Giao lưu trực tuyến: 'Bệnh phổi nghề nghiệp: Nguy cơ, phòng ngừa và điều trị'

Sức khỏeThứ Sáu, 25/09/2015 10:00:00 +07:00

Các chuyên gia giao lưu trực tuyến về cách phòng, điều trị một số loại bệnh phổi nghề nghiệp như bụi phổi silic, bụi phổi amiăng, bụi phổi bông, bệnh viêm phế q

(VTC News) - Các chuyên gia giao lưu trực tuyến về cách phòng, điều trị một số loại bệnh phổi nghề nghiệp như bụi phổi silic, bụi phổi amiăng, bụi phổi bông, bệnh viêm phế quản mãn tính nghề nghiệp, bệnh hen nghề nghiệp.

Giao lưu trực tuyến với các chuyên gia, bác sỹ về cách phòng chống một số loại bệnh nghề nghiệp liên quan đến hô hấp.

Bệnh phổi nghề nghiệp gồm một số bệnh thường gặp như bụi phổi silic, bụi phổi amiăng, bụi phổi bông, bệnh viêm phế quản mãn tính nghề nghiệp, bệnh hen nghề nghiệp.

Chuyên gia tham dự:

PGS-TS Khương Văn Duy, Trưởng khoa Bệnh phổi nghề nghiệp - BV Phổi Trung ương.

TS Nguyễn Văn Sơn, Phó Viện trưởng, Viện sức khỏe nghề nghiệp và môi trường

Nội dung cuộc giao lưu:

 

Vũ Thái (29 tuổi, Hà Nội):
Tôi đọc trên báo thấy nói đến bệnh viêm phổi nghề nghiệp “dễ mắc, khó chữa” tôi rất lo lắng, công việc của tôi liên quan đến xây dựng và cũng có nguy cơ mắc, vậy tôi cần phải làm gì để tránh bị bệnh?

2.	TS Nguyễn Văn Sơn, Phó Viện trưởng, Viện sức khỏe nghề nghiệp và môi trường. Ảnh: Tùng Đinh
TS Nguyễn Văn Sơn, Phó Viện trưởng, Viện sức khỏe nghề nghiệp và môi trường đang trả lời độc giả. Ảnh: Tùng Đinh
TS Nguyễn Văn Sơn: Bệnh phổi nghề nghiệp là bệnh phát sinh do hít phải bụi hoặc hóa chất độc hại trong quá trình lao động.

Người lao động dễ mắc bệnh phổi nghề nghiệp nếu công tác an toàn vệ sinh lao động tại đơn vị làm không tốt. Ví dụ như dây chuyền công nghệ lạc hậu dễ phát tán bụi, hóa chất và người lao động không đeo khẩu trang hoặc đeo khẩu trang không đúng cách hoặc loại khẩu trang không có tác động ngăn bụi hô hấp và hóa chất.

Bệnh phổi nghề nghiệp là bệnh khó chữa, thậm chí một số bệnh khi mắc không thể chữa khỏi được như bệnh phổi amiang, bệnh phổi sillic mà bệnh ngày càng tiến triển nặng hơn ngay cả khi ngừng tiếp xúc với bụi.

Bạn làm công việc liên quan đến xây dựng, đúng là một trong những nghề có nguy cơ cao mắc bệnh phổi nghề nghiệp, mà bệnh này nguyên nhân do hít phải bụi hoặc hóa chất độc hại trong quá trình lao động.

Vậy để phòng tránh được bệnh này bạn phải đeo khẩu trang thường xuyên trong suốt quá trình lao động, sử dụng khẩu trang đúng cách và khẩu trang có khả năng ngăn bụi hô hấp, hóa chất.

Quỳnh Như, 19 tuổi, Gia Lâm, Hà Nội:Mẹ cháu trước là công nhân dệt may, mẹ cháu năm nay 43 tuổi nhưng rất hay ho. Thậm chí rất khó thở, phải dùng thuốc Ventolin để xịt mỗi khi bị khó thở. Mẹ cháu không dám dùng nhiều, nhưng nếu tình trạng này kéo dài sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe. Cháu nghe nói có thể nghề nghiệp trước đây của mẹ cháu gây ra bệnh này, xin bác sỹ chỉ rõ bệnh và mẹ cháu phải làm sao? Cháu cảm ơn.

PGS-TS Khương Văn Duy, Trưởng khoa Bệnh phổi nghề nghiệp - BV Phổi Trung ươngtrả lời độc giả về bệnh phổi nghề nghiệp.
PGS-TS Khương Văn Duy: Công nhân dệt may phải tiếp xúc với bụi bông, khi hít vào sau một thời gian gây hội chứng điển hình – hội chứng ngày thứ hai.

Tức là đến ngày thứ 2 sau khi tiếp xúc với bụi bông sẽ có cảm giác đau, tức ngực và khó thở. Nếu bệnh nhân nhẹ các triệu chứng mất đi, sức khỏe trở lại bình thường.

Còn nếu nặng, có thể các triệu chứng kéo dài sang ngày thứ 2, thứ 3. Nhưng bệnh nhân mắc bệnh phổi bông nghề nghiệp, sau khi nghỉ tiếp xúc, các triệu chứng sẽ hết.

