Giáo sư Hàn Quốc dự Đại hội thi đua yêu nước Việt Nam

Tổng hợpThứ Hai, 17/01/2011 11:29:00 +07:00

Giáo sư Ahn Kyong Hwan, ĐH Chosun, Hàn Quốc là một trong 5 người nước ngoài vinh dự được mời với tư cách là đại biểu chính thức của Đại hội thi đua yêu nước...

Giáo sư Ahn Kyong Hwan, ĐH Chosun, Hàn Quốc là một trong 5 người nước ngoài vinh dự được Nhà nước ta mời với tư cách là đại biểu chính thức của Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ VIII vì những đóng góp lớn lao với Việt Nam.

GS Ahn Kyong Hwan trong những ngày ở Hà Nội tham dự ĐH Thi đua yêu nước lần thứ VIII. 
Từ một chàng trai nghèo nông thôn đến với tiếng Việt chỉ vì mong tìm được việc làm, ông đã trở thành một trong những "đại sứ văn hóa Việt Nam" tại Hàn Quốc hiện nay. Cái chất Việt Nam như ngày càng ăn sâu vào máu ông.

Càng biết nhiều về Việt Nam, ông càng thấy Việt Nam như một kho tàng rộng lớn, cần phải đầu tư công sức để khai phá. Theo đó, vào năm 2008, ông đã thuyết phục Trường ĐH Chosun mở chuyên ngành Understanding all Vietnam - Lý giải Việt Nam, dù phải thỏa thuận "hễ ít sinh viên lập tức phải đóng cửa".

Sau 2 năm, ông đã đưa số sinh viên theo học khoa đó lên con số 600. Ông cũng là người đầu tiên dịch những tác phẩm Việt Nam sang tiếng Hàn với 3 tác phẩm lớn: Truyện Kiều, Nhật ký trong tù, Nhật ký Đặng Thùy Trâm và sắp tới là Hồi ký của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ông là GS Ahn Kyong Hwan của Đại học Chosun, Gwangju, Hàn Quốc.



"Đối với tôi, Việt Nam chưa bao giờ là nước ngoài!"

Duyên nợ của ông với Việt Nam bắt đầu một cách tình cờ từ cuộc mưu sinh. Năm 1974, khi đó Việt Nam đang có chiến tranh. Với suy nghĩ có tàn phá thì phải có tái thiết, ông đăng ký ngành học tiếng Việt, hi vọng sẽ dễ có việc làm ở những doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư vào Việt Nam. Bấy giờ, Hàn Quốc còn chưa có giáo viên dạy tiếng Việt và Khoa tiếng Việt của ông cũng mới chỉ tuyển sinh đến khóa 7 với số sinh viên đếm được trên đầu ngón tay. Cơ sự còn khó khăn hơn, khi cuộc chiến tranh ở Việt Nam kết thúc, đất nước thống nhất thì cũng là thời điểm hai nước tạm cắt đứt quan hệ ngoại giao, không có một doanh nghiệp Hàn Quốc nào đầu tư vào Việt Nam, và cũng không có ai cần một anh chàng biết tiếng Việt. Không kiếm được việc làm, ông vào bộ đội.

"Vì trải qua những năm tháng đó, sau này đọc “Nhật ký trong tù”, tôi càng khâm phục Chủ tịch Hồ Chí Minh. "Tự khuyên mình" là bài tôi thích nhất - "Ví không có cảnh đông tàn/ Thì đâu có cảnh huy hoàng ngày xuân/ Nghĩ mình trong bước gian truân/ Tai ương rèn luyện tinh thần thêm hăng" - GS Ahn tâm sự. Rồi thì cuộc sống cũng dần bớt khắc nghiệt khi năm 1989, Tập đoàn Hyundai bắt đầu để mắt đến thị trường Việt Nam. "Công ty muốn có người đại diện ở đây. Tôi đến gặp giám đốc, nói để tôi đi" và dĩ nhiên ông được chọn.

