Giải pháp phòng cháy, chữa cháy

Thời sựThứ Ba, 29/09/2015 09:32:00 +07:00

TP.HCM là nơi có nhiều công trình hạ tầng, cơ sở sản xuất đan xen trong khu dân cư, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ rất cao.

TP.HCM là nơi có nhiều công trình hạ tầng, cơ sở sản xuất đan xen trong khu dân cư, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ rất cao.

 
Trong thời gian qua, thành phố đã có nhiều nỗ lực với nhiều giải pháp phòng cháy, chữa cháy để hạn chế thấp nhất các vụ cháy nổ, đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản cho doanh nghiệp, người dân.

Dấu ấn hầm sông Sài Gòn

Đây là công trình hầm dìm đầu tiên được xây dựng tại Việt Nam (quy mô lớn nhất khu vực Đông Nam Á, nối quận 2 với quận 1) bao gồm đường dẫn, hầm vượt sông.

Theo lãnh đạo Trung tâm Quản lý đường hầm sông Sài Gòn, công trình này rất phức tạp, do có đoạn hầm chạy dưới lòng sông nên đã được trang bị hệ thống thiết bị hiện đại về cấp điện chuyển tải điện năng, đèn chiếu sáng (786 đèn chiếu sáng chính), cáp động lực, thông gió (trạm lọc bụi tĩnh điện, quạt hút)…

Đặc biệt hầm sông Sài Gòn được lắp đặt hệ thống báo cháy thông minh. Theo đó, các cáp quang được đặt dọc theo luồng xe chạy ở độ cao hơn 4,7m so với mặt đường nhằm phát hiện hỏa hoạn; nước chữa cháy được cung cấp từ trạm bơm chữa cháy dung tích 250m3 bố trí trong tháp thông gió phía đông.
Hầm vượt sông Sài Gòn
Chữa cháy ở hầm vượt sông Sài Gòn 
Bơm chữa cháy được điều khiển tự động bởi một bộ phận phát hiện lửa bằng sợi quang học, bảng công tắc hoặc bảng điều khiển từ xa. Chỉ tính riêng hệ thống thoát nước cũng đã bao gồm nhiều thành phần như bể thoát nước, bơm thoát nước, ống và hệ thống vận hành để xả nước mưa, nước chữa lửa, nước vệ sinh hầm.

Nước mưa bên phía quận 1 được dẫn vào hố thu bên đầu hầm còn nước mưa bên đầu hầm phía quận 2 được gom vào bể chứa trong tháp phía đông.

Để đảm bảo an toàn cho công trình UBND Tp. Hồ Chí Minh cũng đã kịp thời ban hành quy chế phối hợp trong công tác đảm bảo an ninh, an toàn giao thông, phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ khi có sự cố, tai nạn xảy ra trong phạm vi công trình đường hầm sông Sài Gòn.

Ngoài ra, lực lượng cán bộ, nhân viên điều hành hầm sông Sài Gòn còn được thường xuyên đào tạo, huấn luyện vận hành và bảo dưỡng.
 
Đơn cử cuối năm 2014, Trung tâm Quản lý đường hầm sông Sài Gòn đã phối hợp cùng Phòng Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy quận 2 tổ chức thực hiện thực tập phương án chữa cháy và cứu nạn - cứu hộ đường hầm sông Sài Gòn tại tháp thông gió phía Tây.

Buổi tập huấn này đã nâng cao nhận thức, hiểu biết các quy định về an toàn cháy nổ cho cán bộ, nhân viên quản lý đường hầm cũng như trang bị những kỹ năng cần thiết ứng phó và xử lý tình huống khẩn cấp liên quan đến cháy nổ như xử lý chập điện, rò rỉ thùng chứa dầu, giải tán khói khí độc tích tụ trong hầm, nhiệt độ đám cháy tăng cao…

Nhờ đó, từ khi đưa vào khai thác đến nay, hầm sông Sài Gòn chưa xảy ra sự cố nào liên quan đến cháy nổ, đảm an toàn giao thông.

