Giao thông HN 'kêu cứu', dự án metro vẫn 'lạnh lùng'

Thời sựThứ Hai, 05/12/2011 03:18:00 +07:00

(VTC News) - Hầu hết các dự án đường sắt đô thị đều gặp phải khó khăn, và chưa ai biết khi nào HN mới có tuyến metro đầu tiên?

(VTC News) - Trong bối cảnh giao thông Hà Nội đang cần được "gỡ rối", Bộ GTVT, trong đó đặc biệt là Bộ trưởng Đinh La Thăng đang nỗ lực tìm các phương án khắc phục, thì "bài toán" đường sắt đô thị vẫn chưa có lời giải cuối cùng. Các tuyến đều chậm tiến độ, và chưa ai biết khi nào Hà Nội mới có tuyến đường sắt đô thị đầu tiên.

Theo kế hoạch, tuyến đường sắt đô thị đầu tiên của Hà Nội sẽ hoạt động từ cuối năm 2014 (tuyến Cát Linh - Hà Đông), tuy nhiên những dự án này đang gặp vô vàn khó khăn về vốn, giải phóng mặt bằng… nên bị chậm tiến độ.

Thiếu vốn

“Vì yêu cầu lượng vốn lớn nên ít có nhà tài trợ nào đảm đương được từ đầu đến cuối, mà cần nhiều nhà tài trợ, mỗi nhà tài trợ đảm bảo cho từng phần việc. Như dự án Nhổn – ga Hà Nội đã có 3 - 4 nhà tài trợ gộp nhau lại mà vẫn chưa đủ vốn”, ông Nguyễn Văn Doanh, Phó Cục trưởng Cụ Đường sắt (Bộ Giao thông vận tải) đại diện chủ đầu tư tuyến đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông cho biết.

Khu Deport Nhổn (tuyến đường sắt Nhổn - ga Hà Nội) sau 2 lần khởi công tới nay vẫn chưa nên hình hài gì.

Theo ông Doanh, dự án Cát Linh – Hà Đông do Trung Quốc tài trợ, thời giá lúc phê duyệt là đủ nhưng vì thi công trong thời gian dài nên sẽ khó tránh khỏi trượt giá. Do đó, Ban quản lý dự án sẽ tiếp tục đàm phán với nhà tài trợ về vấn đề này.

Trong khi đó, dù tuyến Ngọc Hồi – Yên Viên – Như Quỳnh vẫn chưa khởi công, nhưng Ban quản lý các dự án đường sắt (Tổng Công ty đường sắt Việt Nam) - đại diện chủ đầu tư vẫn khẳng định, kinh phí dự án chắc chắn sẽ vượt dự toán ban đầu, dự toán kinh phí năm 2007 là 19.000 tỉ đồng, còn số vượt cụ thể thì chưa có báo cáo.

Còn tuyến Nhổn – ga Hà Nội do chậm tiến độ, nên vốn dành cho dự án đã bị đội hơn 1,5 lần so với dự toán ban đầu. Tháng 6/2011 tư vấn cho biết các gói thầu xây lắp và thiết bị tính cả dự phòng là trên 923 triệu Euro, so với kế hoạch đấu thầu phê duyệt là trên 612 triệu Euro.

Lúng túng vì lần đầu làm

Nói đến dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh – Hà Đông, ông Nguyễn Văn Doanh cho biết: “Dự án gặp vướng mắc vì đây là công nghệ mới, ta chưa làm bao giờ nên khi thực hiện còn nhiều lúng túng. Đây là đặc thù chung cho các dự án đường sắt đô thị trên cả nước”.

Theo ông Doanh, hiện nay các bộ quy định, quy chuẩn thi công, vận hành cho đường sắt đô thị của Việt Nam vẫn chưa có, chỉ có thể dựa vào các quy chuẩn của nước ngoài hoặc của nhà tài trợ để thực hiện. Tuy nhiên, để có thể đưa những quy chuẩn đó vào áp dụng, chủ đầu tư phải dịch tài liệu, sau đó phải thông qua các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt mới được áp dụng, quá trình này cũng mất khá nhiều thời gian.

“Tất cả những cái đấy sẽ ảnh hưởng đến khâu thiết kế, nên thực sự là tới nay dù đã khởi công nhưng thiết kế tổng thể toàn dự án vẫn chưa hoàn thành. Chúng tôi phấn đấu cuối năm nay sẽ có thiết kế để phê duyệt”, ông Doanh nói.