Đặt chân lên dải đất hình chữ S lần đầu thuần túy bởi công việc, với tư cách nhân viên đại diện của Hyundai, rồi trở thành giám đốc đại diện đầu tiên của Tập đoàn này tại Việt Nam, sau 5 năm, ông trở về Hàn Quốc với một phần Việt Nam ở trong mình. Để bây giờ, khi được hỏi "Giáo sư có yêu Việt Nam không?", ông trả lời: "Hỏi như thế, tôi buồn lắm. Đối với tôi, Việt Nam chưa bao giờ là nước ngoài!". "Tôi yêu Việt Nam ở mọi nghĩa. Tôi yêu người Việt Nam vì sự giản dị, mộc mạc, nhưng kiên cường. Việt Nam là một dân tộc vĩ đại, cả nam và nữ đều là anh hùng". Với ông, Việt Nam và Hàn Quốc có nhiều điểm tương đồng.

"Tôi vẫn nói với sinh viên của tôi, Việt Nam và Hàn Quốc có 4 điểm giống nhau: Thứ nhất về địa lý, đất nước đều trải dài gần như hình chữ S, đều giáp biển Đông. Về mặt tinh thần văn hóa, 2 dân tộc bị ảnh hưởng Nho giáo, tư duy gần giống nhau. Chúng ta giống nhau ở sự trọng truyền thống. Hai nước đều có lịch sử bị xâm lược và đều từng có thời gian Bắc Nam chia cắt. Hậu duệ của nhà Lý hiện đang ở Hàn Quốc. Và hiện nay, rất nhiều người Hàn lấy vợ Việt Nam, nên có chung dòng máu. Nhưng tôi ngưỡng mộ Việt Nam vì Việt Nam có từ "đồng bào".

"Sức mạnh của Việt Nam từ đâu đến?"

Thấy các doanh nghiệp Hàn Quốc quan tâm đầu tư vào Việt Nam ngày càng nhiều, nhưng chỉ biết làm ăn, không quan tâm về văn hóa Việt Nam, ông bèn nghĩ đến việc dịch các tác phẩm nổi tiếng của Việt Nam sang tiếng Hàn. Nghĩ là làm, ông tự bỏ thời gian, tiền túi ra dịch và in "Nhật ký trong tù", trở thành dịch giả đầu tiên dịch một tác phẩm Việt Nam sang tiếng Hàn Quốc. Xuất bản rồi, ông mang tặng khắp nơi, thư viện Quốc gia, các trường đại học, tặng bạn bè. "Sau này cũng có người phản hồi lại, nói "giờ tôi mới biết Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại như thế".

Với lượng in ban đầu chỉ 300 cuốn, 2 tháng sau ông in lại lần 2, và giờ cuốn sách đã được tái bản lần thứ 5 với 2.700 bản in. Ban đầu ông phải bỏ tiền ra in, nhưng hiện mỗi năm ông thu được 100 USD tiền bản quyền dịch. Chỉ thế nhưng ông vui lắm, vì số tiền thì nhỏ, nhưng như thế nghĩa là cuốn sách đã có đời sống của nó. Với "công trình" này, ông đã được Chính phủ Việt Nam tặng Huân chương Văn hóa.
 
GS Ahn Kyong Hwan dự hội thảo khoa học quốc tế “Di sản Hồ Chí Minh trong thời đại ngày nay” diễn ra tại Hà Nội tháng 5/2010. (Ảnh: VnMedia) 

Hiện nay, gia tài dịch thuật của ông đã có thêm Truyện Kiều và Nhật ký Đặng Thùy Trâm. Sắp tới sẽ có thêm cuối Hồi ký của Đại tướng Võ Nguyên Giáp mà hiện ông đã dịch xong 2/3. Ông nói mình lựa chọn dịch những tác phẩm này vì "chưa đọc nó thì coi như chưa biết đến Việt Nam". "Tôi say mê Truyện Kiều. Tôi giảng dạy văn học Việt Nam, sinh viên của tôi bắt buộc phải thuộc 3 tác phẩm đó. Không biết về Hồ Chủ tịch là không biết tư tưởng Việt Nam. Không biết về Truyện Kiều là không biết văn hóa Việt Nam. Không biết Nhật ký Đặng Thùy Trâm là không biết người Việt Nam bình thường nhất cũng anh hùng như thế nào" - đó là cái lý của ông.

