Giảm lãi suất cho vay: Sướng nhất là bất động sản?

Kinh tếChủ Nhật, 15/07/2012 09:24:00 +07:00

Bất động sản cũng có cơ may trở thành lĩnh vực được xếp vào dạng ưu tiên bơm vốn và thích nghi với mặt bằng lãi suất cho vay thấp hơn hẳn.

Sẽ không có gì quá bất ngờ nếu trong tháng 7 này, mọi chuyện diễn ra theo “tính toán” của nhóm ngân hàng. Bất động sản cũng có cơ may trở thành lĩnh vực được xếp vào dạng ưu tiên bơm vốn và thích nghi với mặt bằng lãi suất cho vay thấp hơn hẳn.

Dễ với ngân hàng lớn
 
Mối hoài nghi về yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất cho vay nợ cũ dưới 15% đã bắt đầu tan băng. Bốn ngày sau lời “hiệu triệu” của Thống đốc Ngân hàng, Vietcombank cùng với Vietinbank và SHB đã trở thành ba đầu tàu tham gia sớm vào cuộc đua mới. Một số ngân hàng khác cũng đang nhấp nháy tín hiệu không đứng ngoài cuộc.

Có vẻ như bầu không khí của đợt giảm trần lãi suất huy động về 9% vào đầu tháng 6/2012 đang tái hiện. Lần này, vẫn là Vietcombank đi tiên phong, giống như việc chính ngân hàng này đã tiên phong trong suốt thời gian từ đầu tháng 3/2012 đến nay.
 
Cũng có vẻ như không nhất thiết cần đến một bản chỉ thị về việc kéo giảm lãi suất cho vay nợ cũ về dưới 15%, dù hình thức văn bản vẫn là một chủ đề khiến Ngân hàng Nhà nước trở nên thận trọng một cách “bất thường” trong những ngày qua.

Với Vietcombank, những khoản nợ cũ với lãi suất cho vay cao chỉ chiếm khoảng 25%. Do đó, theo lãnh đạo ngân hàng này là khá dễ dàng để giải quyết. Hơn nữa, với đa số các ngân hàng nằm trong nhóm G14, đặc quyền được tái cấp vốn với lãi suất thấp đã tạo cho họ một lợi thế khi cần phải thực hiện bình quân giá đối với các món cho vay. Cũng bởi thế, không ngạc nhiên khi những ngân hàng thương mại lớn đã khá sẵn lòng hưởng ứng lời kêu gọi hạ lãi suất cho vay của Ngân hàng Nhà nước, dù hành động đó sẽ khiến cho hầu bao của họ bớt căng phồng.
 
Nhưng với một số ngân hàng nhỏ thì mọi chuyện vẫn cần phải cân nhắc. Không có được lợi thế lớn như các ngân hàng lớn, họ đành phải ngậm ngùi chiều theo xu thế chung. Tuy thế, họ cũng thừa hiểu một điều quan yếu là ngân hàng càng giảm mạnh lãi suất thì không những dễ gây thiện cảm với khách hàng mà còn thuận lợi hơn trong việc cho vay thêm, tức có thể đẩy thêm vốn ra thị trường.

“Con sóng” tăng lãi suất huy động từ tháng 6/2012 đến nay đã là một minh chứng cho điều quan yếu trên. Trong suốt chiều dài con sóng này, Ngân hàng Phương Tây đã trở thành cái tên lẻ loi  và lạc nhịp. Là ngân hàng đầu tiên đẩy lãi suất huy động kỳ hạn trên 12 tháng lên 14%, nhưng chỉ ba ngày sau ngân hàng này đã phải rút xuống 12,5%. Gần đây nhất, mức lãi suất huy động đó chỉ còn 12%. Thế tương quan như thế cũng cho thấy đà giảm lãi suất huy động trong một tháng qua là khá bền vững, và ngay cả một số ngân hàng nhỏ dù vẫn khó khăn về thanh khoản cũng không sẵn sàng tham gia vào cuộc đua tăng lãi suất huy động.

