Tự kỷ và học cách sống trong …quán cà phê

Giáo dụcThứ Sáu, 07/10/2011 11:27:00 +07:00

(VTC News)- 2 lần/tuần, các em nhỏ kém may mắn trong Trung tâm Sao Mai thay phiên nhau xuống quán cà phê thực hành những kỹ năng sống, hòa nhập cộng đồng.

(VTC News) – Quán cà phê mở cửa giờ hành chính, nhân viên phục vụ là các em nhỏ khuyết tật, thiểu năng trí tuệ, chậm phát triển tâm thần… 2 lần/tuần, các em được thay phiên nhau xuống quán làm việc để làm quen, học, thực hành những kỹ năng sống thiết yếu để dần hòa nhập với cuộc sống.

Quán cà phê… hành chính

Nằm khá khuất ở phía cuối con đường Vũ Trọng Phụng, quận Thanh Xuân, Hà Nội, quán cà phê Nhân Đạo của Trung tâm Tư vấn phát triển sớm và chăm sóc trẻ khuyết tật Sao Mai, gần 4 năm nay là nơi để các em nhỏ khuyết tật, thiểu năng trí tuệ, chậm phát triển tâm thần… thực hành các kỹ năng sống cần thiết.

Và điều đặc biệt hơn là quán chỉ mở của vào những giờ hành chính từ 8 giờ 30 phút -16 giờ 30 phút trong ngày và nghỉ thứ 7, CN. Không phải thời điểm lý tưởng để thưởng thức những loại thức uống nhưng lúc nào quán cũng tấp nập khách vào ra.

Cà phê Nhân Đạo được thành lập xuất phát từ ý tưởng của bác sỹ Nguyễn Thúy Lan, Phó Chủ tịch Hội cứu trợ trẻ em tàn tật TP Hà Nội, Giám đốc Trung tâm Sao Mai. Quán thành lập không nhằm mục đích kinh doanh, kiếm lời. Trung tâm Sao Mai muốn có một lớp học thực hành kỹ năng sống cho những đứa trẻ kém may mắn từ khi mới lọt lòng mẹ ngay tại chính Trung tâm.

Cô giáo đang hướng dẫn những em nhỏ rửa cốc chén trong giờ học thực hành ở quán cà phê Nhân Đạo


Nhân viên phục vụ không ai khác là chính những em nhỏ kém may mắn của Trung tâm với tuổi từ 12 -19 tuổi. Đều đặn 2 buổi/tuần, ngoài những giờ học trên lớp, các em được luân phiên nhau xuống quán làm việc để tập làm quen với những kỹ năng sống thiết yếu nhất.

“Hầu hết những đứa trẻ đang điều trị và học tập ở Sao Mai là những đứa trẻ bị thiểu năng trí tuệ, chậm phát triển về mặt tâm thần, bị chứng tự kỷ rất nặng nề… Mọi hoạt động giao tiếp với các em đều rất hạn chế. Nhiều em 15 -16 tuổi vẫn không biết làm những công việc dù đơn giản nhất.

Chúng tôi muốn có một lớp học thực hành kỹ năng sống cho các em ngay tại Trung tâm, để các em có thể tự làm quen và thực hành được những công việc từ đơn giản đến phức tạp hơn. Làm việc ở quán còn để các em có cơ hội giao tiếp với nhiều người… Do đó, quán cà phê Nhân Đạo đã được thành lập”, bác sỹ, Giám đốc Nguyễn Thúy Lan cho biết.

Bên cạnh việc học trên lớp, thực hành làm việc tại đây sẽ giúp các em có cơ hội phát triển các kỹ năng tự lập, kỹ năng giao tiếp xã hội để sau này các em có thể tự lo cho mình khi ra đời. Các em sẽ không là gánh nặng cho gia đình và xã hội nếu như được đối xử nhân ái và gần gũi với cộng đồng.

Vì không nhằm mục đích kinh doanh nên tất cả tiền bạc thu được hàng tháng của quán đều dành để bổ sung vào suất ăn của các em, mua quà sang cho các em trong Trung tâm.

Mẹ ơi! Con đã biết pha cà phê

Chị Nguyễn Bích Ngọc, phụ huynh của em Tạ Quang Duy, 19 tuổi, đang học tập và hòa nhập cuộc sống ở Trung tâm Sao Mai chia sẻ: “Mười mấy năm nay, đây là lần đầu tiên tôi được cháu tự pha đồ uống cho. Bất ngờ, vui mừng, xúc động đến chảy nước mắt.

Thấy cháu mỗi ngày một tiến bộ hơn, không còn sợ sệt mỗi khi thấy người lạ, biết làm những công việc đơn giản, nói năng bắt đầu lưu loát, cười nhiều hơn,… gia đình rất mừng.  Nhờ được xuống quán thực tập các kỹ năng mà cháu có cơ hội được giao tiếp với mọi người xung quanh, chứ không chỉ loanh quanh trong môi trường khép kín”.

