Giải mã ngọn đồi “quái dị” và ngôi miếu cứ xây lại đổ

Phóng sự - Khám pháThứ Bảy, 31/07/2010 06:00:00 +07:00

VTC News) - Tôi vạch rừng tìm lên ngọn đồi. Vừa đến chỗ bức tường đất của cái bếp, tôi chợt lạnh người khi thấy những tiếng “phành phạch”, rồi “éc éc”…

(VTC News) - Vừa đến chỗ bức tường đất của cái bếp, tôi chợt lạnh người khi thấy những tiếng “phành phạch”, rồi “éc éc”… Hàng chục con chim rất lớn, đen xì bay túa lua lên trời. Có lẽ ngôi nhà hoang đã biến thành nơi bọn quạ, chim lợn trú ngụ.


Sau khi VTC News đăng bài “Tổ ong thần bí trong thân cây và nọc độc kinh người”, thì nhận được một số ý kiến phản hồi của độc giả. Trong đó, đáng chú ý là 2 phản hồi của TS Phạm Hồng Thái (Trung tâm nghiên cứu Ong và Nuôi ong nhiệt đới; giảng viên Bộ môn Côn trùng, Khoa Nông học, ĐH Nông nghiệp Hà Nội) và ông Nguyễn Quý Bắc, người sống ngay dưới chân đồi sau làng Bích Nham.

Qua hình ảnh trên báo, TS Phạm Hồng Thái cho rằng, đây là loài ong ăn thịt (Wasp) có tên khoa học là Vespa bicolor, thuộc họ Vespidae. Ở nước ta, chúng có mặt tại vùng ven biển, các đảo. Tại Vân Đồn (Quảng Ninh), chúng thường tới gặm cá phơi của dân chài nên được người dân gọi là ong cá. Loài ong này rất hiếm gặp ở vùng trung du và miền núi.

Đây là loài ong Vespa bicolor. 

Đây là loài ong trong bọng cây lách dưới chân đồi Nham. 

Ông Nguyễn Quý Bắc thì thông tin qua điện thoại rằng, ở ngọn đồi Bích Nham còn có nhiều chuyện kỳ bí, quái đản hơn tổ ong đó nhiều. Thôi thì đủ chuyện quái dị đậm màu sắc dị đoan, ông Bắc kể đến cả tiếng đồng hồ không xong. Cũng vì những chuyện quái dị xung quanh ngọn đồi, nên người dân không ai dám bước chân lên ngọn đồi đó, thậm chí, một số nhà ở sát chân đồi cũng… bỏ hoang. Vậy là, tôi lại tìm đường về làng Bích Nham (An Đức, Chí Linh, Hải Dương).
Bà Mức là người trông nom, quét dọn "ngôi miếu cứ xây là đổ". 

Đón chúng tôi tại ngôi nhà mới xây, mặt tiền là đường làng, nhưng sau lưng cách đồi Nham không xa, ông Bắc chỉ cho tôi xem mấy ngôi nhà sát chân đồi không có người ở. Ngay cả ngôi nhà cũ nát nằm ngay chân đồi, sau lưng nhà ông, cũng đóng cửa để đó, không có ai ở từ nhiều năm nay. Theo ông Bắc, ngôi nhà đó là do bố mẹ ông xây. Ông sinh ra, lớn lên ở ngôi nhà đó. Tuy nhiên, khi bố mẹ mất, vợ chồng ông lập tức bỏ hoang, không ở nữa, xây ngôi nhà mới tránh xa chân đồi. Lý do rất nhiều ngôi nhà sát chân đồi bị bỏ hoang mang màu sắc mê tín dị đoan đậm đặc.

Ngọn đồi Bích Nham chỉ rộng chừng 7 héc-ta, không cao lắm. Đứng từ xa nhìn lại, như nấm đất mọc ở sau làng. Tuy nhiên, tre pheo rậm rạp, cây cối chen chúc, cỏ mọc lút gối, cứ như thể rừng rậm.

Theo lời ông Bắc, tổ tiên ông truyền lại rằng, trong lòng quả đồi này, có rất nhiều mồ mả của người Trung Quốc. Họ đã lập mộ, giấu vàng, rồi yểm bùa, nên hễ ai xâm phạm quả đồi, dù đào đất, chặt cây, hái quả, lấy củi, hay chỉ đơn giản là tè bậy trên đồi… lập tức gặp thảm họa.
Ít người dám bước chân lên đồi Nham rậm rạp.  

