Giàn khoan Trung Quốc nới rộng khu vực cấm trên biển Việt Nam

Thế giớiThứ Hai, 05/05/2014 05:32:00 +07:00

Cục Hải sự Trung Quốc ngày 5/5 đã mở rộng bán kính cấm tàu thuyền lai vãng quanh giàn khoan Hải Dương 981 đang ở trái phép trên vùng biển Việt Nam.

Hãng tin Reuters cho biết Cục Hải sự Trung Quốc ngày 5/5 đã mở rộng bán kính cấm tàu thuyền lai vãng quanh giàn khoan Hải Dương 981 đang ở trái phép trên vùng biển Việt Nam lên 3 dặm (4,8 km) so với 1 dặm công bố ngày 3/5.

Giàn khoan dầu khí nửa nổi nửa chìm này trước đó hoạt động ở vùng biển phía nam Hồng Kông và đảo Hải Nam, đã được dời xuống gần quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam và ở trong phạm vi vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam, cách bờ biển Việt Nam 120 hải lý (221 km). Tập đoàn dầu khí CNOOC lớn thứ 3 Trung Quốc ngang ngược tuyên bố tiến hành khoan thăm dò từ ngày 4/5 đến 15/8/2014 tại khu vực này.
Việc Trung Quốc đưa giàn khoan dầu khí Hải Dương 981 khoan trái phép trên vùng biển Việt Nam gây thêm căng thẳng giữa hai nước và khu vực.  
Ngày 3/5, Cục Hải sự Trung Quốc thông báo vị trí tọa độ của giàn khoan này, yêu cầu tàu thuyền các nước tránh xa bán kính 1 dặm (1,6 km) quanh giàn khoan.
Ngày 4/5, Bộ Ngoại giao Việt Nam lên tiếng phản đối giàn khoan này vi phạm vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam. Nhưng bất chấp, ngày 5/5 Cục Hải sự Trung Quốc lại mở rộng bán kính cấm quanh giàn khoan từ 1 dặm lên 3 dặm (4,8 km), theo Reuters.
Hãng tin AP ngày 5/5 bình luận rằng đây là hành động mới nhất trong chuỗi hành động mang tính khiêu khích của Bắc Kinh trên Biển Đông, gây nên căng thẳng với các nước ASEAN và lôi kéo sự chú ý của Mỹ.
Bản đồ minh họa vị trí giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc hạ đặt trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam - Nguồn: Tập đoàn Dầu khí Việt Nam 
Hành vi này diễn ra trước thềm hội nghị thượng đỉnh ASEAN - Trung Quốc sắp diễn ra tại Myanmar từ 10-11.5 tới đây, trong đó có việc bàn thảo một Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) để giảm các căng thẳng trên vùng biển này.
Nhiều nhà phân tích tin rằng Trung Quốc đang thực hiện một chiến lược từng bước gây sức ép qua tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông, và Trung Quốc tin rằng các nước láng giềng nhỏ hơn sẽ không thể hoặc không sẵn sàng để ngăn chặn hành động này.
Video: Trung Quốc đưa giàn khoan hoạt động năm 2012
Việt Nam từng lên án Trung Quốc có những hành động khiêu khích như cắt cáp tàu thăm dò hải dương của Việt Nam trên Biển Đông, rượt đuổi và đánh đập ngư dân Việt Nam và Philippines...
Tập đoàn dầu khi CNOOC năm 2012 đã mời các công ty dầu khí nước ngoài tham gia khai thác 9 lô trên Biển Đông, hành động bị Việt Nam lên án là bất hợp pháp vì vi phạm thềm lục địa của Việt Nam.
Giàn khoan dầu khí 'khủng' nhất
Giàn khoan dầu khí Haiyang Shiyou 981 (Hải Dương 981) của tập đoàn dầu khí CNOOC (Trung Quốc) là giàn khoan lớn nhất mà Trung Quốc tự đóng, hoàn thành cuối năm 2011, chi phí 935 triệu USD.
Đây là siêu giàn khoan do Trung Quốc tự đóng - Ảnh: chinasmack.com  
Theo thông báo của CNOOC, đây là giàn khoan kiểu nửa chìm nửa nổi và là “siêu giàn khoan” đầu tiên do Trung Quốc tự sản xuất. Với chiều cao 138 m, chiều dài mặt sàn hơn 114 m, rộng 90 m, nặng 30.000 tấn, giàn khoan này có thể hoạt động ở vùng biển sâu 3.000 m, độ sâu giếng khoan tối đa 12.000 m.
Ngày 9/5/2012, giàn khoan này được đưa ra lòng chảo Châu Giang, cách Hồng Kông khoảng 300 km, gần sát đảo Hải Nam và tương đối gần Philippines.
Biển Đông được đánh giá là có trữ lượng 7-8 tỉ thùng dầu và hàng trăm tỉ m3 khí đốt.

Theo tinnong.vn
Bình luận
vtcnews.vn