vị khác lại thưởng cho người lao động hàng chục triệu đồng. Như vậy là trách nhiệm của mình chưa hoàn thành

Ông Đặng Phương Bắc, Giám đốc Sở GD-ĐT Thái Bình
 
Tuy vậy, đối với các giáo viên thuộc gia đình chính sách, gia đình khó khăn thì hàng năm Sở GD-ĐT vẫn tổ chức thăm hỏi, động viên và dành tặng những món quà nhỏ ngày Tết.

Lãnh đạo Sở GD-ĐT Thái Bình cũng chia sẻ. một số trường hàng năm vẫn có một khoản tiền thưởng Tết nhỏ để động viện các thầy cô công tác. Khoản tiền này được lấy từ phúc lợi công cộng, từ dạy thêm học thêm được phép, từ việc tiết chi tiêu trong nguồn kinh phí tự chủ.

Mức thưởng cao nhất cho giáo viên tại các trường này cũng giao động từ 300 nghìn đồng – 500 nghìn đồng. Nhiều trường tiểu học chỉ thưởng Tết cho giáo viên từ 50 nghìn đồng – 100 nghìn đồng.

Được biết, dù hiện nay có các nguồn thu do xã hội hóa nhưng chỉ được chi cho việc khen thưởng giáo viên dạy giỏi, học sinh vượt khó học giỏi chứ không đủ để chi thưởng Tết cho giáo viên.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, ở các thành phố lớn các thầy cô giáo tuy không nhận được thưởng Tết từ nhà nước nhưng lại được phụ huynh “đi Tết” quà tiền triệu.  

Trước ý kiến này, vị Giám đốc Sở GD-ĐT Thái Bình cho rằng ngay cả ở thành phố, việc phụ huynh đến chúc Tết giáo viên cũng chỉ mang tính chất tinh thần chứ không mang nhiều giá trị vật chất. Bên cạnh đó, dịp Tết chủ yếu là học trò đến thăm thầy cô mang tính chất tình cảm.

“Tôi thấy rất cần có sự quan tâm thưởng Tết cho giáo viên các cấp mỗi khi Tết đến xuân về.Tết mang tính truyền thống nên rất cần sự quan tâm, có thưởng Tết để cho mọi giáo viên được vui Tết. Tuy chỉ là một món quà nhỏ nhưng mang tính chất động viên, cho “đỡ tủi thân”. Ông Bắc thẳng thắn bày tỏ.

Với tư cách là Giám đốc Sở GD-ĐT, khi ông hỏi học trò cũng là các giáo viên thì được biết Tết năm nay “ Trường em được thưởng 1 kg giò hoặc một túi hạt hướng dương” cũng khiến vị lãnh đạo ngành giáo dục Thái Bình suy nghĩ.

Vị Giám đốc Sở GD-ĐT Thái Bình cũng ngậm ngùi chia sẻ: “Với tư cách là người đứng đầu của một ngành lại chưa quan tâm được gì cho đời sống của giáo viên trong khi các ngành khác, các công ty, đơn vị khác lại thưởng cho người lao động hàng chục triệu đồng. Như vậy là trách nhiệm của mình chưa hoàn thành. Bản thân tôi cũng thấy mình chưa hoàn thành nhiệm vụ”.

Trước đây, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT kiêm Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân từng có một công văn gửi cho UBND các tỉnh đề nghị quan tâm, động viên hỗ trợ từ các nguồn.  Nhìn chung, năm đó đa số nhà giáo đều phấn khởi.

“Nếu chúng ta duy trì được việc làm này đều đặn hàng năm thì rất tốt”. Ông Bắc thể hiện mong muốn.

Nói đến thưởng Tết, giáo viên buồn lắm
Ở trường THCS Hang Chú (huyện Bắc Yên, Sơn La), giáo viên dạy phụ đạo cho học sinh không có thù lao còn việc thưởng Tết thì chưa bao giờ có 

Khi vừa bắt đầu câu chuyện với phóng viên VTC News, ông Trịnh Hữu Khang, Giám đốc Sở GD-ĐT Cao Bằng thở dài: “Anh mà lên Cao Bằng nói đến chuyện thưởng Tết thì giáo viên người ta buồn lắm”.