Khi biết ông dịch Truyện Kiều ra tiếng Hàn, ai cũng phải tròn mắt ngạc nhiên. Là một kiệt tác hàng đầu của văn học Việt Nam, lại bằng thơ với ngôn ngữ cổ, không phải đơn giản để một người nước ngoài - dù là Tiến sỹ ngôn ngữ học về tiếng Việt có thể hiểu được nó, chưa nói gì đến dịch nó sang một ngôn ngữ khác. "Tôi phải đọc đi đọc lại đến thuộc làu bản tiếng Việt, đọc tham khảo bản tiếng Anh, tham khảo thêm bản tiếng Trung và mất 10 tháng cật lực mới dịch xong cuốn sách. Mà cũng chỉ là dịch nôm nghĩa ra thôi, chứ không dịch được bằng thơ. Tôi quan tâm đến việc thông qua tác phẩm chuyển cái hồn Việt Nam đến bạn đọc, chứ không ưu tiên chuyển tải giá trị văn học" - GS Ahn cho biết.

Không chỉ giảng dạy tiếng Việt và lịch sử, văn hóa Việt Nam tại ĐH Chosun, hiện ông còn là Giám đốc Trung tâm Hàn ngữ Sejong (mang tên vị vua sáng tạo ra tiếng Hàn) tại TP Hồ Chí Minh. "Hiện có khoảng 27.000 cô dâu Việt lấy chồng người Hàn. Hàng năm con số này cũng tăng thêm 7.000 đến 9.000 người. Số người muốn tìm việc làm ở Hàn Quốc cũng ngày càng nhiều. Nhưng cô dâu vào Hàn Quốc mà không biết tiếng Hàn, không biết phong tục tập quán, cách nấu ăn… cũng như chú rể không biết gì về Việt Nam, nên sống cùng nhau hay có xung đột. Bởi thế, tôi nghĩ rằng trước khi sang, cô dâu cần được trang bị những kỹ năng cơ bản nhất về Hàn Quốc, nên đã thành lập trung tâm này. Mỗi năm, Chính phủ Hàn Quốc hỗ trợ Trung tâm 40.000 USD để hoạt động. Hiện Trung tâm cũng có hơn 200 học viên và 23 giáo viên, trong đó 11 là người Hàn. Ngoài việc học tiếng Hàn, các bạn ấy cũng được trang bị những hiểu biết cơ bản nhất về Hàn Quốc, như cách làm kim chi".

GS Ahn cũng chia sẻ ông muốn có nhiều hoạt động giúp đỡ cô dâu Việt Nam hơn. Ông đang dự định sẽ làm phim về họ để gửi đến Chính phủ và các tổ chức phi chính phủ đề nghị hỗ trợ. Ngoài ra, ông cũng đang nỗ lực để "giữ lửa" cho khoa "Lý giải Việt Nam" của mình.

"Tôi đã thỏa thuận với trường, nếu ít học sinh đăng ký sẽ đóng cửa. Vì thế, tôi quyết tâm phải giảng dạy tốt để duy trì môn đó. Trước đây, khi tôi hỏi sinh viên của mình biết gì về Việt Nam, họ trả lời: Phở. Còn gì nữa? Họ trả lời: Nón lá. Và như vậy là hết. Nhưng bây giờ được hỏi có thể diễn thuyết được 5 phút về văn hóa, lịch sử… Tôi hài lòng về điều đó" - Giáo sư Ahn nở nụ cười hiền hậu.

GS Ahn Kyong Hwan tự nhận mình "rất Việt Nam" ở sự chăm chỉ, cần cù. Thế nhưng, Việt Nam với ông vẫn còn nhiều bí ẩn. "Trước khi sang lần này, tôi cứ suy nghĩ mãi sức mạnh của dân tộc Việt Nam từ đâu đến? Tôi nhiều lần giải thích cho sinh viên của mình, Việt Nam mạnh vì đoàn kết, vì có sự đùm bọc "đồng bào". Lần này tôi biết thêm một điều nữa, Việt Nam mạnh vì có thi đua yêu nước" - vị giáo sư Hàn cười tâm đắc.

Theo CAND
 

“Chung sức vì đồng bào nghèo cả nước” - Ủng hộ đồng bào nghèo cả nước qua cổng thông tin 1400.

Nhắn tin theo cú pháp UHgửi 1409 của Cổng thông tin nhân đạo quốc gia là bạn đã hành động thiết thực vì đồng bào nghèo cả nước.


Bình luận
vtcnews.vn