SV với ý tưởng kinh doanh từ giun quế và phân bò

Giáo dụcThứ Năm, 25/08/2011 06:40:00 +07:00

(VTC News)- Đó là 1 trong 6 ý tưởng đã giành giải nhất cuộc thi E-ideas dành hoc các bạn trẻ Việt Nam yêu thích kinh doanh và bảo vệ môi trường.

(VTC News)- Đó là 1 trong 6 ý tưởng đã giành giải nhất cuộc thi E-ideas dành hoc các bạn trẻ Việt Nam yêu thích kinh doanh và bảo vệ môi trường do Hội đồng Anh và Tổ chức Bảm đảm chất lượng Lloyd’s Register Quality Assurance (LRQA) phối hợp tổ chức.

Tham gia cuộc thi E-ideas, các bạn trẻ Việt Nam đã mang đến nhiều ý tưởng sáng tạo vì môi trường nhằm đóng góp cho sự phát triển của cộng đồng và xã hội
6 tác giả có những ý tưởng sáng tạo và khả thi nhất được trao giải cao nhất của cuộc thi E-ideas (Ảnh: Phạm Thịnh)

Trong số các dự án đoạt giải, dự án  Mô hình nuôi giun quế Excavatus đã làm ngạc nhiên Ban giám khảo với ý tưởng kinh doanh từ giun quế và phân bò, giúp một vùng quê giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường vì phân thải của trâu bò. Dự án này xuất phát từ thực tế là phân trâu bò có thể dùng làm thức ăn cho giun quế và giun quế lại là nguồn thức ăn chăn nuôi giàu dinh dưỡng. Hơn nữa, phân giun quế được biết đến là loại phân bón hữu cơ và chất dưỡng đất giàu dinh dưỡng nhất mà thị trường có nhu cầu tiêu thụ cao
Mô hình nuôi giun quế (Tác giả: Vũ Tú Nam, sinh viên Đại học Kinh tế Quốc dân). 

Trong khi đó, dự án Green Health – Sức khỏe xanh lại mang đến một ý tưởng còn táo bạo hơn. Green Health tham vọng chuyển hóa nguồn năng lượng được sử dụng khi người dân tập thể dục quanh hồ để vận hành một hệ thống lọc sạch nước hồ. Dự án được xây dựng dựa trên một thói quen của người Hà Nội là tập thể dục bên hồ mỗi sáng sớm hoặc chiều muộn. 

Dự án Vertical Garden, Vườn Treo là một ý tưởng tuyệt vời khi tạo ra một không gian vườn cây cảnh/rau hữu cơ độc đáo, giúp giải quyết vấn đề thiếu không gian xanh trong mỗi gia đình tại đô thị. Với ý tưởng Vườn treo, thay vì trồng rau/ cây cảnh trên mặt phẳng ngang thường thấy, người dân sẽ sử dụng bộ sản phẩm panel tấm đứng được tác giả dự án thiết kế với hệ thống tưới tiêu hoàn chỉnh – những panel tấm đứng giúp tiết kiệm tối đa diện tích sử dụng, một khoảng không gian rộng chỉ 5m2 có thể trồng tới 750 chậu rau/ cây cảnh nhỏ. Bộ sản phẩm của Vertical Garden là một hệ thống hoàn chỉnh, sẵn sàng để đưa ra thị trường – và điều này thực sự gây ấn tượng với Ban Giám khảo. 
Dự án tái sử dụng rác thải trong học đường(Tác giả: Nguyễn Văn Thành, sinh viên Khoa kỹ thuật đô thị, Đại học Kiến trúc TP HCM).

Bên cạnh ba ý tưởng này, các ý tưởng đoạt giải E-ideas khác bao gồm diễn đàn online về phát triển nông nghiệp hữu cơ, tái sử dụng rác thải trong học đường và sản xuất phân ủ hữu cơ tại gia đình.  

Mỗi tác giả có ý tưởng đoạt giải sẽ nhận phần thưởng bằng tiền trị giá 100 triệu đồng/giải. Khoản tiền này sẽ được sử dụng như là nguồn vốn hỗ trợ ban đầu để thực hiện dự án. 

Một đại diện từ mỗi dự án đoạt giải còn có cơ hội gặp gỡ với những người chiến thắng trong cuộc thi E-ideas tại các quốc gia khác trong một sự kiện được tổ chức tại Indonesia từ ngày 3-5/10 tới đây. 

Bên cạnh đó, tác giả của 18 dự án được vào vòng xét tuyển cuối cùng vẫn được thụ hưởng từ các hỗ trợ của chương trình E-ideas về mặt kĩ thuật, kinh doanh, marketing và xây dựng mạng lưới – tất cả nhằm mục tiêu hỗ trợ họ thực hiện dự án một cách tốt nhất. 

Thẳng thắn chia sẻ quan điểm của mình, Ông Robin Rickard, Giám đốc Hội đồng Anh tại Việt Nam cho biết: “Tôi thấy rằng Việt Nam có một nền văn hóa rất năng động và nhạy bén; đồng thời Việt Nam cũng là một trong những quốc gia có nguy cơ chịu tác động lớn nhất bởi biến đổi khí hậu. Và vấn đề môi trường là một trong những điều đáng quan ngại nhất đối với đất nước các bạn trong bối cảnh mở rộng đô thị hiện nay. Trong bối cảnh này, chúng tôi hoàn toàn tin tưởng rằng những đại diện của Việt Nam sẽ là những đại diện xứng đáng trong những doanh nhân tương lai vì môi trường và chúng tôi muốn hỗ trợ thông qua những sáng kiến như E-ideas.’
Các ý tưởng nhận được giải thưởng cao nhất của cuộc thi 

1. Mô hình nuôi giun quế (Tác giả: Vũ Tú Nam, sinh viên Đại học Kinh tế Quốc dân).
2. Xây dựng diễn đàn về phát triển nông nghiệp hữu cơ (Tác giả: Phạm Như Trang, cán bộ Trung tâm Nông nghiệp Hữu Cơ, Đại học Nông nghiệp Hà Nội).
3. Sản xuất bộ dụng cụ vườn treo (Tác giả: Nguyễn Văn Quy, giảng viên Khoa nông học, Đại học Nông lâm Huế).
4. Phân ủ tại gia đình (Tác giả: Đào Hữu Bính, giảng viên kinh tế, Đại học Tây Bắc).
5. Tái sử dụng rác thải trong học đường (Tác giả: Nguyễn Văn Thành, sinh viên Khoa kỹ thuật đô thị, Đại học Kiến trúc TP HCM).
6. Sức khỏe xanh (Tác giả: Nguyễn Thị Ngọc Anh, cán bộ Viện Nước, Tưới tiêu và Môi trường).
 
Bình luận
vtcnews.vn