Bài văn "kính Rayban, xe SH" gây sốt dân mạng

Giáo dụcThứ Tư, 17/09/2014 12:16:00 +07:00

Trong hoạt động ngoại khóa môn Văn, một nam sinh lớp 12 cho rằng không cần “kính Rayban, xe SH”, dù chỉ có xe đạp cà tàng vẫn tạo nên tình yêu đẹp.

Trong hoạt động ngoại khóa môn Văn, một nam sinh lớp 12 cho rằng không cần “kính Rayban, xe SH”, dù chỉ có xe đạp cà tàng vẫn tạo nên tình yêu đẹp.

Với chủ đề bày tỏ quan điểm về tình yêu và quà tặng, Đinh Sơn Tùng (học sinh lớp 12A2, THPT Anhxtanh, Hà Nội) đã khẳng định ngay từ mở đầu bài viết: “Từ cổ chí kim, tình yêu bao giờ cũng đi liền với quà tặng”
Bai van kinh Rayban, xe SH gay sot
Bài văn dù đưa ra nhiều lập luận, ví dụ thú vị nhưng vẫn bị các thầy cô nhắc nhở vì chữ viết ẩu
Ví dụ điển hình mà chàng nam sinh này đưa ra để bảo vệ quan điểm của mình đó là “Hai vị thần tranh nhau thể hiện tình cảm với một cô gái bằng những lễ vật, hay còn gọi là quà” (truyền thuyết Sơn Tinh, Thủy Tinh - PV).

Đối với thời hiện đại, nam sinh này cho rằng: “Đã là tình yêu, quà mới là điều kiện đủ để cấu thành. Tôi không có ý vơ đũa cả nắm nhưng đại bộ phận những tình yêu đang chớm nở là phải vậy”.

Để minh chứng cho lập luận của mình, trong bài viết, Đinh Sơn Tùng đã đưa ra câu chuyện của anh bạn “vay tiền để mua quà cho bạn gái” hay những tình huống bi hài lan tràn trên các trang mạng thực thế như chia tay đòi lại quà, quan điểm “cưa” nữ sinh chỉ cần chạy xe SH, đeo kính Rayban…

Từ đó nam sinh này đặt ra câu hỏi liệu các bạn gái có thực sự hạnh phúc, được lợi khi yêu chàng đi xe SH, đeo kính Rayban hay đó chỉ là “cái mã” bên ngoài? Điểm nhấn của bài văn này chính là câu chuyện tình yêu học trò trong sáng gắn với chiếc xe đạp cà tàng mà nam sinh này từng được chứng kiến.
Dù không giàu có, nhưng đôi bạn trẻ này vẫn khiến Sơn Tùng xúc động và khẳng định: “Đâu cần kính Rayban, xe SH, tôi vẫn cảm thấy ấm áp theo cậu bạn kia trong vòng tay ôm ngang eo của cô gái”.

Dù đã có những chia sẻ rất thực tế về tình yêu, nhưng cuối bài văn Tùng tự thú: “Mới 17 tuổi, chưa một mảnh tình vắt vai, tôi luôn mong rằng tình yêu đầu của mình sẽ được như đôi bạn trường Trương Định nhưng cũng đề phòng, tôi luôn tích tiền để mua quà, phòng trường hợp tình yêu của tôi vẫn chưa đủ”.

Chia sẻ về hoạt động ngoại khóa này, thầy Đào Tuấn Đạt (phụ trách chuyên môn THPT Anhxtanh) cho biết: "Ở trường chúng tôi chưa bao giờ ngăn cấm chuyện các em học sinh có thể yêu. Bởi yêu hoàn toàn thuộc về cảm xúc và không nên dùng lý trí định đoạt.

Đứng trên góc độ giáo dục, chúng tôi luôn cởi mở và chia sẻ để biết các em đang yêu ai, và quan trọng hơn, là quan niệm về tình yêu của các em như thế nào.

Chúng tôi luôn khuyến khích các em nói thật suy nghĩ của mình. Có như thế mới biết mà hướng dẫn các em tìm tới được các giá trị thực của cuộc sống, chứ không riêng gì tình yêu".
 
 Bài văn của Đinh Sơn Tùng
 “Từ cổ chí kim, tình yêu bao giờ cũng đi liền với quà tặng. Ngay đến câu truyện xa xưa của dân tộc Việt Nam ta cũng là về hai vị thần tranh nhau thể hiện tình cảm với một cô gái bằng những “lễ vật” hay còn gọi là “quà”, phải chăng vì vậy mà ở Việt Nam, cứ nói tới yêu là phải có quà? Nói vậy thì hơi quá nhưng “quà” có lẽ đã bắt nguồn từ xưa lắm rồi, trên thế giới chứ chẳng riêng gì Việt Nam.

