Giảng đường vắng hoe vì SV "bận" đi lễ, ngủ, đánh bài

Thời sựChủ Nhật, 07/03/2010 09:59:00 +07:00

(VTC News) - SV tích cực đánh bài sau mỗi giờ ra chơi, trốn tiết, ngủ gật, lớp học vắng hoe... đó là hình ảnh của không ít giảng đường sau Tết.

(VTC News) - Tích cực... đánh bài sau mỗi giờ ra chơi, trốn tiết, ngủ gật, những hàng ghế cuối thường vắng hoe... đó là hình ảnh của không ít giảng đường sau kỳ nghỉ tết. Mặc dù nhập học đã trôi qua 2 tuần nhưng với một số sinh viên dường như vẫn chưa hết tết.

“Tháng giêng là tháng ăn chơi”

Tâm lý trên bao trùm không khí lớp học. Thường những buổi học đầu tiên của năm mới, thầy và trò đều rất thoải mái. Nhiều lớp học được thầy cô lì xì. Tận dụng luôn điều này có lớp còn xin lì xì bằng cách không điểm danh hoặc không kiểm tra bài tập. Năm mới, không ai muốn bị điểm thấp vì sợ “dông” cả năm.

Đã nhập học được hơn 1 tuần nhưng nhiều giảng đường vẫn vắng hoe.

“Ra tết nghỉ học là bình thường, lớp em năm nào cũng thế, cứ phải mất gần 2 tuần chỉ có nửa lớp đi học mà chủ yếu là các bạn nữ chăm chỉ mới đi”, Nguyễn Văn Lương (ĐHKTQD) cho biết.


Có giờ giảng của lớp Dự án và quản lý dự án công trình giao thông (ĐHGTVT) chỉ có trên 20 SV đi học. Một số giảng đường trường ĐHKHXH&NV cũng thưa thớt SV. “Lớp em, có nhiều ban còn đang ở quê, một số bạn thì đi hội, đi đền chùa nên lớp học không đông đủ như ngày thường”, Nguyễn Thị Thu, K54 khoa Chính trị học giải thích.

Giảng đường vắng SV nhưng những câu chuyện vui ngày tết vẫn cứ lấp dần lời giảng của thầy cô. Phía dưới bục giảng, rì rầm bàn tán chuyện nhậu nhẹt mấy hôm tết, chuyện tụ tập, gặp gỡ đầu năm, chuyện ngày lễ tình nhân của mấy bạn nữ… Qua những cậu chuyện, dễ thấy dư vị tết của SV vẫn còn rất đậm đà.

Ra chơi, khu vực cuối lớp lại ầm ĩ đánh bài ăn tiền. Xòe những quân bài trên tay một cách điêu luyện, một nam SV phân trần: “Thỉnh thoảng bọn em mới chơi, nhưng mấy hôm nay vừa ở quê lên, có tiền lì xì nên đứa nào cũng hăng. Chỉ chơi 5 đến 10.000 đồng thôi nhưng có đứa lãi đến vài trăm đó?! Đánh xong anh em lại ra căng-tin uống nước, lúc nào điểm danh thì có bạn trong lớp gọi vào”.
"Chỉ chơi 5 đến 10k thôi nhưng có đứa lãi đến vài trăm đó?" 

1001 lý do để... không đến lớp

Nhậu say, mệt, ngủ quên và nghỉ học, đó là quy trình của không ít nam sinh trong những ngày thường không riêng gì Tết. Ra Tết họ lại càng có nhiều lý do để nhậu: chúc mừng năm mới, họp mặt sau lâu ngày “xa cách”… Họp cũng có dăm ba loại nhóm: họp bàn, họp hội đồng hương lớp, họp nhóm thân…  vì ví tiền vẫn đang rủng rỉnh.

Đầu năm phải/... mừng ngày họp mặt!

Quê ở Thái Bình, hiện đang học tại Cao đẳng trang trí mỹ thuật Đồng Nai, Nguyễn Thanh Bình lý giải cho việc vào trường muộn của mình: “Cả năm được về nhà một dịp tết nên em muốn ở lại lâu hơn với gia đình. Trước tết em cũng xin nghỉ mấy ngày”. Đây là lựa chọn của khá nhiều sinh viên đi học xa nhà.

Và sau những cuộc hội họp, SV tranh thủ ngủ khi lên giảng đường 

Không ở nhà cùng cha mẹ, không đến trường học, một số ít bạn có điều kiện đã tổ chức đi “phượt” đầu năm. Nhóm của Liên (ĐHKHXH&NV) và Phong (ĐH Công nghiệp) rủ nhau đi Hà Giang. Lên kế hoạch từ trước tết, sau tết ai cũng sẽ có tiền nên họ hẹn nhau tập trung trên Hà Nội để đi. Chuyến đi dài hơn một tuần và dự kiến chi phí tầm… 1 triệu. Liên cho biết: “Đi đông có cả nam và nữ vừa vui vừa rẻ mà quan trọng là mình được trải nghiệm và trưởng thành lên rất nhiều”.

Chưa biết các bạn được trải nghiệm bao nhiêu, trưởng thành bao nhiêu nhưng giảng đường nơi nhiệm vụ chính của họ cần được thực hiện thì lại “trống vắng đến nao lòng”.

Thạc sỹ Đặng Hương Giang, trưởng phòng công tác chính trị sinh viên Đại học Thủy Lợi 
Nói về các biện pháp khắc phục tình trạng SV “chưa chịu đến lớp”, Th.s Đặng Hương Giang - Trưởng phòng chính trị và công tác SV, ĐH Thủy Lợi cho biết: “Những SV nghỉ học đầu năm hoặc là do phương tiện giao thông không thuận lợi nên lên học muộn. Số còn lại có thể thuộc những thành phần SV cá biệt. Đối với những SV này, nhà trường có tổ chức thi lại vào đầu năm, đó là một trong những hình thức để SV lên đi học đầy đủ.

Nhà trường cũng thành lập tổ quản lý tình hình giảng dạy và học tập của các lớp học theo tín chỉ. Tổ điểm danh này có trên 10 thành viên là các trợ lý đào tạo của các khoa và các chuyên viên của một số phòng như: phòng đào tạo, phòng quản lý sinh viên, phòng khảo thí, kiểm định chất lượng, phòng quản trị. Các thành viên sẽ trực tiếp phát và thu phiếu điểm danh cho từng sinh viên.

Ngoài ra việc điểm tổng kết học phần của SV sẽ bao gồm điểm quá trình và điểm thi. Một tiêu chí bắt buộc trong 7 tiêu chí của điểm quá trình là SV lên lớp. Tỷ lệ lên lớp của sinh viên cũng được đánh giá trong điểm rèn luyện cuối kỳ”.

Quỳnh Trang


Hương Giang
Bình luận
vtcnews.vn