Những câu chuyện về núi cấm, rừng cấm, tôi đã gặp rất nhiều ở miền núi. Ở một số bản làng người Nùng, La Chí, Pu Péo, Hà Nhì, Dao… thường có những khu rừng cấm, là nơi không ai dám vào trừ ngày lễ hội, không ai dám lấy bất cứ thứ gì thuộc về rừng cấm, dù là củi khô, cây măng. Tuy nhiên, chuyện về ngọn đồi như vậy ở vùng Hải Dương, nơi chỉ có ít núi đồi nổi lên giữa đồng ruộng, lại toàn người Kinh sinh sống, thì quả là chuyện lạ.

Ông Nguyễn Quý Bắc liệt kê hàng loạt ví dụ về những người từng chặt cây, đào đất trên đồi. Người thì chết bất đắc kỳ tử, người bị tâm thần bấn loạn, người thì đêm nào cũng bị… ma dựng cả giường! Người mới nhất là anh H., chỉ vì đào ít đất ở chân đồi về lấp nền nhà, mà thời gian sau, vợ con ly tán, anh cứ dở dở hâm hâm, giờ bỏ nhà theo đám làm than thổi phỉ, ít khi thấy về nhà… Chuyện hai cậu thanh niên tên Thể và Khương trèo cây trên đồi, bị ong đốt, đau nhức suốt mấy năm trời, cũng là một dẫn chứng khiến lời đồn càng thêm khủng khiếp.
Ngôi nhà bỏ hoang, đổ nát trên đồi Nham. 

Cách đây vài năm, cả làng Bích Nham còn rộ lên tin đồn khi rất nhiều người kể lúc nhập nhoạng tối, nhìn thấy lợn mẹ và đàn lợn con chạy tuột lên đồi, đuổi theo thì cả đàn chợt mất hút, không thấy con nào nữa. Rồi người làng Bích Thủy ở bên kia cánh đồng quả quyết rằng, thi thoảng nhìn sang đồi Nham, thấy ngọn đồi bỗng dưng rực sáng!

Chuyện đồn đại khiếp hãi đến mức, người dân trong làng dù dựng nhà dưới chân đồi, khoan giếng lấy nước, cũng cúng bái ghê lắm, vì họ sợ làm “động” đến đồi thiêng.

Có một câu chuyện khá sống động về gia đình anh Q. Anh Q. ở làng cạnh, vì mâu thuẫn gia đình, đã bỏ lên đồi Nham dựng nhà ở. Mặc dù nghe người dân trong làng cảnh báo, song anh Q. vẫn không sợ. Tuy nhiên, nhà xây xong, thì không biết bao nhiêu chuyện kỳ quái xảy ra với gia đình anh. Kỳ quái nhất là những khóm tre do anh trồng, cứ mọc lên được vài mét là lại rủ đầu mọc quay xuống đất. Không ở được, anh Q. đưa vợ con bỏ đi, để hoang ngôi nhà. Đi được vài hôm, thì ngôi nhà cứ vỡ từng mảng đổ xuống.
Ông Trung là người 2 lần thất bại trong việc xây miếu. 

Tôi đã vạch những bụi cây, lần từng bước lên ngọn đồi rậm rạp và phát hiện ra những bức tường còn lại của ngôi nhà hoang mà gia đình anh Q. từng ở. Vừa đến chỗ bức tường đất của cái bếp, tôi chợt lạnh người khi thấy những tiếng “phành phạch”, rồi “éc éc”… Hàng chục con chim rất lớn, đen xì bay túa lua lên trời. Có lẽ ngôi nhà hoang đã biến thành nơi bọn quạ, chim lợn trú ngụ. Càng đi vào sâu trên đồi, càng thấy rậm rạp, ẩm ướt và cảm giác ghê ghê. Bà Mức bảo: “Thôi, đừng vào nữa, trong này lắm rắn độc lắm”. Tôi chẳng sợ ma quỷ,  nhưng nhắc đến rắn độc thì đôi chân như chùn lại.

Dẫn chứng thuyết phục, gây khiếp sợ nhất cho dân trong làng chính là ngôi miếu dưới gốc đa. Bà Tăng Thị Mức  là người trông nom, quét dọn ngôi miếu hàng ngày. Nói là ngôi miếu, chứ thực sự, chỉ có mỗi cái móng. Bà Mức bảo, dân làng đã 3 lần xây miếu, song cứ xây là đổ. Người 2 lần dựng miếu, đổ cả 2 lần là ông Nguyễn Văn Trung.

Nhà ông Trung cách gốc đa cổ thụ và “ngôi miếu cứ xây là đổ” không xa lắm. Là người giỏi xây xướng, lại có tấm lòng thiện, nên ông Trung được dân làng giao nhiệm vụ xây miếu cho làng.
Hai lần xây dựng ngôi miếu, song thứ còn lại chỉ là cái móng. 

