Giải quyết khiếu nại tố cáo: Sợ trách nhiệm, đùn đẩy, bảo thủ

Thời sựThứ Bảy, 20/09/2014 07:50:00 +07:00

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng các địa phương giải quyết khiếu nại, tố cáo còn sợ trách nhiệm, bảo thủ sợ động chạm đến cấp trên.

“Trách nhiệm các đồng chí giải quyết sao đẩy hết lên trên này được. Còn có việc sợ trách nhiệm, bảo thủ mặc dù thấy sai. Các đồng chí không nên lo bây giờ giải quyết thì động chạm đến các ông bí thư, chủ tịch trước đây. Đúng sai phải rõ ràng, phải trái phân minh, nghĩa tình trọn vẹn”, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo.

Cán bộ yếu - cho tiếp công dân


Sáng 19/9, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị triển khai thực hiện Chỉ thị 35-CT/TƯ của Bộ Chính trị; Luật Tiếp công dân; Nghị định số 64/2014 của Chính phủ.

 
Theo báo cáo của Thanh tra Chính phủ (TTCP), tình hình khiếu nại, tố cáo (KNTC) năm 2014 có xu hướng giảm so với 2013. Số lượt công dân đến cơ quan hành chính nhà nước để KNTC giảm 1,8%. Số đơn thư KNTC giảm 3,39%.

Tuy nhiên, số lượt đoàn KNTC đông người tiếp tục tăng 12,1% so với năm 2013, có đoàn lên tới vài trăm người với thái độ bức xúc, gay gắt, nhiều lần tập trung lên T.Ư. Đơn cử như đoàn công dân tại Văn Giang (Hưng Yên) với 400 người, đoàn của xã Quảng Chính, huyện Hải Hà, (Quảng Ninh) 110 người, đoàn ở phường Dương Nội (Hà Đông, Hà Nội) 250 người, đoàn ở xã Ninh Hiệp (huyện Gia Lâm, Hà Nội) 320 người…

 

Phải sắp xếp, bố trí cán bộ đủ năng lực, phẩm chất làm công tác tiếp công dân. Yêu cầu cán bộ tiếp dân có cá tính nhẹ nhàng, phong cách lịch sự, biết tôn trọng lắng nghe người dân.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc
 
Kết quả giải quyết KNTC cho thấy, năm 2014, các cơ quan hành chính nhà nước đã giải quyết được gần 38.000/44.000 vụ việc, đạt tỷ lệ 84,9%. Tuy nhiên, TTCP cho rằng, chất lượng giải quyết KNTC ở một số địa phương chưa cao, còn có sai sót trong trình tự, thủ tục, việc giải quyết chậm.

Việc phối hợp trong giải quyết KNTC nói chung và những vụ việc tồn đọng, phức tạp, kéo dài chưa chặt chẽ, một số trường hợp chưa mạnh dạn sửa sai.

Phó Tổng TTCP Nguyễn Đức Hạnh cho rằng, kỷ luật, kỷ cương hành chính “là có vấn đề”. Đó là tình trạng trên nói dưới không nghe trong giải quyết KNTC. Ông Hạnh cho rằng, phải tập trung giải quyết dứt điểm các vụ KNTC, tránh để tích lũy thành các vụ tồn đọng, trong đó yêu cầu tính chủ động của các ngành, các cấp.

“Chúng ta phải coi trọng khâu cán bộ tiếp công dân, đó là những người có tâm, có tầm chứ không phải cán bộ yếu thì bị đẩy vào làm công việc tiếp công dân”, ông Hạnh nói.


Đùn đẩy, sợ trách nhiệm

Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Lê Văn Thi cho rằng, cần tăng cường vận động dân, tuyên truyền cho dân hiểu để tránh những vụ KNTC không đúng, rất tốn thời gian, công sức của người dân và cán bộ, chính quyền. Ông Thi phản ứng với những nhận định cho rằng địa phương không làm hết trách nhiệm.

“Tôi xem VTV thấy lãnh đạo TTCP nhận định rằng các địa phương không giải quyết KNTC hết trách nhiệm. Nói vậy thì dân sẽ không tin địa phương nữa, kéo hết lên T.Ư”, ông Thi nói.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Hà Nhân 

Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh Nguyễn Thị Thu Thủy cho biết, có những dự án 1.600 hộ dân đã đồng thuận nhưng chỉ có 1-2 hộ không đồng tình, gây khó dễ cho chính quyền. Khi được giải thích thì bà con chấp nhận, nhưng về địa phương thì lại bị xúi giục, kéo đi khiếu nại.

“Với đối tượng không chấp hành pháp luật, có hành vi xúi giục, kích động cần bị xử lý nghiêm”, bà Thủy kiến nghị. Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng đồng tình, có dự án giải tỏa 5.000 hộ dân nhưng chỉ có vài chục hộ không chấp thuận, khiếu kiện kéo dài.

“Cần có cơ chế để kết thúc những vụ việc dạng này, vì tỉnh không thể giải quyết đi giải quyết lại, không còn thời gian làm việc khác”, ông Chiến nói.

Tuy nhiên Thứ trưởng Bộ TN&MT Chu Phạm Ngọc Hiển cho rằng, 40% KNTC của công dân có đúng có sai là rất lớn. “Các đồng chí địa phương đừng đổ lỗi hết cho dân, vì 40% này có trách nhiệm của chính quyền. Nếu không tập trung giải quyết tốt 40% này thì không thể ngăn chặn khiếu kiện đông người, vượt cấp”, ông Hiển nói.

Ngoài ra, phải tập trung để hạn chế tình trạng đơn thư vượt cấp, đó là trách nhiệm của các bộ ngành, địa phương chứ không phải trách nhiệm của dân. Muốn không KNTC vượt cấp thì trách nhiệm của cấp nào phải làm hết ở cấp đó, từ cấp xã, huyện. Cùng với đó cần hạn chế chuyển đơn thư lòng vòng, khiến người dân không biết đâu mà lần.

Tổng TTCP Huỳnh Phong Tranh cho rằng, tâm lý của người dân là càng KNTC lên cấp cao thì giải quyết càng nhanh. Đó là do người dân không hiểu, nhưng cũng có nguyên nhân cấp dưới giải quyết chưa tốt, thậm chí đùn đẩy, né tránh. Tới đây TTCP sẽ tăng cường thanh tra, giám sát trách nhiệm giải quyết KNTC của các cấp, ngành.

Theo TPO
Bình luận
vtcnews.vn