Ông Khang cũng chia sẻ thêm, ở Cao Bằng đa số người dân còn khó khăn. Ở nhiều nơi, người dân còn không cho con em đi học. Nếu không có tiền bán trú theo chính sách của nhà nước thì nhiều em sẽ bỏ học.

Không giống như các địa phương khác có thể có các nguồn thu từ học sinh nhưng Cao Bằng là một tỉnh khó khăn nên không thể có khoản thu nào để cuối năm thưởng Tết cho giáo viên.

“Khác với học sinh dưới xuôi đóng tiền để đi học còn trên Cao Bằng thì nhà nước phải hỗ trợ tiền để học sinh đi học. Đó là 2 mặt đối lập”. Vị Giám đốc Sở GD-ĐT Cao Bằng đưa ra lý lẽ.

Ông Khang cũng kể, bên cạnh việc dạy chữ, các giáo viên vùng cao còn đóng vai trò là người tư vấn về tâm lý, tình cảm cho các em học sinh. Vì một lý do nào đó học sinh không đi học, giáo viên lại phải đến từng nhà để vận động các em đến trường.

Tết chỉ mong có lương đầy đủ
Ở nhiều vùng núi phía Bắc, điều kiện học tập của học sinh còn rất nhiều khó khăn 

Chia sẻ về câu chuyện thưởng Tết cho giáo viên, ông Lương Văn Soòng, Giám đốc Sở GD- ĐT Hà Giang cho biết hiện nay đã giao quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục, vì vậy các trường sẽ chủ động trong việc thưởng Tết cho giáo viên.

“Nếu cơ sở giáo dục nào tiết kiệm được thì sẽ có thể thưởng cho giáo viên 100 nghìn – 200 nghìn tùy từng cơ sở”. Vị lãnh đạo Sở GD-ĐT Hà Giang chia sẻ.

 

Anh mà lên Cao Bằng nói đến chuyện thưởng Tết thì giáo viên người ta buồn lắm

Ông Trịnh Hữu Khang, Giám đốc Sở GD-ĐT Cao Bằng
 
Toàn tỉnh Hà Giang có tới gần 20.000 giáo viên nên để lo thưởng Tết thì ngân sách tỉnh cũng không thể lo hết được. Vì vậy, việc thưởng Tết sẽ trông chờ vào cấp ủy từng địa phương. Nếu cấp ủy địa phương quan tâm sẽ có một khoản để động viên cho cán bộ giáo viên đón Tết.

Theo ông Soòng, tuy không có thưởng Tết nhưng lãnh đạo Sở sẽ đôn đốc việc chi trả lương và phụ cấp đầy đủ cho các giáo viên đúng hạn.

“Các thầy cô giáo ở vùng sâu vùng sa đã không được hưởng nhiều nhưng nhiều người vẫn phải bỏ ra những đồng lương để mua những phần quà để vận động các em đi học. Câu chuyện này đối với vùng cao là chuyện thường gặp”. Ông Soòng chia sẻ.

Vị lãnh đạo ngành giáo dục Hà Giang cũng đề nghị: “Trên phương diện là nhà quản lý thì chúng tôi cũng đề xuất với chính phủ cần thực hiện tốt hơn nữa những chính sách đã có với giáo viên như lương, phụ cấp giải quyết kịp thời trong dịp Tết. Mỗi cấp ủy địa phương tùy từng điều kiện cụ thể có thể chăm lo đến đời sống của cán bộ giáo viên về cả vật chất và tinh thần”.

Ở Hà Giang việc luôn chuyển giáo viên rất khó khăn, vì vậy lãnh đạo ngành cũng đề nghị cấp ủy chính quyền địa phương tạo điều kiện thuận lợi.  Đối với các giáo viên công tác lâu năm tại địa phương sẽ được đề nghị cấp đất để thầy cô có thể ổn định được chỗ ở, yên tâm công tác.

Phạm Thịnh

Bình luận
vtcnews.vn