Vấn đề mặt bằng sạch cũng ảnh hưởng rất nhiều đến tiến độ dự án, ông Doanh lấy ví dụ, đoạn đường sắt đi qua đường Nguyễn Trãi, mặc dù đi trên dải phân cách giữa đường, là mặt bằng công cộng, nhưng vẫn phải làm rất nhiều thủ tục hành chính mới được khoan thăm dò. "Đó là chưa kể đến những khu vực đường sắt đi qua nhà dân phải giải phóng mặt bằng, còn khó hơn nữa", ông Doanh nói.

Tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông đã thi công xong 11 trụ. Chủ đầu tư phấn đấu tới cuối năm sẽ xong 35 trụ, bóc xong toàn bộ đất hữu cơ của khu  Deport và gia tải xử lý nền đất yếu.


Cũng gặp phải những vướng mắc tương tự, nên tới nay, Tuyến đường sắt đô thị số 1 (Ngọc Hồi - Yên Viên - Như Quỳnh) vẫn chưa thể khởi công. Dự kiến cuối năm nay một số gói thầu sẽ được đưa ra đấu thầu trước.

Đại diện Phòng thực hiện dự án 3, Ban quản lý các dự án đường sắt, (Tổng Công ty đường sắt Việt Nam) chủ đầu tư dự án này cho biết, hiện nay chỉ giới đường đỏ của tuyến đường vẫn chưa xác định xong. Đơn vị này đã nhiều lần họp bàn với Hội Kiến trúc sư thành phố Hà Nội nhưng chưa thống nhất được phương án thiết kế kỹ thuật cho toàn tuyến.

Cũng theo vị đại diện này, tuyến số 1 đi qua nhiều dự án khác, và nhiều công trình công cộng… nên mất nhiều thời gian để khớp nối, điều chỉnh: “Chúng tôi đã nhiều lần làm văn bản xin phối hợp Bộ với địa phương để giải quyết vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ. Nhưng vướng mắc vẫn khó tránh khỏi, hầu như dự án nào trong đô thị cũng gặp phải”.

Còn dự án tuyến đường sắt thí điểm Hà Nội (đoạn Nhổn – ga Hà Nội), sau 2 lần khởi công (lần gần nhất vào cuối tháng 9/2010, dịp kỷ niệm Đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, lần đầu vào năm 2008), tới nay tiến độ thực hiện vẫn chưa có nhiều chuyển biến, khu deport (trạm bảo dưỡng sửa chữa) tại Nhổn vẫn còn rất ngổn ngang, chưa nên hình hài, các khu vực tuyến đường này đi qua (phần đi nổi và phần đi ngầm) hiện đang trong quá trình đầu thầu, và thăm dò địa chất.

Về tuyến này, UBND Thành phố Hà Nội đã có văn bản yêu cầu đẩy nhanh tiến độ của khu đề pô, nếu tiếp tục chậm tiến độ có thể thay nhà thầu thi công khác.

Theo dự kiến của các chủ đầu tư, tuyến Cát Linh – Hà Đông sẽ đi vào hoạt động từ tháng 6/2015 (lãnh đạo Bộ GTVT và Hà Nội yêu cầu rút ngắn thời gian hơn, cố gắng đến tháng 10/2014); tuyến Nhổn – ga Hà Nội sẽ chính thức đi vào hoạt động từ cuối năm 2016; tuyến Ngọc Hồi – Yên Viên dự kiến thông tuyến vào năm 2017.

Dự kiến 5 tuyến đường sắt đô thị Hà Nội trong tương lai

Tuyến số 1 (Ngọc Hồi - Yên Viên - Như Quỳnh) phục vụ các khu vực ngoại thành phía đông bắc và nam Hà Nội đi qua trung tâm thành phố.

Tuyến số 2 (Nội Bài - trung tâm thành phố - Thượng Đình) là xương sống cho khu vực đô thị hiện tại và tương lai.

Tuyến số 3 (Nhổn - ga Hà Nội) nối khu vực phía tây với trung tâm thành phố và phía nam.

Tuyến số 4 (Đông Anh - Sài Đồng - Vĩnh Tuy - Thanh Xuân - Từ Liêm - Thượng Cát - Mê Linh) dạng vòng tròn, kết nối với các tuyến số 1, 2, 3 và 5, đa dạng hóa nhu cầu giao thông và gắn kết với các dự án phát triển đô thị.

Tuyến số 5 (Nam Hồ Tây - Ngọc Khánh - Láng - Hòa Lạc) có chức năng kết nối trung tâm thành phố với các đô thị dọc hành lang Láng - Hòa Lạc, với chiều dài là 34,5km.


Lê Việt

 

Bình luận
vtcnews.vn