Giang Kim Đạt đã mắc tội tày đình nào khiến hắn bị đề nghị tử hình?

Pháp luậtChủ Nhật, 19/02/2017 12:17:00 +07:00

Tại phiên tòa xét xử vụ án tham nhũng tại Vinashinlines chiều 18/2, VKS đề nghị tử hình đối với Giang Kim Đạt (nguyên quyền trưởng phòng kinh doanh Vinashinlines).

Liên quan đến vụ án tham nhũng tại Công ty TNHH MTV vận tải Viễn dương (Vinashinlines), Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao (VKS) cũng đề nghị xử phạt bị cáo Trần Văn Liêm (nguyên Tổng giám đốc Tổng công ty Vinashin) tù chung thân; bị cáo Trần Văn Khương (nguyên kế toán trưởng Vinashinlines) 20 năm tù vì tội Tham ô.

Đề nghị xử phạt bị cáo Giang Văn Hiển (bố Giang Kim Đạt) từ 8 - 9 năm tù vì tội Rửa tiền. VKS đề nghị thu hồi số tiền thiệt hại trả lại cho Vinashinlines.

Riêng Giang Kim Đạt, VKS đề nghị tuyên phạt bị cáo mức án tử hình. Vậy, Giang Kim Đạt đã mắc tội tày đình nào khiến hắn bị đề nghị tử hình?

Tham ô 260 tỷ đồng

Theo cáo trạng, từ tháng 7/2006 đến tháng 3/2007, Trần Văn Liêm đã ký hợp đồng mua 3 con tàu Vinashin Summer, Vinashin Island và Vinashin Phoenix và giao cho Giang Kim Đạt thực hiện đàm phán mua tàu.

Trong quá trình thoả thuận, Đạt đã đàm phán với công ty môi giới là Marvin Shipping LTD mua tàu Vinashin Sumer của Panama với giá 6,25 triệu USD và sẽ được hưởng 2% trên tổng giá trị hợp đồng mua tàu. Trong số 2%, công ty môi giới trích lại 10% và số tiền còn lại là hơn 1,9 tỷ đồng được chuyển vào tài khoản mang tên Giang Văn Hiển.

20161027143511-giang-kim-dat-1477623246568

Giang Kim Đạt bị VKS đề nghị mức án tử hình. 

Tàu Vinashin Phoenix được mua với giá 21,55 triệu USD của Hy Lạp, Đạt cũng thoả thuận để được hưởng 2% hoa hồng. Số tiền chuyển vào tài khoản của Giang Văn Hiển lần này là gần 6,5 tỷ đồng.

Tàu Vinashin Island được mua với giá 5,95 triệu USD của Croatia. Đạt thoả thuận với Marvin Shipping LTD để được hưởng 3,75% và cũng trích lại 10% của tổng số tiền hoa hồng. Số tiền lần này chuyển vào tài khoản của Giang Văn Hiển là hơn 3 tỷ đồng.

Tổng số tiền “hoa hồng” từ hợp đồng mua ba con tàu nêu trên mà công ty môi giới gửi vào tài khoản mang tên Giang Văn Hiển là gần 11,5 tỷ đồng.

Từ tháng 5/2006 đến tháng 6/2008, thông qua các công ty môi giới, Liêm, Đạt và Khương đã thoả thuận, đàm phán với các chủ tàu gửi giá cước cho thuê 9 con tàu để chiếm đoạt tiền của Vinashinlines với tổng số tiền hơn 249 tỷ đồng.

Cáo trạng cho rằng, quá trình thực hiện dự án mua tàu và khai thác, kinh doanh cho thuê tàu biển, Liêm, Đạt và Khương đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt của Vinashinlines hơn 260 tỷ đồng.

Trong đó, Trần Văn Liêm chiếm đoạt 3,1 tỷ đồng, Giang Kim Đạt 255 tỷ đồng, Trần Văn Khương 110.000 USD.

Ngoài việc thực hiện chỉ đạo của Liêm, Đạt tỏ ra qua mặt Liêm khi tự nâng tỷ lệ phần trăm tiền gửi giá mà không hề báo cáo. Số tiền này cá nhân Đạt hưởng.

