Giám đốc bệnh viện Nhi TW chia sẻ giải pháp hay giảm tải

Sức khỏeThứ Sáu, 06/02/2015 10:24:00 +07:00

Giám đốc bệnh viện Nhi TW Lê Thanh Hải chia sẻ giải pháp hay giảm tải bệnh viện tại tọa đàm “Giảm tải bệnh viện - Cam kết vì người bệnh”.

(VTC News) - Giám đốc bệnh viện Nhi TW Lê Thanh Hải chia sẻ giải pháp hay giảm tải bệnh viện tại tọa đàm “Giảm tải bệnh viện - Cam kết vì người bệnh”.

Cổng Thông tin điện tử Chính phủ vừa tổ chức cuộc Tọa đàm với chủ đề “Giảm tải bệnh viện - Cam kết vì người bệnh”. Chương trình có sự tham dự của Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Xuyên; ông Nguyễn Văn Tiên - Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội; cùng dự có đại diện Lãnh đạo các vụ, cục trực thuộc Bộ y tế và hai bệnh viện lớn là Bệnh viện Nhi Trung ương và Bệnh viện Việt Đức.

Tại buổi tọa đàm, ông Nguyễn Văn Tiên cho biết: “Khi nghe tin hơn 10 bệnh viện trung ương cam kết giảm tải không để bệnh nhân nằm ghép, chúng tôi rất mừng vì sự cố gắng tích cực của lãnh đạo BV, ngành Y tế.

Trong các phiên họp của Quốc hội, chúng tôi luôn chất vấn, nêu các vấn đề về việc mỗi chính sách, chủ trương chúng ta ban hành phải có chỉ tiêu, cam kết cụ thể chứ không chỉ nói chung chung rằng  sẽ thu hẹp phòng hành chính, mở rộng phòng khám, phòng điều trị để giảm tải mà phải có chỉ tiêu cụ thể, có thể định lượng được.

Và những cam kết cụ thể không để bệnh nhân nằm ghép của hơn 10 BV trung ương là một tín hiệu đáng mừng trong nỗ lực giảm tải BV của ngành Y tế, là biện pháp quản lý Nhà nước rất hữu hiệu”.

Còn Giám đốc bệnh viện Nhi TW, ông Lê Thanh Hải chia sẻ: “Hơn 4 tháng nay, BV Nhi Trung ương không còn bệnh nhân nằm ghép. Dù trước đó, khi dịch sởi hoành hành vào đầu năm 2014, tại bệnh viện, tình trạng bệnh nhân nằm ghép 3-4 cháu/giường.

Giám đốc bệnh viện Nhi TW, ông Lê Thanh Hải 
Việc nằm ghép khiến gia tăng tình trạng lây nhiễm bệnh. Bệnh nhân phải nằm viện kéo dài, tình trạng bệnh nhân nặng lên, thậm chí gây tử vong.
Điều này ảnh hưởng lớn tới nguồn kinh phí hoạt động của bệnh viện và xã hội.

Từ đó, chúng tôi đặt vấn đề liệu có tránh được nằm ghép tại BV Nhi Trung ương hay không. Và qua phân tích, đánh giá tình hình, tình trạng bệnh nhân cho thấy khoảng 30% bệnh nhân điều trị nội trú không cần thiết phải nằm tại BV Nhi Trung ương.


Dựa trên suy nghĩ đó, chúng tôi thực hiện rất nhiều biện pháp tổng hợp để thực hiện giải quyết vấn đề tưởng đơn giản, dễ nhưng rất khó là nỗ lực của toàn bộ cán bộ BV cùng sự giúp đỡ của Bộ Y tế, nhà hảo tâm, bằng 3 nhóm giải pháp”.

Nhóm giải pháp mà BV Nhi Trung ương áp dụng là: Thứ nhất, ở khu vực phòng khám, từ chỗ 30-40 phòng, bệnh viện xây thêm lên thành 60 phòng khám.

Thứ hai, bệnh viện đánh giá lượng, nhu cầu bệnh nhân đến khám vào từng thời điểm trong ngày, tuần, tháng để sắp xếp lại đội ngũ cán bộ phù hợp để làm sao khi dân tới khám bệnh đáp ứng được ngay.

Các bác sỹ, điều dưỡng ra trực tiếp khám tại đó phải là bác sỹ có kinh nghiệm, điều dưỡng giao tiếp tốt để làm sao cải cách hành chính ở đó, khiến thời gian khám, chờ xét nghiệm, làm thủ tục… giảm nhưng thời gian bác sỹ trực tiếp khám và tư vấn kéo dài hơn.

Từ chỗ mỗi bác sỹ khám 100 bệnh nhân/ngày, giảm xuống còn 40-50 bệnh nhân/ngày, để bác sỹ có thời gian tư vấn tốt hơn, người nhà hiểu được bệnh và chăm sóc cho con mình nếu phải điều trị tại nhà hoặc tuyến dưới.

Tình trạng quá tải diễn ra ở nhiều bệnh viện.
Thứ ba, có một số nhóm bệnh nhân mà thầy thuốc và người nhà đang phân vân có nên điều trị ngoại trú hay chuyển về tuyến trước hay phải nhập viện, bệnh viện thành lập thêm đơn vị chăm sóc trong thời gian ngắn, chăm sóc trong ngày để trong thời gian 4-5 tiếng, các bác sỹ, điều dưỡng vẫn tiếp tục theo dõi bệnh nhân và đánh giá, chờ đợi kết quả xét nghiệm.