Nhớ lại 2 năm trước, khi mới vào Trung Tâm, dù đã 17 tuổi nhưng Duy chỉ như đứa trẻ. Em là một trong những trường hợp chậm phát triển điển hình nhất ở Trung tâm. 17 tuổi nhưng chỉ biết “bập bẹ” nói những câu đơn giản như đứa trẻ lên 1-2 tuổi tập nói.

Sau 2 năm học tập, hòa nhập ở Trung tâm Sao Mai bằng giáo án đặc biệt cũng như được thực hành kỹ năng sống tại quán cà phê giờ Duy đã có thể biểu lộ cảm xúc và nói chuyện bằng lời. Tuy chưa thể trôi chảy, khôn ngoan như những đứa trẻ bình thường, nhưng cũng khiến cha mẹ và các cô giáo vui mừng khôn xiết.

Những thao tác gấp giấy ăn rất đơn giản nhưng với những em nhỏ kém may mắn này làm và nhớ được là một điều khó khăn 


Bên bàn đối diện, Minh Phương, 12 tuổi đang được cô Duyên hướng dẫn cách gấp giấy ăn để vào các giỏ rồi bày ra các bàn. 12 tuổi nhưng Minh Phương gầy còm chỉ nhỉnh hơn đứa trẻ 5 tuổi chút ít. Em bị chứng tự kỷ nặng, chậm nói, sợ giao tiếp… và có biểu hiện khiếm thính.

Chỉ mấy thao tác gấp giấy ăn đơn giản nhưng phải khó khăn lắm Minh Phương mới làm đúng được theo hướng dẫn của cô Duyên. Gấp xong cái giấy thứ nhất, đến cái thứ 2, Phương lại quên mất cách gấp. Nhìn em cần mẫn, cô Duyên phải bắt tay làm từng động tác, dặn dò từng li từng tí tôi không khỏi chạnh lòng thương cảm.

 “Với những em nhỏ kém may mắn như Minh Phương, bọn mình phải hướng dẫn từng li từng tí một. Phải cho thực hành rất nhiều lần các em mới nhớ được. Ban đầu hầu như em nào cũng bỡ ngỡ, chưa hòa nhập được với công việc và môi trường ở quán.

Việc làm đổ nước, vỡ cốc là chuyện ngày nào cũng xảy ra. Nhưng đến nay thì hầu hết cả 10 em nhỏ xuống đây thực hành đều đã quen dần với công việc ở quán. Các em đã biết gấp giấy ăn, lau bàn, rửa cốc chén, bưng nước mới khách, biết pha cà phê… và điều vui mừng hơn là các em nói cười rất nhiều khi xuống đây thực hành, biết mời khách và tạm biệt khách trước lúc ra về làm chúng tôi thấy được động viên vô cùng”, chị Duyên làm việc ở quán cho biết.

Những vị khách cũng đặc biệt

Dù chỉ mở cửa vào giờ hành chính từ thứ 2 đến thứ 6 trong tuần nhưng quán cà phê Nhân Đạo lúc nào cũng có khách vào ra tấp nập. Trong đó có rất nhiều khách quen. Họ đến như một thói quen khó bỏ và đến chỉ để nhìn và giao tiếp với các em nhỏ khuyết tật thiểu năng.

Nhìn những hình ảnh cảm động này, ai đến quán 1 lần cũng muốn quay lại để chia sẻ cùng các em kém may mắn 


Đều như vắt chanh, tuần 3 buổi, Nguyễn Thu Hường, sinh viên trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn, ĐHQGHN dành thời gian đến quán cà phê Nhân Đạo.

Hường đến quán nhiều không để uống nước mà là muốn được chia sẻ tình cảm với những đứa trẻ khuyết tật kém may mắn phục vụ tại đây. “Lần đầu tiên cũng lũ bạn vào đây uống nước mình đã ấn tượng với cái tên quán rồi. Sau khi biết được hoàn cảnh của các em mình lại càng thương hơn.

 Từ đó tuần nào mình cũng đến đây ít nhất 3 buổi để nói chuyện giúp các em nhỏ hòa nhập với cuộc sống. Những đứa trẻ ở đây, dù bị thiểu năng trí tuệ, chậm phát triển tâm thần nhưng đều là những đứa trẻ rất đáng yêu, đáng được người lớn chúng ta thương xót. Sức sống trong các em vô cùng mãnh liệt và đáng trân trọng…”, Hường chia sẻ.

Từ lâu, anh Lê Quang Tuyển, ở Mỹ Đình đã quá quen và thuộc lòng từng cái tên và đặc điểm bệnh lý của đội ngũ “nhân viên” đặc biệt này: em thì khiếm thính, em mắc bệnh down, em bị thiểu năng trí tuệ, có em bị chậm phát triển tâm thần, em bị chứng tự kỷ… 

 “Lần đầu đến đây tôi rất ngạc nhiên vì quán có những nhân viên phục vụ rất lạ. Sau biết đây là lớp học của các em khuyết tật, thiểu năng trí tuệ, tôi càng thấy quý, có thời gianh rảnh là đến và thi thoảng lại dẫn thêm bạn bè đến trò chuyện với chúng”.

Thu Hòe

Bình luận
vtcnews.vn