Nhưng khi tiếp xúc lại, bệnh nhân sẽ bị lại và triệu chứng như trên sau 6 giờ. Đây là cơ chế: khi tiếp xúc với bụi bông, kháng nguyên/dị nguyên của cơ thể sẽ bài tiết ra kháng thể và dịch thể IgE để trung hòa protein đó là bụi bông.

Và khi lượng kháng thể chưa đủ sẽ gây triệu chứng đau tức ngực khó thở. Có 2 cơ chế là do tác dụng dược lý là bụi bông vào cơ thể và kích thích cơ thể tiết ra Histamin làm co thắt phế quản.

Cơ chế thứ 2 là cơ chế miễn dịch nghĩa là kháng sinh kết hợp với kháng thể tạo thành phức hợp, lượng kháng thể không đủ gây co thắt khí quản.

Ngày thứ 2, triệu chứng giảm do cơ thể tiếp tục tiết ra lượng IgE để trung hòa kháng nguyên lúc đó sẽ hết triệu chứng. Còn sau nghỉ, lượng kháng thể sẽ giảm, khi đi làm lượng kháng nguyên sẽ tăng tiếp tục gây ra triệu chứng như trên sau 6 giờ.

Như bạn cho biết, triệu chứng của mẹ bạn không phải ở gia đoạn sớm mà đã chuyển sang giai đoạn suy hô hấp tức là hội chứng tắc nghẽn đã xuất hiện, có nghĩa là thể tích thở ra tối đa trong một gia đầu giảm còn dung tích sống là thở bình thường nhưng tỉ suất giảm dưới 65% nên mẹ bạn hay có dấu hiệu như bạn đã nêu.

Để điều trị bệnh này, đơn giản nhất mẹ bạn đã nghỉ hưu đã giảm được yếu tố nguy cơ tiếp xúc nhưng điều trị chủ yếu bằng thuốc làm giãn phế quản. Nếu khó thở quá thì phải thở oxy.

Các bệnh nghề nghiệp nói chung và bệnh phổi nghề nghiệp nói riêng như bệnh hen phế quản, bông nghề nghiệp, bụi phổi không có thuốc điều trị đặc hiệu chỉ có thuốc điều trị triệu chứng như khó thở dùng thuốc là giãn phế quản, nhiều đờm thì dùng thuốc làm tăng thải đờm…

Nguyễn Thị Ánh Tuyết (28 tuổi, Lạng Sơn): Mẹ tôi làm việc tại công ty may mặc, do tiếp xúc với bụi bông vượt quá giới hạn cho phép nên nay mắc bệnh bụi phổi bông và đang phải điều trị. Vậy, trường hợp của mẹ tôi có chính sách hỗ trợ gì không?

TS Nguyễn Văn Sơn: Mẹ bạn làm việc tại công ty may mặc phải làm việc trong môi trường có bụi bông vượt quá giới hạn cho phép và hiện đang mắc bệnh phổi bông và đang phải điều trị.

Như thông tin bạn nêu, mẹ bạn đã được cơ sở y tế chẩn đoán là mắc bệnh bụi phổi bông, đây là một trong 30 bệnh nghề nghiệp được bảo hiểm ở Việt Nam hiện nay.

Do đó, mọi chi phí khám chữa bệnh do người sử dụng lao động nơi mẹ bạn làm việc chi trả và họ có trách nhiệm cùng với cơ sở khám bệnh nghề nghiệp hoàn chỉnh hồ sơ để mẹ bạn được giám định nghề nghiệp.

Hội đồng giám định y khoa sẽ xác định mức độ tổn thương cơ thể hay là mức độ suy giảm khả năng lao động để xác định mức bảo hiểm xã hội chi trả.

Ở đây, chi trả một lần với mức độ suy giảm khả năng lao động từ 5-30% hoặc là hàng tháng khi mức suy giảm khả năng lao động từ 31% trở lên và đồng thời kèm theo tiền bồi thường do cơ quan mẹ bạn chi trả với ít nhất là 30 tháng tiền lương khi mẹ bạn suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên và ít nhất 1,5 tháng tiền lương khi mẹ bạn giảm khả năng lao động từ 5-10%.

Nếu suy giảm KNLĐ từ 11-80%, cứ tăng 1% thì được cộng thêm 0,4 tháng tiền lương theo thông tu 04/2015/TT-BLĐTBXH, ngày 2/2/2015 về hướng dẫn thực hiện chế độ bồi thường, trợ cấp và chi phí y tế của người sử dụng lao động với người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

 
Tuấn Long, Nam Định:
Tôi có xưởng sản xuất amiang, vậy tôi có nguy cơ mắc bệnh phổi liên quan đến amiang không? Tôi phải có biện pháp như thế nào để tránh mắc bệnh cho bản thân và công nhân?

PGS Khương Văn Duy: Amiang là một trong những bệnh phổi nghề nghiệp được nhà nước bảo hiểm, có nghĩa là những người lao động làm việc tiếp xúc với amiang có đóng bảo hiểm xã hội, khi mắc bệnh sẽ được khám và được giám định bệnh nghề nghiệp, và hưởng chế độ đền bù của nhà nước.

Nguy cơ mắc bệnh phổi amiang do hít phải bị amiang vượt tiêu chuẩn tối đa cho phép và hiện nay nhà nước đã cấm amiang xanh, amiang nâu còn amiang trắng mới được ký hiệp định với thế giới về cấm sử dụng amiang vì amiang không những gây bệnh về phổi miang mà còn gây các bệnh ung thư phế quản, ung thư đường tiêu hóa, ung thư bàng quang, ung thư thận, và đặc biệt ung thư trung biểu mô – đó là ung thư màng phổi và màng bụng.

