Giảng viên trẻ sở hữu hàng loạt giải thưởng nhiếp ảnh ‘khủng’

Giáo dụcThứ Hai, 30/05/2016 18:36:00 +07:00

Không chỉ là một nhiếp ảnh gia trẻ tuổi, tài năng và gặt hái những giải thưởng khiến nhiều ngưỡng mộ, Trần Bảo Hòa còn là một giảng viên tâm huyết của ngành Thiết kế đồ họa Cao đẳng thực hành FPT Polytechnic Tây Nguyên.

Sinh năm 1986 tại xã Hòa Đông, huyện Krông Pắk, Đắk Lắk, sau khi tốt nghiệp đại học, Trần Bảo Hòa sống 2 năm tại Sài Gòn và lập nghiệp với nghề thiết kế. Tuy nhiên, vì quá yêu những khung hình, anh quyết định nghỉ việc tại đây một năm để theo đuổi những chuyến đi, sau đó lựa chọn công việc tại Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Krông Pắk để có thể tiếp tục phát triển bản thân trong lĩnh vực nhiếp ảnh.

Trần Bảo Hòa hiện đang làm việc tại Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Krông Pắk, là hội viên Chi hội Văn học nghệ thuật tỉnh Đắk Lắk, hội viên hội Nghệ sỹ Nhiếp ảnh Việt Nam và giảng viên bộ môn Nhiếp ảnh tại Cao đẳng thực hành FPT Polytechnic Tây Nguyên. 

Chia sẻ về niềm đam mê của mình, Hòa cho biết: “Tôi tự cho mình là người khá tham lam khi yêu thích và muốn khám phá tất cả những điều xảy ra trong cuộc sống. Nhờ những chuyến đi, tôi thấy được nhiều hơn nét đẹp văn hóa các vùng miền, thấy mọi điều quanh mình đều gần gũi, thân thương.”

Yêu thích những điều chân thật, thực tế và không ngại những khó khăn, Bảo Hòa từng bỏ ra 3 – 4 ngày nằm ở một địa điểm đợi ánh sáng rực rỡ bình minh, đợi ráng đỏ hoàng hôn, đợi một đám bây trắng bay qua… để chụp bằng được bức ảnh mà bản thân ấp ủ.

Cũng nhờ những nỗ lực và cố gắng không ngừng mà dù tuổi đời còn rất trẻ, chàng trai này đã có được bề dày thành tích đáng nể, khiến nhiều người, thậm chí cả những người theo đuổi ảnh nghệ thuật hàng chục năm cũng phải ước mơ.

Năm 2013, lần đầu tiên tham dự Cuộc thi nhiếp ảnh nghệ thuật quốc tế lần thứ 7, cuộc so tài lớn hút tới 1.427 tác giả thuộc 51 quốc gia trong và ngoài nước Trần Bảo Hòa đã khiến giới Nhiếp ảnh sửng sốt vượt qua 15.360 tác phẩm dự thi để nhận được Bằng danh dự cho tác phẩm “Trong nắng mai” và được chọn bốn tác phẩm tham gia triển lãm.

Những năm sau đó, Hòa liên tục đạt những thành tích đáng nể: giải Khuyến khích liên hoan ảnh nghệ thuật miền Trung và Tây Nguyên năm 2013 với tác phẩm “Trong nắng mai”, giải Khuyến khích Cuộc thi quốc tế lần thứ 7 tại Việt Nam năm 2013; “Sài Gòn tỏa sáng”, bằng danh dự Cuộc thi quốc tế Gia Định năm 2014.

Đặc biệt, tại Liên hoan ảnh nghệ thuật miền Trung và Tây Nguyên năm 2015, anh đoạt 1 Huy chương vàng với tác phẩm “Hội vật truyền thống xã Vụ Bổn”, 1 Huy chương đồng với tác phẩm “Lớp học truyền thống”, 2 giải Khuyến khích với tác phẩm “Ngày hạnh phúc” và “Trò chơi ngày hè”.

Tại cuộc thi ảnh quốc tế lần thứ 8 tại Việt Nam năm 2015 chàng trai này tiếp tục đoạt 1 giải Khuyến khích VAPA với tác phẩm “Không đề”, 1 bằng danh dự FIAP, 1 bằng danh dự ISF với tác phẩm “Hội vật truyền thống” và 6 tác phẩm triển lãm…

Tác phẩm “Hội vật truyền thống” của nhiếp ảnh trẻ Bảo Hòa đoạt Huy chương vàng Liên hoan ảnh nghệ thuật miền Trung và Tây Nguyên năm 2015. 

Không chỉ là một nhiếp ảnh gia tài năng, Trần Bảo Hòa còn là một giảng viên tâm huyết, biết cách “truyền lửa” cho thế hệ sau và được nhiều sinh viên Cao đẳng thực hành FPT Polytechnic Tây Nguyên “thần tượng”.