Không quá đau đầu đối với các ngân hàng lớn, nhưng vấn đề còn lại của các ngân hàng nhỏ lại làm sao phải phân loại một cách chi tiết các khoản vay cũ, cũng như phải thống nhất về tính thời điểm cho các khoản vay này. Chẳng hạn lấy thời điểm vào cuối năm ngoái hay từ ngày 23/4/2012, khi Ngân hàng Nhà nước đưa ra yêu cầu tái cơ cấu nợ vay. Hoặc, áp mức vay 15% và dưới đó cho mọi khách hàng hay cần phân chia theo nhóm ưu tiên và không ưu tiên…

 

Trong khi đó, các ngân hàng lớn lại tỏ ra khoáng đạt hơn khá nhiều. Sau một thời gian co kéo, Eximbank đã trở thành ngân hàng đầu tiên áp mức lãi suất cho vay 7% đối với mọi khách hàng cá nhân và doanh nghiệp. Gần đây nhất, Vietcombak cũng đi theo hướng tương tự khi không phân biệt hai phạm trù nhỏ lẻ với tổ chức.
 
Con sóng “đánh xuống” lãi suất cho vay đang hình thành một cách cấp tập.
 
15% sẽ bền vững?

Vậy những nguyên do nào đã kết tạo nên xu hướng cho vay đại trà không phân biệt nhóm khách hàng?

Ngoài yêu cầu về giải phóng vốn tồn ứ mà vẫn thường được các ngân hàng “tụng” mỗi ngày, bản thân họ cũng cần đặc biệt quan tâm đến đối tượng khách hàng cá nhân có điều kiện vay vốn để mua nhà – trong đó có nhà thuộc những dự án mà ngân hàng tài trợ vốn hoặc có cổ phần trong doanh nghiệp chủ đầu tư. Cũng bởi thế, chẳng có gì ngạc nhiên khi xu thế cho vay bất động sản đang chiếm thế chủ đạo trong toàn bộ hoạt động cho vay của các ngân hàng lớn nhỏ, từ BIDV đến An Bình và lan ra nhiều ngân hàng khác.

Một thông tin khác cũng củng cố thêm cho xu hướng trên. Trong một cuộc họp với Ủy ban nhân dân TP.HCM vào đầu tháng 7/2012, lãnh đạo của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM đã dự báo khả năng hầu hết các ngân hàng sẽ thực hiện đúng yêu cầu giảm lãi suất cho vay nợ cũ về dưới 15% từ ngày 15/7, đồng thời cho biết cơ quan này sẽ phối hợp với Sở Xây dựng và Hiệp hội Bất động sản TP.HCM để triển khai vốn cho vay đối với một số công trình xây dựng nhà ở còn dang dở. Tín dụng cho bất động sản cũng vì thế mà sẽ tăng hơn những lĩnh vực khác trong nửa cuối năm 2012, với độ tăng thêm khoảng 4%.
 
Sẽ không có gì quá bất ngờ nếu trong tháng 7 này, mọi chuyện diễn ra theo “tính toán” của nhóm ngân hàng. Sau một thời gian được cho là “ngấm thuốc” đối với nhóm doanh nghiệp được khuyến khích, bất động sản cũng có cơ may trở thành lĩnh vực được xếp vào dạng ưu tiên bơm vốn và thích nghi với mặt bằng lãi suất cho vay thấp hơn hẳn. Cơ chế “áp trần” lãi suất cho vay đối với lĩnh vực này xem ra đang có dấu hiệu khả thi. Thậm chí, Vietcombank đang tạo ra một hiện tượng chưa có tiền lệ khi đưa ra mức lãi suất cho vay 0% trong năm đầu tiên cho khách hàng mua dự án mà ngân hàng này tài trợ.

Xét theo xu hướng và những dấu hiệu cung tín dụng như trên, xem ra trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước lại dần nhẹ gánh. Như đã đề cập, để kéo giảm lãi suất cho vay nợ cũ về dưới 15%, cơ quan này không nhất thiết mà thực tế cũng không thể ban hành một chỉ thị hay thông tư mang tính pháp quy. Nhưng điều cần thiết hơn lại là một bản hướng dẫn chi tiết cho các ngân hàng thương mại để làm sao có thể phân loại các khoản vay và đối tượng khách hàng một cách hợp lý nhất, tạo cơ sở cho “chiến dịch 15%” bắt đầu có kết quả từ ngày 15/7/2012.

Theo VEF

Bình luận
vtcnews.vn