Quà trước kia sinh ra là để trao cho người mình yêu quý hoặc có lẽ ý tưởng ban đầu là vậy. Người ta vẫn trao cho nhau, những người yêu thương của mình như tình cảm gia đình, bạn bè…

Mỗi năm lại có Tết, Valentine, Trung thu, sinh nhật, ngày phụ nữ, giáng sinh, ngày thương binh, ngày của giáo viên, ngày… hứng lên thì mua quà… Nhiều dịp như vậy, nhiều quà như vậy, sao chúng ta không trao đi nhiều hơn cái ý tưởng ban đầu đó, trao đi nhiều tình yêu hơn thay vì những món quà vốn chỉ là những công cụ mà bạn thể hiện tình yêu ấy ra bên ngoài mà thôi.

Trong tình cảm gia đình, bạn bè, cái quan trọng là bạn yêu quý họ ra sao và có được họ yêu quý hay không mà thôi. Còn trong tình yêu lứa đôi, thì quà có lẽ là không thể thiếu.

Khác với người thân, người yêu vốn chỉ là người dung. Ngày xưa thì muốn cưới hỏi phải có lễ vật nhưng đó chỉ là điều kiện cần. Còn thời nay, đã là tình yêu quà mới là điều kiện đủ để cấu thành.

Tôi không có ý “vơ đũa cả nắm” nhưng đại bộ phận những tình yêu đang chớm nở là phải vậy. Tôi có những người bạn đến Valentine, sinh nhật, giáng sinh… là cuống quýt đi sắm sửa mua quà cho người yêu.

Thậm chí có anh bạn còn đi vay tiền để mua quà cho bạn gái. Cũng chỉ hỏi vui rằng “Tại sao phải cực vậy?”, thì cậu bạn lại cho rằng đi tay không cứ làm sao, mua quà cho chắc.

Liệu người bạn gái ấy có nổi sung khi không nhận được quà không? Chắc là có! Lang thang trên mạng, không khó để tôi tìm thấy những clip như Chia tay anh không đòi quà, rồi một loạt các đại gia khoe của, hay cuộc trò truyện của các chàng trai nói về cưa học sinh chỉ cần chạy xe SH, đeo kính Rayban, nhiều vô số kể. Có vẻ, các bạn trẻ đang hiểu sai lệch về cái gọi là tình yêu, bị đồng tiền, đồ xa xỉ làm mờ mắt.

Tình yêu phù phiếm như vậy liệu có bền vững? Chạy xe SH, đeo kính Rayban thì bạn có được món quà nào không hay chỉ là cái mã bên ngoài?

Có lần tôi đọc được mẩu truyện về một nam thanh niên chia tay bạn gái và đòi lại toàn bộ những món đồ xa xỉ anh ta từng tặng cô gái. Đọc đến đoạn này tôi phì cười.

“Đáng kiếp” cho cô gái và “mặt dày” cho anh chàng đó. Nếu như tình yêu của bọn họ chỉ được vun đắp bằng những món quà như chiếc móc chìa khóa, cái áo đôi, hay quan trọng hơn chính là kỷ niệm đẹp đẽ bên nhau thì liệu anh ta có đòi lại được không? Cứ trao đi những món quà rồi đòi lại thì chẳng thà đừng yêu nữa”.

Có lần tôi chứng kiến một câu chuyện khi vô tình đi trên con đường mà làm tôi nghĩ mãi. Đó là một học sinh nữ mặc áo trường Trương Định, đi bộ một đoạn thì có một cậu cũng ăn vận động phục cùng trường phi lên đi theo sát.

Tính bao đồng nổi lên, tôi nghe những gì họ nói: “Ê! Lên đây tao đèo đi/ Thôi về đi, nhà mày đi thẳng, nhà tao rẽ trái mà, hôm nào mày cũng đi xa thêm như thế mà đường đông nguy hiểm/ Thôi lên đi… đừng để tao nói nhiều”.

Qua lại một lúc rồi cô gái lên yên xe ngồi với khuôn mặt đỏ ửng, chiếc yên sau kêu cọt kẹt đến to nhưng lúc đó tôi chợt thấy giữa con phố giờ cao điểm đông đúc và tiếng chiếc xe đạp cà tàng tôi cũng phải công nhận: “Nếu đây là tình yêu thì đây chính là thứ tình cảm trong sáng nhất”.

Đâu cần đeo kính Rayban, xe SH tôi vẫn cảm thấy ấm áp theo cậu ban kia trong vòng tay ôm ngang eo của cô gái. Không phải tình yêu là phải cho đi thật nhiều, vậy sao không cùng tạo ra những khoảnh khắc như vậy thay vì những món “công cụ cưa gái” kia?

Mới 17 tuổi, chưa một mảnh tình vắt vai, tôi luôn mong rằng tình yêu đầu của mình sẽ được như đôi bạn trường Trương Định nhưng cũng đề phòng, tôi luôn tích tiền để mua quà, phòng trường hợp tình yêu của tôi vẫn chưa đủ”.

Theo Zing
Bình luận
vtcnews.vn