Biện pháp để phòng mắc bệnh bụi phổi amiang là phải thực hiện là việc cấm sản xuất amiang. Nếu còn vẫn sản xuất, thì biện pháp trước hết là thay đổi quy trình công nghệ, thay bằng việc trộn amiang thì nên làm ướt hoặc bao bọc kín khu vực trộn, phun ẩm để làm giảm nồng độ amiang trong không khí.

Biện pháp thứ 2, sau khi ngừng sản xuất amiang vẫn phát tán và không khí nên bạn phải có hệ thống thoát nước và xử lý chất thải theo tiêu chuẩn quy định của nhà nước.

Bên cạnh đó, bạn phải trang bị khẩu trang cho công nhân theo tiêu chuẩn của Viện khoa học kỹ thuật bảo hộ lao động (Tổng liên đoàn Lao động VN) để trang bị cho công nhân, khẩu trang này có tác dụng ngăn ngừa cho công nhân bụi có kích thước nhỏ có thể xâm nhập vào đường hô  hấp.

Hàng năm, bạn phải tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho công nhân, trong khám sức khỏe định kỳ bắt buộc bạn phải chụp phim phổi theo tiêu chuẩn của ILO – 2000 và đo chức năng hô hấp cho người lao động.

Đo chức năng hô hấp có thể phát hiện sớm bệnh nhân mắc bệnh phổi amiang so với chụp X-quang vì tổn thương sớm nhất của bệnh phổi amiang là giảm dung tích sống của phổi do bị xơ hóa phổi.

Người nhà anh Nông H. H. (Thái Nguyên):  Anh tôi làm công nhân khái thác đá mấy năm nay.  Thời gian gần đây xuất hiện các cơn ho, ho nhiều và thậm chí ho ra máu. Anh  tôi đã điều trị ở bệnh viện tỉnh nhưng không đỡ, xét nghiệm không có dấu hiệu ung thư. Liệu anh tôi có bị bệnh phổi nghề nghiệp không? Tại sao anh tôi mắc? Anh tôi phải làm gì?

PGS Khương Văn Duy: Anh bạn khai thác đá là một trong nguy cơ mắc bệnh bụi phổi silic nghề nghiệp. Biểu hiện của anh trai bạn có ho nhiều và ho ra máu chứng tỏ phổi đã bị xơ hóa nặng và có nguy có đã bị thâm nhiễm lao thứ phát.

Anh trai bạn nên đến bệnh viện phổi trung ương để khám và điều trị. Điều trị bệnh phổi nghề nghiệp nói chung và phổi silic nói riêng hiện nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, chỉ điều trị triệu chứng như ho, đờm nhiều màu xanh, vàng thì bắt buộc phải điều trị bằng kháng sinh liều cao kéo dài, dùng thuốc giãn phế quản và long đờm để bệnh nhân ho và khạc đờm để dễ chịu.

Đồng thời, sử dụng thuốc Corticoid để làm giảm xơ hóa của phổi, và khi vào viện chúng tôi bắt buộc phải chụp phim phổi theo tiêu chuẩn ILO – 2000 để đánh giá mật độ của đám mờ, kích thước đám mờ và có xem có dày dính màng phổi hay không. Sau đó, mới chỉ định chụp phim, chụp cắt lớp phổi để đánh giá mức độ xơ hóa.

Hiện tại, khoa tôi mới có trường hợp khai thác vàng 1 năm nhưng đã bị  bệnh phổi, mật độ đám mờ lên tới 2/3 và có nhiều đám mờ lớn ở phổi. Chụp cắt lớp gần như xơ hóa toàn phổi, bệnh nhân đang điều trị như các thuốc nói trên và bệnh nhân phải điều trị lý liệu pháp bằng cách tập thở cơ bụng để làm tăng dung tích sống giúp cải thiện hô hấp cho bệnh nhân.

Tại sao mắc bệnh? Tôi xin giải thích cơ chế cho bạn, trong bụi người ta phân làm bụi hô hấp và bụi bình thường. Bụi hô hấp là bụi có kích thước rất nhỏ từ 0.1 – 5micromet.

Bụi này có thể vào tận phế nang và >90% bị giữ lại ở phổi, mắc độ phổi bị xơ hóa nhiều hay ít phụ thuộc vào thành phần silic có trong hạt bụi như bụi đá (tỉ lệ silic gần như 100%) do vậy khi hít vào phế nang nó bị giữ lại trong phế nang và trong cơ thể có một ‘đội quân dọn vệ sinh’.

Chúng tôi gọi là đại thực bào nó dọn sạch hạt bụi này nhưng vì bụi silic sắc, nhọn và rắn nên đại thực bào không tiêu được làm chết đại thực bào làm kích thích cơ thể sinh ra chất sinh xơ làm xơ hóa chỗ nào đại thực bào chết nó sẽ bám vào.

Bệnh phổi silic chúng tôi gọi là bệnh phổi ‘ác tính’ do sau khi mình tiếp xúc những đại thực bào chết thì được đại thực bào khác dọn và trong những thực bào chết có hạt silic sẽ làm chết đại thực bào kia trở thành dây chuyền và gây xơ hóa từ từ cho đến toàn bộ phổi. Và cuối cùng toàn bộ bệnh xơ hóa và khi mổ tử thi, cắt phổi kêu ken két dưới dao.  Và tất nhiên bệnh sẽ tử vong do suy hô hấp.