Nếu thấy nhất thiết cần nhập viện thì cho nhập, còn nếu có thể điều trị tại nhà thì hướng dẫn cho điều trị tại nhà. Đồng thời, lập đường dây tư vấn để trực tiếp sau vài ba tiếng gọi lại nắm tình trạng bệnh nhân, nếu thấy ổn thì tiếp tục điều trị như thế, để tình trạng bệnh nhân được đảm bảo.

Trong trường hợp 4,5 tiếng hoặc 12 tiếng, 1 ngày sau nếu thấy diễn biến bệnh nhân bất ổn thì nhập viện  và các BV vệ tinh của BV Nhi Trung ương  hoặc những trường hợp ở Hà Nội có thể nhập lại  BV.

Trong khu nội trú, bệnh viện Nhi Trung ương triển khai thêm 300 giường bệnh có tính chất dành cho bệnh nhân cấp cứu và hồi sức. Bởi tại BV Nhi Trung ương, chủ yếu, khi đã chuyển lên BV Nhi Trung ương đều là bệnh nhân nặng, hoặc bệnh nhân khó.

Với khoảng 1.500 giường thì có khoảng 400-500 bệnh nhân cần phải cấp cứu, hồi sức, chăm sóc đặc biệt.  Chính vì thế, thời gian qua, BV Nhi Trung ương đã tập trung rất nhiều nguồn lực về con người cũng như cơ sở vật chất để giải quyết đặc điểm của bệnh nhân khi chuyển lên BV Nhi Trung ương là BV chuyên khoa tuyến cuối của Bộ Y tế”.

Giám đốc Lê Thanh Hải cho biết thêm: “Sự điều phối hợp lý số lượng bệnh nhân trong toàn BV đóng vai trò quan trọng. Chúng tôi đã yêu cầu đơn vị, phòng ban chức năng lên một thống kê số liệu bệnh nhân tại các khoa phòng tại các thời điểm sáng/trưa/chiều trước khi kết thúc ngày làm việc hành chính.

Dựa trên đó, chúng tôi biết bệnh nhân ở khoa nào có nguy cơ nằm ghép để điều phối sao cho mỗi bệnh nhân 1 giường và đồng thời yêu cầu các trưởng khoa, phó khoa, bác sỹ giàu kinh nghiệm đi khám chặt chẽ ngày 3 lần để phát hiện kịp thời bệnh nhân trở nặng để có can thiệp kịp thời”.

Nhóm giải pháp thứ ba mà bệnh viện này áp dụng là đề liên kết hệ thống. Tại Hà Nội, BV Nhi Trung ương liên kết với các BV chuyên khoa, như BV Việt Đức, K, Huyết học.

Đây là nơi có chuyên khoa đầu ngành để khi cần hội chẩn các bệnh nhân nặng,  bác sỹ có thể hội chẩn để chuyển bệnh nhân theo trường hợp chuyên khoa để các cháu có thể tận hưởng được các kỹ thuật y tế tốt nhất.

Thêm nữa là liên kết hệ thống ở tuyến dưới với đề án 1816, đề  án BV vệ tinh. Đề án của các BV trong chỉ đạo tuyến để giúp các đồng nghiệp tuyến dưới có đủ khả năng để chăm sóc các bệnh thông thường mà hiện nay bệnh viện đã chuyển giao được.

Một giải pháp cũng rất quan trọng nữa mà ông Hải chia sẻ là làm công tác truyền thông, bằng các bài viết, thông tin về dịch bệnh, các bệnh thông thường có thể đưa lên website của bệnh viện.

Thông qua đó, người dân và phụ huynh có thể tiếp cận và hiểu thêm về tình trạng bệnh, tránh hoảng loạn khi có bệnh mới xuất hiện hoặc bệnh dịch xuất hiện.

Cũng tại buổi tọa đàm, Giám đốc BV Việt Đức Nguyễn Tiến Quyết khẳng định: BV Việt Đức cam kết không có bệnh nhân phải nằm ghép nữa. Đây là thực hiện chính cho mình chứ không chỉ cho ai khác. Sắp tới, BV đưa vào sử dụng mới 350 giường. Ngoài ra còn 1.000 giường nữa đang được xây dựng tại cơ sở 2 tại Hà Nam.

Tuy nhiên, ông Quyết cũng băn khoăn về nơi mà BV tuyến trên chuyển bệnh nhân về có đảm bảo điều kiện điều trị tiếp hay không?

Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Xuyên cho rằng, khi chuyển bệnh nhân, chắc chắn các bác sỹ có đủ cơ sở để bệnh nhân có thể yên tâm, nhất là trong bối cảnh hiện nay, nhiều nơi đã trang bị được thiết bị thông tin trực tuyến Telemedicin.
Tháng 01/2013, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án giảm quá tải bệnh viện (giai đoạn 2013-2020) với mục tiêu từng bước giảm tình trạng quá tải bệnh viện ở hai khu vực khám bệnh và điều trị nội trú; cơ bản khắc phục tình trạng nằm ghép vào năm 2015.
Vì vậy, Bộ Y tế xác định là nhiệm vụ hàng đầu trong bảy nhiệm vụ trọng tâm của toàn ngành. Mới đây, 14 bệnh viện đã ký cam kết chấm dứt tình trạng bệnh nhân nằm ghép, đảm bảo 1 bệnh nhân/giường bệnh, chậm nhất sau 48 giờ nhập viện.

Nam Anh

Bình luận
vtcnews.vn