Giáo dục Việt Nam có thể xóa sổ Toán, Lý, Hóa không?

Giáo dụcThứ Sáu, 03/04/2015 07:18:00 +07:00

Các chuyên gia giáo dục Việt Nam đều khẳng định ý tưởng xóa sổ các môn học cụ thể như Toán, Lý, Hóa, Lịch sử rất táo bạo nhưng Việt Nam không thể học theo.

(VTC News)- Các chuyên gia giáo dục Việt Nam nói về ý tưởng xóa sổ các môn học cụ thể như Toán, Lý, Hóa, Lịch sử như ở Phần Lan.

Gần đây, chính phủ Phần Lan, một trong những đất nước có nền giáo dục hàng đầu thế giới, đã quyết định thực hiện một cuộc “cách mạng” trong dạy và học khi xóa sổ các môn học Toán, Lý, Hóa, Lịch sử... truyền thống, thay vào đó là phương pháp dạy học theo những chủ đề rộng hơn.
Xóa sổ Toán, Lý, Hóa
Phần Lan đang tiến hành xóa sổ các môn Toán, Lý, Hóa, Lịch sử... để thay bằng các môn học tổng hợp 
Theo sáng kiến này, những giờ học theo từng môn riêng lẻ như trước đây sẽ không còn tồn tại, thay vào đó, học sinh Phần Lan sẽ được mặc sức thảo luận, khám phá, tìm hiểu về những chủ đề mang tính hiện tượng bao quát hơn, chẳng hạn như chủ đề về Liên minh châu Âu.

Trong những giờ học theo chủ đề này, học sinh sẽ không phải tập trung ngồi trong lớp học để nghe giảng mà có thể tụ tập bàn luận dọc hành lang hoặc lên mạng tìm hiểu, thu thập thông tin theo yêu cầu “học mà chơi, chơi mà học”.

Các nhà giáo dục Phần Lan cho biết thay vì ngồi học môn Lịch sử, giờ đây học sinh Phần Lan có thể tham dự lớp học tìm hiểu về Liên minh châu Âu với đầy đủ các kiến thức về lịch sử, xã hội và kinh tế, và thay vì học Toán, học sinh sẽ được yêu cầu thực hiện các phép tính về thuế.

Ngoài ra, trường học cũng sẽ tổ chức các lớp theo chủ đề hướng nghiệp, chẳng hạn như rèn luyện kỹ năng toán học, ngoại ngữ, viết và giao tiếp cho học sinh khi thực hành điều hành một quán cà phê. Những kỹ năng này sẽ được nâng cao mức độ phức tạp tùy theo từng cấp học của học sinh.

Lý do để Phần Lan áp dụng sáng kiến này là họ muốn cho học sinh làm quen với những thách thức thực tế của môi trường làm việc trong “xã hội hiện đại”. Trong xã hội đó, giáo dục không còn mang giá trị trang bị kiến thức nữa, mà được coi là chứa đựng giá trị công cụ cho nền kinh tế.
PGS Văn Như Cương
PGS Văn Như Cương còn tỏ ra băn khoăn trước cách làm của các nhà giáo dục Phần Lan  (Ảnh: Phạm Thịnh)
Cho rằng ý tưởng này của các nhà giáo dục Phần Lan là rất độc đáo nhưng PGS Văn Như Cương (Chủ tịch hội đồng trường THPT Lương Thế Vinh, Hà Nội) lại không đồng tình khi  nói rằng giáo dục không còn mang giá trị trang bị kiến thức nữa, mà được coi là chứa đựng giá trị công cụ cho nền kinh tế.

“Tôi thấy quan niệm như vậy hơi lạ lùng. Họ nói giáo dục không mang giá trị kiến thức thì cũng không ổn”, PGS Văn Như Cương bày tỏ quan điểm.

Vị chuyên gia này cũng tỏ ra băn khoăn khi các nhà giáo dục Phần Lan sẽ xóa bỏ các môn cụ thể Toán, Lý, Hóa, Lịch sử… để trở thành những môn tổng hợp.

“Ví dụ: Khi cho học sinh thảo luận về Asean mà không hiểu vị trí địa lý, đặc điểm tự nhiên, kinh tế xã hội của Việt Nam và các nước trong khu vực thì học sinh sẽ tìm hiểu thế nào. Nếu không học cụ thể thì học tổng hợp bằng cách nào?”, PGS Văn Như Cương thẳng thắn chia sẻ.