Quyết tâm của cả hệ thống chính trị 

Nhận thức được vai trò hết sức quan trọng của công tác phòng chống cháy nổ, trong thời gian qua Tp. Hồ Chí Minh đã triển khai nhiều giải pháp quan trọng; qua đó đã giảm số vụ cháy nổ trên địa bàn.

Đơn cử, trong 9 tháng đầu năm 2015, tình hình cháy trên địa bàn có xu hướng giảm về số vụ so với cùng kỳ năm 2014 (xảy ra 448 vụ cháy, giảm 11,1%). Cùng với đó, số vụ nổ đã giảm 1 vụ, không có thiệt hại về người.

Mới đây, UBND TP.HCM đã hành kế hoạch tăng cường lãnh đạo công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn năm 2015 và những năm tiếp theo nhằm huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và mọi tầng lớp nhân dân tham gia chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ tại các khu dân cư có nguy cơ cháy, nổ cao, các trường học, chợ, trung tâm thương mại, bệnh viện, chung cư cao tầng, cơ sở sản xuất, kinh doanh; đồng thời nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; kiên quyết không để xảy ra cháy lớn gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản, góp phần bảo vệ vững chắc an ninh chính trị, trật tự xã hội.

Để thực hiện nhiệm vụ này, UBND thành phố giao Công an, Bộ Tư lệnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng phối hợp Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy tổ chức diễn tập cơ chế vận hành khi xử lý các tình huống chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ phức tạp, đặc biệt là các tình huống tập trung đông người, trong trường hợp xảy ra thiên tai và trong các công trình đặc thù về nguy hiểm cháy, nổ cao như nhà cao tầng, tầng hầm, đường hầm, công trình ngầm,...

Thành phố yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư quy hoạch các ngành, nghề, lĩnh vực kinh doanh, sản xuất có nguy cơ cháy, nổ cao; giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc quy hoạch hoàn chỉnh hệ thống cấp nước phục vụ chữa cháy và giao thông phục vụ chữa cháy, thoát nạn.

Đối với Sở Giao thông vận tải, UBND thành phố yêu cầu thực hiện các dự án lắp đặt mới hệ thống trụ nước chữa cháy; triển khai các bến, điểm cho xe, máy bơm chữa cháy lấy nước trên các đường giao thông dọc theo bờ sông, kênh, rạch.

Trong khi đó, Sở Xây dựng có trách nhiệm kiểm tra quy định về an toàn phòng cháy, chữa cháy và thoát nạn tại các công trình đang thi công xây dựng mới và cải tạo, sửa chữa; bảng quảng cáo có kích thước lớn; Sở Công Thương tăng cường quản lý các cơ sở, loại hình sản xuất, tồn trữ, sử dụng, kinh doanh hóa chất, chất tiền chế thuốc nổ, các cơ sở kinh doanh, tồn trữ xăng dầu, khí đốt hóa lỏng.

Đối với Sở LĐ-TB&XH, UBND thành phố đề nghị tăng cường huấn luyện về an toàn lao động, quản lý chặt chẽ người lao động làm việc trong khu vực, môi trường có nguy cơ cháy, nổ cao như hàn xì, các thiết bị áp suất cao, làm việc trên cao, trong môi trường phát sinh nhiều bụi, khí dễ cháy, nổ...

Đặc biệt, UBND TP.HCM đã chỉ đạo các quận huyện phải rà soát, thống kê các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có nguy cơ về cháy, nổ, ô nhiễm môi trường, hóa chất độc hại nằm xen cài trong khu dân cư; nhân rộng mô hình “Cụm dân cư an toàn về phòng cháy và chữa cháy”, “Cụm đơn vị, doanh nghiệp an toàn về phòng cháy và chữa cháy”.

Trong lĩnh vực của mình, Công an thành phố được giao nhiệm vụ kiên quyết xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm pháp luật về phòng cháy và chữa cháy, có dấu hiệu tội phạm và những vụ cháy, nổ gây thiệt hại nghiêm trọng về người, tài sản.

Bài viết phục vụ Dự án “Tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về an toàn lao động, vệ sinh lao động năm 2015”

Tình Xuân

Bình luận
vtcnews.vn