Vy Hương Lan (39 tuổi, TP.HCM): Tôi là chủ một doanh nghiệp kinh doanh vật liệu xây dựng, mặc dù tôi có trang bị cho công nhân đồ bảo hộ lao động nhưng gần dây vẫn có người bị mắc bệnh phổi. Xin chuyên gia cho tôi biết, tôi cần làm gì để người lao động của tôi không bị mắc bệnh trong quá trình làm việc?

TS Nguyễn Văn Sơn: Cảm ơn chị, theo tôi nghĩ chị là người rất quan tâm đến sức khỏe của công nhân. Tuy nhiên, việc quan tâm của chị chưa thực sự hiệu quả, thể hiện qua việc trang bị bảo hộ lao động cho công nhân nên gần đây vẫn có người mắc bệnh phổi.

Theo tôi, chị và công nhân của chị cần phải được hướng dẫn kiến thức về an toàn vệ sinh lao động: về phía chị, cần phải cải tạo điều kiện lao động để làm giảm phát tán bụi trong môi trường lao động và mua khẩu trang đúng chủng loại có thể ngăn được bụi hô hấp (bụi kích thước nhỏ hơn 5 micromet) cho công nhân và đặc biệt là có chế tài bắt buộc công nhân đeo khẩu trang trong suốt quá trình lao động.

Về phía công nhân, họ phải được phổ biến kiến thức về an toàn vệ sinh lao động để có thể biết được các yếu tố tác hại trong môi trường lao động, các nguy cơ gây bệnh nghề nghiệp; tai nạn lao động để công nhân thực hiện tốt công tác an toàn vệ sinh lao động, đặc biệt họ biết sử dụng khẩu trang thường xuyên và đúng cách.
 
Hoàng Thị Thanh (65 tuổi, Vũng Tàu): Trước đây, tôi công tác tại công ty xây dựng và đã nghỉ mất sức do sức khỏe không đảm bảo. Giờ có tuổi, sức khỏe của tôi càng tệ hơn, đặc biệt là đường hô hấp, thường xuyên cảm thấy khó thở, đau tức ngực.

Bác sỹ nói bệnh có thể diễn tiến thành xơ hóa phổi, điều trị lâu dài và tốn kém. Tôi muốn hỏi, trường hợp của tôi ngoài hưởng bảo hiểm y tế như quy định có được trợ cấp gì không vì căn bệnh của tôi nguyên nhân là do trước đây tiếp xúc với bụi bẩn độc hại khi làm việc. Tôi xin chân thành cảm ơn.

TS Nguyễn Văn Sơn:Cảm ơn câu hỏi của bác Thanh, như vậy các thông tin bác nếu có thể trước đây bác đã làm việc trong môi trường độc hại, có thể tiếp xúc với bụi gây bệnh nghề nghiệp.

Hiện nay, bác đã có những biểu hiện của bệnh phổi nghề nghiệp. Để xác định được có phải bác đang mắc bệnh nghề nghiệp hay không, bác cần phải đến cơ quan bảo hiểm xã hội, nơi trực tiếp quản lý bảo hiểm xã hội của bác, họ sẽ chịu trách nhiệm chuẩn bị các hồ sơ theo quy định và khi có đầy đủ hồ sơ.

Bác sẽ mang hồ sơ đến cơ sở khám bệnh nghề nghiệp để xác định xem bác có mắc bệnh nghề nghiệp hay không. Nếu xác định có bệnh nghề nghiệp, bước tiếp theo, được hội đồng giám định y khoa xác định mức độ tổn thương cơ thể là cơ sở để bảo hiểm xã hội chi trả cho bác, có thể một lần nếu tổn thương cơ thể từ 5-30% hoặc hàng tháng nếu tổn thương cơ thể từ 31% trở lên theo quy định tại điều 38-48 Luật Bảo hiểm xã hội.
 
Bùi Tuấn Anh (43 tuổi, Hà Đông): Anh bạn cùng làm việc với tôi vừa mới phát hiện bị bệnh phổi silic, xin chuyên gia cho tôi biết những người mắc bệnh do tính chất công việc như bạn tôi có được Bộ Y tế hay Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội hỗ trợ gì không? Xin cảm ơn chuyên gia.

TS Nguyễn Văn Sơn:  Anh đã nêu bạn của anh bị mắc bệnh phổi sillic, đây là bệnh do hít phải bụi sillic gây ra và bệnh này là một trong 30 bệnh nghề nghiệp hiện hay.

Do đó, trách nhiệm đối việc với bạn anh bị mắc bệnh nghề nghiệp trước tiên là của cơ quan anh chịu trách nhiệm và phải chịu mọi thất khám chữa bệnh, chi trả, bồi thường cho bạn anh theo mức Hội đồng giám định y khoa xác định mức độ suy giảm khả năng lao động do bệnh bụi phổi sillic nghề nghiệp gây ra, ít nhất bằng 30 tháng tiền lương.