 

Họ nói giáo dục không mang giá trị kiến thức thì cũng không ổn
PGS Văn Như Cương
 
Bên cạnh đó, việc học sinh chỉ cần thảo luận theo nhóm, không cần ngồi trong lớp, không cần nghe giảng cũng khiến cho những kiến thức các em thu thập cũng trở nên không rõ ràng.


“Điều này cũng khó hiểu. Ít nhất phải có hạt giống mới có thể nảy mầm và phát triển được”, PGS Văn Như Cương ví von.

Vị chuyên gia này cho rằng: “Máy tính hiện đại làm được nhiều phép tính nhưng điều đó không có nghĩa là không cần kỹ năng cộng trừ, nhân chia. Các kỹ năng cơ bản nhất phải có, mỗi học sinh cũng phải biết.

Nếu chỉ dựa vào máy tính thì tôi khá lo lắng. Con người không giao tiếp với nhau mà chỉ giao tiếp với máy móc thì càng ngày sẽ trở nên đần độn. Nếu chỉ dựa vào công cụ hiện đại để thay thế thì cũng phải suy nghĩ”.

Vị chuyên gia này cho rằng nền giáo dục Việt Nam trong thời gian gần đây cũng có những đổi mới trong phương pháp dạy và học. Giáo dục Việt Nam hướng tới việc không áp đặt, không nhồi nhét vào học sinh, khuyến khích học trò thảo luận, không còn tình trạng thầy đọc trò chép.

Tuy nhiên, PGS Văn Như Cương cũng khẳng định: “ Chưa đến lúc Việt Nam có thể học Phần Lan khi xóa sổ các môn Toán, Lý, Hóa, Lịch sử. Muốn học tập gì đi nữa thì cũng phải trên nguyên tắc không được dập khuôn, máy móc”.

Ông Cương cũng lấy ví dụ Singapore có điều kiện để đưa nguyên bộ sách giáo khoa của Anh để giảng dạy. Tuy nhiên, Việt Nam lại không thể làm được điều đó.

Vì vậy, khi áp dụng, các nhà giáo dục Việt Nam cần nghiên cứu kỹ lưỡng và có cân nhắc.

“Nếu Việt Nam muốn học tập thì phải nghiên cứu thật kỹ càng. Viện Khoa học giáo dục phải nghiên cứu điều đó.Trước đây, chúng ta đã có nhiều bài học về thay đổi phương pháp học”, PGS Văn Như Cương nhấn mạnh.
GS Phạm Tất Dong xóa sổ Toán, Lý, Hóa
GS Phạm Tất Dong cho rằng tư tưởng giáo dục mới của Phần Lan là đột phá nhưng Việt Nam chưa thể học theo
Chia sẻ về vấn đề này, GS.TS Phạm Tất Dong, Phó chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam cho rằng, việc xóa sổ các môn Toán, Lý, Hóa…  là cuộc cải cách chưa từng có trong lịch sử thế giới.

Ông Dong cho rằng hệ thống giáo dục của Phần Lan thay đổi sẽ khuyến khích hành vi giao tiếp và tương tác trong lớp học của học sinh và giáo viên. Khi đó, học sinh thay vì thụ động ngồi nghe và chép bài, có thể được chia thành từng nhóm nhỏ, hợp tác với nhau để thực hiện các dự án, các bài tập từ thực tế.

Tuy có quan điểm cởi mở về cách làm giáo dục ở Phần Lan nhưng ông Dong cho rằng nền giáo dục của Việt Nam có xuất phát điểm rất thấp. Do đó, Việt Nam sẽ không thể xóa sổ các môn học Toán, Lý, Hóa… như cách Phần Lan đang làm.

GS Phạm Tất Dong cũng lý giải Phần Lan có một cuộc “cách mạng” trong dạy và học vì họ có cơ sở lý luận chặt chẽ và thực tiễn. Trong khi đó, trường học của Việt Nam chỉ “học vẹt”, học thuộc.

Nhiều nước trên thế giới coi việc học để làm chứ không phải học để vẽ ra những điều không có thực.Trong khi đó, tại Việt Nam dạy quá nhiều lý thuyết, không gắn với đời sống thực.

Phạm Thịnh
Bình luận
vtcnews.vn