Giang hồ lừa đảo trên xe buýt: Đề nghị công an vào cuộc

Thời sựThứ Tư, 16/11/2016 11:46:00 +07:00

Ngành giao thông đã có đề nghị với lực lượng công an cần nhanh chóng trấn áp các nhóm lừa đảo, để mang lại sự bình an cho hành khách đi xe buýt.

Ngày 15/11, ông Nguyễn Thành Tài - giám đốc Trung tâm Quản lý và điều hành vận tải hành khách công cộng (Sở GTVT Đồng Nai) cho biết, đơn vị vừa có văn bản đề nghị Phòng cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (PC45) Công an Đồng Nai kiểm tra, xử lý các đối tượng lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của hành khách trên xe buýt.

Sau khi cùng đồng bọn chiếm đoạt tài sản trên xe khách Quang Hạnh sáng 9-11, Chánh “già” và Sơn “móm” xuống xe chia tiền ngay trạm thu phí cầu Đồng Nai

Sau khi cùng đồng bọn chiếm đoạt tài sản trên xe khách Quang Hạnh sáng 9-11, Chánh “già” và Sơn “móm” xuống xe chia tiền ngay trạm thu phí cầu Đồng Nai

Tuyến xe buýt nào 
cũng có...

Theo ông Tài, qua công tác theo dõi, nắm bắt tình hình thực tế, đồng thời từ phản ảnh của hành khách, trung tâm đánh giá tình trạng móc túi, trộm cắp, lừa đảo, trấn lột tài sản của khách trên các tuyến xe buýt có chiều hướng gia tăng.

Cụ thể, tình trạng này bùng phát và trải rộng trên khắp các tuyến xe buýt trong địa bàn tỉnh gồm: tuyến số 11, 12, 16, 18, 601, 602, trong đó nhiều nhất là tuyến 12 và 601.

Địa bàn thường xảy ra các hiện tượng này chủ yếu nằm trên trục quốc lộ 1, đoạn từ Bệnh viện Thánh Tâm (Đồng Nai) đến khu vực Suối Tiên (TP.HCM).

Ngoài ra, tình trạng này còn xảy ra trên quốc lộ 51 trên các tuyến xe buýt 11, 603.

“Ngoài việc nâng cao tinh thần cảnh giác, các đơn vị này phải dán thông tin cảnh báo trên xe buýt để hành khách cảnh giác. Trong trường hợp xảy ra hiện tượng móc túi, lừa đảo tài sản thì phải phối hợp với hành khách trấn áp bắt giữ đối tượng, đồng thời báo cho cơ quan công an để kịp thời xử lý” - ông Tài nói.

Trong khi đó, ông Trần Chí Trung - giám đốc Trung tâm Quản lý và điều hành vận tải hành khách công cộng TP.HCM - cho biết qua báo chí, trung tâm đã tiếp nhận thông tin về việc các băng nhóm hành hung trên những tuyến xe buýt liên tỉnh giữa TP.HCM và Đồng Nai.

“Đơn vị đã gửi văn bản cho Phòng cảnh sát hình sự (Công an TP) để phối hợp xử lý. Bên cạnh đó, để phòng ngừa tình trạng nêu trên, trung tâm đã yêu cầu các đơn vị phải gắn ba camera trên mỗi xe để quan sát, đồng thời đảm bảo tình hình trật tự, an toàn cho người dân”, ông Trung khẳng định.

Sau khi chiếm đoạt tiền của hành khách, nhóm giang hồ xuống xe để tiếp tục hành trình lừa đảo mới

Sau khi chiếm đoạt tiền của hành khách, nhóm giang hồ xuống xe để tiếp tục hành trình lừa đảo mới

Chưa nhận được trình báo của người dân

Thượng tá Trịnh Văn Sâm - đội trưởng đội điều tra về trật tự xã hội (Công an Q.9, TP.HCM) - khẳng định thời gian qua đơn vị chưa nhận được bất kỳ trình báo của người bị hại về việc bị các băng nhóm giang hồ lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trên xe buýt.

Tuy nhiên, thượng tá Sâm cho biết qua công tác trinh sát địa bàn, xác định có tình trạng các đối tượng lừa bán “thần dược”, chiếm đoạt tài sản như báo chí nêu.

Video: Giang hồ chửi, đánh hành khách trên xe buýt

“Các đối tượng này thường lên xuống thất thường, chuyển địa bàn hoạt động liên tục và thường gây án ở khu vực qua nghĩa trang liệt sĩ, phía Bình Dương. Đơn vị nhiều lần cho trinh sát hóa trang ngồi trên xe buýt để “nhử” hoặc đóng xe ôm để điều tra nhưng chưa ghi nhận xảy ra vụ nào tại khu vực Suối Tiên”, thượng tá Sâm nói.

Theo thượng tá Sâm, trong đợt cao điểm từ nay đến tết để đấu tranh với các loại tội phạm cướp giật, cưỡng đoạt tài sản trên các tuyến xe buýt, đơn vị tung lực lượng phối hợp với đội hình sự đặc nhiệm Công an TP, mật phục tuần tra ngày đêm trên các tuyến đường như xa lộ Hà Nội, quốc lộ 1.

Trao đổi với PV, lãnh đạo Công an tỉnh Đồng Nai cho biết đã nắm bắt tình hình hoạt động của các băng nhóm mà báo phản ánh.

“Công an tỉnh đang trong quá trình thu thập chứng cứ, nắm bắt từng vụ việc, điều tra và sẽ đấu tranh triệt phá các nhóm lừa đảo này trong thời gian sớm nhất”,  lãnh đạo này nói.

Luật sư 
Nguyễn Hữu Thế Trạch (Đoàn luật sư TP.HCM): 

Có thể xử lý tội “cướp tài sản” 

Qua thông tin báo chí phản ánh, rõ ràng hành vi của các nhóm đối tượng này có dấu hiệu của các tội: “cưỡng đoạt tài sản”, “cướp tài sản” và “cố ý gây thương tích”. 

Cụ thể, đối với hành vi đánh hành khách của ông Cường có thể xử phạt hành chính theo quy định tại điểm e, khoản 3, điều 5 nghị định 167/2013/NĐCP về hành vi xâm hại đến sức khỏe người khác.  

Tùy theo mức độ, hành vi này có thể xử lý về tội cố ý gây thương tích. Nếu hành vi đánh này nhằm chiếm đoạt tài sản thì ông Cường có thể bị xử lý về tội “cướp tài sản” theo điều 133 Bộ luật hình sự 1999. 

Đối với hành vi lừa bán thuốc, sau đó đe dọa và trực tiếp lấy tiền của khách có thể cấu thành tội “cưỡng đoạt tài sản”, theo quy định tại điều 135 Bộ luật hình sự 1999.  

Ngoài ra, các đối tượng trên đều thực hiện hành vi một cách chuyên nghiệp, có tổ chức và phạm tội nhiều lần, đây được xem là tình tiết tăng nặng khi tiến hành xử lý. 

                          Người tố "tài xế xe buýt một tay lái xe, một tay nghe điện thoại" bị đuổi việc

(Nguồn: Tuổi Trẻ)
Bình luận
vtcnews.vn