Đối với bạn anh, bị giảm khả năng lao động từ 81% trở lên, hoặc ít nhất 1,5 tháng tiền lương đối với trường hợp bạn anh bị suy giảm khả năng lao động từ 5-10%; nếu bị suy giảm khả năng lao động từ 11-80% 11-80%, cứ tăng 1% thì được cộng thêm 0,4 tháng tiền lương theo thông tu 04/2015/TT-BLĐTBXH, ngày 2/2/2015 về hướng dẫn thực hiện chế độ bồi thường, trợ cấp và chi phí y tế của người sử dụng lao động với người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
 
Trần Mạnh Cường (52 tuổi, Nam Định):Tôi mới gặp trường hợp như sau, một công nhân của tôi bị bệnh phổi và bác sỹ kết luận do anh ta làm việc trong môi trường không đảm bảo. Chính vì thế, anh ta đòi tôi phải bồi thường. Vậy tôi có phải bồi thường cho anh ta không và nếu có sẽ phải bồi thường như thế nào?

TS Nguyễn Văn Sơn:Như vậy, anh là người sử dụng lao động, khi công nhân của anh bị mắc bệnh nghề nghiệp thì anh phải chịu trách nhiệm chi trả tất cả các khoản khám chữa bệnh nghề nghiệp và hoàn chỉnh hồ sơ để người lao động đó được giám định bệnh nghề nghiệp.

Khi Hội đồng giám định y khoa xác định người đó bị mắc bệnh nghề nghiệp và tùy vào mức độ suy giảm khả năng lao động của công nhân đó mà anh phải bồi thường cho công nhân, ít nhất bằng 30 tháng tiền lương.

Đối với bạn anh, bị giảm khả năng lao động từ 81% trở lên, hoặc ít nhất 1,5 tháng tiền lương đối với trường hợp bạn anh bị suy giảm khả năng lao động từ 5-10%; nếu bị suy giảm khả năng lao động từ 11-80% 11-80%, cứ tăng 1% thì được cộng thêm 0,4 tháng tiền lương theo thông tu 04/2015/TT-BLĐTBXH, ngày 2/2/2015 về hướng dẫn thực hiện chế độ bồi thường, trợ cấp và chi phí y tế của người sử dụng lao động với người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

Ái Liên, Đống Đa, Hà Nội:Tôi nghe nói nếu tham gia sản xuất amiang, rất dễ bị bệnh phổi, thậm chí mắc ung thư. Xin bác sỹ cho biết những nguy cơ này, tại sao mắc ung thư? Sản xuất amiang mắc bệnh phổi thậm chí bị ung thư.

PGS Khương Văn Duy: Amiang là một silicat kép, thành phần của nó tùy theo loại amiang như amiang xanh, thành phần của nó không ngậm phân tử nước sẽ rắn, amiang nâu chỉ ngậm 1 phân tử nước, amiang trắng ngậm ít nhất 2 phân tử nước nên mềm.

Amiang xanh và amiang nâu cứng, rắn, dễ gãy nên gây tổn thương tế báo và đại thực bào hơn là so với amiang trắng. Amiang có một đặc tính đó là hình sợi chứ không phải hạt như silic, khi vào đến phổi nó cũng được đại thực bào dọn và đại thực bào lại không thể nuốt được hết một phần sợi nằm ở bên ngoài nên gây ‘nghẹn’, và khi đại thực bào chết gây kích thích tổ chức sinh xơ và xơ hóa phổi.

Còn nguyên nhân ung thư là do amiang đã tác động làm đột biến gen, đặc biệt là gen của tế bào trung bì mô làm thay đổi cấu trúc gen của tế bào làm phá hủy gen kìm hãm, gây sinh tế bào một cách vô tổ chức và dẫn đến ung thư. Trên thế giới người ta đã công nhận ung thư màng phổi được quy cho là ung thư trung biểu mô có nguyên nhân do tiếp xúc với amiang.

Tuấn Phương, Láng Hạ, Hà Nội:
Ở bệnh viện Phổi Trung ương, tỉ lệ các ca bệnh phổi trong năm nay thế nào? So với những năm trước tăng hay giảm? Tôi thấy anh tôi, bị hen phế quản nghề nghiệp, đi khám mới biết nguyên nhân do làm trong nhà máy may mặc. Theo ông cần làm gì để giảm tình trạng mắc bệnh phổi nghề nghiệp?

PGS Khương Văn Duy:  Khoa bệnh phổi nghề nghiệp từ 22/4/2015 và bắt đầu thu dung từ 1/6/2015 nên tỷ lệ ca bệnh vào khoa là chưa cao bởi các doanh nghiệp nhà nước và tư nhân, các bệnh viện chưa biết khoa này.

Đến tháng 12/2011, cả nước có hơn 27.000 người mắc bệnh nghề nghiệp trong đó khoảng 74.4% là chẩn đoán và giám định mắc bệnh phổi silic. Nhưng những bệnh nhân này chưa biết có khoa phổi nghề nghiệp nên số lượng bệnh nhân vào khoa còn thấp.

Chỉ một số bệnh nhân vào khoa biết mình mắc bệnh phổi sau khi cơ sở cho đi giám định, còn lại đa số chưa nắm được do họ làm trong doanh nghiệp tư nhân không được khám và giám định nên họ không biết, họ chỉ biết khi đã bị biến chứng như mắc bệnh lao, phổi.

Để giảm tình trạng mắc bệnh phổi nghề nghiệp, thứ nhất bắt buộc phải thực hiện đúng luật an toàn vệ sinh lao động đã được quốc hội thông qua. Và thực hiện đúng chế độ an toàn vệ sinh lao động cho người lao động.