Theo bà Mức, nhiều cô đồng, thầy cúng bảo ngọn đồi này thiêng, lắm thần thánh, mà dân làng lại không chịu thờ cúng, nên không phát lên được. Chính vì lẽ đó, dân làng quyết định xây dựng miếu thờ.

Từ thời xa xưa, dưới gốc cây đa có một tấm đá bằng phẳng như mặt bàn, rộng chừng 6 mét vuông. Tuy nhiên, qua hàng trăm năm, cây đa đã thả rễ, mọc trùm kín bàn đá đó. Toàn bộ hệ thống gốc đa lớn đến nỗi, cả trăm người ôm mới xuể. Tuy nhiên, thời Pháp, không hiểu sao những gốc đa cứ mục ruỗng rồi chết, giờ chỉ còn lại một gốc chính và một gốc phụ. Một phần cái bàn đá đó đã nằm dưới gốc chính của cây đa.

Hồi năm 50 của thế kỷ trước, các cụ đã dựng ngôi miếu trên cái bàn đá, dưới gốc cây đa này, nhưng xây xong, thì miếu tự dưng đổ luôn. Thầy cúng bảo, do đất bị yểm bùa, không thể xây cái gì trên ngọn đồi được, nên các cụ không xây tiếp nữa.

Người dân không dám xây miếu nữa, mà đặt bát hương, dựng tượng dưới gốc cây đa để thờ cúng. 

Người được giao nhiệm vụ xây dựng là ông Nguyễn Văn Trung. Ngôi miếu rộng chừng 30 mét vuông, xây đè lên chiếc bàn đá. Tuy nhiên, vừa hoàn thiện hôm trước, hôm sau tự dưng ngôi miếu đổ ập. Toàn bộ ngôi miếu biến thành một đống gạch vụn, nát hết cả, cứ như thể bị trúng bom.

Thấy ngôi miếu vừa xây đã đổ, dân làng đổ oan cho ông Trung ăn làm ăn giả dối, ăn bớt vật liệu, rồi thì dùng vật liệu dỏm. Ông Trung cũng không hiểu vì sao ngôi miếu lại đổ một cách dễ dàng như vậy.

Thời gian ngắn sau, dân làng tiếp tục xây lại miếu, và giao trách nhiệm xây dựng cho vài người nữa. Ngôi miếu được xây dựng lại trên nền cũ. Các loại vật liệu đều được thẩm tra kỹ lưỡng, kỹ thuật xây dựng cũng được giám sát chặt chẽ. Tuy nhiên, đến ngày hoàn thiện ngôi miếu, toàn bộ ngôi miếu lại đổ ập trước mắt mấy chục người. Riêng chiếc cột ông Trung đang ngồi thì không đổ. Từ đó, dân làng không dám xây miếu nữa, nhưng cứ để cái móng đó, rồi lập mấy bát hương, dựng tượng và gò mấy tấm tôn để che mưa nắng cho pho tượng.

Từ những câu chuyện nửa thực, nửa hư như thế, những lời đồn đại về quả đồi linh thiêng, thần bí lại càng kinh khủng, khiến chẳng ai dám bước chân lên ngọn đồi sau làng Bích Nham này nữa. Ngọn đồi và khu rừng sau làng Bích Nham trở thành ngọn đồi cấm, khu rừng cấm giữa vùng đồng bằng.

Tất cả đều là dị đoan, lừa đảo 
Trao đổi với ông Vũ Thế Khanh, Tổng giám đốc Liên hiệp UIA, ông Khanh cho rằng, những hiện tượng kỳ bí, lạ lùng kiểu như ngọn đồi ở làng Bích Nham có rất nhiều. Chẳng hạn như "ngôi làng cháy" ở Quảng Nam,  "khu vườn kỳ lạ" ở Long An, rồi ngôi "làng ma ám" ở Bắc Giang, một số loại vật nuôi cứ tự dưng lăn ra chết... còn kỳ dị hơn nhiều. Tuy nhiên, ông đã tổ chức nghiên cứu, tất cả chỉ là đồn đại, dị đoan, thậm chí do một số người dựng lên, lừa đảo cho vui, hoặc tìm cách trục lợi từ chuyện thêu dệt đó. Những trường hợp đặc biệt xảy ra quanh đồi Nham chẳng qua cũng chỉ là ngẫu nhiên, rồi một số người dân thêm thắt, thêu dệt cho nhuốm màu huyền bí mà thôi. Ông Khanh nói vui: "Người dân trong làng cứ vô tư lên đồi, vô tư sống, chẳng việc gì phải sợ ma quỷ, thần thánh. Nếu trên đời có ma, thì ma sợ người, chứ người chẳng việc gì phải sợ ma".
 
baoveviet.com
Phạm Nguyệt Diễm
Bình luận
vtcnews.vn