Làng 10 năm không đám cưới, mái trường 'độc nhất vô nhị

Giáo dụcThứ Năm, 01/09/2011 09:01:00 +07:00

Một chuyện khá hi hữu và có lẽ là độc nhất vô nhị ở Việt Nam nữa là ngôi trường tiểu học trên địa bàn chỉ có 31 học sinh, trong đó lớp 1 chỉ có … 3 em.

Hơn mười năm rồi, ở “ốc đảo” chưa có một đám cưới nào được tổ chức. Và một chuyện khá hi hữu và có lẽ là độc nhất vô nhị ở Việt Nam nữa là ngôi trường tiểu học trên địa bàn chỉ có 31 học sinh, trong đó lớp 1 chỉ có … 3 em.

Hơn 10 năm không một đám cưới

Chúng tôi tìm gặp ông Trần Đình Hòa, người có thâm niên làm trưởng thôn lâu nhất tại thôn Hồng Lam, thuộc địa phận xã Xuân Giang, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh. Khi hỏi đến chuyện đám cưới, ông Hòa nhìn chúng tôi chua xót nói: “Mười năm nay ở cái làng này có tang mà không có “hỉ”. Tôi làm trưởng thôn lâu năm nhưng chỉ biết nói kính thưa tang quyến chứ chưa bao giờ được nói kính thưa hai họ, hay đôi bạn trẻ. Đó là sự thật ở cái cù lao này”.
 10 năm rồi, trên "ốc đảo" chưa từng có một đám cưới nào diễn ra. Chiếc đò này vì thế như một nhân chứng buồn ở thôn Lam Giang.

Như để người nghe tin đây là sự thật, cụ Đậu Lư (SN 1919), là một trong những cao niên trong làng thanh minh rằng, từ khi sinh ra nhưng chưa khi nào cụ thấy buồn như một thập kỷ nay. "Đám ma thì năm nào cũng có nhưng đám cưới sao mà hiếm thế. Lớp trẻ trong làng cứ lớn lên là đi ra khỏi làng làm ăn rồi cưới tận đâu đâu, sau đó mới về báo cho làng biết. Cũng không trách được gì bọn chúng bởi làng này quá khổ, đi lại vô cùng khó khăn. Sống chừng này tuổi mà ước mong có được cây cầu nối làng với bờ của tôi vẫn chưa thành hiện thực. Chắc có lẽ khi đã về với tổ tiên ước mơ của tôi cũng sẽ không thực hiện được”.
Học sinh qua lại trên chuyến đò, và cũng rời bỏ quê trên chuyến đò này. Thành thử, nơi đây chỉ còn phần lớn những người già. 

Cụ Lư còn nhớ những năm của thập kỷ 90, làng cũng có nhiều đám cưới lắm. Có cả đám lấy về bên kia sông, rước dâu bằng thuyền. Thế nhưng nó cứ thưa dần, thưa dần rồi từ năm 2000 đến nay không được dịp ăn mừng đám cưới diễn ra ở làng nữa, có chăng cũng chỉ là lễ ăn hỏi của đôi bên họ hàng.

Người làng nhớ lại đám cưới gần đây nhất là vào năm 2000, con gái bà Ngô Thị Nguyệt lấy người trong làng. Kể từ đó đến nay làng vắng hẳn tiếng nhạc xập xình, tiếng chúc tụng cho đôi trai gái sống hạnh phúc. Bà Nguyệt bảo, năm đó con gái lấy người trong làng nên tổ chức tại làng. Đám cưới xong hai đứa dắt nhau vào Nam làm ăn, kể từ đó thì không có đám cưới nào được tổ chức. Thằng con thứ hai của gia đình cũng vào trong ấy làm ăn rồi lấy vợ, cưới xin trong đó luôn.
Các giáo viên đến trường với bao gập ghềnh, chòng chành dạy chữ một chuyến đò ngang 

Cũng chính vì khó khăn đủ bề mà người dân nơi đây cứ lần lượt bỏ làng ra đi không quay về nữa. Dạo quanh một vòng trong làng, chúng tôi chỉ gặp hầu hết là người già, hoặc trung tuổi, còn lớp trẻ thì rất ít.

Và cứ như thế, không biết “kỳ tích” ngôi làng hơn 10 năm không có đám cưới không biết kéo dài đến bao giờ nữa, chính người dân nơi đây cũng không biết được.


Trường học có … 31 học sinh

Đó là ngôi trường có một không hai ở cái ốc đảo Hồng Lam này. Trường tiểu học Xuân Giang 2, một phân hiệu của trường tiểu học xã Xuân Giang, huyện Nghi Xuân.