VTC News tặng hoa các chuyên gia.
Trần Hữu Hùng, An Dương, Hà Nội:
Bố tôi từng làm ở công ty đường sắt từ 5 năm trước, ông làm ở bộ phận cung cấp than cho tàu. Gần đây, ông hay ho, khạc đờm, khó thở, mỗi lần lên tầng là lại khó thở, phải nghỉ giữa nhịp. Liệu bố tôi có bị viêm phế quản mãn tính nghề nghiệp không? Nếu có đây là bệnh gì? Làm gì để chữa trị? Xin cảm ơn.

PGS Khương Văn Duy: Công việc của bố bạn là cung cấp than nhưng tôi chưa hiểu quy trình làm việc như thế nào, nếu phải xúc than trực tiếp như công nhân cung cấp than cho tàu hỏa hơi nước như ngày trước thì nguy cơ sẽ hít phải bụi than và mắc bệnh bụi phổi than cũng như bệnh viêm phế quản mãn tính nghề nghiệp.

Triệu chứng của bệnh bụi phổi than là ho, đau tức ngực và khạc đờm, đặc biệt là khạc đờm màu đen. Triệu chứng này ngoại trừ khạc đờm màu đen thì đều giống các triệu chứng bệnh phổi thông thường khác cũng như viêm phế quản mạn tính không phải nghề nghiệp.

Còn triệu chứng của bệnh viêm phế quản mạn tính nghề nghiệp cũng như viêm phế quản mạn tính thông thường, triệu chứng chính là khạc đờm và số lượng đờm dưới 200ml/ngày, thường khạc nhiều vào buổi sáng.

Ho, khạc đờm kéo dài từ 1 đến 2 tuần/ đợt. Và trong 1 năm thì tổng thời gian ho khạc đờm dưới 2 tháng được quy là viêm phế quản mạn tính thể nhẹ. Còn tổng thời gian ho, khạc đờm kéo dài trên 2 tháng/ năm thì được xếp là viêm phế quản mạn tính thể vừa.

Và trên 2 tháng/ năm và kéo dài liên tục từ 2 năm trở lên thì được quy là viêm phế quản mạn tính nặng. Theo triệu chứng bạn nêu trên, bố bạn đang ở giai đoạn giữa nhẹ và vừa, tức là co khó thở khi gắng sức. Điều trị bệnh viêm phế quản mạn tính nghề nghiệp cũng chỉ điều trị triệu chứng nghĩa là khi ho, khạc đờm đục hoặc màu xanh thì bắt buộc phải sử dụng kháng sinh phổ rộng liều cao kéo dài, dùng thuốc giãn phế quản và thuốc long đờm.
 
Anh Phạm Ngọc Hiệp (31 tuổi, ở thôn Gia Thạnh, xã Đinh Văn, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng) hỏi: Tôi đi hái cà phê thuê. Tôi bị ho, đau ngực, khó thở khi gắng sức, mất khả năng lao động. Tôi đã điều trị hàng tháng trời điều trị bằng phác đồ chữa lao nhưng cơ thể bệnh nhân vẫn suy kiệt, nói không ra hơi, ủ rũ cả ngày. Tôi đi khám, bác sỹ nói tôi cần rửa phổi, vậy phương pháp này là gì? Có cứu được tôi không?

Về việc rửa phổi, thường chỉ áp dụng cho bệnh nhân bụi phổi than hoặc có thể áp dụng cho bệnh nhân bị bụi phổi silic. Còn bạn hái cà phê thì không tiếp xúc với bụi mà nếu bạn làm công tác chế biến, xay cà phê thì nguy cơ bạn mắc bệnh hen phế quản nghề nghiệp hoặc viêm phế quản mạn tính nghề nghiệp do hít phải bụi của cà phê.

Bạn nên đi đến bệnh viện chuyên khoa tuyến trung ương như bệnh viện phổi trung ương hoặc bệnh viện Phạm Ngọc Thạch để các bác sỹ có thể khám, tư vấn và xử lý cho bạn nếu bạn mắc lao.

Nguyễn Kiến Khoa, Láng Hạ, Hà Nội: Xin bác sỹ cho biết, bệnh hen nghề nghiệp thường xảy ra với người làm nghề gì? Biểu hiện và cách tránh xa căn bệnh này? Làm sao để sống với nó cũng như điều trị ổn định bệnh?
 
PGS Khương Văn Duy: Yếu tố gây bệnh hen nghề nghiệp ở vị trí lao động có khoảng 250 yếu tố và có nguồn gốc từ thực vật như bụi gỗ, bụi ngũ cốc, lông tóc, móng, da động vật và do hóa chất gây ra.

Trên thế giới người tác ước tính có 2 – 20% trường hợp mắc bệnh hen nghề nghiệp và 6 nhóm chất được xác định là tác nhân như nhóm nguồn gốc từ động vật, nhóm có nguồn gốc từ hóa học như andehit, hóa chất, axit sử dụng trong sơn véc ni, keo , vật liệu cách điện…

Nhóm nghề nghiệp mắc bệnh chủ yếu là công nhân làm việc tiếp xúc với nhựa tổng hợp, tiếp xúc với kim loại, công nhân làm việc ở lò bánh mỳ, xay sát lúa gạo, làm phòng xét nghiệm, thí nghiệm, tiếp xúc mùn cưa, công nhân ở nhà máy dược phẩm, sản xuất bột giặt…

Biểu hiện của bệnh: Sau khi tiếp xúc với tác nhân gây hen có trường hợp chỉ sau tiếp xúc vài giờ đã gây co thắt phế quản biểu hiện sớm như có cảm giác ngực bị bó chặt lấy, nhiều khi chỉ muốn mở toang cửa, vươn người để thở như người mắc bệnh hen bình thường.

