Giải quyết sớm, đâu phải 10 năm ông Chấn mới được giải oan?

Thời sựThứ Ba, 07/10/2014 06:55:00 +07:00

(VTC News) – Đại biểu Quốc hội cho rằng nếu các cơ quan sớm giải quyết khiếu nại, tố cáo của ông Nguyễn Thanh Chấn thì không xảy ra oan sai 10 năm qua.

(VTC News) – Đại biểu Quốc hội cho rằng nếu các cơ quan sớm giải quyết khiếu nại, tố cáo của ông Nguyễn Thanh Chấn thì không xảy ra oan sai 10 năm qua.

Ngày 7/10, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã nghe Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao báo cáo về "giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân năm 2014".

Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh cho biết: Trong năm 2014, số lượt công dân đến các cơ quan hành chính Nhà nước để khiếu nại, tố cáo giảm 1,8% so với năm 2013 nhưng số đoàn đông người tăng 12,1%; số đơn thư khiếu nại, tố cáo giảm 3,39%; số vụ việc khiếu nại tố cáo thuộc thẩm quyền giảm 9,54%. Có 39/63 địa phương số lượng các đơn khiếu nại tố cáo giảm.
Ông Nguyễn Thanh Chấn đã trở về nhà sau 10 năm ngồi tù oan sai
Ông Nguyễn Thanh Chấn đã trở về nhà sau 10 năm ngồi tù oan sai 
“Số lượt đoàn đông người tiếp tục tăng, có đoàn lên tới vài trăm người với thái độ bức xúc, gay gắt. Cá biệt có một số đoàn căng khẩu hiệu, biểu ngữ, nhiều ngày tập trung trước cổng Trụ sở các cơ quan Trung ương, trước nhà riêng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước để đưa đơn, yêu cầu được tiếp và giải quyết”, Tổng Thanh tra Chính phủ nêu ra thực tế.

Đáng chú ý, một số đối tượng xúi giục, kích động, lôi kéo công dân khiếu nại đông người có hành vi quá khích, gây rối, làm ảnh hưởng đến an ninh trật tự.
 
Lý giải nguyên nhân của những vụ việc nêu trên, ông Tranh cho rằng do trình độ, năng lực, ý thức trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức còn hạn chế, chưa thực hiện đầy đủ chức trách, nhiệm vụ làm ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của công dân.

“Công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo còn tình trạng đùn đẩy, né tránh, chuyển đơn lòng vòng, giải quyết chưa hết thẩm quyền”, người đứng đầu Thanh tra Chính phủ nêu thực tế.

 

Tôi lấy ví dụ vụ ông Chấn, nếu chúng ta giải quyết khiếu nại từ năm đầu thì đâu phải đến 10 năm sau ông Chấn mới được giải oan
Đại biểu Đỗ Văn Đương
 
Ông Tranh đánh giá thủ trưởng cơ quan hành chính nhà nước ở một số địa phương chưa làm hết trách nhiệm theo quy định của pháp luật. Đội ngũ cán bộ tiếp dân, giải quyết khiếu nại tố cáo ở địa phương còn thiếu, không tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ.


Đóng góp tại phiên thảo luận, Chủ tịch Hội đồng dân tộc của Quốc hội Ksor Phước cho rằng, số vụ khiếu nại, lượt tiếp công dân có số người giảm, nhưng số đoàn tăng lên là hết sức chú ý.

"Phải đánh giá lại chỗ này. Có vấn đề về tinh thần trách nhiệm, ý thức với nhân dân. Án tồn động chưa giải quyết được 50% trong khi việc này liên quan đến quyền công dân. ", ông Phước nói.

Trước tình hình dân đến khiếu nại tố cáo giảm tại địa phương, nhưng lại tăng lên ở Trung ương, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đặt câu hỏi: "Vậy đánh giá trách nhiệm của người đứng đầu, công chức giải quyết khiếu nại tố cáo như thế nào trong khi báo cáo chưa đề cập đến trách nhiệm!”.

"Dân vất vả lắm! Nắng mưa, bà con đi lên đi xuống, vậy trách nhiệm của cán bộ thế nào?”, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nói.
Ông Đỗ Văn Đương, Ủy viên thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội
Ông Đỗ Văn Đương, Ủy viên thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội 
Góp ý tại phiên thảo luận, ông Đỗ Văn Đương, Ủy viên thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho rằng việc năm nay giải quyết khiếu nại tố cáo lại giảm sâu so với cùng kỳ thì cần phải chỉ rõ nguyên nhân do đâu.

“Phải chăng vì không quan tâm, thiếu cán bộ, hay là không có quyền gì nên chỉ chuyển đơn lòng vòng. Đây là một thực tế. 5.000 cái đơn tồn đọng kia các đồng chí không phân biệt được đơn nào giải quyết đúng, đơn nào giải quyết  sai”, đại biểu Đỗ Văn Đương nói.

Vị đại biểu này cũng cho rằng những án cũ xảy ra nhiều năm nhưng các cơ quan giải quyết vẫn để đấy. Ông lấy ví dụ trường hợp công dân Hoàng Vĩnh Hiệp, khiếu kiện 15 năm nhưng chưa được giải quyết.

“Chúng tôi cũng đã chuyển đơn nhưng không giải quyết. Cơ quan nào trả lời cũng bảo là giải quyết đúng rồi. Vậy liên ngành phải họp lại với nhau xem giải quyết thế nào”, ông Đương kiến nghị.

Vì vậy, Quốc hội cần phải rà soát tất cả các vụ việc oan sai, bức xúc kéo dài để giải quyết dứt điểm.

Bên cạnh đó, ông Đương cũng đề cập đến trách nhiệm của người giải quyết sai dẫn tới người ta khiếu nại cần phải được xử lý nghiêm.

“Tôi lấy ví dụ vụ ông Chấn, nếu chúng ta giải quyết khiếu nại từ năm đầu thì đâu phải đến 10 năm sau ông Chấn mới được giải oan”, ông Đương nói.

Vị ủy viên thường trực Ủy ban Tư pháp nêu thực tế hiện nay, ở một số cơ quan người nhận đơn khiếu nại, tố cáo lại không có quyền.

“Vì không có quyền nên thường bố trí các anh em có năng lực kém. Tại sao người có năng lực lại không vào khâu này. Phải chăng vì không có tiền?. Do đó, vấn đề ở chỗ chủ quan người thực hiện chứ không phải do cơ chế pháp luật”, ông Đương đặt ra câu hỏi.

Bên cạnh đó, vị đại biểu này cũng kiến nghị Quốc hội phải đưa ra cơ chế giải quyết dứt điểm tình trạng khiến kiện kéo dài khi các cơ quan pháp luật đã giải quyết đúng.

“Trong năm tới, Quốc hội nên ra nghị quyết về giải quyết khiếu nại tố cáo, giao trách nhiệm cho từng ngành để xử lý”.

Phạm Thịnh
Bình luận
vtcnews.vn