Năm 2002, Hồng Lam được Bộ Công an vận động cán bộ, chiến sĩ quyên góp tiền xây cho một ngôi trường khá khang trang, kiên cố. Ngôi trường gồm hai dãy nhà, có một dãy hai tầng là nơi để các em từ lớp 1 đến lớp 5 theo học. Đây cũng là nơi tránh bão của người dân mỗi khi lũ về.

Năm học 2011 – 2012 tuy chưa khai giảng nhưng nhà trường đã tổ chức học từ đầu tháng 8. Thấy chúng tôi thắc mắc, cô Trần Thị Thúy Trà, Hiệu trưởng trường cho biết: “Phải học sớm để phòng khi mưa bão các em không đi học được, như thế mới theo kịp chương trình và hoàn thành đúng thời gian”.
Mỗi lớp học ở "ốc đảo" chỉ có lèo tèo mấy em học sinh 

Một sự thật khá bi hài là năm học này trường Tiểu học Xuân Giang 2 có 5 lớp từ 1 đến 5, nhưng tổng số học sinh chỉ là 31 em.

Chúng tôi ghé thăm lớp học, thấy chỉ có 3 em ngồi nghe cô giáo giảng bài, chúng tôi ngỡ ngàng cứ tưởng các em vắng học nhưng khi nhìn lên phía góc trái của bảng thấy dòng chữ: sĩ số 3, vắng 0 thì mới biết là lớp chỉ có … 3 em theo học, đó là lớp 1.

Cô Nguyễn Thị Nga, chủ nhiệm lớp cho biết: “Lúc đầu tôi cũng không ngờ được lớp chỉ có từng ấy em, hỏi ông trưởng thôn thế các em đâu hết thì ông trả lời chỉ có 3 cháu thôi. Tôi giật hết cả mình. Bởi tôi mới chuyển về và chưa bao giờ đứng lớp một lớp học như thế”.

Lớp 2 cũng chỉ có 7 em, lớp 3 có 5 em, lớp 4, 5 đông nhất với mỗi lớp 8 học sinh. Cả trường vỏn vẹn có 31 học sinh, 6 giáo viên gồm 5 người giảng dạy và 1 giáo viên đặc thù.

Cô Nguyễn Thị Minh, người có thâm niên 29 năm dạy học tại trường nói, trước đây trường có hơn 200 học sinh. Đến năm học 2008-2009, trường chỉ có 56 em, năm ngoái có 38 học sinh và nay thì chỉ có 31 em theo học. Cũng do khó khăn trong sinh hoạt, đi lại nên các em cứ theo cha mẹ di cư chạy bão đi nơi khác sinh sống, hơn nữa tỉ lệ sinh trong làng rất ít bởi những gia đình còn bám trụ làng chủ yếu là đã có con lớn hết cả rồi. Thành ra số học sinh cứ giảm dần theo từng năm học”.

Theo phản ánh của các giáo viên dạy tại trường tiểu học Xuân Giang 2 thì họ không được hưởng một chế độ trợ cấp, đặc thù nào, mặc dù để sang được đây dạy các cô phải vô cùng vất vả. Hàng ngày, để đến lớp đúng giờ, giáo viên trong trường phải dậy sớm, vượt qua ba chặng đường, từ nhà tới bến đò, gửi xe ở nhà dân, sau đó lên đò qua làng rồi đi bộ chừng 1km nữa mới tới trường.

Cá biệt ở đây có cô Tạ Thị Tố Oanh, nhà ở tận phường Hưng Bình, TP Vinh, là giáo viên đặc thù dạy văn thể ở đây. Cô Oanh cho biết cô phải thức dậy từ 5h sáng vượt gần 10 cây số mới đến được bến đò để qua làng.

Vất vả là vậy nhưng các giáo viên ở đây luôn nhiệt tình với các em, không khi nào nghỉ trước giờ mà luôn tận tụy, yêu nghề.

Sau khi tốt nghiệp tiểu học ở trường làng các em phải lụy đó qua bên kia sông theo học tiếp cấp 2 và cấp 3. Mặc dù con đường đến trường vô cùng gian nan nhưng các em vẫn không bỏ cuộc. Ốc đảo Hồng Lam từng có nhiều người đậu đại hoc, trở thành kỹ sư, bác sĩ… . Thế nhưng với điều kiện hiện tại thì con đường đến trường của các em vẫn lắm ghập ghềnh, đầy chông gai.

Theo Hồng Thịnh (Bưu điện Việt Nam)
Bình luận
vtcnews.vn