Nếu bạn phát hiện mình mới mắc bệnh hen nghề nghiệp thì tốt nhất bạn phải thay đổi vị trí làm việc để không tiếp xúc tác nhân gây hen có trong vị trí làm việc. Tốt nhất là bạn nên chuyển ngành nghề để tránh tiếp xúc tác  nhân gây bệnh. Còn nếu không được, bạn cần phải khám sức khỏe định kỳ và tự theo dõi sức khỏe thường xuyên.

Vũ Toàn (56 tuổi, Thái Bình):Xin cho biết quy định chi tiết về việc khám sức khỏe định kỳ hàng năm cho người lao động. Chúng tôi là công ty sản xuất hàng may mặc, theo Quyết định số 1629 và 1152, có một số công việc được xếp nặng nhọc, nhưng theo Thông tư số 13/BYT-TT ngày 24/10/1996 của Bộ Y tế, việc khám sức khỏe phải được thực hiện 6 tháng 1 lần cho lao động làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm. Nếu chúng tôi thực hiện khám sức khỏe 1 năm 1 lần cho người lao động, như vậy có vi phạm pháp luật lao động không?

TS Nguyễn Văn Sơn:Hiện nay, thông tư số 13/BYT-TT ngày 24/10/1996 của Bộ Y tế mà anh đề cập đã hết hiệu lực từ ngày 6/6/2011.

Việc anh hỏi khám sức khỏe định kỳ theo thông tư số 19/2011/TT-BYT ngày 6/6/2011 về hướng dẫn quản lý vệ sinh lao động, sức khỏe của người lao động và bệnh nghề nghiệp quy định khám sức khỏe định kỳ hàng năm cho người lao động, kể cả người học nghề, thực tập nghề còn khám sức khỏe định kỳ 6 tháng một lần đối với các đối tượng làm nghề, công việc nặng nhọc độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại theo quy định của Bộ trưởng Bộ LĐTBXH.

Chiểu theo quy định Thông tư này: Đối với người lao động làm việc tại công ty mà không thuộc đối tượng làm những công việc nặng nhọc, nguy hiểm, nếu công ty tổ chức khám 1 năm/lần thì không vi phạm luật.

Còn đối với những người lao động làm việc tại công ty mà thuộc nhóm đối tượng làm công việc nặng nhọc, nguy hiểm nếu công ty chỉ tổ chức khám sức khỏe 1 năm/lần là trái với quy định của pháp luật.
 
Nguyễn Thu Hà (28 tuổi, Hải Phòng):Xin cho biết về việc thực hiện chế độ trợ cấp độc hại có áp dụng cho các Công ty Liên doanh hoặc 100% vốn nước ngoài không? Nếu có, thì thực hiện theo điều luật nào?

TS Nguyễn Văn Sơn: Do vấn đề của chị hỏi không rõ nội dung, chúng tôi không thể trả lời cụ thể. Hiện nay, chế độ dành cho người lao động làm việc trong môi trường có yếu tố nguy hiểm, độc hại có các văn bản hướng dẫn như sau.

Nhất là về chế độ phụ cấp độc hại tính theo lương, quý độc giả vui lòng hỏi Vụ Tiền lương, tiền công của Bộ LĐTBXH để được hướng dẫn chi tiết. Chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật, đối với người lao động làm việc trong điều kiện có yếu tố nguy hiểm, độc hại, thực hiện theo thông tư số 25/2013/TT-BLĐTBXH ngày 18/10/2013.
 
Lộc Mỹ Ngân (31 tuổi, Bắc Giang): Cha tôi bị bệnh phổi albet do ông làm việc tiếp xúc với amiang một thời gian dài, vậy cha tôi có thể yêu cầu công ty bồi thường không? -

TS Nguyễn Văn Sơn: Nếu cha bạn đã được chẩn đoán bị mắc bệnh “phổi albet” hay gọi đúng tên là bệnh bụi phổi amiang, khi đó công ty nơi cha bạn đang làm việc có trách nhiệm đối với việc cha bạn bị mắc bệnh bụi phổi amiang nghề nghiệp.

Trước tiên, công ty phải chịu trách nhiệm, chịu mọi phí tổn khám chữa bệnh và chi trả với cha bạn theo mức HĐGĐYK xác định bị mắc bệnh bụi phổi amiang nghề nghiệp và tùy vào mức độ suy giảm khả năng lao động của cha bạn mà công ty phải bồi thường cho cha bạn, ít nhất bằng 30 tháng tiền lương.

