Giảm 3-5% thuế TNDN là "cứu cánh" DN thời lạm phát?

Kinh tếThứ Năm, 31/03/2011 04:26:00 +07:00

(VTC News) - Trong giai đoạn kinh tế suy giảm như hiện nay, nếu chính phủ giảm 3 - 5% thuế thu nhập DN thực sự là “cứu cánh” thiết thực nhất với DN.

(VTC News) - Đại diện nhiều doanh nghiệp cho rằng, trong giai đoạn kinh tế suy giảmnhư hiện nay, nếu chính phủ giảm 3 - 5% thuế thu nhập DN thực sự là “cứu cánh” thiết thực nhất với DN.

Nguồn tài chính dôi dư từ việc giảm thuế TNDN sẽ được quay vòng tái sản xuất, kinh doanh (?).
Theo Thứ trưởng Bộ tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn tuyên bố trên các phương tiện thông tin đại chúng, trong giai đoạn hiện nay chính phủ chưa có chủ trương cho việc giảm thuế thu nhập doanh nghiệp tuy nhiên không vì vậy mà các DN thôi “hy vọng”.

Anh Trần Đình T, giám đốc một công ty Vận tải biển, cho biết: “Giá xăng, điện, ngoại tệ... liên tục biến động thời gian qua khiến DN chúng tôi đau đầu. Các bạn hàng, đối tác của chúng tôi cũng đối mặt với bão giá, tiền hàng nợ hoặc thanh toán chậm… tất cả tạo thành vòng lẩn quẩn bó chân nhau”. Anh chia sẻ thêm, việc giãn, giảm thuế TNDN với các DN hiện nay thực sự là có ý nghĩa vì nó giúp DN có thêm nguồn vốn để tái đầu tư, sản xuất.

Cùng chung quan điểm, ông Nguyễn Ngọc K – Công ty CPTM N.A cho rằng: “Được giảm thuế thì DN nào cũng mong muốn nhưng xét một cách công bằng, giảm thế nào để đảm bảo có lợi cho DN và Nhà nước không thất thu mới là vấn đề phải bàn. Đứng trên quan điểm người nộp thuế, tôi chỉ mong có một chính sách rõ ràng, minh bạch để việc đóng thuế của mình thực sự có ý nghĩa”. 

Trong khi Bộ Tài chính đang giao cho Vụ Chính sách thuế chủ trì và lấy ý kiến của các DN về vấn đề trên, giới doanh nhân đã xôn xao đề tài này từ tháng 2. Nhiều ý kiến cho rằng, giảm 3% hay 5% vào giai đoạn kinh tế suy giảm  như hiện nay là một sự “cứu cánh” thiết thực nhất của Chính phủ với DN. Quan trọng hơn cả là cách tính giảm như thế nào để đảm bảo cân bằng cho quyền lợi DN và ngân sách quốc gia.

Anh Hùng, giám đốc Công ty máy tính S.V lập luận: “Nên giảm thuế TNDN trong năm nay vì với tình hình khó khăn hiện nay, nếu không giảm DN thật sự bị áp lực quá lớn về mặt tài chính. Không những thế, mỗi DN dù nhỏ hay vừa đều phải duy trì một lượng nhân công nhất định và phải đảm bảo công ăn việc làm, tiền lương cho họ”.

Theo anh Hùng, mức thuế đã giảm nên là 15% đến 20% và không nhất thiết phải thực hiện theo cả năm mà chia ra làm nhiều giai đoạn cho phù hợp với thực tế. Có thể chia ra nhiều giai đoạn giãn, giảm thuế như 2 quý đầu năm, 2 quý cuối năm hoặc 3 quý… Nguồn tài chính dư dôi sẽ ngay lập tức được các DN sử dụng tái đầu tư sản xuất, kinh doanh, các chương trình khuyến mãi phục vụ người tiêu dùng.

Cũng có ý kiến cho rằng, chính sách khen thưởng thuế hiện nay còn chưa linh hoạt. Nếu DN đóng thuế tốt trong 2 năm liên tục cũng nên có hình thức thưởng trực tiếp bằng cách giảm % thuế phải đóng cho năm tiếp theo. Như vậy, sẽ khuyến khích việc họ chấp hành đúng nghĩa vụ và tránh tình trạng gian lận thuế.

Năm 2009, Chính phủ đã thực hiện việc giãn, giảm thuế TNDN từ 28% xuống còn 25%. Năm nay, theo ý kiến của Thứ trưởng Bộ tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn: phát biểu trên Vnexpress: "Nhà nước phải giải quyết các vấn đề bất cập liên quan đến giá điện, than, xăng dầu... nên tháng 3 vừa qua đã có điều chỉnh giá một số mặt hàng. Việc tăng giá là không thể đừng vì ngân sách và DN không còn đủ sức chịu đựng. Vấn đề liên quan đến giá cả là khó khăn chung của cả người dân và DN. Việc giãn thuế TNDN trong thời điểm hiện nay là không hợp lý".

Theo tin từ VnExpress thì ngày 30/3, Chính phủ đã đã đồng ý gia hạn nộp thuế thu nhập cho các doanh nghiệp nhỏ, vừa và siêu nhỏ trong vòng một năm, theo đề nghị của Bộ Tài chính. Theo đó, số thuế được gia hạn nộp là thuế thu nhập doanh nghiệp tạm tính hằng quý và số thuế quyết toán cả năm 2011, bao gồm cả số thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2010 chuyển sang.  

Cụ thể, số thuế tính tạm nộp quý I/2011 được gia hạn nộp thuế chậm nhất đến ngày 30/4/2012. Số thuế quý II/2011 được gia hạn nộp thuế chậm nhất 30/7/2012. Quý III được gia hạn chậm nhất 30/10/2012. Còn quý IV gia hạn chậm nhất 31/3/2013. 

Hiện nay, doanh nghiệp được coi là vừa và nhỏ là những đơn vị sản xuất, kinh doanh động lập có vốn đăng ký không quá 10 tỷ đồng hoặc số lao động trung bình hàng năm không quá 300 người. Doanh nghiệp có số nhân lực dưới 10 người gọi là siêu nhỏ. Còn doanh nghiệp có từ 10 đến 49 nhân công được coi là doanh nghiệp nhỏ.

Đối với các doanh nghiệp hoạt động theo nhiều ngành nghề, nhiều lĩnh vực thì số thuế được giãn nộp, không bao gồm số thuế tính trên phần thu từ hoạt động kinh doanh bất động sản, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán. Ngoài ra, phần thu từ hoạt động kinh doanh các mặt hàng nhập khẩu không thuộc diện hàng tiêu dùng không thiết yếu cũng không giãn thuế.

 

Theo ước tính của Bộ Tài chính, số tiền dành cho đợt giãn thuế này vào khoảng 7.000 tỷ đồng. Số đơn vị nằm trong diện có thể được giãn thuế vào khoảng 200.000 trên tổng số 360.000 doanh nghiệp nhỏ và vừa đang hoạt động tại Việt Nam.

Hoài Nam


Bình luận
vtcnews.vn