Ông Dương Trung Quốc: Chỉ thẳng quân TQ xâm lược VN trong sách lịch sử là cần thiết

Giáo dụcThứ Hai, 21/08/2017 16:30:00 +07:00

Các nhà sử học đều cho rằng, né tránh về cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam của Trung Quốc trong SGK là một sai lầm lớn và 'có tội' với lịch sử dân tộc, việc chỉ thẳng Trung Quốc xâm lược Việt Nam là rất cần thiết.

Sự thật lịch sử không được né tránh

Bộ sách Lịch sử Việt Nam do Viện Hàn lâm khoa học xã hội VN (VASS) biên soạn vừa ra mắt hôm 18/8 đã thu hút được sự quan tâm và chú ý của dư luận bởi đây là lần đầu tiên sách giáo khoa (SGK) đề cập chi tiết về chiến tranh biên giới năm 1979, trong đó nêu rõ cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc là cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam do Trung Quốc phát động.

Video: PGS Nguyễn Đức Cường nói về việc biên soạn Bộ Lịch sử Việt Nam

Trao đổi với VTC News về bộ sách sử vừa mới được ra mắt nói trên, nhà sử học Dương Trung Quốc , Tổng Thư ký Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, đại biểu Quốc hội Khóa 14 cho biết đây là một "nội dung quan trọng và cần thiết" và "đã có sự chuẩn bị kĩ từ lâu".

Nhà sử học Dương Trung Quốc nhận xét: "Lịch sử thì rất dễ bị chi phối bởi không khí chính trị, ngoại giao, nhất là lịch sử đương đại. Vì thế mà lâu nay chúng ta né tránh sự̣ kiện Trung Quốc xâm lược Việt Nam trong thời đương đại. Chúng ta đã né tránh nói về vấn đề này trong dư luận xã hội, trong tuyên truyền và thậm chí cả trong dạy sử, viết sử.

Giờ thì trong bộ sử vừa ra mắt đã viết rõ về vấn đề này, chỉ thẳng là Trung Quốc xâm lược Việt Nam. Tôi cho rằng điều này là rất cần thiết".

DuongTrungQuoc

 Nhà sử học Dương Trung Quốc.

Ông Dương Trung Quốc so sánh: "Tôi cho rằng đây là việc cần thiết phải làm. Cũng như các cuộc kháng chiến chống Pháp hay chống Mỹ. Chúng ta viết sử phản ánh cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ ở Việt Nam rất khốc liệt. Rất nhiều tội ác của Mỹ như dội bom đạn nhiều, thả chất độc màu da cam, thảm sát đau thương làng quê nước ta... Tất cả đều được đề cập cụ thể, chi tiết. Và hiện tại, quan hệ giữa chúng ta với họ vẫn phát triển tốt.

Rõ ràng lịch sử̉ không hẳn là yếu tố cản trở trong quan hệ ngoại giao. Vấn đề đối với Trung Quốc cũng tương tự̣ vậy thôi".

Nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng việc không né tránh mà đề cập đến một cách công khai những vấn đề được cho là tế nhị trong lịch sử sẽ giúp các bên có được sự nhận thức và hành động đúng đắn trong hiện tại và tương lai.

"Nói thẳng, nói thật là cần thiết. Bởi nếu càng né tránh thì sẽ càng dẫn đến những nhận thức khác biệt nhau, dẫn đến những sai lầm. Và có người sẽ lợi dụng điều này để xuyên tạc thì còn nguy hiểm hơn nhiều lần", ông Quốc nói.

"Vấn đề là viết như thế nào để cho bạn đọc xem, tôi cho là vẫn cứ phản ánh trung thực thì tốt hơn. Khi nói đúng sự thực thì là chuyện bình thường. Còn trước kia chúng ta không nói đến hoặc né tránh thì đó mới là điều không bình thường.