Đối với cha bạn, bị giảm khả năng lao động từ 81% trở lên, hoặc ít nhất 1,5 tháng tiền lương đối với trường hợp cha bạn bị suy giảm khả năng lao động từ 5-10%; nếu bị suy giảm khả năng lao động từ 11-80% 11-80%, cứ tăng 1% thì được cộng thêm 0,4 tháng tiền lương theo thông tư 04/2015/TT-BLĐTBXH, ngày 2/2/2015 về hướng dẫn thực hiện chế độ bồi thường, trợ cấp và chi phí y tế của người sử dụng lao động với người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

Ngoài ra, cha bạn còn được BHXH chi trả một lần nếu mức độ suy giảm khả năng lao động từ 5-30% hoặc chi trả hàng tháng nếu mức suy giảm khả năng lao động từ 31% trở lên.
 
Nguyễn Văn Tỵ, Nam Định: Bố tôi bị bệnh phổi do hít bụi silic, bố tôi phải làm gì để được bảo đảm quyền lợi như thời gian nghỉ đi khám, chữa bệnh, được hỗ trợ chi phí khám chữa bệnh không?

TS Nguyễn Văn Sơn: Bố của bạn bị bệnh phổi do hít phải bụi sillic, trước tiên bố bạn phải thông báo cho công ty biết tình trạng bệnh của mình để yêu cầu họ thực hiện theo thông tư số 12/2006/TT-BYT ngày 10/11/2006 về việc hướng dẫn khám bệnh nghề nghiệp có một số nội dung như sau: Có trách nhiệm phối hợp với cơ sở khám bệnh nghề nghiệp lập kế hoạch, tổ chức khám bệnh nghề nghiệp cho người lao động và hoàn chỉnh hồ sơ để người lao động được giám định bệnh nghề nghiệp sau khi có kết luận.

Trường hợp bố bạn có yêu cầu tự đi khám, cơ quan bố bạn hoàn chỉnh hồ sơ theo quy định của TT này và tạo điều kiện thuận lợi cho bố bạn đi khám. Phải quản lý và theo dõi sức khỏe của bố bạn. Thanh toán chi phí khám bệnh nghề nghiệp theo quy định của pháp luật.

Lường Thị Thuông (42 tuổi, Sơn La):Ngoài trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hàng tháng, người lao động được hưởng thêm những quyền lợi gì, thưa ông, xin cảm ơn.

TS Nguyễn Văn Sơn: Ngoài trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hàng tháng, người lao động còn hưởng thêm những quyền lợi sau: Đối với trường hợp người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên, mà bị liệt cột sống hoặc mù 2 mắt hoặc cụt, liệt 2 chi hoặc bị bệnh tâm thần thì ngoài mức hưởng nêu trên, hàng tháng người lao động còn được hưởng trợ cấp phục vụ bằng mức lương tối thiểu.

Ngoài ra, người lao động được hưởng trợ cấp tai nạn, bệnh nghề nghiệp hàng tháng, nếu tiếp tục làm việc và tham gia đóng bảo hiểm xã hội, ngoài việc hưởng trợ cấp tai nạn lao động hàng tháng theo quy định, khi đủ điều kiện hưởng chế độ hưu trí thì được hưởng đồng thời lương hưu.

Nếu không còn làm việc thì được cấp thẻ BHYT do quỹ BHXH đảm bảo; Người lao động sau khi điều trị ổn định thương tật, bệnh tật do tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp mà sức khỏe còn yếu, thì được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe từ 5-10 ngày.

Tùy theo mức độ suy giảm khả năng lao động; mức hưởng cho mỗi ngày bằng 25% mức lương tối thiểu chung nếu nghỉ tại nhà và bằng 40% mức lương tối thiểu chung nếu nghỉ tại cơ sở tập trung.

Người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp mà bị tổn thương các chức năng hoạt động của cơ thể, thì được cấp phương tiện trợ giúp sinh hoạt theo niên đại và phù hợp với tình trạng thương tật, bệnh tật: chân, tay giả; mắt giả; răng giả; xe lăn, xe lắc, máy trợ thính...

Phạm Thị Phương (55 tuổi, Hà Nội): Người sử dụng lao động phải chịu trách nhiệm gì khi người lao động bị bệnh nghề nghiệp?

TS Nguyễn Văn Sơn: Người sử dụng lao động phải chịu trách nhiệm khi người lao động bị mắc bệnh nghề nghiệp, theo quy định thông tư 04/2015/TT-BLĐTBXH, ngày 2/2/2015 về hướng dẫn thực hiện chế độ bồi thường, trợ cấp và chi phí y tế của người sử dụng lao động với người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

Với các nội dung sau: Lập hồ sơ và thực hiện chế độ bồi thường, trợ cấp cho người lao động hoặc thân nhân của người lao động theo đúng thông tư này. Thường xuyên chăm lo sức khỏe đối với người lao động, khám sức khỏe định kỳ (tổ chức khám, đưa đi giám định mức độ suy giảm khả năng lao động; thực hiện bồi thường cho người lao động bị bệnh nghề nghiệp; thực hiện điều trị, điều dưỡng phục hồi chức năng cho người lao động bị mắc bệnh nghề nghiệp khi bị suy giảm khả năng lao động.

Bài viết phục vụ Dự án “Tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về an toàn lao động, vệ sinh lao động năm 2015”.
» Thanh lọc phổi nhanh hiệu quả
» Loại trà ngăn ngừa nhiều loại ung thư
» Bài tập thở giúp vượt qua bệnh tật sống thêm 50 năm
» 8 cách đơn giản giúp tránh xa bệnh ung thư

Báo điện tử VTC News
Bình luận
vtcnews.vn