Anh chia sẻ về cơ duyên đặc biệt: “Trước đây, tôi từng mời một sinh viên của trường về làm mẫu ảnh. Sau này, khi Ban giám hiệu Cao đẳng thực hành FPT Polytechnic ngỏ lời mời giảng dạy. Tại trường, tôi vô tình gặp lại người bạn cũ của mình đang công tác tại đây. Cũng có lẽ bởi niềm vui ấy cùng những mối duyên đặc biệt, tôi đã quyết định nhận lời giảng dạy tại trường“.

Thời gian đầu, anh Hòa cũng gặp những khó khăn khi làm việc trong môi trường mới, tuy nhiên, nhờ có tinh thân chịu khó tìm tòi, học hỏi và chia sẻ của các em sinh viên và đồng nghiệp nên anh dần trở nên thích thú với việc giảng dạy bộ môn này.

Tác phẩm “Thiếu nữ Tây Nguyên” với mẫu là nữ sinh Chu Hồ Thùy Dung của Cao đẳng thực hành FPT Polytechnic Tây Nguyên. 

Với kinh nghiệm và khả năng trong nhiếp ảnh, mỗi giờ học của “thầy Hòa” chưa bao giờ là lý thuyết nhàm chán và sáo rỗng. Anh được sinh viên “thần tượng” bởi cách giảng dạy thú vị, thực tế và khả năng truyền cảm hứng với nghề.

Thay vào đó, sinh viên luôn thấy thoải mái, thú vị và tiếp thu kiến thức rất tự nhiên qua những buổi học thực tế, những chuyến đi để tìm ý tưởng tuyệt vời. Vui vẻ trong giờ học, thoải mái chia sẻ kinh nghiệm và kỹ năng, tuy nhiên Bảo Hòa cũng là một người thầy khá nghiêm khắc, đòi hỏi cao về kiến thức chuyên môn.

Ngoài giờ học, thầy Hòa còn là người bạn để các bạn sinh viên chia sẻ tình cảm, tâm tư. Cũng chính bởi sự quan tâm, gần gũi đó mà lớp học của thầy lúc nào cũng đầy đủ, thậm chí đông hơn do sinh viên khóa trước cũng xin phép được học “ké” mỗi khi có tiết của thầy.

Bạn Nguyễn Thị Thanh Trân – sinh viên chuyên ngành Thiết kế đồ họa – Mỹ thuật đa phương tiện chia sẻ: “Thầy Hòa là một người nhiệt tình, thường quan tâm giúp đỡ sinh viên. Không chỉ dạy kiến thức về nhiếp ảnh, thầy còn dạy chúng mình về sự khiêm tốn và cả cách nhìn nhận trong cuộc sống”.

Đặc biệt yêu thương quê hương mình – mảnh đất Tây Nguyên, mỗi khi rảnh rỗi, anh Hòa lại dành thời gian cho việc chỉnh sửa hình ảnh, học hỏi kinh nghiệm từ đàn anh đi trước và tranh thủ tìm hiểu, rong ruổi khắp các thôn làng.

Mỗi bức ảnh của Bảo Hòa luôn mang hơi thở của cuộc sống bình dị. Có bức ảnh thể hiện phong cảnh hùng vĩ của núi rừng, bức lại thể hiện đậm nét văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số đa dạng, lâu đời qua hình ảnh lễ hội, những cụ già bên bếp lửa, những đứa trẻ nô đùa với trò chơi…

Những hình ảnh nhiếp ảnh gia này ghi lại luôn khiến người xem có ký ức đẹp, yêu mến Tây Nguyên và như lời mời gọi bạn bè trong nước và trên thế giới đến với một cao nguyên lung linh, huyền thoại, hồn hậu và mến khách.

Một số tác phẩm gây ấn tượng của nhiếp ảnh trẻ Bảo Hòa:

“Thành phố Buôn Ma Thuật” – Bức ảnh được Bảo Hòa chụp nhân ngày giải phóng tỉnh Đắk Lắk. 

“Tiên Nữ Bên Thác” – Hình ảnh thiếu nữ Ê Đê bên thác Thủy Tiên. 

“Sương sớm Nam Ka” – Tác phẩm tâm đắc nhất của nhiếp ảnh gia Bảo Hòa. Anh chia sẻ: “Nam Ka là nơi nhiều kỷ niệm giữa tôi với người dân sông nước, với thiên nhiên tươi đẹp. Đây cũng là bức ảnh khiến nhiều người biết và nhớ đến vùng đất Nam Ka.” 

“Một Mình” – Tác phẩm chụp cụ bà người Mơ Nông bên bếp lửa tại một buôn làng thuộc huyện Lắk. 

“Trò Chơi Ngày Hè” – Hình ảnh nhảy bao bố, trò chơi quen thuộc và gần gũi của trẻ em ở mỗi làng quê Việt. Đầu năm 2016, nhiếp ảnh gia Bảo Hòa vừa đoạt giải Nhì cuộc thi ảnh “Khám phá Việt Nam” do Bộ VH-TT&DL tổ chức với tác phẩm “Ngày hội Tràng An“. 

Hoàng Anh
Bình luận
vtcnews.vn