Tất nhiên, không bình thường cũng có lý do của nó. Song quan điểm của tôi, đã là lịch sử là phải khách quan. Vấn đề là viết như thế nào thôi. Phản ánh sự thật nhưng cuối cùng vẫn phải toát lên ý nghĩa lớn nhất là mong muốn hòa bình, tất nhiên hòa bình nhưng phải dựa trên nguyên tắc giữ được độc lập, tự do cũng như toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ", ông Quốc nhận xét.

Nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng, viết lịch sử đương đại là một lĩnh vực rất khó, không chỉ Việt Nam mà nhiều nước trên thế giới cũng gặp phải điều này.

"Một số nước trên thế giới họ vẫn né tránh khi đề cập đến lịch sử đương đại vì lịch sử thì cần có một khoảng cách thời gian nhất định. Lâu nay người ta vẫn quan niệm lịch sử đương đại là lịch sử kéo dài đến thời điểm mà mọi người đang sống, nên nó sẽ đụng chạm đến nhiều vấn đề chính trị, bang giao...

Bộ sách sử vừa ra mắt cũng đã được viết trong nhiều năm, bây giờ cũng vừa mới kết thúc và in lại thành tập thôi, nghĩa là đã viết từ trong nhiều năm trước đó nữa chứ không phải bây giờ mới viết xong. Đây là một sự chuẩn bị từ lâu và cũng rất kĩ lưỡng", ông Quốc cho biết thêm.

''Làm như thế là không phải với lịch sử'

 
Tôi nói thẳng cái này là âm mưu thâm độc của Trung Quốc từ lâu. Họ muốn Việt Nam không dạy sử, không học sử nữa, hoặc làm lệch lạc nội dung lịch sử đi vì họ sợ sẽ ảnh hướng đến quan hệ với họ.

Nhà sử học Bùi Thiết

Dù đã được in trong bộ sử học nói trên, song vấn đề Trung Quốc xâm lược Việt Nam thời đương đại lại chưa được đề cập đến một cách chi tiết trong sách giáo khoa để giảng dạy chính thức trong nhà trường.

Đề cập đến vấn đề này, nhà sử học Bùi Thiết, Thư ký Hội Sử học, nguyên Thư ký Viện Văn hóa thuộc Bộ VH-TT&DL cho rằng đây là "điều đáng tiếc" và do Bộ GD-ĐT "chịu nhiều áp lực".

Nhà sử học Bùi Thiết cho biết: "Quan điểm của tôi là tất cả lịch sử phải viết lại hết chứ không phải chỉ là lịch sử cuộc chiến xâm lược do Trung Quốc phát động năm 1979 thôi đâu. Bởi vì sao? Bởi vì lịch sử chúng ta thường viết về chính trị, quá nặng nề về chính trị.

Chúng tôi là người viết sử, bản thân tôi cũng đang viết lại lịch sử cả bậc tiểu học, trung học cơ sở. Viết sử như hiện nay là rất không ổn. Không thể để dạy như thế được, dạy như thế là không phù hợp. Bây giờ bộ sách sử mới in ra thì mới "thòi" một ít tư liệu ra thôi, chứ chưa đầy đủ lắm đâu".

Về nguyên nhân chậm trễ khi đưa nội dung này vào sách giáo khoa lịch sử để giảng dạy trong nhà trường, nhà sử học Bùi Thiết cho giải thích: "Có nhiều nguyên nhân lắm. Tôi nói thẳng trong đó có cả nguyên nhân có thể một số người đang muốn giấu cuộc kháng chiến này của dân tộc. Bởi thế mà cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc này của chúng ta chỉ nằm ở phần dạy thêm. Nhưng làm như thế là không phải với lịch sử".

"Tôi nói thẳng cái này là âm mưu thâm độc của Trung Quốc từ lâu. Họ muốn Việt Nam không dạy sử, không học sử nữa, hoặc làm lệch lạc nội dung lịch sử đi vì họ sợ sẽ ảnh hướng đến quan hệ với họ. Họ muốn xóa cái đó để ta hòa đồng với Trung Quốc. Gần 30 năm nay họ vẫn âm mưu làm điều đó", nhà sử học Bùi Thiết nhìn nhận.

Lưu Thủy
Bình luận
vtcnews.vn