Theo cơ quan điều tra, tổng số tiền Đạt thỏa thuận chiếm hưởng thông qua việc thực hiện các hợp đồng mua và cho thuê tàu mà các đối tác của Vinashinlines gửi vào tài khoản của bố đẻ Đạt là hơn 260 tỷ đồng. Sau khi chi lại cho sếp Liêm hơn 3,1 tỷ, Đạt đút túi hơn 255 tỷ.

Để lấy lòng Liêm, Đạt đã bỏ tiền mua tặng vợ sếp xe ô tô Merceders và giúp Liêm tìm mua bất động sản. Về phần mình, số tiền hơn 255 tỷ đồng tham ô được, Đạt dùng để mua bất động sản tại Việt Nam và nước ngoài như tại Singapore, đặt cọc để mua và thuê 2 căn hộ chung cư tại vương quốc Anh… mua đi bán lại 13 ô tô đứng tên mình và người thân.

Cơ quan điều tra cũng đã xác minh, làm rõ nguồn gốc tài sản, tiến hành phong tỏa và kê biên 40 bất động sản của Đạt ở trong nước. Ngoài ra, CQĐT ủy thác tư pháp hình sự và ủy thác cho Cơ quan ở nước ngoài đề nghị phong tỏa, thu hồi số tiền, tài sản do Đạt tham ô mà có.

Khi bị phát hiện phạm tội, Giang Kim Đạt đã ôm hàng trăm tỷ bỏ trốn sang Campuchia và Singapore, đến ngày 7/7/2015 thì bị bắt.

c069edba

Đạt (trước vành móng ngựa) và các đồng phạm tại phiên tòa hôm 18/2. Ảnh Tuổi Trẻ 

Con đường quan lộ bất thường

Theo cáo trạng, Giang Kim Đạt, sinh năm 1977, quê ở huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình. Tháng 5/2006, Đạt được nhận vào làm tại Phòng khai thác 2 của Vinashinlines. 3 tháng sau, Đạt giữ chức Quyền trưởng phòng Kinh doanh và Quan hệ quốc tế. Đúng 1 năm sau, Đạt bị chấm dứt hợp đồng.

Tháng 4/2008, Vinashinlines lại nhận Đạt về làm cố vấn cấp cao cho Tổng Giám đốc nhưng chỉ 9 ngày sau lại bị cắt hợp đồng.

Đến tháng 5/2008, Đạt lại được tuyển dụng và bổ nhiệm làm Quyền trưởng phòng Kinh doanh và lại bị chấm dứt hợp đồng lao động sau hơn 1 tháng công tác.

Giải thích việc này, Giang Kim Đạt khai trước khi vào Vinashinlines, Đạt làm việc cho một Cty chuyên môi giới về hàng hải. Sau khi gặp Trần Văn Liêm, Đạt được Liêm mời ra Hà Nội làm việc. Giang Kim Đạt còn nói thêm mình là người môi giới tự do, không thích bó buộc thời gian khi làm việc ở cơ quan Nhà nước nên tháng 10/2007, anh ta xin nghỉ việc.

Tháng 4/2008, Liêm lại mời Đạt quay lại Cty để tham gia đàm phán việc tàu của Vinashinlines. Quyết định tuyển dụng đầu năm 2008 chỉ là để hợp thức hóa để Đạt có thể xuất ngoại, tham gia đàm phán. Sau đó, cũng vì giải quyết việc tàu của Vinashinlines bị bắt giữ, Đạt lại được tuyển dụng và chấm dứt hợp đồng nhưng không hề được hưởng bất kỳ chính sách nào của Cty.

Tại tòa, bị cáo Đạt khai số tiền có được là do công môi giới của mình, nhưng theo VKS, lời khai này là không có cơ sở. Đạt là cán bộ của Vinashinlines, được giao nhiệm vụ mua tàu. Số tiền chuyển về tài khoản của ông Hiển là do chênh lệch hoa hồng từ các thương vụ mua tàu.

VKS cho rằng, tại tòa, các bị cáo không thừa nhận hành vi, phủ nhận toàn bộ lời khai trước đó ở cơ quan điều tra nhưng đủ căn cứ truy tố bị cáo Khiêm, Liêm và Đạt phạm tội Tham ô.

Video: 5 năm lần theo dấu vết Trưởng phòng Vinashinlines

Giang Thanh (tổng hợp)
Bình luận
vtcnews.vn